Thứ năm, 25-4-2024 - 14:19 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tổng hợp tình hình Cộng đồng kinh tế ASEAN trong tháng 4/2017 

 Chủ nhật, 30-4-2017

AsemconnectVietnam - Trong tháng 4/2017, tin tức về Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập cuối năm 2015 khá sôi động

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30: Khẳng định vai trò trung tâm của Cộng đồng ASEAN
Trọng tâm của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30, sẽ diễn ra trong hai ngày 28-29/4/2017 tại Manila, Philippines nhằm kiểm điểm tình hình và phương hướng tiếp tục xây dựng Cộng đồng ASEAN; bàn biện pháp tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN.
Trong hội nghị tới đây, ASEAN tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực về kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển, cụ thể là triển khai hiệu quả Chương trình Công tác giai đoạn III của Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI) với 5 lĩnh vực được ưu tiên: Lương thực và công nghiệp; thuận lợi hóa thương mại; doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; giáo dục, y tế và phúc lợi. Bên cạnh đó, Kế hoạch tổng thể về kết nối 2025 cũng triển khai trên 5 lĩnh vực chiến lược: Cơ sở hạ tầng bền vững; sáng tạo số; chuỗi cung ứng không gián đoạn; tối ưu hóa hoạch định và thực thi chính sách, di chuyển thể nhân. 
Nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động, ASEAN sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp cải tiến tổ chức bộ máy và lề lối hoạt động theo hướng tinh giản số lượng; tăng tính hiệu quả của các cơ chế và tính kết nối giữa các trụ cột trong Cộng đồng ASEAN. 
Tại phiên họp toàn thể sáng 29/4/2017, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ thảo luận triển khai Chương trình hành động giai đoạn 2016 – 2020 với 8 đối tác, bao gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Hàn Quốc, New Zeland, Canada và Liên Hợp quốc. 
Điểm nổi bật trong hội nghị lần này là Lễ ký kết văn kiện tuyên bố ASEAN về vai trò của nền công vụ giữa các nhà lãnh đạo, làm chất xúc tác trong việc đạt được Tầm nhìn ASEAN 2025 và ghi nhận 5 văn kiện gồm các báo cáo của Tổng Thư ký ASEAN, Hội đồng Cộng đồng 3 trụ cột và Giám đốc điều hành Quỹ ASEAN.
Theo nhận định của Phái đoàn Việt Nam tham gia Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30, chuyến công tác lần này nhằm góp phần thúc đẩy ASEAN liên kết chặt chẽ hơn, hoạt động hiệu quả hơn; củng cố đoàn kết trước những diễn biến phức tạp của tình hình hiện nay. Việt Nam không ngừng nâng cao hoạt động hợp tác mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và thu hẹp khoảng cách phát triển. 
Thông tin từ Bộ Ngoại giao cho biết, dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có các bài phát biểu tại phiên họp toàn thể, phiên họp hẹp của hội nghị và trong các cuộc đối thoại giữa các nhà lãnh đạo ASEAN với Liên minh nghị viện ASEAN. Trong đó, Thủ tướng sẽ nêu cao ý nghĩa, tầm quan trọng và kết quả của các hội nghị cấp cao vừa qua. Tiếp tục tinh thần "tích cực, chủ động và có trách nhiệm", trong giai đoạn phát triển mới của ASEAN, Việt Nam sẽ luôn duy trì phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN để triển khai các phương hướng trên cả 3 trụ cột. 
Đặc biệt, năm 2017, Việt Nam sẽ đảm nhận cùng một lúc 3 vai trò: Nước Điều phối quan hệ ASEAN - Ấn Độ, Chủ tịch Nhóm đặc trách IAI và nước Điều phối quan hệ ASEAN – Liên minh Thái Bình Dương (PA). 
Để hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2025, Việt Nam mong muốn tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, phấn đấu cùng các nước thành viên xây dựng một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết và thống nhất; tích cực triển khai và lồng ghép Tầm nhìn ASEAN vào các chương trình hành động cụ thể của các bộ, ban, ngành, địa phương cả nước về hội nhập quốc tế trong thời gian tới.
