Thứ ba, 23-4-2024 - 15:53 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tổng hợp tình hình Cộng đồng kinh tế ASEAN trong tháng 3/2018 

 Thứ bảy, 31-3-2018

AsemconnectVietnam - Trong tháng 3/2018, tin tức về Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập cuối năm ngoái khá sôi động

Định hướng chiến lược phát triển kinh tế số trong khu vực ASEAN 
Trong bối cảnh nền kinh tế Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) còn phải đối mặt với nhiều rào cản thuế quan lẫn phi thuế quan, thanh toán thương mại và đầu tư vẫn còn chưa rõ ràng, Singapore - nước Chủ tịch ASEAN năm 2018 - đang hướng tới xây dựng khả năng phục hồi của ASEAN, khai thác cơ hội từ những công nghệ để đổi mới và làm cho khu vực trở nên cạnh tranh hơn.
Giám đốc ngân hàng HSBC tại Singapore Tony Cripps nhận định kế hoạch này nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi cho thương mại tự do hơn, sự phụ thuộc lẫn nhau của khu vực và thiết lập một mạng lưới các thành phố thông minh.
Điều này sẽ thúc đẩy nền kinh tế số, cải thiện lưu thông hàng hóa, khuyến khích đầu tư dễ dàng và tăng cường mối quan hệ với các đối tác bên ngoài. Tích hợp tất cả các yếu tố này sẽ tạo ra cho ASEAN thị trường tiêu thụ số phát triển nhanh chóng và thúc đẩy các dịch vụ phát triển.
Đông Nam Á là khu vực Internet phát triển nhanh nhất thế giới. Trong vòng 5 năm tới, mỗi tháng khu vực này sẽ có khoảng 4 triệu người mới truy cập.
Theo Deloitte, số người truy cập Internet của khu vực sẽ đạt 480 triệu người vào năm 2020. Ngoài ra, còn có hơn 700 triệu kết nối di động đang hoạt động ở khu vực Đông Nam Á.
Tốc độ phát triển của khu vực đang rất cao với lực lượng tham gia còn tương đối trẻ (70% dưới 40 tuổi) và khu vực ngày càng có nhiều tầng lớp trung lưu.
Tuy nhiên, những người tiêu dùng ở Đông Nam Á hiện mới chỉ chi 30 tỷ USD cho mua sắm trực tuyến. Các chuyên gia dự đoán rằng chi tiêu có thể tăng 6,5 lần hoặc 500% lên 200 tỷ USD vào năm 2025 do được thúc đẩy bởi mua sắm hàng điện tử, quần áo, hàng gia dụng và hàng tạp hóa cũng như sự gia tăng về du lịch trong khu vực.
Như vậy các nền kinh tế ASEAN được hưởng lợi từ tiềm năng của nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển này.
Nhằm tận dụng những tiềm năng to lớn này, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan đã phác thảo tầm nhìn về một thị trường kỹ thuật số duy nhất mà có thể có các tiêu chuẩn để đảm bảo an ninh không gian mạng và cho phép các giao dịch xuyên biên giới với tỷ lệ giao dịch hiệu quả hơn rất nhiều. Một hệ thống thanh toán tạo ra một cơ hội to lớn để tăng cường hoạt động thương mại và kinh doanh trong nội khối.
Khi hoạt động, một hệ thống thanh toán điện tử ASEAN hợp nhất sẽ cho phép một công ty Singapore có thể trả tiền cho nhà cung cấp của Indonesia bằng đồng Rupiah thông qua việc thực hiện thanh toán qua biên giới ngay lập tức.
Loại bỏ các rào cản về chi phí và hậu cần đối với thanh toán quốc tế cũng là một bước đi quan trọng để mở ra tiềm năng tăng trưởng của ASEAN.
Nếu các tiêu chuẩn như ISO 2022 được thông qua để hỗ trợ mạng lưới này, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được kết nối toàn cầu, tạo điều kiện cho dòng chảy thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài trong khối cũng như với tất cả các quốc gia trên thế giới.
Lợi ích thậm chí lớn hơn còn có thể đạt được nếu hội nhập khu vực được kết hợp với việc áp dụng các công nghệ mới của thế giới (Công nghiệp 4.0, công nghệ phân loại).
Để phù hợp với nền kinh tế số, Singapore đang đề xuất sự phát triển mạng lưới thành phố thông minh ASEAN. Bên cạnh đó, ASEAN cũng sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với các đối tác bên ngoài quan trọng bao gồm Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ và Anh thông qua các hiệp định hợp tác kinh tế như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Dân số trẻ của ASEAN và tầng lớp trung lưu đang phát triển thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số. Nếu không đầu tư vào việc phát triển nền kinh tế số một cách hợp lý ASEAN sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu.
Các thành phố thông minh không thể phát triển mà không bao gồm các công nghệ được sử dụng để xây dựng nền kinh tế số. Và nếu không có một nền kinh tế kỹ thuật số hội nhập sâu rộng thì AEC sẽ ít có cơ hội hơn cho các đối tác.
Do đó, thành lập các thành phố thông minh, làm sâu sắc hơn các mối quan hệ với bên ngoài, số hoá các quy trình thương mại, xây dựng các hệ thống tích hợp sẽ là những ưu tiên của Singapore trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự của ASEAN trong năm nay.
 
