Thứ ba, 23-4-2024 - 13:20 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tổng hợp tình hình Cộng đồng kinh tế ASEAN trong tháng 2/2017 

 Thứ ba, 28-2-2017

AsemconnectVietnam - Trong tháng 2/2017, tin tức về Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập cuối năm ngoái khá sôi động

Doanh nghiệp Việt Nam có tận dụng được lợi thế từ AEC?
Đã hơn một năm từ thời điểm Cộng đồng Kinh tế ASEAN (hay còn gọi là AEC) chính thức được hình thành, tạo dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế giữa các nước ASEAN.
              
Tuy nhiên, nhìn lại hơn một năm thực thi, AEC vẫn chưa tạo ra được nhiều thay đổi đáng kể trong phạm vi nội khối các nước thành viên ASEAN và đặc biệt là Việt Nam.
Bà Phùng Thị Lan Phương, Trưởng nhóm FTA, Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Công nghiệp và Th ương mại Việt Nam (VCCI) đã chia sẻ với phóng viên xoay quanh những trăn trở về khả năng nắm bắt các cơ hội mà AEC sẽ mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
 
- Sau hơn một năm hình thành và phát triển, theo bà, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã có những thay đổi gì đáng kể?
Bà Phùng Thị Lan Phương: Sau khi AEC được thành lập, rất nhiều người đã kỳ vọng việc hình thành AEC sẽ tạo ra một bước thay đổi đột biến cho các nước ASEAN và các doanh nghiệp Việt Nam cũng vậy.
Tuy nhiên, chúng ta cần phải thấy rằng AEC hình thành vào ngày 31/12/2015, đó chỉ là một dấu mốc do lãnh đạo các quốc gia ASEAN đặt ra, còn thực tế AEC đã được thực hiện từ nhiều năm nay.
Rất nhiều hiệp định cơ bản từ AEC như thương mại hàng hóa, dịch vụ đầu tư hay lao động đã được thực hiện từ trước và AEC thực chất chỉ là một tiến trình hội nhập giữa các nước ASEAN.
Do đó, trong hơn một năm chính thức hình thành, AEC không có nhiều cam kết mới được đưa ra. Điều này lý giải vì sao AEC cũng không tạo ra sự thay đổi đột biến nào đối với nền kinh tế của các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.
 
- Bà có cho rằng AEC chưa đem lại hiệu quả cho các nước thành viên vì phạm vi và mục tiêu của nó quá rộng?
Bà Phùng Thị Lan Phương: Thực tế, trong AEC có rất nhiều hiệp định và cam kết và các hiệp định, cũng như các cam kết này đều phù hợp với trình độ phát triển rất là khác nhau giữa các quốc gia ASEAN.
Ưu điểm của AEC đó là các cam kết rất linh hoạt, không ép buộc các nước phải thực hiện, nó có lộ trình khác nhau dành cho các nước ASEAN khác nhau.
Nhiều cam kết không mang tính ràng buộc do đó các nước có thể tự nguyện tham gia, không tham gia hoặc bao giờ đủ điều kiện tham gia.
Tuy nhiên, đây cũng là một nhược điểm của AEC, vì có những hiệp định chỉ một số nước thực hiện mà các nước khác không thực hiện, dẫn đến nhiều nội dung, mục tiêu không được thực hiện thống nhất trong toàn bộ khu vực ASEAN và kết quả là nó làm cho các hiệp định AEC không mang lại hiệu quả cao, chế tài thực thi lỏng.
- Vậy đối với Việt Nam như thế nào? Nếu nhìn trên số liệu kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2016 vừa qua, rõ ràng thương mại của Việt Nam sang các nước ASEAN đang có xu hướng sụt giảm so với các năm trước; trong đó, xuất khẩu giảm mạnh hơn so với nhập khẩu?
Bà Phùng Thị Lan Phương: Nhiều người lo lắng khi nhìn vào số liệu kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang ASEAN sau một năm hình thành AEC và cho rằng doanh nghiệp Việt Nam chúng ta dường như chưa tận dụng được các cơ hội và thậm chí còn kém hơn trước khi AEC được thành lập.
Nguyên nhân bao gồm các lý do chủ quan và khách quan. Về nguyên nhân khách quan, đó là tình hình kinh tế thế giới trong năm 2016 còn gặp nhiều khó khăn, kim ngạch xuất nhập khẩu nói chung của thế giới sụt giảm, không chỉ riêng đối với thị trường Việt Nam.
Riêng tại Việt Nam, do thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra trong năm vừa qua nên sản lượng nông sản xuất khẩu giảm sút, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu cũng giảm theo.
Nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam do giá thế giới giảm nên kim ngạch xuất khẩu cũng đi xuống. Đối với các sản phẩm công nghiệp, trong năm vừa qua, giá dầu thô giảm rất mạnh nên cũng ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Một lý do khác nữa cũng rất quan trọng, đó là trong năm vừa qua, Việt Nam ký kết và thực hiện nhiều Hiệp định thương mại (FTA) mới.
Những hiệp định này giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tạo được nhiều thị trường mới, do đó lượng hàng hóa xuất khẩu sang thị trường ASEAN cũng giảm sút.
 