                                                  
Nhật Bản ủng hộ Thái Lan trở thành trung tâm Cộng đồng kinh tế ASEAN
Đại sứ Nhật Bản tại Thái Lan Shigekazu Sato cho biết Nhật Bản ủng hộ hoàn toàn tầm nhìn của Thái Lan về mục tiêu trở thành trung tâm của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), đưa nước này trở thành bàn đạp kinh doanh cho khu vực Mekong.
Đại sứ Shigekazu Sato cũng kêu gọi Thái Lan ủng hộ Nhật Bản đầu tư vào Vương quốc này và tạo ra các cơ chế bổ sung để tăng cường thương mại và hợp tác song phương. Thái Lan nên tìm thêm các biện pháp, bên cạnh Hiệp định đối tác kinh tế Nhật Bản-Thái Lan (JTEPA), để khuyến khích đầu tư của Nhật Bản vào nước mình. JTEPA là một hiệp định thương mại tự do giữa hai nước.
Hiện nay, đầu tư của các công ty ô tô của Nhật Bản ở Thái Lan chiếm 90% tổng vốn đầu tư của ngành công nghiệp ô tô Thái Lan. Nhật Bản đang có 1.400 công ty và 50.000 công dân ở Thái Lan.
Phát biểu tại Hội thảo “Các cơ hội tuyệt vời của Thái Lan”, Bộ trưởng Công nghiệp Prasert Bunchaisuk thông tin, trong số 1.584 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tổng giá trị vốn đầu tư 677 tỷ THB, 872 dự án do khu vực tư nhân Nhật Bản điều hành với tổng giá trị đầu tư đạt 373,985 tỷ THB, chiếm 57,7% tổng vốn FDI.
Hội đồng đầu tư Thái Lan (BOI) đã đặt mục tiêu ưu tiên đạt tổng giá trị vốn đầu tư 600 tỷ THB Mỹ trong năm nay và một nửa trong số đó sẽ là vốn đầu tư nước ngoài.
Tổng thư ký BOI Udom Wongviwatchai cho biết Thái Lan sẽ tập trung nhiều hơn vào các ngành công nghiệp mới dựa trên nền tảng giáo dục, sáng tạo, năng lượng thay thế, thiết bị y tế và hậu cần của đất nước. Bộ Công nghiệp Thái Lan dự kiến ​​sẽ xây dựng tám khu công nghiệp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở vùng Đông Bắc, Bắc Trung bộ và Nam Thái Lan.
Hội thảo trên được BoI và tạp chí Nikkei Business của Nhật Bản phối hợp tổ chức với sự tham dự của hơn 200 doanh nhân Nhật Bản tại Thái Lan.

Đánh giá Cộng đồng Kinh tế ASEAN
Khu vực Đông Á vẫn tiếp tục duy trì mức độ hội nhập kinh tế cao. Tuy nhiên, một tỷ lệ đáng kể thương mại nội khu vực vẫn chưa được điều chỉnh bởi các hiệp định thương mại để chống lại chủ nghĩa bảo hộ hiện tại và có thể là trong tương lai.
Nếu không có sự thúc đẩy đa phương của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì việc hội nhập khu vực tiếp theo chỉ có thể tiến hành thông qua các hiệp định giúp giảm rào cản thương mại trong khu vực.
ASEAN dường như đang dẫn đầu khu vực châu Á Thái Bình Dương trong việc hình thành FTA. Khu vực mậu dịch tự do ASEAN được thực hiện vào năm 1993 và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được khai trương vào cuối năm 2015. AEC mong muốn vượt xa các hiệp định thương mại điển hình nhằm tạo ra một thị trường và căn cứ sản xuất duy nhất với sự phát triển đồng đều giữa 10 quốc gia thành viên.
ASEAN sẽ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập vào tháng 8/2017. Mặc dù ASEAN đã đạt được một số thành tựu chính trị quan trọng trong năm thập kỷ qua nhưng dự án hội nhập kinh tế của khối này này vẫn đang còn nhiều việc phải làm trong nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỉ tới.