Singapore kêu gọi ASEAN tăng cường hội nhập kinh tế
Bộ trưởng Thương mại Singapore Lim Hng Kiang vừa kêu gọi tất cả các nước thành viên ASEAN cần phải theo đuổi hội nhập kinh tế sâu hơn và tự do hóa để người dân có thể hưởng lợi từ những nỗ lực tập thể của Cộng đồng.
Các mục tiêu kinh tế của Singapore trong năm nay bao gồm việc tăng cường kết nối khu vực để khẳng định vị thế của ASEAN như là khu vực hoạt động kinh tế ngày càng năng động và các cơ hội ngày càng nhiều.
Bộ trưởng Lim đã đưa ra tuyên bố này tại cuộc họp các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 24. Các Bộ trưởng sẽ thảo luận các vấn đề liên quan đến Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), triển khai Kế Hoạch AEC 2025 về hội nhập kinh tế sâu sắc hơn. ASEAN sẽ được hưởng lợi từ sự gia tăng đầu tư, hoạt động sản xuất và thương mại từ việc thúc đẩy việc thực hiện AEC.
Nhiều chuyên gia dự báo ASEAN ​​sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030 khi dân số trẻ, tầng lớp trung lưu tăng nhanh và quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Nhiều tiềm năng của ASEAN chưa được khai thác hết.
Bộ trưởng Lim khẳng định sự đổi mới và nền kinh tế kỹ thuật số là những lĩnh vực then chốt mà Singapore dự định sẽ theo đuổi trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm nay nhằm thúc đẩy đổi mới, xây dựng kết nối kỹ thuật số và tạo điều kiện cho các dòng thương mại điện tử. Các nước thành viên ASEAN cần tăng cường và nâng cấp cấu trúc thương mại bằng cách tăng cường tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, tăng cường các dịch vụ và hội nhập đầu tư, phát triển môi trường quan hệ đối ngoại thuận lợi cho ASEAN.
ASEAN là tên viết tắt của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á bao gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Cuộc họp các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần này kéo dài và có hai cuộc họp liên quan, bao gồm Tham vấn thương mại châu Âu lần thứ 16 AEM và Hội nghị Bộ trưởng RCEP lần thứ 4 sẽ diễn ra từ ngày 1 - 3/3. Tại phiên họp thứ hai, các bộ trưởng từ 16 quốc gia thành viên RCEP sẽ thảo luận các phương cách để thúc đẩy đàm phán RCEP.
 
