Thứ ba, 23-4-2024 - 18:3 GMT+7  Việt Nam EngLish 

ASEAN là điển hình của chống toàn cầu hóa 

 Thứ năm, 30-3-2017

AsemconnectVietnam -  Từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, thế giới đã chứng kiến một làn sóng toàn cầu hóa có tính ổn định. Tuy nhiên một chuỗi các sự kiện gần đây cho thấy làn sóng này có thể đảo chiều. Thương mại quốc tế cũng như phần trăm của GDP toàn cầu đã chứng kiến sự đình trệ trong suốt thập kỷ qua. Thương mại thế giới tăng 1.9%, trong khi đó GDP toàn cầu tăng 2.3% vào năm 2016.

Động lực của tự do hóa thương mại trên nhiều cấp độ đã chững lại. Vòng đàm phán Doha giữa các thành viên WTO nhằm giảm các rào cản thương mại và hồi sinh những quy tắc thương mại quốc tế dường như rơi vào bế tắc mặc dù Hiệp định tạo thuận lợi hóa thương mại nhằm đơn giản hóa và hài hòa hóa quy trình hải quan giữa hai phần ba các nước thành viên của WTO đã bắt đầu có hiệu lực gần đây.
Từ khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean) và Liên minh châu Âu (EU) tiến hành mở lại các cuộc hội đàm về một thỏa thuận thương mại vào đầu tháng này, mục tiêu của các cuộc hội đàm này chứa đựng cả kỳ vọng và thách thức.
Xu hướng chống đối toàn cầu hóa đã và đang bám rễ tại EU nơi 28 quốc gia thành viên đã thành lập thị trường chung thống nhất cho phép tự do di chuyển hàng hóa và thể nhân. EU cũng đã thành lập một liên minh thuế quan, theo đó, các thành viên đồng ý áp dụng biểu thuế đối ngoại chung lên hàng hóa từ các quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài khối.
Từ khi các cử tri Anh quyết định rời EU với một tỷ lệ ủng hộ sít sao, bà Theresa May đã thay thế ông David Cameron trở thành Thủ tướng Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen. Đối với bà Thủ tướng và nội các của bà ấy, “Brexit phải đích thực là Brexit”, bà dự định kích hoạt cơ chế cho việc rời EU vào cuối tháng 3.
Vậy EU có ý nghĩa như thế nào đối với các thành viên của Asean ? Trong mười năm (2005-2015), 28 thành viên EU chiếm 13% lượng xuất khẩu của Asean, trong khi đó, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len đóng góp con số khiêm tốn là 1.5% trong năm 2015. Một phần tư lượng xuất khẩu từ các quốc gia Asean vào EU là máy điện. Các sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn khác là máy móc, 15%, dệt may, 8% và da giày, 6%.
Trong cùng giai đoạn, 10% lượng nhập khẩu của Asean là từ EU, gồm máy móc, máy điện, tàu bay, phương tiện vận tải và dược phẩm.
Liên quan đến hoạt động đầu tư, từ năm 2005 đến năm 2015, EU chiếm 19% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Asean. Những nhà đầu tư chính từ EU trong khu vực bao gồm Hà Lan, Liên Hiệp Vương Quốc Anh và Bắc Ai-len, Lúc-xăm-bua, Pháp và Đan Mạch. Các khoản đầu tư của EU tập vào lĩnh vực bán buôn, phân phối hàng hóa, tài chính và bảo hiểm, khai thác mỏ, thông tin và truyền thông và bất động sản.
Có hay không sự xuất hiện của sự kiện Brexit, EU vẫn là thị trường quan trọng đối với Asean. Tuy vậy EU không bao giờ là hình mẫu cho Asean. Sự khác biệt về trình độ phát triển là yếu tố khiến Asean không có ý định trở thành một liên minh thuế quan hay một thị trường chung thống nhất như EU. Thay vào đó, tổ chức khu vực này hướng đến trở thành một trung tâm sản xuất của Đông Á và của chính nó là Cộng đồng Kinh tế Asean, trong đó sự lưu chuyển về thương mại hàng hóa, lao động có trình độ kỹ thuật và đầu tư đóng vai trò trọng yếu.
Vậy, hiện tại, Asean có ý nghĩa như thế nào đối với EU ? Trong giai đoạn từ 2005 đến 2015, Asean chỉ chiếm 2% lượng xuất khẩu của EU, trong khi đó, tổng lượng nhập khẩu của EU từ Asean dừng lại ở con số 3%. Tuy nhiên, câu chuyện sẽ thay đổi.
