Thứ năm, 21-11-2024 - 18:40 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Thương mại không giấy tờ: Giải pháp quan trọng giúp ASEAN củng cố chuỗi cung ứng 

 Thứ ba, 22-3-2022

AsemconnectVietnam - Đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là biến thể có khả năng lây nhiễm nhanh như Omicron, càng cho thấy tầm quan trọng của việc số hóa các thủ tục thương mại. Trước thực tế trên, ASEAN đang đẩy nhanh việc sử dụng thương mại không giấy tờ nhằm giảm thiểu rủi ro, gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra.

Khai thác triệt để Cơ chế một cửa ASEAN
Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) nếu được thực hiện đầy đủ, nó sẽ làm cho thương mại nội khối đơn giản hơn, chi phí thấp hơn, linh hoạt hơn và tăng khả năng cạnh tranh của khu vực. Tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 53 diễn ra năm 2021, các nhà lãnh đạo khu vực đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh hội nhập kinh tế kỹ thuật số. Việc thực hiện đầy đủ ASW sẽ giúp giảm thiểu gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra.
Ví dụ, một cuộc khảo sát cho thấy, 39% các công ty vào năm 2020 đã gặp phải tình trạng chậm trễ trong vận chuyển đường bộ xuyên biên giới do các chốt chặn cũng như kiểm tra và kiểm dịch tài xế xe tải. ASW cho phép các thương nhân và các nhà điều hành kinh tế khác - các nhà vận tải, các công ty hậu cần, giao nhận hàng hóa và các nhà môi giới hải quan - gửi tất cả các tài liệu liên quan đến thương mại dưới dạng điện tử và chỉ một lần cho mỗi lần xuất khẩu hoặc nhập khẩu. Các tài liệu này sau đó được xử lý trên môi trường điện tử bởi các cơ quan quản lý.
ASW cũng sẽ giảm thời gian và chi phí cho cả khu vực công và khu vực tư nhân. Thông tin thương mại của các nước được gửi đến ASW thông qua các cơ chế một cửa quốc gia (NSW), và sẽ được dùng để trao đổi hoặc cung cấp cho tất cả các cơ quan chính phủ có liên quan để xử lý. Điều này giúp doanh nghiệp không cần phải đệ trình nhiều thông tin hoặc tài liệu giống nhau. Câu trả lời của cơ quan có thẩm quyền có thể được trả lại cho người nộp đơn thông qua cùng một điểm nhập dữ liệu. Trong trường hợp không có ASW, một doanh nghiệp phải tiếp cận từng cơ quan quản lý biên giới một cách riêng biệt - thường tại các văn phòng hoặc địa điểm khác nhau - và cung cấp thông tin hoặc tài liệu cần thiết bằng cách sử dụng các biểu mẫu, thủ tục và hệ thống có liên quan. ASW là một bước đệm cho chuỗi cung ứng khu vực hiệu quả hơn.
Theo Ban Thư ký ASEAN, tất cả các nước ASEAN đã tham gia hoạt động trực tiếp của ASW, vào năm 2020 cho phép hơn 800.000 trao đổi điện tử chứng nhận xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan giữa các nước thành viên theo Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA). ASEAN cũng đang tìm cách mở rộng các loại thông tin liên quan đến thương mại được trao đổi. Năm nước ASEAN là Campuchia, Myanmar, Singapore, Malaysia và Thái Lan đã trao đổi chứng từ khai báo hải quan thông qua ASW. Năm quốc gia ASEAN khác dự kiến sẽ tham gia vào năm nay.
Tạo thuận lợi thương mại bền vững
Chỉ thị làm việc tại nhà (work from home) xuất phát từ các biện pháp kiểm soát Covid-19, có nghĩa là một số cơ quan quản lý trong các bộ thương mại, y tế hoặc nông nghiệp phải cung cấp các dịch vụ công từ các địa điểm khác nhau. Các dịch vụ như vậy có thể không được cung cấp đầy đủ để xử lý các tài liệu giấy do thương nhân nộp. Điều này làm tăng rủi ro, làm gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm và vật tư y tế, vốn ngày càng trở nên thiết yếu hơn.