Các dự án cơ sở hạ tầng lớn của ASEAN thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Công ty luật toàn cầu Herbert Smith Freehills vừa nhận định các dự án lớn và nhu cầu cao về cơ sở hạ tầng là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế ở các nước ASEAN trong 5 năm tới.
Trong bài trả lời phỏng vấn tờ Lawyers Weekly, luật sư Aussie Glynn Cooper thuộc công ty luật toàn cầu Herbert Smith Freehills đã nói về các cơ hội kinh doanh tại 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào thời điểm Australia tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt với Khối này ở Sydney. Các nhà tài trợ và nhà đầu tư tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng các nhu cầu cơ sở hạ tầng trong khu vực. Các công ty, nhà khai thác, nhà cung cấp và nhà thầu của Australia có nhiều lợi ích từ các nước đang phát triển và tăng trưởng "không suy giảm" như Thái Lan , Indonesia, Singapore và Việt Nam. "Ngân hàng Phát triển châu Á gần đây đã dự báo nhu cầu chi tiêu cơ sở hạ tầng ở khu vực Đông Nam Á là 60 tỉ đô la một năm. Sự phát triển và tăng trưởng của khu vực, đặc biệt là nhu cầu về cơ sở hạ tầng là những cơ hội lớn cho Australia. Australia đã sẵn sàng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển hơn nữa của Đông Nam Á do với sự gần gũi về địa lý, quan hệ thương mại và đầu tư chặt chẽ với các quốc gia thành viên”.
Tại Diễn đàn Giám đốc điều hành bên lề Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ASEAN – Australia vào cuối tuần qua, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã công bố một quỹ đầu tư trị giá 30 triệu đô la Australia nhằm hỗ trợ xây dựng các thành phố thông minh ở các quốc gia Đông Nam Á. Sáng kiến ​​này sẽ thiết lập một ngân hàng dữ liệu về các ý tưởng lập kế hoạch đô thị bền vững giữa ASEAN và Australia.
Ông Cooper cho biết: "Sự phát triển nhanh chóng của Đông Nam Á đã làm tăng nhu cầu về cơ sở hạ tầng và các dự án lớn có thể sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 5 năm tới và xa hơn nữa. Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ tạo ra những nơi tốt hơn để kinh doanh, thu hút nhiều đầu tư, tăng trưởng nhiều hơn và từ đó lại đòi hỏi thêm về cơ sở hạ tầng. Đó là một vòng tròn thúc đẩy phát triển".
Vào tháng 1 năm ngoái, Herbert Smith Freehills đã thông báo sẽ mở văn phòng tại Malaysia, được đánh giá là một chiến thắng trong kế hoạch mở rộng hoạt động sang Đông Nam Á.
Văn phòng HSF Kuala Lumpur đã được Hội đồng luật Malaysia cấp giấy phép và là văn phòng thứ tư của công ty trong khu vực ASEAN và thứ chín ở châu Á. Công ty này cũng có các văn phòng khác ở Bangkok, Singapore, Jakarta và các nơi xa hơn như Hồng Kông, Bắc Kinh, Thượng Hải và Tokyo.
Luật sư Cooper nhận định Herbert Smith Freehills đã có một "tương lai sáng sủa" ở Đông Nam Á và nhu cầu đầu tư đã tăng lên do “Vành đai con đường” của Trung Quốc trong toàn khu vực. Malaysia là một phần quan trọng của bức tranh đó do nước này có hệ thống pháp luật hoàn thiện và phát triển, có các mối quan hệ lâu dài với các đối tác thương mại. Những thách thức trong việc kinh doanh xuyên biên giới trong khu vực ASEAN là một sự cân nhắc quan trọng đối với khách hàng, đặc biệt là khi luật pháp không tương đồng. Tuy vậy, có nhiều cách để tránh rủi ro và tận dụng cơ hội.
"Đông Nam Á là một khu vực đa dạng và có nhiều nét tương phản. Có quốc gia có quy mô, trình độ phát triển kinh tế và dân số nằm trong số các nước lớn nhất thế giới nhưng cũng có quốc gia nhỏ nhất", ông Cooper nói.
"Ngay cả với sự hỗ trợ của cấu trúc Cộng đồng ASEAN nhưng các hệ thống pháp lý của các nước vẫn bị phân tán. Các nước mới bắt đầu xây dựng lại môi trường pháp lý, áp dụng các quy định thương mại quốc tế chung. Các nước cần quản lý rủi ro trong khi tận dụng các cơ hội từ sự đa dạng này mang lại.
Về cơ hội phát triển ở thị trường Malaysia, ông Cooper khẳng định thị trường này có triển vọng tích cực. Nhiều công ty trong các lĩnh vực năng lượng, công nghệ, viễn thông và bất động sản đang mong muốn mở rộng hoạt động đầu tư xuyên biên giới.
"Chúng tôi đã tư vấn cho nhiều công ty này về các khoản đầu tư ở nước ngoài đầu tiên và tự hào về vai trò của chúng tôi trong hỗ trợ khách hàng Malaysia hoạt động ở nước ngoài".
Herbert Smith Freehills có một số khách hàng là các công ty lớn nhất châu Á bao gồm các nhà kinh doanh Nhật Bản, các tập đoàn kinh tế Hàn Quốc và các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc. Australia cần thúc đẩy sự gần gũi về địa lý và các mối quan hệ đầu tư với các quốc gia đang phát triển nhanh này. "Tôi nghĩ rằng Australia có thể đóng góp một phần vào sự phát triển của Đông Nam Á”, luật sư Cooper khẳng định.
 