Nếu chúng ta nhìn lại xu hướng này trong suốt ba thập kỷ qua, năm trong số bảy quốc gia được hưởng lợi nhất trong việc gia tăng giá trị trong lĩnh vực sản xuất đều là các quốc gia đang phát triển, bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, In–đô–nê-xi-a và Thái Lan. Dự đoán đến năm 2050, sáu trong số bảy nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ là những nền kinh tế đang nổi lên trong thời điểm hiện tại, theo đó In-đô-nê-xi-a sẽ là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, trong khi đó, Phi-líp-pin, Việt Nam, Thái Lan và Ma-lai-xi-a sẽ nằm trong số 25 nền kinh tế lớn nhất, đây sẽ là sự chuyển dịch mạnh mẽ liên quan đến nguồn lực phát triển kinh tế và thương mại.
Hai là, Asean đã khá chủ động về giao lưu thương mại. Tổ chức này đã thành lập Khu vực thương mại tự do Asean (AFTA) vào năm 1992 trước cả khi WTO thành lập vào năm 1995 cũng như ký Thỏa thuận thương mại tự do hàng hóa Asean vào năm 2009.
Ngày nay, thách thức chính của Asean chính là thúc đẩy sự liên kết sâu rộng hơn trong nội khối và hợp tác để giải quyết vấn đề về các biện pháp phi thuế quan với các đối tác thương mại của họ. Số lượng các biện pháp phi thuế quan không phải là yếu tố thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ mà chính là sự minh bạch khi áp dụng chúng.
Emmanuel Bonoan, CEO của KPMG tại Phi-líp-pin, một trong số các khách mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh về kinh doanh được tổ chức vào ngày 10 tháng 3 tại Ma-ni-la đã phát biểu rằng cần quyết tâm chính trị mạnh mẽ để có thể cải thiện về sự minh bạch liên quan đến các biện pháp phi thuế quan.
Cũng tại Hội nghị, Asean và EU đã đồng ý mở lại các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại. Đây quả thực là một kết quả đầy hứa hẹn nhưng cũng không ít thách thức. Những hiểu biết về khuôn mẫu của EU đối với một thỏa thuận thương mại cho thấy, thỏa thuận Asean – EU sẽ đòi hỏi một khối lượng công việc đồ sộ trong nội bộ phần lớn các quốc gia Asean, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, đầu tư, doanh nghiệp nhà nước, chính sách cạnh tranh, quy định lao động và môi trường liên quan đến thương mại.
Nhưng có một vấn đề Asean và EU có thể bắt đầu thưc hiện cùng nhau đó chính là việc thường xuyên rà soát các biện pháp phi thuế quan.
Dữ liệu về các biện pháp phi thuế quan của các thành viên của Asean được đăng tải tại địa chỉ asean.i-tip.org. Tương tự như vậy, tất cả quy định về hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu do các nước EU ban hành đều được cập nhật tại địa chỉ exporthelp.EUropa.EU. Các cơ sở dữ liệu vừa nêu đóng vai trò là cơ sở cho sự minh bạch đối với các quy định liên quan đến thương mại tại cả Asean và EU, cho phép các nhà kinh doanh có thể tìm kiếm thông tin về các giấy phép và đăng ký bắt buộc đối với việc nhập khẩu và xuất khẩu của họ tại các quốc gia Asean cũng như EU.
Asean đã và đang nỗ lực để cải thiện sự minh bạch đối với các quy định của họ liên quan đến thương mại và các biện pháp phi thuế quan. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn nhiều dư địa để có thể tạo thuận lơi cho thương mại giữa hai khu vực, tiêu biểu như cùng nhau chia sẻ hiểu biết về  tiêu chuẩn sản phẩm.
Nhìn chung, cả Asean và EU cần có những quy định phù hợp để quản lý hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu. Những quy định này phải đảm bảo tính khoa học về sự hợp lý, minh bạch và không phân biệt đối xử.
Nguồn: Bangkok Post – LA

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710806142