- Theo bà, việc thiếu thông tin chính xác và toàn diện về AEC là một trong những rào cản lớn nhất khiến các doanh nghiệp Việt Nam không tận dụng được các cam kết này hay không?
Bà Phùng Thị Lan Phương: Thông tin là chìa khóa thành công trong rất nhiều vấn đề​; trong đó có việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do, để doanh nghiệp tận dụng được các lợi thế của các hiệp định.
Riêng đối với AEC, đầu tiên doanh nghiệp phải nắm được và phải tìm hiểu được về những cam kết đó, sau đó mới có thể biết cách để tận dụng.
Hiện tại, những thông tin về AEC tại Việt Nam còn tương đối hạn chế, do đó việc mà doanh nghiệp thiếu những đầu mối thông tin về AEC và những hướng dẫn cụ thể về AEC chính là một trong những lý do mà doanh nghiệp chưa tận dụng được những ưu thế của AEC.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan trong hiệp định thương mại hàng hóa của ASEAN hiện nay của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ trên dưới 30%, có nghĩa là 100 sản phẩm xuất khẩu chỉ có khoảng 30 sản phẩm tận dụng được ưu đãi thuế quan.
 
​- VCCI vừa chính thức ra mắt Cổng thông tin AEC cho doanh nghiệp. Đây được kỳ vọng sẽ là kênh thông tin quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường ASEAN. Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn nữa về dự án Cổng thông tin AEC này?
Bà Phùng Thị Lan Phương: Cổng thông tin về AEC của VCCI là một trong những hoạt động hỗ trợ AEC dành cho doanh nghiệp.
Chúng tôi cũng nhận thấy là việc thiếu thông tin sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới việc tận dụng những lợi ích của AEC đối với doanh nghiệp, do đó chúng tôi đã xây dựng cổng thông tin bao gồm tất cả những nội dung quan trọng của AEC, bao gồm tất cả những hiệp định cơ bản, những chương trình hợp tác trong AEC mà doanh nghiệp chỉ cần vào cổng thông tin đó là có thể tìm hiểu về AEC.
Quan trọng hơn nữa, chúng tôi không chỉ đăng tải đơn giản là đưa văn kiện lên mà ở đó còn có những phân tích, đánh giá và hướng dẫn cho doanh nghiệp.
Tại đây, doanh nghiệp không chỉ tìm hiểu được thông tin các hiệp định trong AEC mà còn có thể tìm hiểu được các hiệp định giữa ASEAN và các đối tác khác.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể đặt câu hỏi và liên hệ trực tiếp tới Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI để được tư vấn trực tiếp về tất cả nội dung liên quan tới AEC, để có thể làm thế nào tận dụng được tốt nhất những cơ hội từ cộng đồng này.
 
Các nước ASEAN chung tay tạo đổi thay, kết nối với toàn cầu
“Chung tay tạo đổi thay, kết nối với toàn cầu” là chủ đề của ASEAN 2017, vừa được Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) thông qua, với cam kết thúc đẩy vị thế của ASEAN, đưa ASEAN trở thành đối tác giữ vai trò nòng cốt trong các cơ chế hợp tác với các nước, khu vực và các tổ chức quốc tế.
 
AMM Retreat là hội nghị cấp bộ trưởng rất quan trọng, đầu tiên trong năm 2017 do Philippines chủ trì, năm thứ hai của Cộng đồng ASEAN và cũng là năm đánh dấu chặng đường nửa thế kỷ hình thành và phát triển của ASEAN (1967-2017).

Hội nghị diễn ra trong hai ngày 20-21/2 tại Boracay (Philippines) đã xem xét thúc đẩy triển khai các kết quả của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28-29 (tháng 9/2016 tại Vientiane, Lào), xác định trọng tâm và ưu tiên của ASEAN trong năm 2017, trong đó có đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng hướng tới người dân, định hướng quan hệ đối ngoại của ASEAN, đưa ASEAN trở thành hình mẫu của hợp tác khu vực.

Bằng việc nhất trí thông qua chủ đề “Chung tay tạo đổi thay, kết nối với toàn cầu,” 10 quốc gia thành viên ASEAN thể hiện cam kết đóng góp tích cực vào các mục tiêu chung về xây dựng Cộng đồng ASEAN và Tầm nhìn ASEAN 2025.

Với việc nhấn mạnh yếu tố con người là trung tâm, các nước thuộc ASEAN tái khẳng định quyết tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân có cuộc sống chất lượng hơn về nhiều mặt, từ kinh tế, văn hóa, cho tới an ninh, trật tự xã hội, nhằm hướng tới xây dựng một Cộng đồng ASEAN vững mạnh trên cả 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội.

Những định hướng ưu tiên trong năm 2017 mà nước Chủ tịch Philippines đề xuất, liên quan đến thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, tăng cường an ninh và hợp tác hàng hải, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và dựa trên sáng tạo, nâng cao năng lực tự cường của ASEAN và đưa ASEAN trở thành hình mẫu của hợp tác khu vực, đã nhận được sự ủng hộ của các nước thành viên.

Các nước đều nhất trí thúc đẩy ASEAN với hơn 630 triệu dân thuộc 10 quốc gia với các điều kiện an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội khác nhau trở thành một mô hình lý tưởng đảm bảo những lợi ích cốt lõi cho người dân.

Các nước cũng nhất trí tiếp tục thúc đẩy đối thoại và hợp tác với các đối tác thông qua các cơ chế do ASEAN thành lập và dẫn dắt, từ đó tranh thủ thêm sự ủng hộ trong xây dựng cộng đồng, đóng góp cho hòa bình, ổn định trong khu vực.

Các nước khẳng định sự cần thiết của việc duy trì đối thoại để làm dịu căng thẳng, thúc đẩy lòng tin, kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, đồng thời thúc đẩy các nỗ lực để ASEAN và Trung Quốc đạt khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong năm 2017, nhằm tạo thuận lợi sớm hoàn tất COC.

Đối với Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), các nước thành viên khẳng định cùng chung quyết tâm xây dựng môi trường phát triển lành mạnh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, coi sự phát triển của các doanh nghiệp này là động lực chính cho sự tăng trưởng toàn diện trong khu vực.

