Thứ bảy, 20-4-2024 - 1:53 GMT+7  Việt Nam EngLish 

ASEAN nên ứng phó thế nào khi thế giới ngày càng rời xa xu hướng toàn cầu hóa? 

 Thứ hai, 9-1-2017

AsemconnectVietnam - Sau gần 70 năm tự do hóa thương mại, một loạt các sự kiện gần đây (trong đó điển hình là Brexit ở Anh và Donald Trump chiến thắng cuộc bầu cử Mỹ) cho thấy làn sóng toàn cầu hóa đang dịch chuyển

 
Trước hết, với vai trò là một phần quan trọng trong tổng sản phẩm quốc nội, thương mại quốc tế thực chất đã ngừng tăng trưởng trong suốt thập kỷ qua. Thứ hai, động lực của tự do hóa thương mại đa phương đã vấp phải sự thất bại của vòng đàm phán Doha với rất ít hi vọng hồi sinh. Thậm chí ngay cả các thỏa thuận thương mại khu vực đôi khi được xem là sự thay thế điển hình của tự do hóa đa phương cũng đang bị tác động đáng kể, ngay cả ở Mỹ.
ASEAN nên hướng tới đâu?
Khi nói đến vấn đề hội nhập kinh tế của ASEAN, thì Liên minh châu Âu là một mục tiêu lý tưởng để hướng đến nhưng vẫn không phải là mô hình chính. Có một vài lý do mang tính hai chiều được đưa ra.
Đầu tiên, ASEAN hướng tới một cơ sở sản xuất toàn khu vực nhằm thúc đẩy các mặt hàng di động, dịch vụ, lao động tay nghề cao và vốn. Tuy nhiên ASEAN không hướng tới thành lập một Liên minh Hải quan (có nghĩa là tất cả các nước thành viên áp dụng cùng một mực thuế suất hoặc thuế suất ưu đãi trong nội bô, và đối xử tương tự, thường là thuế suất cao hơn cho các quốc gia ngoài khối) hoặc một thị trường tiền tệ đơn nhất (nơi mà các quốc gia cùng chia sẻ trách nhiệm tài chính và tiền tệ nhằm duy trì sự ổn định giá trị của đồng tiền chung trong khối).
 Điều này là do cách biệt về trình độ phát triển trong ASEAN. Chẳng hạn, thu nhập bình quân đầu người của Singapore gấp khoảng 46 lần của Campuchia trong năm 2015. Cách biệt ở khối EU ở mức thấp hơn; thu nhập bình quân đầu người của Luxembourg chỉ gấp khoảng 15 lần của Bulgaria (còn Đức thì gấp khoảng 6 lần Bulgaria). Khoảng cách phát triển còn lớn hơn nữa khi cộng thêm chỉ số phát triển con người, môi trường kinh doanh thuận lợi, chỉ số hoạt động logistics, và các chỉ số đánh giá phát triển khác.
Thứ hai, khác với EU có thể tự hình thành vòng khép kín (theo nghĩa là nước thành viên Đức cũng là nguồn cung lớn nhất về thương mại, đầu tư, và công nghệ ở EU), ASEAN không thể phụ thuộc vào chính nó. Khi là một thực thể hội nhập khu vực đơn nhất thì ASEAN vẫn phải dựa vào Nhật Bản và Hàn Quốc, thậm chí mở rộng cả Trung Quốc, như là nguồn đầu mối của thương mại, đầu tư và công nghệ.
ASEAN đang có hướng đi tốt theo nghĩa nó vẫn giữ vững tiến trình hội nhập thương mại về hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, tuy nhiên không nhằm mục tiêu hướng tới hội nhập tài chính hay tiền tệ khi xét tới mức cách biệt về trình độ phát triển giữa các nước thành viên.
Tiếp tục tiến về phía trước
Vậy thì làm thế nào để thúc đẩy chương trình hội nhập của ASEAN? ASEAN vẫn duy trì việc lập kế hoạch hội nhập cho tương lai. Điển hình như việc thành lập Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) năm 1992 và Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) cũng như Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ACIA) vào năm 2009. Gần nhất, ASEAN cũng thiết lập các FTA “cộng một” với những đối tác thương mại chính (Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand), đa số các hiệp định này có hiệu lực vào tháng Một năm 2010.