Ban Thư ký ASEAN tuyên bố việc triển khai Kế hoạch AEC 2015 - chương trình nghị sự chính thức của cộng đồng - đã được thực hiện thành công ở nhiều lĩnh vực. Trong thực tế, các mức độ hội nhập giữa các ngành rất khác nhau. Thành công rõ ràng duy nhất mà ASEAN có thể khẳng định là giảm thuế quan giữa các nước thành viên. Kể từ khi thực hiện Hiệp định về ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung vào những năm 90, khoảng 99% các dòng thuế giữa các nước thành viên đã được giảm xuống còn 0%.
Tuy nhiên, dòng chảy tự do hàng hóa giữa các nước thành viên ASEAN vẫn bị cản trở do các nước sử dụng các biện pháp phi thuế quan (NTMs). Những điều này có thể có những hậu quả tiêu cực đối với các quyết định tìm nguồn cung ứng của các doanh nghiệp, cơ cấu thương mại và các ngành công nghiệp liên quan.
Một số quốc gia như Indonesia hay Malaysia có sử dụng 'chính sách công nghiệp’, chủ động áp dụng nhiều NTM hơn. Ví dụ, các nhà lắp ráp ô tô ở Thái Lan từ lâu đã phàn nàn về việc Malaysia hạn chế số lượng ô tô nhập khẩu vào Malaysia.
Trong khi giảm thiểu các rào cản phi thuế quan là một mục tiêu hành động trong Kế hoạch AEC, ASEAN lại dựa vào cách tiếp cận tự nguyện để giảm chúng nên thành công rất hạn chế. Theo cách tiếp cận tự nguyện, các nước thành viên có thể có một động cơ bất lợi để biện minh cho các các rào cản mà họ đang sử dụng. Hơn nữa, không có hệ thống giám sát hiệu quả để theo dõi những thay đổi của NTM giữa các nước thành viên.
ASEAN đã và đang đàm phán tự do hóa dịch vụ kể từ khi thông qua Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ vào năm 1996. Kế hoạch chi tiết AEC đã đưa ra các mục tiêu rõ ràng để xóa bỏ tất cả các hạn chế đối với thương mại dịch vụ vào năm 2015. Nhưng một số nước ASEAN như Thái Lan, Philippines và Indonesia không thể đạt được mục tiêu của họ vào thời hạn cuối cùng.
Về cơ bản, tự do hóa dịch vụ trong khuôn khổ ASEAN không có cam kết giải quyết các vấn đề đằng sau đường biên giới, chẳng hạn như kết nối dịch vụ viễn thông hoặc truy cập vào các máy ATM cho ngân hàng, điều rất quan trọng đối với việc tạo ra thị trường cạnh tranh. Sự khác biệt về luật pháp và các quy định giữa các nước thành viên cũng là vấn đề.
Tự do hoá dịch vụ trong khuôn khổ ASEAN dưới hình thức hiện tại sẽ không tạo ra một thị trường dịch vụ đơn lẻ. Thái Lan, Philippines và Indonesia vẫn chưa đạt được các mục tiêu đề ra vào thời điểm năm 2015. Các cam kết cụ thể của Indonesia và Thái Lan theo đề xuất mới nhất bao gồm nhiều dịch vụ không quan trọng hoặc thậm chí vô ích.
Về thúc đẩy dịch chuyển lao động qua biên giới, ASEAN đã đạt được rất ít. Từ góc độ phát triển kinh tế, việc mở cửa thị trường lao động không có tay nghề thông qua các FTA sẽ là một lựa chọn chính sách hữu ích khi lực lượng lao động không có tay nghề tương đối đông ở nhiều nước ASEAN, nhưng Kế hoạch AEC lại cố gắng tạo điều kiện cho sự dịch chuyển cho các chuyên gia lành nghề trong phạm vi chỉ có tám nghề. Sự thu xếp để tạo điều kiện cho sự di chuyển của các chuyên gia này cũng là vấn đề. Ví dụ, trong trường hợp của Thái Lan, các yêu cầu đối với các chuyên gia ASEAN cũng giống như đối với các nước không phải là các nước ASEAN.