Đối với Cộng đồng Văn hóa-Xã hội, yếu tố con người và sức khỏe con người được đặc biệt chú trọng.

Philippines kêu gọi các nước thành viên hợp tác nhằm hiện thực hóa một ASEAN không có tệ nạn ma túy, tăng cường khả năng đối phó, khắc phục hậu quả thiên tai, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, đẩy lùi chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan…

Tham dự hội nghị, Việt Nam đã có nhiều đóng góp thực chất và cụ thể vào các nội dung của chương trình nghị sự, cam kết hợp tác chặt chẽ với Philippines và các nước thành viên khác trên tinh thần thiện chí, có trách nhiệm để ghi dấu ấn thành công trong năm kỷ niệm “vàng,” đưa ASEAN phát triển lên một tầm cao mới.

ASEAN sẽ tổ chức kỷ niệm sinh nhật lần thứ 50 trong năm 2017 như một cột mốc quan trọng của khu vực sau 5 thập kỷ hình thành và phát triển.

Trải qua nửa thế kỷ, ASEAN đã gặt hái những thành công đáng kể về kinh tế, xã hội và được đánh giá là một trong những tổ chức khu vực thành công trên thế giới.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, trước hàng loạt biến động, thách thức của thế giới cũng như khu vực đòi hỏi ASEAN phải có sự cải tổ, sẵn sàng thích ứng với tình hình mới để tiếp tục duy trì đà phát triển.

Kỷ niệm 50 năm thành lập có thể là dịp để các nước ASEAN cùng nhìn lại chặng đường phát triển đã qua, tích cực chuẩn bị cho những thách thức ở phía trước.

Những thách thức này cần phải được chủ động đối phó và giải quyết một cách hiệu quả.

Trong vài năm trở lại đây, hoạt động thương mại trong ASEAN khá trì trệ mặc dù việc loại bỏ các hàng rào thuế quan là một trong những vấn đề ưu tiên trong chương trình nghị sự.

Tuy nhiên, nhiều biện pháp chưa được thực hiện và các vấn đề mới phát sinh hiện đặt ra nhiều thách thức cho năm thứ hai kể từ khi hình thành AEC.

Việc nhiều quốc gia coi trọng bảo hộ thương mại trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn đang gặp nhiều khó khăn cũng là những trở ngại lớn cho nỗ lực hội nhập khu vực.

Bên cạnh đó, ASEAN cũng phải đối mặt với những thách thức kinh tế lớn khác, như sự chi phối về kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc, những chính sách khó lường của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, vấn đề Brexit và sự ổn định của châu Âu cũng như nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu trong giai đoạn hiện nay... Chủ động có các biện pháp ứng phó với những thách thức, ASEAN mới có thể đạt được một mức độ cao hơn trong hội nhập để duy trì đà phát triển.

Xuất từ những thực tế như vậy, Philippines đã đề ra các ưu tiên phải đạt được trong năm nay, trong đó có việc hoàn tất Hiệp định thương mại và dịch vụ ASEAN, đánh giá tính hiệu quả của AEC cũng như môi trường kinh doanh trong ASEAN.

Một điều quan trọng nữa đối với tất cả các nước ASEAN là phải tiếp tục tìm kiếm những giải pháp hiệu quả để phòng ngừa, ngăn chặn những vấn đề phức tạp về an ninh của khối, tiến hành tốt công tác dự báo và biện pháp đối phó với những thách thức về kinh tế, an ninh quốc tế và khu vực.

Nếu những biện pháp này được thực hiện một cách nhất quán và đồng thuận, ASEAN sẽ tiếp tục đà phát triển và sẽ tiến lên một tầm cao mới trong tương lai.
  
Với vai trò Chủ tịch luân phiên và là một trong những thành viên sáng lập ASEAN, Philippines sẽ có rất nhiều việc phải làm để cụ thể hóa các kế hoạch hành động của ASEAN.

Philippines sẽ tổ chức hai hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào các tháng 4 và 11/2017 cùng với hơn 100 cuộc họp cấp bộ trưởng, quan chức cấp cao (SOM) và nhóm công tác.

Kết quả của các hội nghị cấp cao và các hội nghị liên quan trong năm ASEAN 2017 sẽ phản ánh sự trưởng thành và vị thế của khối.

