Thứ tư, 15-1-2025 - 18:59 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Đáp ứng tiêu chí về quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi từ EVFTA 

 Thứ hai, 26-4-2021

AsemconnectVietnam - EVFTA cho phép một số nhóm hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam sang EU được cộng gộp xuất xứ, chẳng hạn nhóm hàng dệt may được phép cộng gộp nguyên liệu từ Hàn Quốc, Nhật Bản...

Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), quy tắc xuất xứ trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) không hoàn toàn mới, nhưng khá phức tạp vì xây dựng và đàm phán dựa trên quy tắc xuất xứ trong cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Tuy nhiên, áp lực này sẽ khiến doanh nghiệp trong nước cải thiện năng lực sản xuất, chế biến sâu, liên kết xây dựng chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu để đáp ứng quy tắc xuất xứ và hưởng ưu đãi từ FTA mang lại.
Đáng lưu ý, EVFTA cho phép một số nhóm hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam sang EU được cộng gộp xuất xứ. Chẳng hạn nhóm hàng dệt may được phép cộng gộp nguyên liệu từ Hàn Quốc, Nhật Bản do 2 quốc gia này có FTA với EU.
Ngoài ra, nhóm hàng thủy sản được phép cộng gộp, sử dụng mực và bạch tuộc nguyên liệu từ các nước ASEAN để sản xuất mực và bạch tuộc chế biến xuất khẩu sang EU. Đặc biệt, quy tắc xuất xứ cộng gộp đã giúp giảm bớt một phần áp lực về tiêu chí nguyên phụ liệu và gia tăng xuất khẩu sang khu vực này.
Tính từ ngày 1/8/2020 đến ngày 4/4/2021, các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp hơn 127.296 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 4,78 tỷ USD. Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho gần 3.585 lô hàng với trị giá hơn 10,88 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.
Ngoài ra, giá trị hàng hóa được cấp C/O cũng như được chứng nhận xuất xứ vào EU khá lớn cho thấy doanh nghiệp trong nước đã và đang bắt nhịp áp dụng quy tắc xuất xứ trong EVFTA.
Theo Cục Xuất Nhập khẩu, để đồng hành cùng doanh nghiệp, bên cạnh việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thực thi Hiệp định, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng như dệt may, da giày xây dựng chiến lược phát triển.
Cùng với đó, mục tiêu ưu tiên là phát triển nguồn nguyên phụ liệu trong nước, phát triển khâu thiết kế; tăng cường quản lý nhà nước về cấp giấy chứng nhận xuất xứ và chống gian lận xuất xứ hàng hóa.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam cách xử lý, thực hiện và rà soát về kỹ thuật khi có yêu cầu kiểm tra, xác minh xuất xứ từ phía EU đồng thời thành lập các đoàn trực tiếp kiểm tra, xác minh xuất xứ tại cơ sở sản xuất của doanh nghiệp để đảm bảo thực hiện quy tắc xuất xứ và ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ./.

Nguồn: www.vietnamplus.vn/dap-ung-tieu-chi-ve-quy-tac-xuat-xu-de-huong-uu-dai-tu-evfta/707580.vnp
 

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25717264918