Theo quan điểm của các nhà quan sát ưa chỉ trích, hội nhập ASEAN cho đến nay đã mang lại rất ít kết quả hữu hình. Trung tâm thương mại châu Á Deborah Elms kết luận rằng "các quan chức của ASEAN đã thay đổi khẩu hiệu khi thời hạn để hoàn thành Cộng đồng kinh tế ASEAN AEC không xác định và AEC nên được coi là quá trình chứ không phải là mục tiêu". Vào tháng 9/2016, The Economist đã viết một cách mỉa mai rằng "nâng cao hình thức, tạo ra các từ viết tắt nhằm tăng cường quan hệ không dựa trên thực chất, gây nhầm lẫn giữa các cuộc họp".
Thiếu động lực để tăng cường hội nhập khu vực trong ASEAN chủ yếu là hậu quả của hầu hết các quan điểm bảo hộ của các nước thành viên, có lẽ ngoại trừ Singapore. Nhiều nước ASEAN coi nhau như là đối thủ trong quá trình theo đuổi xuất khẩu sang thị trường toàn cầu hoặc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Các cuộc xung đột chính trị trong nước, cùng với sự thiếu vắng chính phủ ổn định và vững mạnh, đã làm các nhà lãnh đạo chính trị ở nhiều nước ASEAN tập trung vào đối nội và đánh mất sự ham muốn hội nhập khu vực. Nếu không chịu đối mặt giải quyết những vấn đề cốt lõi trong dự án hội nhập của mình một cách nhanh chóng và khẩn trương, ASEAN sẽ khó thực hiện được tầm nhìn Kế hoạch AEC về một thị trường duy nhất và căn cứ sản xuất thống nhất.
ASEAN tự hào là "trung tâm" của các FTA song phương ở Đông Á. Khái niệm 'trung tâm ASEAN' được thực hiện theo các sáng kiến ​​của nhóm nhấn mạnh đến vai trò của khối trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực. Tuy nhiên, hội nhập kinh tế giữa các nước ASEAN vẫn tập trung vào việc tạo ra một gói dịch vụ hấp dẫn hơn cho các công ty đa quốc gia muốn hoạt động trong khu vực hơn là tạo ra các mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các nền kinh tế thành viên.
Khi hội nhập kinh tế, ASEAN cần phải đạt được các mục tiêu quan trọng, đồng thời bỏ qua những vấn đề tầm thường. Nói cách khác, ASEAN cần tập trung nhiều hơn bây giờ. Chương trình nghị sự hiện tại của khối quá tham vọng khi so sánh với nguồn lực hạn chế của mình. Kế hoạch AEC đã thiết lập 17 yếu tố cốt lõi và thiết lập 176 hành động ưu tiên, bao gồm dòng chảy tự do hàng hoá, vốn, dịch chuyển lao động có tay nghề, phát triển công bằng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Nếu ASEAN đặt trọng tâm vào một số vấn đề cốt lõi sẽ giúp ASEAN đạt được các kết quả có ý nghĩa và hữu ích mà không bỏ lại một quốc gia thành viên nào, đặc biệt là các nước kém phát triển hơn do các nguồn lực còn hạn chế của họ. Điều này đòi hỏi ASEAN phải trở lại các nhiệm vụ chính của FTA: giảm các rào cản đối với thương mại và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới hàng hoá, dịch vụ, sự chuyển dịch lao động và đầu vào cho sản xuất.
Tuy nhiên thách thức thực sự đối với ASEAN không phải là kinh tế mà là chính trị. Khái niệm toàn vẹn chủ quyền quốc gia và hội nhập kinh tế không tương thích với nhau. Ví dụ, sự thành công của hội nhập kinh tế của Liên minh châu Âu dựa trên chủ quyền chung.
Ý tưởng về 'chủ quyền thống nhất' không phải là hoặc là tất cả hoặc không có gì. Khi bắt đầu, EU là một dự án tương đối khiêm tốn, có ít thành viên và chỉ có một khu vực chính sách để thống nhất chủ quyền: một thị trường chung cho than đá và thép. Sau đó, EU đã mở rộng thành viên và sứ mệnh của mình.
Trừ khi các nước ASEAN sẵn sàng ngày càng thống nhất về chủ quyền và đối mặt với những thách thức chính trị, Kế hoạch AEC sẽ còn gặp nhiều khó khăn và ASEAN sẽ chỉ là một nơi để các bên thảo luận.