Rõ ràng, trước tình hình thế giới biến động phức tạp và khó lường hiện nay, tất cả các quốc gia thành viên ASEAN càng cần không ngừng nỗ lực, đoàn kết, thống nhất, phát huy những giá trị nền tảng để tăng cường liên kết ASEAN thực chất hơn, triển khai hiệu quả các kế hoạch hành động, mang lại lợi ích và tác động cụ thể, thiết thực cho đời sống của người dân khu vực, đưa vị thế ASEAN ngày càng lên cao./.
Những thách thức đối với nền kinh tế kỹ thuật số của Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
ASEAN là khu vực phát triển Internet nhanh nhất trên thế giới. Trong 5 năm tới, mỗi tháng sẽ có thêm 4 triệu người sử dụng internet. Bên cạnh những cơ hội về sức mạnh của công nghệ kỹ thuật số, khu vực này đang phải đối mặt với ba thách thức lớn, bao gồm dữ liệu địa phương, bảo đảm an ninh mạng và đảm bảo sự bí mật của dữ liệu.
Theo nhiều chuyên gia, công nghệ kỹ thuật số đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Thị trường AEC có hơn 600 triệu dân, đứng thứ hai trên thế giới về thu hút đầu tư và thứ ba về số người sử dụng Internet trên toàn cầu. Đến năm 2020, số lượng người dùng Internet tại AEC sẽ đạt 480 triệu người so với 260 triệu người hiện nay.
Đánh giá về lĩnh vực này, ông Jeff Pirie – chuyên gia ngiên cứu về AEC cho rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ASEAN tạo ra 70% việc làm trong khu vực, tuy nhiên họ chỉ đóng góp 30% GDP của cả khối, thấp xa so với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong Liên minh châu Âu (khoảng 58%).
Các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, nên tận dụng sức mạnh của công nghệ kỹ thuật số để tăng doanh thu và nâng cao khả năng cạnh tranh, ông lưu ý.
Trong khi đó, Trưởng Bộ phận pháp lý của VCCI Đậu Anh Tuấn cho biết, trong nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc sử dụng internet tăng đáng kể trong thập kỷ qua, khoảng 95 phần trăm các doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng Internet vào năm ngoái.
Các doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả có thể truy cập dễ dàng hơn các thông tin về chính sách, pháp luật của Chính phủ và có thể thực hiện các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng hơn. Họ cũng có kết quả kinh doanh tốt hơn, ông Đậu Tuấn Anh nhận định.
Việc sử dụng Internet của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp này mở rộng thị trường và giảm chi phí hoạt động, theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam.
Một cuộc khảo sát được Phòng Thương Việt Nam Thương mại và Công nghiệp (VCCI) tiến hành với khoảng 10.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa cho thấy, công nghệ kỹ thuật số đã có một tác động rất lớn đến các doanh nghiệp Việt.
Tuy nhiên, gần 60 phần trăm trong số họ báo cáo sử dụng không hiệu quả các công nghệ thông tin, Tuấn nói thêm.
"Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng các doanh nghiệp nhỏ hoạt động tốt hơn khi họ có được website của riêng mình. Họ có thể tăng doanh số bán hàng nhanh hơn bốn lần so với đối thủ cạnh tranh khi họ có được công cụ kỹ thuật số và website, đặc biệt là trên điện thoại di động”, ông lưu ý.
Trong thực tế, các quốc gia ASEAN đã không tận dụng được đầy đủ các các lợi thế rất lớn từ các công nghệ kỹ thuật số để phát triển nền kinh tế của mình.
Theo ông Stuart Schaag, một quan chức cấp cao của Bộ Thương mại Mỹ, AEC sẽ tăng cường kết nối, từ đó tận dụng lợi thế của nền kinh tế kỹ thuật số.
Ông Michael Michalak, Phó Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh ASEAN-Mỹ nhấn mạnh dòng chảy tự do dữ liệu là một yếu tố quan trọng của nền kinh tế kĩ thuật số. Chính phủ các nước ASEAN cần phải tạo ra một môi trường kỹ thuật số thông suốt, thống nhất và an toàn.
Hơn nữa, thanh toán trực tuyến rất quan trọng trong nền kinh tế kỹ thuật số, đặc biệt là thanh toán qua biên giới. Do đó, Chính phủ các nước trong khu vực ASEAN nên cùng nhau nên tạo ra một môi trường tự do hơn và pháp lý an toàn hơn cho việc thanh toán, ông Michael Michalak nói thêm.