Khảo sát toàn cầu của Liên hợp quốc về tạo thuận lợi thương mại bền vững và kỹ thuật số năm 2021 cho thấy, ASEAN chưa gặt hái được những lợi ích tiềm năng của thương mại không giấy tờ xuyên biên giới. Các nước thành viên của nhóm đang trong các giai đoạn khác nhau trong việc thực hiện NSW và các biện pháp thương mại không giấy tờ xuyên biên giới. Thứ nhất, trong khi NSW ở các nước ASEAN đã được thành lập, một nửa trong số đó vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Lào đang trong giai đoạn lập kế hoạch; Campuchia, Myanmar, Philippines và Việt Nam mới chỉ thực hiện một phần NSW. Trong khi đó, Brunei, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan đã thực hiện đầy đủ NSW. Việc liên kết các NSW của các quốc gia ở các mức độ phát triển khác nhau vẫn là một thách thức để ASEAN có được ASW một cách đầy đủ và toàn diện nhất.
Thứ hai, chưa đến một nửa số nước ASEAN đã xây dựng luật và quy định cho các giao dịch điện tử xuyên biên giới và thành lập các tổ chức chứng thực được công nhận để cấp chứng chỉ số cho các giao dịch điện tử. Hai biện pháp này đã được thực hiện đầy đủ ở Malaysia, Singapore và Thái Lan. Campuchia đã thực hiện đầy đủ các luật và quy định cho các giao dịch điện tử, nhưng vẫn chưa thành lập các tổ chức chứng nhận được công nhận. Sáu nước ASEAN còn lại là Brunei, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines và Việt Nam, đã thực hiện một phần hoặc đang trong giai đoạn lập kế hoạch thực hiện các biện pháp này.
Thứ ba, việc trao đổi điện tử xuyên biên giới các tài liệu liên quan đến thương mại giữa các nước ASEAN vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Tất cả các nước ASEAN đã trao đổi một phần giấy chứng nhận xuất xứ điện tử. Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore và Việt Nam đã trao đổi một phần giấy chứng nhận vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS) để chứng nhận một lô hàng hóa như nông sản không bị nhiễm sâu bệnh hại cây trồng. Các nước ASEAN khác hoặc chưa bắt đầu trao đổi hoặc vẫn đang trong giai đoạn thí điểm, hoặc lập kế hoạch bắt đầu quá trình. Ngoài ra, Campuchia, Myanmar, Singapore và Thái Lan đã trao đổi một phần chứng từ khai hải quan điện tử cung cấp thông tin chi tiết về hàng hóa xuất khẩu hoặc nhập khẩu như số lượng, xuất xứ hàng hóa cho mục đích hải quan.
Để đạt được các biện pháp thương mại không giấy tờ xuyên biên giới liền mạch, ASEAN cần thúc đẩy việc thực hiện ASW. Ngay cả những nước hoạt động mạnh mẽ như Malaysia và Singapore cũng có những lĩnh vực cần cải thiện như trao đổi điện tử chứng chỉ SPS và chứng từ khai báo hải quan. Những nước có thành tích yếu hơn như Campuchia và Lào cần phải có những bước tiến đáng kể để bắt kịp phần còn lại của khu vực. Các nước ASEAN cần tập trung cải thiện luật và quy định cho các giao dịch điện tử xuyên biên giới, đồng thời tìm kiếm các khả năng nâng cao hiệu quả trao đổi điện tử xuyên biên giới như chứng chỉ xuất xứ, chứng chỉ SPS và chứng từ khai báo hải quan. Điều này sẽ đưa ASEAN đi đúng hướng trong việc củng cố chuỗi cung ứng khu vực trong và sau đại dịch.

Nguồn: congthuong.vn/thuong-mai-khong-giay-to-giai-phap-quan-trong-giup-asean-cung-co-chuoi-cung-ung-173610.html
 

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25715916623