AEC không tạo ra cú sốc cho doanh nghiệp Việt Nam
Đây là nhận định của bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương tại một hội thảo mới đây.
Chủ trương đẩy mạnh tự do thương mại hàng hóa, dịch vụ đầu tư
Nhiều người dự đoán, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sau khi thành lập (31/12/2015) sẽ tạo nên một cú sốc với doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, việc thành lập AEC không tạo nên điều đó, và đây là một cột mốc đánh dấu thời điểm các nước ASEAN giảm thuế nhập khẩu xuống mức 0-5% đối với 97% biểu thuế, trong đó khoảng 90% số dòng thuế đã ở mức 0%.  
Với một khu vực thị trường chung rộng lớn cùng gần 100% hàng hóa được tự do lưu chuyển trong nội khối, AEC mở ra cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Môi trường kinh doanh được mở rộng theo hướng minh bạch và bình đẳng hơn sẽ là điều kiện để thu hút đầu tư nước ngoài không những từ các nước ASEAN mà cả từ các nước ngoại khối, đặc biệt là các nước đối tác FTA của ASEAN vào Việt Nam để tham gia vào chuỗi giá trị khu vực.
Ngoài ra, tham gia vào một sân chơi chung và chịu áp lực cạnh tranh từ các đối tác khu vực cả về trình độ quản lý, công nghệ và nhân lực sẽ buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải tự cải tổ, thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể tồn tại và phát triển. AEC cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị tư thế và hành trang cho tiến trình hội nhập mạnh mẽ sắp tới.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga cho biết AEC có 4 mục tiêu lớn. Thứ nhất, AEC hướng tới việc tạo ra tự do hàng hóa, thương mại, dịch vụ và đầu tư, đặc điểm này nhằm tạo ra thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất thống nhất. Thứ hai, AEC tăng cường sức cạnh tranh của ASEAN, đặc điểm này sẽ điều chỉnh chính sách cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển thương mại điện tử. Thứ ba, nhằm mục tiêu phát triển kinh tế, cân bằng giữa các thành viên ASEAN với nhau, các nước ASEAN có sáng kiến nhằm phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ; đồng thời tạo ra những ưu đãi cho 4 nước thuộc khối CLMV, tạo cơ hội thu hẹp khoảng cách phát triển với các thành viên ASEAN khác. Thứ tư, AEC mong muốn tăng cường hội nhập ngoài khối. Ngoài những đối tác quen thuộc, ASEAN đang đẩy mạnh hợp tác với Hoa Kỳ, EU hay Liên bang Nga.
ASEAN cần một quá trình theo thời gian
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, hiện có nhiều luồng ý kiến khác nhau về vai trò của ASEAN đối với các quốc gia thành viên.
Thứ nhất, ASEAN hiện nay được đánh giá là một trong những tổ chức thành công nhất trên thế giới, đem lại nhiều lợi ích cho các nước thành viên, giữ vững các mục tiêu đề ra. Thứ hai, ASEAN là một tổ chức lỏng lẻo, thiếu đoàn kết do có sự phân hóa nhất định, người dân chưa nhận rõ được tác động và vai trò của tổ chức đối với đời sống của mình.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cũng nhấn mạnh, giống như các tổ chức khác, ASEAN cần có một quá trình hình thành và phát triển theo thời gian. Hiện nay, ASEAN có nhiều chương trình hành động và khi đi vào thực hiện, không chỉ có các cơ quan chính phủ mà cần có sự hỗ trợ từ nhiều cơ quan, tổ chức.
Ông Nguyễn Đăng Trung – Phó Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao cho hay, năm 2017 là thời điểm quan trọng của ASEAN, kỷ niệm 50 năm thành lập khối và là cơ hội củng cố thực hiện tầm nhìn 2025, xem xét đánh giá gia tăng hiệu quả hoạt động ASEAN.
Vào cuối tháng này, hội nghị cấp cao ASEAN sẽ xem xét cập nhật, hiến chương nhằm đưa ASEAN trở thành cộng đồng vững mạnh, xử lý tốt hơn các thách thức trong khu vực.