Hỗ trợ dịch vụ giáo dục để xây dựng Cộng đồng ASEAN mạnh hơn
Sau khi ra mắt vào tháng 11/2015, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á hay Cộng đồng ASEAN đã có thể tập trung vào tăng cường hội nhập khu vực trên cả ba trụ cột của mình: Cộng đồng Kinh tế ASEAN; Cộng đồng Văn hóa xã hội ASEAN và Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN.
Các sáng kiến ​​hội nhập ASEAN khác nhau tập trung vào việc tăng cường hội nhập kinh tế, làm cách nào để thu hẹp các rào cản thương mại đối với hàng hóa và dịch vụ và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên ASEAN trong những năm 1990 và 2000.
Hơn nữa, trong những năm 2000, các nước trong khu vực tập trung vào vấn đề sự dịch chuyển của dòng lao động là các doanh nhân, chuyên gia và lao động có tay nghề và tài năng, một phần của Hiệp định khung ASEAN về hội nhập các ngành ưu tiên.
Từ năm 2005, các nước ASEAN đã bắt đầu áp dụng các thoả thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA) cho các ngành dịch vụ. Cho đến nay, có nhiểu MRA và/hoặc các khuôn khổ MRA cho tám ngành, bao gồm công nghiệp dịch vụ, kỹ thuật, điều dưỡng, kiến ​​trúc, khảo sát, y tế, nha khoa, kế toán và du lịch.
Mặc dù ASEAN đánh giá cao tầm quan trọng của giáo dục, tuy nhiên, cho đến nay, chưa có cuộc thảo luận nào về MRA cho các dịch vụ giảng dạy.
Nếu ASEAN có được một MRA về dịch vụ giáo dục, trong đó bao gồm tất cả các cấp giáo dục sẽ hỗ trợ xây dựng cộng đồng ASEAN, góp phần vào hoàn thành Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc năm 2030, nâng cao chất lượng và sự tôn trọng đối với nghề dạy học.
Xây dựng cộng đồng ASEAN
Giáo dục cung cấp một nền tảng mạnh mẽ cho sự hình thành bản sắc, hội nhập văn hoá, nâng cao nhận thức về văn hóa và xây dựng mối quan hệ trong khu vực.
Giới trẻ ngày nay sẽ là những nhà lãnh đạo trong tương lai và công dân của các quốc gia thành viên ASEAN sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc củng cố một Cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ, hướng đến con người và lấy con người làm trung tâm với phương châm là "Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng".
Như vậy, tăng lượng giáo viên và hoạt động học tập trong khu vực ASEAN tạo điều kiện nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của các quốc gia thành viên ASEAN về nền văn hóa, truyền thống của nhau và tạo điều kiện thực hành cho các giáo viên, các học giả và sinh viên.
Điều này cũng tạo điều kiện xây dựng tình bạn lâu dài và mạng lưới quan hệ cho các thế hệ hiện tại và tương lai tại khu vực ASEAN và xa hơn nữa.
Các mạng lưới này có tiềm năng tăng cường hoạt động kinh doanh, nghiên cứu, đổi mới và các hoạt động đổi mới xã hội nhiều hơn các nguồn lực và khả năng của bất kỳ một quốc gia thành viên ASEAN. Hơn nữa, các mạng lưới này hỗ trợ các sáng kiến ​​liên tục để tạo ra một bản sắc khu vực ASEAN mà công dân của các quốc gia thành viên ASEAN có thể cảm nhận được.
Một MRA cho các dịch vụ giảng dạy sẽ hỗ trợ Kế hoạch Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN đến 2025 trong tự do hóa dịch vụ thương mại và nâng cao tính toàn diện trong Cộng đồng ASEAN.
Hiệu quả và tác động của MRA không giới hạn ở những người trong nghề dạy học - ví dụ, giáo viên và những người đào tạo giáo viên mà bao gồm tất cả các ngành nghề. Nền tảng cơ bản của tất cả các ngành nghề được dạy và học ở một cấp độ giáo dục bắt buộc.
MRA này có khả năng mang lại dịch vụ giáo dục chất lượng cao trong ASEANi, giúp cải thiện điều kiện phát triển nguồn nhân lực trong các quốc gia đang phát triển của ASEAN, hỗ trợ các sáng kiến ​​ASEAN về thu hẹp khoảng cách phát triển trong trung và dài hạn, giúp cải thiện và duy trì phát triển kinh tế của cộng đồng ASEAN.
Mục tiêu phát triển bền vững 2030
Một MRA cho các dịch vụ giáo dục cũng góp phần hỗ trợ ASEAN đạt được Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc năm 2030 trong đó có mục tiêu về giáo dục. Đồng thời, tạo ra một kệnh phân phối lại sự thiếu hụt hoặc thừa giáo viên, giảng viên, tăng cường nâng cao chất lượng giảng dạy trong khu vực ASEAN.
UNESCO gần đây nhận định thế giới cần thêm khoảng 44 triệu giáo viên để thay thế cho các giáo viên về hưu nhằm đạt được mục tiêu giáo dục tiểu học và trung học vào năm 2030.
Theo số liệu của UNESCO năm 2014, khu vực Đông Nam Á có khoảng 6,2 triệu giáo viên tiểu học và trung học và khu vực cần tuyển dụng khoảng 6.260.000 giáo viên nữa để có đủ giáo viên tiểu học và trung học vào năm 2030.
Những con số này còn chưa tính đến nhu cầu về giảng viên đại học và đặc biệt là nguồn lực để đào tạo giáo viên tiểu học và trung học.
Với tốc độ tăng trưởng dân số hàng năm là 1,2% đến 1,3% kể từ năm 2011, ASEAN chắc chắn sẽ cần phải giải quyết tình trạng thiếu hụt giáo viên và giảng viên, chất lượng thấp trong những năm tới, đặc biệt là đối chiếu với cam kết của mình đối với Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030.
Đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện và công bằng, thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người, theo một trong các mục tiêu của Liên hợp quốc chỉ có thể đạt được với việc cung cấp giáo dục chất lượng trong đó có giáo viên chất lượng.
Nâng cao chất lượng và sự tôn trọng
Chất lượng, chế độ đãi ngộ, tôn trọng nghề dạy học thường liên quan đến nhau. Giảng dạy thường không phải là lựa chọn đầu tiên của sinh viên tốt nghiệp và các sinh viên tài năng nhất thường đi đến các ngành nghề khác có lợi hơn khác.
Việc giảng dạy phải là sự lựa chọn bắt buộc đầu tiên nếu cộng đồng quốc tế coi trọng việc đạt được các mục tiêu giáo dục trong Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030.
Chế độ bồi dưỡng, cân bằng công việc và cuộc sống, sự tôn trọng của xã hội và một cấu trúc giáo dục công bằng và minh bạch cần được thiết lập để giảm thiểu giáo viên bỏ nghề, khuyến khích sự sáng tạo và niềm đam mê đối với nghề dạy học. Đào tạo giáo viên và các sáng kiến ​​của chính phủ để nâng cao chất lượng và sự tôn trọng đối với nghề dạy học là một trụ cột quan trọng của mục tiêu giáo dục.
Một MRA của ASEAN về dịch vụ giáo dục và hiện thực hóa MRA này sẽ giúp tăng cường chất lượng các dịch vụ giáo dục trong và xuyên biên giới quốc gia. Hơn nữa, viễn cảnh ASEAN tawg cường đào tạo giáo viên sẽ tạo điều kiện tăng cường nhận thức và tôn trọng giáo viên trong ASEAN.
Tôn trọng nghề dạy học sẽ giúp cải thiện môi trường làm việc, phát triển kinh tế-xã hội và thúc đẩy xã hội chấp nhận các chuyên gia trong nước và khu vực ASEAN.
Một MRA ASEAN về dịch vụ giáo dục sẽ tạo ra động lực để tăng cường chất lượng, sự tôn trọng và quan tâm đến nghề dạy học, điều đó rất cần thiết trong hầu hết các nước đang phát triển và là một yếu tố quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc năm 2030.
Những thách thức trong quá trình thực hiện
Các quốc gia thành viên ASEAN và các lĩnh vực giáo dục đại học tương ứng của họ rất đa dạng về tôn giáo, truyền thống văn hóa, vấn đề kinh tế-xã hội, chất lượng của các chương trình đào tạo giáo viên.
Tuy nhiên, tính đa dạng này không phải là một lý do để từ bỏ việc áp dụng một MRA trong ASEAN. Dịch vụ giáo dục của ASEAN được thiết lập trên cơ sở 'nhất trong đa dạng".
Cơ hội cho ASEAN từ sắc lệnh của ông Trump
ASEAN đang đứng trước cơ hội mới về du lịch, giáo dục và thu hút nhân tài đến từ sắc lệnh di trú gây tranh cãi của tổng thống Mỹ.
 
Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ Donald Trump có hiệu lực từ ngày 28.1 hạn chế nhập cảnh trong vòng 90 ngày đối với công dân 7 nước Hồi giáo là Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen. Bên cạnh đó, sắc lệnh cũng “đóng băng” chương trình di dân suốt 120 ngày và cấm tiếp nhận vô thời hạn dân tị nạn từ Syria. Đến nay, việc áp dụng sắc lệnh đã tạm ngưng do phản ứng gay gắt từ chính quyền một số bang cũng như lệnh đình chỉ từ ít nhất 2 thẩm phán liên bang.
Tuy nhiên, động thái của Nhà Trắng vẫn gây tâm lý hoang mang cho người dân nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là du học sinh, du khách và người lao động. Theo giới quan sát, đây có thể là cơ hội mới cho ASEAN để mở rộng thị trường và tăng cường quan hệ về nhiều mặt với các quốc gia Hồi giáo.
Thời cơ của du lịch
Reuters dẫn lời ông Tony Fernandes, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành hãng hàng không giá rẻ nổi tiếng AirAsia, trụ sở tại Malaysia, nhận định rằng tuy sắc lệnh của ông Trump chỉ áp dụng đối với 7 nước nhưng vẫn gây ái ngại cho du khách đến từ những nước Hồi giáo khác. Vì thế, 10 thành viên ASEAN nên nhân cơ hội này thu hút các luồng du khách đang e ngại Mỹ. Theo ông, hiện các điểm đến nổi tiếng trên thế giới như Mỹ và châu Âu đều thể hiện xu hướng tự biệt lập hơn trước và “đã đến lúc ASEAN nên bắt đầu tạo điều kiện dễ dàng hơn cho du khách đến khu vực”.
Tính riêng trong khối, Malaysia vẫn là điểm đến được du khách Trung Đông ưa chuộng, với gần 200.000 lượt người nhập cảnh từ những quốc gia giàu có như UAE, Ả Rập Xê Út, Qatar… trong năm 2016. Nước này cũng là điểm đến chủ yếu của diện khách đến vì mục đích du lịch chữa bệnh và du lịch kiểu halal, tức phù hợp với lối sống hằng ngày của những người theo đạo Hồi. Nhờ vậy, Malaysia đang đứng đầu trong bảng chỉ số du lịch Hồi giáo toàn cầu năm 2016. Trong khi đó, Indonesia đứng thứ tư nhưng đang hướng tới mục tiêu “truất ngôi đầu” của quốc gia láng giềng.
Trang Tempo dẫn lời Bộ trưởng Du lịch Indonesia Arief Yahya cho biết thị trường du lịch halal thế giới được dự báo sẽ tăng lên 233 tỉ USD vào năm 2020 từ mức 116 tỉ USD trong năm 2016 và Jakarta quyết đón đầu xu hướng này. Trong đó, sắc lệnh di trú của Tổng thống Trump có thể là “đòn bẩy” cho các nước Đông Nam Á.
Tương tự, Thái Lan kỳ vọng thu hút khách thuộc nhóm du lịch chữa bệnh và giới hữu trách du lịch đánh giá lượng khách nước ngoài sẽ gia tăng trong trường hợp tiếp tục xảy ra tranh cãi và thiếu ổn định về nhập cảnh và di trú tại Mỹ. “Trung Đông là thị trường lớn đối với chúng tôi, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch chữa bệnh. Họ có thể lựa chọn đến Thái Lan nhiều hơn, tạo đà phát triển cho mảng kinh doanh đầy tiềm năng này”, Reuters dẫn lời Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan Yuthasak Supasorn nói.
Lao động chất lượng cao
Đến nay, Mỹ vẫn là miền đất hứa thu hút chất xám từ khắp thế giới, tuy nhiên điều này có thể sẽ thay đổi. Theo tờ The South China Morning Post, bị “sốc” trước những cảnh tượng hỗn loạn ở các phi trường quốc tế Mỹ trong thời gian qua, giới lao động công nghệ cao trên thế giới đang tìm kiếm những đích đến phù hợp và dễ thở hơn. Tờ báo Hồng Kông dẫn lời Ali Nikdel đang theo học thạc sĩ công nghệ thông tin ở Đại học Waterloo (Canada) cho biết anh đã nhận được lời mời làm việc tại Mỹ. Thế nhưng Nikdel quyết định từ bỏ ý định lập nghiệp tại Mỹ vì anh là người Iran. “Tôi sẽ không cân nhắc công việc đó một lần nữa dù sau này Mỹ có dỡ bỏ lệnh cấm”, Nikdel nói.
Tương tự, giới sinh viên và lao động tay nghề cao đang cân nhắc lại sự lựa chọn của bản thân, và có vẻ như Đông Nam Á trở thành đích đến hấp dẫn mới. Những người muốn làm việc trong lĩnh vực công nghệ và khởi nghiệp đang hướng tới Thái Lan, Việt Nam và Indonesia nhờ mức sống hợp lý, hầu như không tồn tại tệ nạn kỳ thị và tiềm năng phát triển mạnh của kinh tế công nghệ. Trong khi đó, Singapore đang nỗ lực bù đắp “điểm yếu” giá cả đắt đỏ của mình bằng chính sách đãi ngộ cũng như đẩy mạnh phát triển để biến nước này trở thành đầu mối công nghệ đẳng cấp thế giới.
Ngoài ra, giới chuyên gia đánh giá nếu được quan tâm đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, ASEAN cũng có thể trở thành điểm thu hút du học sinh khi một số thành viên cũng đã có những trường được đánh giá là mang đẳng cấp quốc tế. Mới đây, chuyên san Times Higher Education (trụ sở tại London, Anh) đã xếp Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đứng thứ tư trong danh sách những đại học quốc tế tốt nhất thế giới, vượt qua cả những tên tuổi truyền thống như Oxford, Cambridge và Harvard.
 
