Thứ bảy, 20-4-2024 - 9:43 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Việt Nam cân bằng lợi ích của mình với cộng đồng ASEAN  

 Thứ hai, 13-2-2017

AsemconnectVietnam - Việt Nam đã có những chính sách, hành động và ứng xử không chỉ vì lợi ích của mình mà vì lợi ích chung của ASEAN, của cộng đồng.

 
“ASEAN từ một tổ chức lỏng lẻo đã thành một Cộng đồng gắn kết, có nhiều lợi ích chung” - Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng đoàn quan chức cao cấp của Việt Nam trong ASEAN (SOM ASEAN) khi trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV.
Trong vòng một nửa thế kỷ qua, ASEAN đã và đang nỗ lực, quyết tâm hướng đến mục tiêu chung là trở thành khu vực trung tâm có vai trò dẫn dắt khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và tham gia vào quá trình thiết lập trật tự toàn cầu.
 
Giữ bản sắc, tôn trọng lợi ích để cùng vượt qua thách thức
PV: Năm 2017 đánh dấu thời điểm 50 năm hình thành và phát triển của ASEAN. 50 năm là chặng đường dài của một thểchế khu vực.TheoThứ trưởng, thành tựu và thách thức lớn nhất của ASEAN trong 50 năm qua là gì?
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: Thành tựu lớn nhất là từ một tổ chức sơ khai, lỏng lẻo sau 50 năm đã trở thành cộng đồng liên kết chặt chẽ và có những kế hoạch tổng thể và cụ thể. Đây là một bước tiến rất dài, rất cụ thể của ASEAN.
Vào lúc này, bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động khó dự đoán; Khu vực Châu Á Thái Bình Dương tiếp tục là nơi cọ xát chiến lược giữa các nước lớn; Nội bộ nhiều nước ASEAN có những thay đổi về chính trị.
Trong bối cảnh như vậy, thách thức lớn nhất đối với ASEAN là làm sao giữ được bản sắc, giữ được độc lập, tự chủ trong quyết định chính sách của ASEAN, giữ được vai trò nòng cốt trong các cơ chế hợp tác khu vực và có thể đóng góp vào các vấn đề của thế giới. Thách thức thứ 2 là làm sao ASEAN thực hiện được các mục tiêu mà mình đặt ra. Các cam kết, kế hoạch đã có nhưng làm sao để thực hiện được đúng tiến độ và đưa vào cuộc sống.
 
PV: Năm 2016 là năm đầu tiên ASEAN thực hiện Cộng đồng ASEAN, cho thấy sự quyết tâm của tổ chức này trong quá trình nhất thể hóa sau 50 năm hình thành. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả trong 1 năm qua?
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: Khi thành lập Cộng đồng ASEAN, chúng ta nhằm vào các mục tiêu biến ASEAN thành tập thể các quốc gia gắn kết chặt chẽ hơn về cơ sở hạ tầng, nhất thể hóa cao hơn về chính sách, thể chế củng cố và duy trì hòa bình ổn định cũng như tăng cường sự phối hợp để giải quyết các vấn đề chung của khu vực. Đồng thời qua đó, tạo thuận lợi về mọi mặt cho sự phát triển về kinh tế, phục vụ đời sống công việc làm ăn của người dân, qua đó nâng cao vị trí vai trò của ASEAN trên trường khu vực và quốc tế.
Năm 2016 là năm đầu tiên của Cộng đồng, và ASEAN đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể là ASEAN đã hoàn thành các kế hoạch hành động, chương trình công tác để triển khai Kế hoạch hành động 2025. Triển khai được 141 trên tổng số 290, tức là hơn 50% dòng hành động trong trụ cột chính trị an ninh và cơ bản hoàn thành các dòng hành động thuộc trụ cột kinh tế, triển khai 109 dòng hành động của trụ cột văn hóa xã hội.
Đặc biệt, ASEAN đã xây dựng và nhất trí thông qua kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN 2025 và công tác sáng kiến hội nhập ASEAN giai đoạn 3 về thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên. ASEAN cũng tăng cường các cơ chế phối hợp chia sẻ thông tin để quản lý thiên tai ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh…
Bên cạnh đó, ASEAN cũng tiếp tục cải tiến và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức bộ máy các cơ quan của ASEAN, cải tiến quy trình các cuộc họp, xóa bỏ cơ quan không còn hiệu quả hay sắp xếp lại tổ chức của Ban Thư ký.
Về đối ngoại, ASEAN tiếp tục thu hút được sự quan tâm của các nước. Cho đến nay đã có 86 nước bên ngoài cử Đại sứ bên cạnh ASEAN. Các đối tác, đặc biệt là các nước lớn, đều cam kết ủng hộ tiến trình xây dựng cộng đồng và vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực. Các cơ chế hợp tác mà ASEAN thành lập và dẫn dắt như ASEAN +3, Cấp cao Đông Á, Hội nghị quốc phòng mở rộng hay Diễn đàn an ninh khu vực đều tiếp tục nâng cao được vai trò và uy tín ở khu vực. Nhiều nước bên ngoài ASEAN tiếp tục mong muốn trở thành đối tác chính thức của ASEAN.
 