 
Thủ tướng lên đường tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 30 tại Philippines
Nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Philippines Rodrigo Roa Duterte, sáng 28/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân đã rời Hà Nội, dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30 và các Hội nghị Cấp cao liên quan, được tổ chức tại thủ đô Manila của Philippines từ ngày 28-29/4.
Tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại ASEAN Nguyễn Hoành Năm; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Nguyễn Quốc Dũng; Trợ lý Thủ tướng Chính phủ Bùi Huy Hùng; Trưởng SEOM ASEAN Nguyễn Thị Quỳnh Nga và Trưởng SOCA ASEAN Lê Kim Dung.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30 dự kiến có sự tham dự của Lãnh đạo 10 nước ASEAN. Đây là Hội nghị Cấp cao đầu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN 2017 của Philippines với chủ đề “Chung tay đổi thay, Kết nối toàn cầu.” Hội nghị sẽ tập trung vào trọng tâm và ưu tiên như: Triển khai hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch đi kèm , tăng cường liên kết, đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN; Tăng cường quan hệ giữa ASEAN và các Đối tác; Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Theo chương trình dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Phiên khai mạc, Phiên toàn thể và Phiên bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30.
Thủ tướng cũng sẽ dự cuộc họp giữa các Nhà lãnh đạo ASEAN với Đại diện của Hội đồng liên Nghị viện ASEAN (AIPA). Trong thời gian này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo một số quốc gia ASEAN.
 
Nhìn lại một năm hình thành cộng đồng ASEAN và đóng góp của Việt Nam
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN (8/8/1967-8/8/2017) và hơn một năm triển khai Cộng đồng ASEAN (31/12/2015), TTXVN trân trọng giới thiệu bài viết của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, nhìn lại một năm hình thành cộng đồng ASEAN và đóng góp của Việt Nam.
Sau đây là nội dung bài viết:
Từ “Hiệp hội” tới “Cộng đồng”
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, ASEAN đã liên tục phát triển từ xuất phát điểm là một Hiệp hội gồm năm thành viên được thành lập vào ngày 8/8/1967 trên cơ sở một Tuyên bố chính trị (Tuyên bố Bangkok).
Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập ngày 31/12/2015, mở ra giai đoạn phát triển mới cho ASEAN - Cộng đồng ASEAN.
Sự hình thành Cộng đồng không chỉ có ý nghĩa đối với chính phủ các nước ASEAN mà còn mang lại cho người dân các nước ASEAN nhiều lợi ích thiết thực.
Trước hết, hơn 630 triệu nhân dân Đông Nam Á được sống trong môi trường hòa bình, hữu nghị, các dân tộc đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau và được hỗ trợ phát triển đồng đều.
Các nền kinh tế với tổng GDP 2,48 nghìn tỷ USD tranh thủ một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất ngày càng tự do hóa về thương mại, đầu tư, dịch vụ, nguồn vốn và kết nối với các nền kinh tế phát triển trong và ngoài khu vực.
Lực lượng lao động dồi dào được công nhận bằng cấp trong giáo dục cũng như kỹ năng nghề và có điều kiện di chuyển tự do hơn và tìm cơ hội việc làm thuận lợi hơn trong khu vực.
Người dân được quan tâm hơn về điều kiện cuộc sống, được đảm bảo tốt hơn trước các nguy cơ về dịch bệnh lây lan và nâng cao khả năng thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.
Nhân quyền và các quyền tự do cơ bản được thúc đẩy và bảo vệ. Văn hóa dân tộc truyền thống của mỗi nước được bảo tồn và phát huy cùng với việc Cộng đồng các quốc gia ASEAN chia sẻ bản sắc và giá trị chung.
Cộng đồng ASEAN một năm nhìn lại
Trong năm qua, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế tăng trưởng chậm; làn sóng bạo lực cực đoan, khủng bố, xung đột nổi lên ở nhiều nơi; chủ nghĩa thực dụng, dân tộc - dân túy và bảo hộ có xu hướng gia tăng mạnh mẽ; đồng thời, sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn cũng tác động không nhỏ đến tình hình khu vực.