ASEAN tăng cường năng lực giám sát và đánh giá AEC
Hội thảo về Giám sát và đánh giá Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vừa được tổ chức tại Thành phố Davao, Philippines, nhằm chuẩn bị cho việc thực hiện Khuôn khổ Giám sát và Đánh giá AEC 2025.
Hội thảo là sự kiện bên lề Hội nghị Quan chức cao cấp về kinh tế ASEAN (SEOM 1/48) và Hội nghị Ủy ban toàn thể về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (CoW) với sự tham dự của đại diện các nước thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN.
Các đại biểu tham dự hội thảo đã thảo luận những nội dung then chốt về giám sát và đánh giá AEC, đặc biệt trong bối cảnh giám sát thực thi cộng đồng kinh tế khu vực, cũng như các cấu phần của Khuôn khổ Giám sát và Đánh giá ASEAN 2025 đã được các nước đưa ra, cụ thể bao gồm giám sát việc tuân thủ các cam kết, giám sát kết quả đạt được và đánh giá tác động. Khuôn khổ này được xây dựng trên cơ sở rút kinh nghiệm từ hệ thống giám sát AEC giai đoạn trước và từng bước thực thi. Các nước ASEAN cũng nhận thấy vai trò chủ đạo của Hệ thống Thống kê Cộng đồng ASEAN trong việc hỗ trợ giám sát hội nhập ASEAN.
Việc nâng cao khuôn khổ giám sát và đánh giá có ý nghĩa rất quan trọng để thực thi hiệu quả Kế hoạch Tổng thể AEC 2025 và các kế hoạch hành động chuyên ngành. Khuôn khổ Giám sát và Đánh giá AEC 2025 đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 48 (AEM 48) vào tháng 8/2016 và được Hội đồng AEC thông qua vào tháng 9/2016. Điều đó tạo động lực để Kế hoạch Hành động Chiến lược AEC 2025 (CSAP) được các Bộ trưởng Kinh tế và Hội đồng AEC thông qua kịp thời vào ngày 6/2/2017. Kế hoạch này bổ sung cho Kế hoạch Tổng thể AEC 2025 như một tài liệu tham chiếu thống nhất để thông báo tới các bên liên quan về những dòng hành động then chốt sẽ được thực thi trong chương trình nghị sự hội nhập kinh tế ASEAN từ năm 2016 đến năm 2025. 
 