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, sau 50 năm, đặc biệt là sau khi hình thành Cộng đồng, tính liên kết của ASEAN có vẻ yếu đi trong các vấn đề được cho là thách thức của khu vực, ví dụ như vấn đề Biển Đông. Thứ trưởng nghĩ như thế nào về những ý kiến này?
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: Tôi cho rằng, nhận định như vậy là không chính xác. Trong cả một quá trình để tiến tới xây dựng cộng đồng, chúng ta không thể nói tính liên kết của ASEAN yếu đi. Với hàng loạt những thỏa thuận, biện pháp xây dựng cộng đồng, chắc chắn tính liên kết cộng đồng phải mạnh lên nhiều. Chỉ có điều, nó cần thêm thời gian để đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên cũng phải hiểu rằng, không phải cứ xây dựng Cộng đồng là triệt tiêu được tất cả các khác biệt của các thành viên. Do vậy, chuyện các thành viên có những ý kiến khác nhau về một vấn đề cụ thể là hết sức bình thường. Bản thân ASEAN cũng xây dựng một kiểu cộng đồng mà chúng ta hay nói là Thống nhất trong đa dạng.
Chúng ta tôn trọng các lợi ích, các ý kiến của các thành viên nhưng chúng ta hướng tới việc cùng bàn thảo, cùng đi đến thống nhất để có những nhận thức chung trong cách ứng xử bên ngoài.
Trên thực tế, ngay cả đối với những vấn đề được gọi là nhạy cảm như Biển Đông, thì cho đến bây giờ, ASEAN vẫn hoàn toàn thống nhất về những nguyên tắc cơ bản.
 
Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm
PV: Là một thành viên, một bộ phận cấu thành của ASEAN, Việt Nam đã có những đóng góp như thế nào vào quá trình phát triển của ASEAN, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: Chúng ta đã xác định, là một thành viên tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam tham gia vào ASEAN trước hết là để đóng góp vào sự đoàn kết thống nhất của ASEAN. Chúng ta có những chính sách, hành động và ứng xử không chỉ vì lợi ích của Việt Nam mà vì lợi ích chung của ASEAN, của cộng đồng. Chúng ta cũng quan tâm đến lợi ích của các nước bạn để có được sự hài hòa, từ đó có sự thống nhất chung của ASEAN.
Đấy là cách tiếp cận của Việt Nam. Chúng ta nhận thức được các thách thức đang đặt ra cho ASEAN để cùng với các nước khác vượt qua. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thực hiện nghiêm túc và chủ động đưa ra các sáng kiến trong các hợp tác khu vực, liên kết khu vực. Đặc biệt chúng ta ưu tiên cho thu hẹp khoảng cách phát triển cũng như các dự án để kết nối mạnh mẽ hơn trong ASEAN.
Về đối ngoại, Việt Nam cùng với ASEAN duy trì sự cân bằng trong quan hệ với các nước lớn, làm sao thu hút được sự quan tâm và thừa nhận vai trò của ASEAN ở khu vực này.
 
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./

Nguồn: hoinhap.org.vn

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710734749