Trong bối cảnh đó, bước vào giai đoạn phát triển mới với quyết tâm cao và nỗ lực của các nước thành viên, ASEAN đã có sự khởi đầu thuận lợi, gặt hái những kết quả đáng khích lệ trong năm đầu tiên hình thành Cộng đồng và thực hiện Tầm nhìn 2025.
An ninh của khu vực và từng nước thành viên về cơ bản ổn định với việc triển khai được 218/290 (75%) dòng hành động trong Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh 2025.
Nền kinh tế ASEAN năm 2016 tiếp tục tăng trưởng tốt với GDP trung bình đạt 4,5% (dự kiến 4,6% năm 2017) trước những thách thức của môi trường kinh tế toàn cầu; xác định 118 dòng hành động ưu tiên triển khai Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025 kết hợp tiếp tục hoàn tất Lộ trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015 cùng thông qua thực hiện 20 kế hoạch làm việc chuyên ngành.
Về hợp tác văn hóa-xã hội, ASEAN tích cực triển khai 109 dòng hành động trong Kế hoạch tổng thể 2025 với 14/15 lĩnh vực hợp tác chuyên ngành đã xác định và triển khai chương trình công tác giai đoạn 2016-2020.
Trong năm 2016, ASEAN cũng đã thông qua Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN 2025 và Kế hoạch công tác Sáng kiến hội nhập ASEAN giai đoạn III; triển khai nhiều hoạt động quan trọng hướng tới kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN ở cấp khu vực và quốc gia; cải tiến và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan ASEAN và Ban Thư ký ASEAN.
Nét mới là ASEAN thúc đẩy “văn hóa thực thi,” trong đó cải tiến đáng kể công tác giám sát, theo dõi và phối hợp giữa các cơ quan hữu quan, chú trọng đánh giá số lượng, chất lượng và tác động của các hoạt động hợp tác.
ASEAN tiếp tục khẳng định vai trò là hạt nhân của đối thoại và hợp tác vì hòa bình và ổn định trong khu vực trên cơ sở nỗ lực củng cố đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực đang định hình và trong ứng phó với những thách thức, vấn đề phức tạp mới nổi lên.
Năm qua, ASEAN đã thông qua Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49, trong đó phản ánh rõ lập trường chung về vấn đề Biển Đông, đề cao tiến trình ngoại giao và pháp lý, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên (DOC) và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên (COC) ở Biển Đông.
Đồng thời, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã kịp thời ra các Tuyên bố thể hiện lập trường chung và tiếng nói có trách nhiệm về các sự kiện xảy ra trên thế giới và khu vực.
Năm 2016, ASEAN đã họp Hội nghị Cấp cao kỷ niệm và đặc biệt với 3 đối tác lớn là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga và Hội nghị Cấp cao định kỳ đầu tiên với Australia; ký Văn kiện để Chile, Ai Cập, Maroc gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC); trao quy chế Đối thoại theo lĩnh vực cho Na Uy và Thụy Sỹ, Đối tác phát triển cho Đức; tiếp tục nhận được nhiều đề nghị thiết lập quan hệ đối tác từ nhiều nước và tổ chức khu vực. Các Đối tác đối thoại (Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, EU, Nga…) khẳng định coi trọng quan hệ, ủng hộ ASEAN xây dựng Cộng đồng và giữ vai trò trung tâm ở khu vực, cam kết hỗ trợ và cùng ASEAN đề ra các biện pháp triển khai hiệu quả các kế hoạch hành động chung.
Việt Nam tích cực đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN
Sự hình thành Cộng đồng ASEAN có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam vì sự kiện này đánh dấu chặng đường trên 20 năm Việt Nam tham gia ASEAN và hội nhập quốc tế. ASEAN luôn là một trụ cột - ưu tiên chiến lược trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã một lần nữa khẳng định chủ trương và phương châm “Chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng vững mạnh.”