Việt Nam cân bằng lợi ích của mình với cộng đồng ASEAN
Việt Nam đã có những chính sách, hành động và ứng xử không chỉ vì lợi ích của mình mà vì lợi ích chung của ASEAN, của cộng đồng.
“ASEAN từ một tổ chức lỏng lẻo đã thành một Cộng đồng gắn kết, có nhiều lợi ích chung” - Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng đoàn quan chức cao cấp của Việt Nam trong ASEAN (SOM ASEAN) khi trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV.
Trong vòng một nửa thế kỷ qua, ASEAN đã và đang nỗ lực, quyết tâm hướng đến mục tiêu chung là trở thành khu vực trung tâm có vai trò dẫn dắt khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và tham gia vào quá trình thiết lập trật tự toàn cầu.
Giữ bản sắc, tôn trọng lợi ích để cùng vượt qua thách thức
PV: Năm 2017 đánh dấu thời điểm 50 năm hình thành và phát triển của ASEAN. 50 năm là chặng đường dài của một thểchế khu vực.TheoThứ trưởng, thành tựu và thách thức lớn nhất của ASEAN trong 50 năm qua là gì?
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: Thành tựu lớn nhất là từ một tổ chức sơ khai, lỏng lẻo sau 50 năm đã trở thành cộng đồng liên kết chặt chẽ và có những kế hoạch tổng thể và cụ thể. Đây là một bước tiến rất dài, rất cụ thể của ASEAN.
Vào lúc này, bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động khó dự đoán; Khu vực Châu Á Thái Bình Dương tiếp tục là nơi cọ xát chiến lược giữa các nước lớn; Nội bộ nhiều nước ASEAN có những thay đổi về chính trị.
Trong bối cảnh như vậy, thách thức lớn nhất đối với ASEAN là làm sao giữ được bản sắc, giữ được độc lập, tự chủ trong quyết định chính sách của ASEAN, giữ được vai trò nòng cốt trong các cơ chế hợp tác khu vực và có thể đóng góp vào các vấn đề của thế giới. Thách thức thứ 2 là làm sao ASEAN thực hiện được các mục tiêu mà mình đặt ra. Các cam kết, kế hoạch đã có nhưng làm sao để thực hiện được đúng tiến độ và đưa vào cuộc sống.
PV: Năm 2016 là năm đầu tiên ASEAN thực hiện Cộng đồng ASEAN, cho thấy sự quyết tâm của tổ chức này trong quá trình nhất thể hóa sau 50 năm hình thành. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả trong 1 năm qua?
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: Khi thành lập Cộng đồng ASEAN, chúng ta nhằm vào các mục tiêu biến ASEAN thành tập thể các quốc gia gắn kết chặt chẽ hơn về cơ sở hạ tầng, nhất thể hóa cao hơn về chính sách, thể chế củng cố và duy trì hòa bình ổn định cũng như tăng cường sự phối hợp để giải quyết các vấn đề chung của khu vực. Đồng thời qua đó, tạo thuận lợi về mọi mặt cho sự phát triển về kinh tế, phục vụ đời sống công việc làm ăn của người dân, qua đó nâng cao vị trí vai trò của ASEAN trên trường khu vực và quốc tế.
Năm 2016 là năm đầu tiên của Cộng đồng, và ASEAN đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể là ASEAN đã hoàn thành các kế hoạch hành động, chương trình công tác để triển khai Kế hoạch hành động 2025. Triển khai được 141 trên tổng số 290, tức là hơn 50% dòng hành động trong trụ cột chính trị an ninh và cơ bản hoàn thành các dòng hành động thuộc trụ cột kinh tế, triển khai 109 dòng hành động của trụ cột văn hóa xã hội.
Đặc biệt, ASEAN đã xây dựng và nhất trí thông qua kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN 2025 và công tác sáng kiến hội nhập ASEAN giai đoạn 3 về thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên. ASEAN cũng tăng cường các cơ chế phối hợp chia sẻ thông tin để quản lý thiên tai ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh…
Bên cạnh đó, ASEAN cũng tiếp tục cải tiến và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức bộ máy các cơ quan của ASEAN, cải tiến quy trình các cuộc họp, xóa bỏ cơ quan không còn hiệu quả hay sắp xếp lại tổ chức của Ban Thư ký.
Về đối ngoại, ASEAN tiếp tục thu hút được sự quan tâm của các nước. Cho đến nay đã có 86 nước bên ngoài cử Đại sứ bên cạnh ASEAN. Các đối tác, đặc biệt là các nước lớn, đều cam kết ủng hộ tiến trình xây dựng cộng đồng và vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực. Các cơ chế hợp tác mà ASEAN thành lập và dẫn dắt như ASEAN +3, Cấp cao Đông Á, Hội nghị quốc phòng mở rộng hay Diễn đàn an ninh khu vực đều tiếp tục nâng cao được vai trò và uy tín ở khu vực. Nhiều nước bên ngoài ASEAN tiếp tục mong muốn trở thành đối tác chính thức của ASEAN.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, sau 50 năm, đặc biệt là sau khi hình thành Cộng đồng, tính liên kết của ASEAN có vẻ yếu đi trong các vấn đề được cho là thách thức của khu vực, ví dụ như vấn đề Biển Đông. Thứ trưởng nghĩ như thế nào về những ý kiến này?
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: Tôi cho rằng, nhận định như vậy là không chính xác. Trong cả một quá trình để tiến tới xây dựng cộng đồng, chúng ta không thể nói tính liên kết của ASEAN yếu đi. Với hàng loạt những thỏa thuận, biện pháp xây dựng cộng đồng, chắc chắn tính liên kết cộng đồng phải mạnh lên nhiều. Chỉ có điều, nó cần thêm thời gian để đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên cũng phải hiểu rằng, không phải cứ xây dựng Cộng đồng là triệt tiêu được tất cả các khác biệt của các thành viên. Do vậy, chuyện các thành viên có những ý kiến khác nhau về một vấn đề cụ thể là hết sức bình thường. Bản thân ASEAN cũng xây dựng một kiểu cộng đồng mà chúng ta hay nói là Thống nhất trong đa dạng.
Chúng ta tôn trọng các lợi ích, các ý kiến của các thành viên nhưng chúng ta hướng tới việc cùng bàn thảo, cùng đi đến thống nhất để có những nhận thức chung trong cách ứng xử bên ngoài.
Trên thực tế, ngay cả đối với những vấn đề được gọi là nhạy cảm như Biển Đông, thì cho đến bây giờ, ASEAN vẫn hoàn toàn thống nhất về những nguyên tắc cơ bản.
Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm
PV: Là một thành viên, một bộ phận cấu thành của ASEAN, Việt Nam đã có những đóng góp như thế nào vào quá trình phát triển của ASEAN, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: Chúng ta đã xác định, là một thành viên tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam tham gia vào ASEAN trước hết là để đóng góp vào sự đoàn kết thống nhất của ASEAN. Chúng ta có những chính sách, hành động và ứng xử không chỉ vì lợi ích của Việt Nam mà vì lợi ích chung của ASEAN, của cộng đồng. Chúng ta cũng quan tâm đến lợi ích của các nước bạn để có được sự hài hòa, từ đó có sự thống nhất chung của ASEAN.
Đấy là cách tiếp cận của Việt Nam. Chúng ta nhận thức được các thách thức đang đặt ra cho ASEAN để cùng với các nước khác vượt qua. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thực hiện nghiêm túc và chủ động đưa ra các sáng kiến trong các hợp tác khu vực, liên kết khu vực. Đặc biệt chúng ta ưu tiên cho thu hẹp khoảng cách phát triển cũng như các dự án để kết nối mạnh mẽ hơn trong ASEAN.
Về đối ngoại, Việt Nam cùng với ASEAN duy trì sự cân bằng trong quan hệ với các nước lớn, làm sao thu hút được sự quan tâm và thừa nhận vai trò của ASEAN ở khu vực này.
 
Nguồn: Asem/WTO/Bloomberg…
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710801064