Thứ tư, 15-1-2025 - 17:49 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Nông sản Sơn La vươn xa, đón lợi thế từ Hiệp định EVFTA 

 Thứ ba, 25-8-2020

AsemconnectVietnam - Hiện hàng loạt nông sản địa phương cũng đang tận dụng cơ hội này để tìm đường tiếp cận với thị trường 27 nước EU.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8 vừa qua. Đây là cơ hội rất lớn cho ngành nông nghiệp Sơn La khi nhiều nông sản của tỉnh như chè, cà phê, thanh long, xoài, nhãn… đã được ưa chuộng và đạt được các chứng nhận sản phẩm hữu cơ cuả châu Âu. Đồng thời trong những năm gần đây, tỉnh đã xuất khẩu một lượng lớn nông sản sang 12 nước trên thế giới.
Hiện hàng loạt nông sản địa phương cũng đang tận dụng cơ hội này để tìm đường tiếp cận với thị trường 27 nước EU sau khi đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về truy xuất nguồn gốc và an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó, tỉnh Sơn La phải có những bước tiến mạnh mẽ, nhanh chóng và bứt phá vượt bậc mới đủ sức để cạnh tranh.
Vài năm nay, các thành viên HTX Hoàng Tuấn, huyện Sông Mã, Sơn La đã quen với công việc ghi chép về bón phân, thuốc mỗi ngày và tuân thủ đúng yêu cầu theo chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ được cấp cho hàng chục ha nhãn. Do vậy những cuộc kiểm tra đột xuất của cơ quan chức năng, HTX cũng không hề ngại.
Làm hữu cơ tốn công sức và chi phí hơn nhưng HTX đều cố gắng tuân thủ nhằm mục tiêu xuất khẩu được nhãn vào các thị trường khó tính nhất. Ông Đào Ngọc Bằng, Giám đốc HTX Hoàng Tuấn, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã tự tin khẳng định: “Hợp tác xã chúng tôi và toàn thể các thành viên đã làm đủ các tiêu chuẩn để đảm bảo yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính nhất”.
Vụ xoài đã qua hơn 2 tháng nay, nhưng khi đến Hợp tác xã nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, quả xoài vẫn xuất hiện trên bàn để mời khách ăn thử với vị ngọt đậm đà như mới hái.
Theo ông Hà Văn Sơn, Giám đốc HTX, đó là nhờ công nghệ bảo quản trong kho lạnh đang được thực hiện thí điểm tại địa phương để phục vụ cho xuất khẩu sản phẩm: “Hợp tác xã cũng đang làm mô hình và cũng đang chuyển hướng dần sang sản xuất hữu cơ và bước đầu đạt hiệu quả. Khi sản xuất được hàng hóa chất lượng an toàn, mẫu mã đẹp khách hàng sẽ tự tìm đến mình. Sản phẩm xoài mấy mùa vụ rồi luôn trong tình trạng thiếu hàng, đơn đặt hàng nhiều mà không có để bán”.
Sản xuất nông sản sạch an toàn, đổi mới công nghệ bảo quản, sản xuất được nhiều nông sản mà các nước châu Âu không có, là những gì mà các HTX ở Sơn La mong muốn được hội nhập sâu vào EVFTA. Điều này giúp cho Sơn La có cơ hội tăng xuất khẩu, tăng thị phần ở các nước Châu Âu.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhấn mạnh: “Sơn La tập trung cao giải pháp về vùng sản xuất, phải có vùng sản xuất an toàn, chất lượng, đáp ứng được các tiêu chí về mặt kỹ thuật, về mặt chất lượng của các thị trường khó tính như EU. Tỉnh vẫn phải xây dựng, kết nối được các đối tác tin cậy, bền vững và điều này phải thông qua các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ tạo điều kiện. Đồng thời trong chỉ đạo, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện lại các cơ chế, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX”.
Cùng với những sản phẩm có thế mạnh, khi tham gia EVFTA, nông nghiệp Sơn La sẽ gặp một số khó khăn như: Thị trường càng rộng mở, cạnh tranh càng lớn, sẽ có rất nhiều các sản phẩm của các nước khác cũng đều thâm nhập vào thị trường châu Âu. Việc nắm bắt thông tin của doanh nghiệp liên quan EVFTA còn hạn chế. Thị trường EU đòi hỏi khắt khe liên quan quy tắc xuất xứ, quy định liên quan vệ sinh, môi trường, lao động và quy trình công nghệ.
Để sản phẩm tiêu thụ một cách ổn định bền vững, Sơn La cần rà soát, đánh giá, quy hoạch lại vùng nguyên liệu để tăng quy mô sản lượng tập trung, tạo ra vùng nguyên liệu sản phẩm sản lượng lớn đủ cho quy mô chế biến công nghiệp để chuyển sang từ xuất thô, xuất rau quả tươi sang xuất khẩu những sản phẩm có hàm lượng chế biến cao. Đồng thời làm tốt việc quy hoạch gắn với mã vùng trồng nông sản để truy xuất nguồn gốc, qua đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng và đó cũng là một tấm thẻ, tấm vé vào những thị trường đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng như Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản và thậm chí như Trung Quốc cũng đã yêu cầu phải có truy xuất nguồn gốc.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương lý giải: “Một hoạt động nữa cũng rất quan trọng mà Sơn La cần chú ý đó là hoạt động sản xuất canh tác và gắn với chế biến theo chuỗi sản phẩm, tức là từ thiết kế, quy hoạch cho đến canh tác và thu hoạch, sau thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch và đến chế biến và đến làm thương hiệu cho vùng nguyên liệu”.
Ông Nguyễn Đình Mười, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn T&T, doanh nghiệp đang hỗ trợ Sơn La xuất khẩu nhãn, xoài sang thị trường Mỹ cho rằng: Hiện nay nông sản của nước ta đưa sang thị trường Mỹ buộc phải chiếu xạ và phải chiếu xạ tại TPHCM. Do vậy, khi quả nhãn của tỉnh Sơn La đưa và TPHCM chiếu xạ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng do sốc nhiệt.
Để việc xuất khẩu thuận lợi hơn, nhất là vào các thị trường khó tính như EU, ông Nguyễn Đình Mười kiến nghị: "Bộ Nông nghiệp và Bộ Công thương và UBND tỉnh Sơn La cũng sớm có kiến nghị với Chính Phủ để đầu tư 1 nhà máy chiếu xạ tại khu vực miền Bắc để hỗ trợ cho nông sản của các tỉnh miền Bắc để xuất khẩu sang thị trường Mỹ”.
Với chủ trương tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông sản, hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU là cơ hội để Sơn La vươn ra thị trường lớn, thâm nhập chuỗi giá trị toàn cầu. Để nông nghiệp Sơn La có bước đi mới khi gia nhập thị trường EVFTA là điều không dễ dàng, đòi hỏi sự chung sức, nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người nông dân./.

Nguồn: vov.vn/kinh-te/nong-san-son-la-vuon-xa-don-loi-the-tu-hiep-dinh-evfta-1086815.vov
 

  PRINT     BACK

© Bộ Công Thương- Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương mại (VITIC)

Giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông số 115/GP-TTĐT, cấp ngày 03/6/2024.

Địa chỉ: Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655, Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Phòng 605, Tầng 6.

ĐT: (04)39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312


Email: Asemconnectvietnam@gmail.com;

Ghi rõ nguồn "Asemconnectvietnam.gov.vn" khi đăng lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25717263714