Thứ tư, 15-1-2025 - 17:48 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Gỡ rào cản để nông sản Việt tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA 

 Thứ bảy, 29-8-2020

AsemconnectVietnam - Muốn xuất khẩu nông sản có chất lượng sang thị trường EU, DN phải luôn nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng các nước để đổi mới và cải tiến cho phù hợp.

Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8 vừa qua đã mở ra nhiều cơ hội lớn, hội nhập toàn cầu cho các ngành sản xuất của Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu nông sản, một lĩnh vực đầy tiềm năng của đất nước.
Cụ thể, với mặt hàng gạo, từ trước đến nay, EU chưa phải là thị trường truyền thống và trọng điểm, nhưng với mức tiêu thụ gạo và các sản phẩm từ gạo của thị trường châu Âu đang tăng lên đáng kể trong những năm gần đây, hiện đạt mức 2,5 triệu tấn gạo/năm, thì EVFTA được coi là động lực lớn để gạo Việt khẳng định vị thế tại thị trường này.
Hưởng lợi từ EVFTA cũng phải kể đến lĩnh vực xuất khẩu rau quả khi EU cam kết xóa bỏ 94% trong số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả ngay khi Hiệp định có hiệu lực, trong đó có nhiều sản phẩm Việt Nam có lợi thế.
Ngoài ra, một loạt các sản phẩm khác như: gỗ, thủy sản… cũng được hưởng lợi lớn từ hiệp định này.
Bên cạnh những cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu, các chuyên gia kinh tế quan ngại, nông sản của Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít thách thức khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Trước hết, đó là vấn đề hàng rào kỹ thuật trong thương mại và quy tắc xuất xứ hàng hóa. Do phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ Việt Nam được hưởng ưu đãi về thuế, nên các nước thành viên EU sẽ rất chú trọng tới các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại và quy tắc xuất xứ hàng hóa.
Cụ thể, hiện nay, việc đáp ứng các quy tắc xuất xứ cũng như các quy định về kiểm dịch động thực vật là vấn đề đáng quan ngại nhất đối với nông sản và các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này. Hiệp định EVFTA hướng tới việc xóa bỏ tới 99,2% số dòng thuế nhập khẩu.
Để được hưởng mức ưu đãi này, hàng xuất khẩu sang EU cần thỏa mãn quy tắc xuất xứ, đây là một cản trở không nhỏ đối với hàng xuất khẩu Việt Nam, bởi nguồn nguyên liệu chủ yếu phải nhập khẩu từ Trung Quốc và ASEAN. Nếu không đảm bảo được quy tắc xuất xứ, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU chỉ được hưởng mức thuế đãi ngộ “tối huệ quốc” chứ không phải là mức thuế suất 0% như trong EVFTA.
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, bước vào sân chơi hội nhập toàn cầu, doanh nghiệp Việt được hưởng nhiều cơ hội song cũng phải đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro.
Cụ thể, sản xuất nông sản của Việt Nam tuy có nhiều tiến bộ song về cơ bản sản xuất hàng hóa vẫn ở trình độ thấp, mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm không ổn định, an toàn thực phẩm còn nhiều vấn đề phải khắc phục. Cùng với đó, năng suất lao động trong nông nghiệp còn thấp do trình độ sản xuất còn lạc hậu, giá thành các sản phẩm còn cao.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, nguồn cung nông sản của Việt Nam còn tương đối dồi dào. Hiện, đang yếu ở 2 khâu là chế biến và tổ chức thị trường trong và ngoài nước.
Còn theo Vụ Thị trường Châu Âu, Châu Mỹ (Bộ Công Thương), 90% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ở dạng thô hoặc sơ chế, kim ngạch xuất khẩu tuy lớn song phần thu về cho đất nước lại rất khiêm tốn, nhiều mặt hàng chủ lực xuất thô là chủ yếu. Chúng ta đã để lãng phí nguồn lực mà hiện nay đang sở hữu. Với những sản phẩm thô như chè, cà phê, hạt tiêu… nếu được chế biến sâu ra các sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao thì giá trị gia tăng có thể gấp từ 5-10 lần hoặc nhiều hơn thế nữa.
Thực tế, Việt Nam cũng có tổ chức chế biến, song 70% doanh nghiệp đầu tư công nghệ ở mức độ trung bình hầu hết là lạc hậu so với các nước tiên tiến trên thế giới. Sản phẩm ít có được thương hiệu đặc trưng và thương hiệu mạnh. Nhiều hàng hóa Việt Nam xuất khẩu thô, khi sang biên giới các nước đã trở thành hàng hóa mang thương hiệu của các nước khác.
Mặt khác, Việt Nam chưa được công nhận là một nền kinh tế thị trường, chính vì vậy hàng hóa xuất khẩu sẽ phải đối diện với những vụ kiện chống bán phá giá và những rào cản phát sinh khác nữa trong quá trình giao dịch với các nước.
Các chuyên gia khuyên rằng, muốn xuất khẩu được những hàng hóa có chất lượng sang các thị trường lớn, trước hết người nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp phải yêu quý, trân trọng những sản phẩm của mình làm ra. Phải luôn luôn lắng nghe, thấu hiểu những nhu cầu sở thích của người tiêu dùng các nước để đổi mới và cải tiến cho phù hợp.
Theo ông Vũ Vinh Phú, để hội nhập và tận dụng tốt cơ hội của EVFTA, sản xuất sản phẩm hàng hóa nông sản cần đi đôi với việc phát triển các nhà máy chế biến nông sản, các kho dự trữ, hệ thống giao thông vận tải, đảm bảo sự hoạt động nhịp nhàng có hiệu quả của các tổ hợp sản xuất công nông nghiệp hoàn chỉnh. Vừa nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa nông sản, vừa giải quyết đầu và và đầu ra, giảm bớt những tổn thất không mong muốn.
“Tăng cường liên doanh, liên kết giữa các địa phương vùng miền, tạo điều kiện mở rộng hạn điền để sản xuất lớn hàng hóa, đưa khoa học kĩ thuật cơ giới hóa và sản xuất và chế biến sản phẩm, xây dựng các tập đoàn phân phối bán lẻ đủ mạnh, góp phần đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm hàng hóa nông sản để phục vụ thị trường trong nước. Làm được những điều trên, chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua những thách thức khó khăn, nắm bắt các cơ hội do các Hiệp định đem lại để phát triển sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản”, ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh./.

Nguồn: vov.vn/kinh-te/go-rao-can-de-nong-san-viet-tan-dung-tot-co-hoi-tu-evfta-1087862.vov
 

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25717263697