Thành công của ASEAN hơn một năm qua có sự đóng góp đáng kể của Việt Nam, thể hiện trong hầu hết các hoạt động hợp tác ASEAN, nhất là góp phần quan trọng vào việc sớm triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Các Bộ, ngành hữu quan của Việt Nam đều đã xây dựng đề án, chương trình và kế hoạch triển khai thực hiện Tầm nhìn và Kế hoạch tổng thể của 3 trụ cột Cộng đồng. Đáng chú ý, Việt Nam đã chủ động đưa ra nhiều đề xuất mới và phát huy vai trò trong ASEAN, nhận được sự hoan nghênh và ủng hộ của các nước, trong đó có việc thông qua Tuyên bố Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) về tăng cường hợp tác giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển; hoàn tất Danh mục các hoạt động ưu tiên thực hiện Kế hoạch hành động ASEAN​-Ấn Độ 2016-2018; chủ trì đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN​-Nhật Bản; chủ tọa Nhóm Đầu tư đại diện cho ASEAN trong đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP); chủ trì và đồng chủ trì nhiều hoạt động như Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 12, Cuộc họp Quan chức Cao cấp và Nhóm làm việc chung về Tuyên bố DOC, Hội nghị Cảnh sát giao thông ASEAN… Trên cơ sở tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam​-Lào, Việt Nam đã tích cực hỗ trợ Lào đảm nhiệm thành công nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2016.
Trong bối cảnh ASEAN thời gian gần đây chịu nhiều tác động ảnh hưởng đến đoàn kết, uy tín và vị thế ở khu vực, Việt Nam đã nỗ lực củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò của ASEAN trong các vấn đề khu vực, trong xử lý những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, cũng như những vấn đề nảy sinh trong quan hệ với các đối tác; đồng thời thúc đẩy hợp tác thực tiễn trong các cơ chế, diễn đàn khu vực quan trọng do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt như Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Mở rộng (ADMM+)…
Trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam chủ động trao đổi và phối hợp với các nước nhằm tạo dựng đồng thuận trong ASEAN và giữa ASEAN và đối tác về vai trò của ASEAN và lợi ích chung của tất cả các nước nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông; thúc đẩy đưa vấn đề Biển Đông vào văn kiện các hội nghị, diễn đàn ASEAN với những nội dung tích cực; nhấn mạnh thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC và sớm hoàn tất Bộ quy tắc COC.
Chặng đường phía trước
Những thành quả trong giai đoạn đầu xây dựng Cộng đồng là rất đáng khích lệ và tạo tiền đề cho chặng phát triển tiếp theo của ASEAN. Tuy nhiên, bối cảnh thế giới và khu vực cũng đang đặt ra không ít thách thức và yêu cầu mới cho ASEAN, bao gồm: củng cố đoàn kết và thống nhất, giữ vững vai trò trung tâm và tạo động lực và sức sống mới cho Hiệp hội.
Đây là động lực và cũng là áp lực buộc ASEAN phải hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả và làm mới các nội dung hợp tác để thể hiện được sức sống và tương lai tươi sáng của Cộng đồng.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30 được tổ chức ngày 28-29/4/2017 tại Manila, Philippines, là dịp quan trọng để các Lãnh đạo ASEAN thảo luận và quyết định các biện pháp triển khai xây dựng Cộng đồng và thúc đẩy vai trò của ASEAN đối với các vấn đề liên quan đến an ninh và phát triển của khu vực trong bối cảnh tình hình mới.
Việt Nam sẵn sàng đóng góp mọi mặt, khẳng định hình ảnh một thành viên có uy tín, chủ động, năng động và trách nhiệm dưới mái nhà chung. Để cùng hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2025, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của mình, đẩy mạnh các lĩnh vực hợp tác thực chất, mang lại lợi ích cụ thể cho người dân từng quốc gia thành viên; tích cực triển khai và lồng ghép các Kế hoạch tổng thể của Tầm nhìn vào các chương trình hành động cụ thể của các Bộ, ban ngành, địa phương cả nước về hội nhập quốc tế; đầu tư thích đáng về nguồn lực và tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để Cộng đồng ASEAN ngày càng gắn bó, gần gũi với mỗi người dân và doanh nghiệp; và trên hết là giữ vững đoàn kết, thống nhất và các nguyên tắc giá trị đã làm nên bản sắc và thành công của ASEAN.
 
Nguồn: Asem/WTO/Bloomberg…
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710865284