ASEAN-EU sẽ phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do vào cuối 2018 
Các Bộ trưởng Kinh tế 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ủy viên thương mại Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmström ngày 2/3 đã đạt được thỏa thuận sẽ chính thức phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-EU vào cuối năm 2018 để hiệp định này có thể sớm có hiệu lực.
Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, phát biểu tại Hội nghị Tham vấn giữa các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Ủy viên Thương mại EU lần thứ 16 bên lề Hội nghị Hẹp Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 24, bà Malmström nhấn mạnh hai bên sẽ sớm tiến hành các bước tiếp theo để có thể tiến tới những bước cuối cùng cho việc phê chuẩn hiệp định quan trọng này, đồng thời khẳng định điều này sẽ mở ra một hướng phát triển mới trong quan hệ giữa EU và ASEAN.
Cũng tại hội nghị tham vấn, hai bên ghi nhận Báo cáo Tiến độ của Nhóm công tác chung ASEAN-EU về việc xây dựng Khung Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-EU trong tương lai. Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Ủy viên Thương mại EU giao các Quan chức Cao cấp ASEAN (SEOM) tiếp tục nỗ lực hoàn thiện Khung Hiệp định thông qua tham vấn trong nước, cũng như tổ chức các cuộc đối thoại chuyên gia giữa hai bên.
Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Ủy viên Thương mại EU cũng ghi nhận tiến độ trong việc thực hiện Chương trình Hoạt động về Thương mại và Đầu tư giữa ASEAN và EU giai đoạn 2017-2018.

Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN cảm ơn sự hỗ trợ của EU đối với Cộng đồng Kinh tế ASEAN thông qua triển khai các chương trình và sáng kiến thuộc Dự án Hỗ trợ Hội nhập Khu vực ASEAN do EU tài trợ (ARISE), cũng như Chương trình Xây dựng năng lực nhằm Giám sát Tiến độ Hội nhập và Thông số (COMPASS).
Hai bên nhấn mạnh việc thực hiện thành công chương trình hoạt động sẽ góp phần củng cố quan hệ thương mại giữa hai khu vực.
Hai bên cũng trao đổi về tình hình kinh tế khu vực và toàn cầu, khẳng định tầm quan trọng của việc tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa hai khu vực nhằm tận dụng đà phục hồi kinh tế và thương mại toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự hội nghị cho biết với vai trò là điều phối viên hợp tác ASEAN-EU, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy các hoạt động đối thoại, trao đổi thông tin giữa các nước ASEAN và EU nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu, thảo luận với EU về dự thảo Khung Hiệp định FTA dự kiến giữa ASEAN-EU trong tương lai./.
 