Tuy nhiên, dù trải qua quá trình hội nhập đầy tiến bộ thì ASEAN vẫn có khả năng rời vào bẫy “hội nhập hời hợt”. Tỷ trọng thương mại nội khối ASEAn giữa các thành viên chỉ tăng từ 22% vào năm 2000 lên 24% vào năm 2015.
Có hai cách để thúc đẩy tiến trình hội nhập của ASEAN. Thứ nhất, mỗi nước Đông Nam Á nên tập trung phát triển các ngành sản xuất làm nền tảng cho kinh tế quốc gia, đồng thời duy trì tỉ trọng của ngành sản xuất trong tổng thể GDP ở mức 25%. Cùng với sự gia tăng dân số ở khu vực Đông Nam Á, việc phát triển ngành sản xuất là rất quan trọng vì nó có thể tạo ra lượng việc làm khổng lồ cũng như đáp ứng nguồn cung công nghệ và đổi mới.
Với các nước đang phát triển như Indonesia, ngành sản xuất mang lại cho đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học - một thành phần lớn trong thị trường lao động ở nước này, mức thu nhập cao hơn so với lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ. Thêm nữa, thậm chí các nước phát triển như Đức, Nhật và Singapore vốn có thể chuyển đổi thành phần kinh tế từ sản xuất sang dịch vụ một cách dễ dàng cũng mong muốn duy trì tỉ trọng lĩnh vực sản xuất trong tổng GDP ở mức 26-28% bởi lẽ họ nhận thức rõ ngành sản xuất mang lại việc làm và cả sự đổi mới.
Thứ hai, các nước Đông Nam Á tham gia ASEAN để cải thiện quan hệ thương mại và đầu tư với nhóm các đối tác thương mại chính. Trong khi tỷ trọng thương mại của ASEAN so với thế giới chỉ tăng từ 6% năm 2000 lên 8% năm 2015, thì tỷ trọng thương mại của 6 đối tác chính (Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand) so với thế giới đã tăng từ 16% lên 25% trong cùng giai đoạn trên. Nếu mong muốn nâng cao tỷ trọng thương mại so với thế giới thì ASEAN nên tích cực tận dụng các FTA ASEAN+1 ký với những đối tác thương mại chính hiện đang có hiệu lực, và có thể bao gồm cả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực kết nối 10 quốc gia ASEAN với 6 nước hiện đã ký FTA nêu trên.
Dù vẫn duy trì các bước tiến theo chương trình hội nhập, ASEAN vẫn còn nhiều vấn đề còn tồn đọng. ASEAN cần hợp tác chặt chẽ hơn trong việc đơn giản hóa quy tắc xuất xứ đồng thời cải thiện tính minh bạch của các Biện pháp Phi thuế (NTMs), song song với việc phát triển dịch vụ (vận tải, logistics, tài chính, Công nghệ thông tin truyền thông) và đầu tư hỗ trợ phát triển ngành sản xuất.
Trong khi xu hướng toàn cầu hiện nay là hạn chế việc hội nhập kinh tế thì Đông Nam Á vẫn tiếp tục duy trì tiến trình này, đồng thời vẫn sẽ giữ vị trí là một trong những khu vực phát triển nhanh trên thế giới với mức độ phát triển kinh tế trung bình là 4.6% trong năm 2017. Những yếu tố quan trọng trong tốc độ phát triển cao hiện nay là việc mở cửa để thu hút đầu tư vào Myanmar, Lào và Campuchia; cùng với các cam kết mạnh mẽ của chính phủ Indonesia về việc tăng phân bổ ngân sách vào cơ sở hạ tầng; cũng như cải thiện tổng thể môi trường kinh doanh thuận lợi ở khu vực.
Theo Lili Yan Ing - TM
Lili Yan Ing là một chuyên gia kinh tế cao cấp tại Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), đồng thời là chủ nhiệm các dự án về thương mại và đầu tư. Bà cũng là người sáng lập nên ‘The Indonesian Economy’ (IE) - một cộng đồng các nhà kinh tế nổi tiếng đang làm việc tại Indonesia. Tiến sĩ Ing là Cố vấn cao cấp về Thương mại và Đầu tư của Văn phòng Tổng thống nước Cộng hòa Indonesia từ năm 2015-2016. Các quan điểm nêu trên là những góc nhìn cá nhân của bà.

Nguồn: hoinhap.org.vn

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710726723