Ấn Độ: Nông dân trồng chè mong muốn tái đàm phán FTA Ấn Độ - ASEAN  
Ngành chè Ấn Độ đang hoài nghi về kết quả của hiệp định thương mại tự do giữa Ấn Độ với các nước ASEAN. Sau khi thỏa thuận có hiệu lực, việc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với thức uống xanh sẽ gây ra những tác động bất lợi nghiêm trọng đối với ngành sản xuất chè của Ấn Độ.
FTA Ấn Độ - ASEAN là một hiệp định thương mại tự do giữa Ấn Độ và 10 nước thành viên ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á). Hiệp định có hiệu lực từ ngày 01/01/2010, với mục tiêu tăng cường hợp tác kinh tế bằng cách loại bỏ hoặc điều chỉnh mức thuế đối với khoảng 4.500 mặt hàng, trong đó có chè.
“Hợp tác kinh tế quốc tế dường như rất hiệu quả. Nhưng nó cũng gây ra nhiều tác động bất lợi dễ nhận thấy”, ông Bijoy Gopal Chakroborty, Chủ tịch Liên đoàn Hiệp hội Người trồng chè Ấn Độ (CISTA), cho biết. CISTA gồm khoảng 4 trăm ngàn nông dân trồng chè nhỏ lẻ của Ấn Độ, đóng góp khoảng 40% sản lượng chè cho quốc gia.
Theo ông Chakroborty, sau khi hiệp định có hiệu lực đầy đủ vào năm 2019, mức thuế nhập khẩu chè hiện tại (ở mức khoảng 100%) sẽ giảm còn 45%, làm giảm đáng kể giá chè nhập khẩu từ các nước ASEAN. Hơn nữa, Trung Quốc, nước xuất khẩu chè lớn nhất thế giới, có thể đẩy chè giá rẻ của nước này vào thị trường Ấn Độ thông qua các hiệp định FTA với ASEAN. “Cuối cùng, điều đó sẽ ảnh hưởng đến lượng cầu nội địa của chúng tôi. Những nông dân trực tiếp trồng chè sẽ là những người chịu ảnh hưởng tồi tệ nhất, trong khi phía nhà buôn chè không phải đối mặt với bất kỳ rắc rối nào”, ông Chakroborty khẳng định.
Do đó, “Chính phủ Ấn Độ phải tái đàm phán thoả thuận và đảm bảo rằng FTA không ảnh hưởng xấu đến nông dân trồng chè", đó là nội dung công văn của CISTA gửi đến Bộ Công Thương Ấn Độ mới đây.
Nhưng tình hình không đến nỗi quá xấu. “Kim ngạch nhập khẩu từ hầu hết các nước ASEAN là quá nhỏ. Do đó, việc tái định hình mức thuế quan sẽ không có tác động đáng kể lên ngành chè nội địa của chúng tôi ", nhà nhập khẩu và thương nhân chè, kiêm Chủ tịch CII NB, ông Rajib Lochan cho biết.
Tuy nhiên, sau thực tế sụt giảm nhanh chóng cán cân thương mại giữa Ấn Độ và các nước ASEAN, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại rằng việc tự do hoá thuế quan dần dần sẽ làm tăng khối lượng nhập khẩu và đe dọa một số lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có ngành chè.
ASEAN và EU nối lại thảo luận về FTA 
Bộ Thương mại và Công nghiệp Quốc tế Malaysia (Miti) trong một thông cáo cho biết, FTA ASEAN-EU sẽ là chủ đề thảo luận tại buổi tham vấn lần thứ 16 giữa Ủy viên thương mại Liên minh châu Âu (EU) và các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN. Cuộc họp được đồng chủ trì bởi Ủy viên Thương mại EU bà Cecilia Malmström.
Buổi tham vấn trên được tổ chức kết hợp với Hội nghị hẹp Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 24 diễn ra tại Singapore. Sự kiện bắt đầu từ ngày 28 tháng 2.
Miti cho biết, phiên họp sẽ thảo thuận về việc thực hiện chương trình làm việc về thương mại và đầu tư ASEAN-EU giai đoạn 2017-2018, đánh giá lại quan hệ ASEAN-EU và trao đổi quan điểm về các diễn biến kinh tế diễn ra gần đây trong khu vực và trên thế giới.
Bộ này còn cho biết, cuộc họp Bộ trưởng giữa kỳ lần thứ 4 của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có thể diễn ra vào ngày 3 tháng 3 tới.
Có khả năng, Bộ trưởng các nước RCEP sẽ cân nhắc đẩy nhanh tiến độ đàm phán, đặc biệt về vấn đề tiếp cận thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, cũng như về các nguyên tắc giúp thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, nhằm hỗ trợ mở rộng và gắn kết chặt chẽ hơn nữa chuỗi giá trị trong khu vực.
Còn tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 24, các bên sẽ trao đổi quan điểm và thảo luận về 12 nhiệm vụ kinh tế ưu tiên do Singapore - chủ tịch ASEAN đề ra, khuôn khổ hoạt động của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) 2025, và cập nhật các bước tiến trong quan hệ ngoại giao giữa ASEAN với bên ngoài.
“Bộ trưởng Kinh tế các nước cũng sẽ cân nhắc các kiến nghị được đệ trình bởi Đội ngũ cấp cao về hội nhập kinh tế, bao gồm việc sắp xếp lại quá trình làm việc về AEC, phát triển các nguyên tắc cốt lõi trong Thực hành quy định tốt (GRP) của ASEAN, và đánh giá về tính sẵn sàng của ASEAN trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Miti cho biết, “Thêm vào đó, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN sẽ tóm tắt lại cho các Bộ trưởng về những ưu tiên và sáng kiến cho năm 2018”.
 
Nguồn: Asem/WTO/Bloomberg…
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710803620