Thứ sáu, 19-4-2024 - 2:9 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tổng hợp tình hình Cộng đồng kinh tế ASEAN trong tháng 1/2020 

 Thứ sáu, 31-1-2020

AsemconnectVietnam - Trong tháng 1/2020, tin tức về Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập cuối năm ngoái khá sôi động

Thành tựu kinh tế lớn của ASEAN năm 2019 và thách thức năm 2020 
Năm 2019 khép lại với chủ đề ASEAN “thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững”, ASEAN bước sang năm 2020 với tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng”. Để tiếp tục nối dài những thành tựu của ASEAN và ứng phó thành công với các thách thức của năm mới, có thể điểm lại những thành tựu kinh tế lớn của ASEAN năm 2019 và nhận diện các thách thức quan trọng cho năm 2020.
Năm 2019, ASEAN đã đạt được những thành tựu kinh tế quan trọng trong thương mại và phát triển bền vững. Thành tựu thương mại lớn nhất là kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào tháng 11 bởi 15 quốc gia gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN và năm đối tác đối thoại ASEAN (Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc). Theo Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo tại Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ ba, 15 thành viên đã kết thúc các cuộc đàm phán dựa trên lời văn cho tất cả 20 chương của hiệp định và về cơ bản hoàn tất các vấn đề tiếp cận thị trường; và đặt ra nhiệm vụ rà soát pháp lý để ký kết vào năm 2020.
Mặc dù phải đối mặt với các luồng ý kiến khác nhau thì việc hoàn tất đàm phán RCEP là một thành công. Đầu tiên, phải kể đến các ý kiến cho rằng RCEP không tham vọng như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nhưng hiệp định này sẽ mang lại cho các công ty khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn, tăng cường mạng lưới sản xuất xuyên quốc gia và từ đó cho phép người tiêu dùng hưởng lợi một phạm vi rộng hơn của thương mại hàng hóa. Thứ hai, Ấn Độ “dừng lại vào phút cuối” của RCEP không được coi là một thất bại vì vẫn bỏ ngỏ khả năng nước này tham gia trong tương lai. Ngay cả khi không có Ấn Độ, hiệp định này sẽ được ký kết trong năm 2020, đưa RCEP trở thành khối thương mại lớn nhất thế giới về cả dân số và quy mô kinh tế, với một thị trường 2,2 tỷ người (giảm từ 3,6 tỷ người so với có cả Ấn Độ) và sẽ chiếm 29% GDP thế giới (giảm từ 33% so với có cả Ấn Độ). Thứ ba, việc hoàn tất RCEP sẽ khôi phục niềm tin thị trường cho 15 quốc gia ký kết, bao gồm cả 10 thành viên ASEAN. Nó cho thị trường thấy rằng các nền kinh tế này sẽ hợp tác với nhau trong bối cảnh bất ổn gia tăng và căng thẳng Mỹ -Trung Quốc leo thang. Thứ tư, RCEP cho phép ASEAN tiến gần hơn đến việc hoàn thành Cộng đồng kinh tế ASEAN 2025 (AEC 2025) - một mục tiêu hội nhập kinh tế giữa 10 quốc gia Đông Nam Á. RCEP sẽ giúp các quốc gia này hội nhập tốt hơn vào nền kinh tế thế giới và đạt được một “ASEAN toàn cầu”. Đây là một trong những mục tiêu của AEC 2025.
ASEAN cũng đã rất nỗ lực thúc đẩy phát triển bền vững vào năm 2019. Năm ngoái, các thành viên ASEAN đã đồng ý thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Đối thoại Phát triển bền vững ASEAN (ACSDSD), nhằm tạo điều kiện hợp tác phát triển bền vững giữa ASEAN và các đối tác phát triển. ACSDSD có thể tăng cường sự lãnh đạo của ASEAN trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế về phát triển bền vững bằng cách cung cấp một nền tảng để ASEAN tập hợp các bên liên quan khác nhau để trao đổi quan điểm về vấn đề này. Trung tâm sẽ giúp ASEAN đáp ứng các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc vào năm 2030.
Bất chấp những thành tựu này, ASEAN vẫn có những thách thức phải đối mặt vào năm 2020. Thách thức đầu tiên liên quan đến sự tham gia của Ấn Độ trong RCEP. Sự tham gia của Ấn Độ vào RCEP sẽ không chỉ mở rộng thị trường khu vực mà còn tăng cường chuỗi cung ứng dịch vụ xuyên quốc gia khu vực. Nói tóm lại, khi các dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong nền kinh tế toàn cầu, khối RCEP sẽ cấp cho các công ty dịch vụ Ấn Độ tiếp cận các thị trường lớn hơn. Điều này sẽ cho phép các doanh nghiệp ở các quốc gia RCEP khác hợp tác với các công ty Ấn Độ để tăng khả năng cạnh tranh trong thương mại dịch vụ. Sự phản đối mạnh mẽ trong nước ở Ấn Độ có nghĩa là điều này nói dễ hơn làm. Nhiều người lo ngại rằng hiệp định này sẽ dẫn đến sự gia tăng nhập khẩu, mà họ cho rằng có thể làm trầm trọng thêm thâm hụt thương mại 105 tỷ USD của Ấn Độ, làm suy yếu các ngành công nghiệp trong nước và phá vỡ sáng kiến ​​"Make in India".
Thách thức thứ hai, RCEP sẽ không khiến các quốc gia ASEAN “miễn nhiễm” với các tác động của sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Vào ngày 15/1, Washington và Bắc Kinh đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một, trong đó trước mắt sẽ không áp đặt hoặc giảm thuế đối với các sản phẩm Trung Quốc trong khi sau đó sẽ loại bỏ thuế quan đối với một số sản phẩm của Mỹ để đáp ứng yêu cầu mua hàng hóa Mỹ. Tuy nhiên, thỏa thuận này không giải quyết các khoản trợ cấp của chính phủ Trung Quốc dành cho các doanh nghiệp nhà nước và tăng các hạn chế của Mỹ đối với đầu tư của Trung Quốc. Do đó, năm 2020 có thể chứng kiến ​​cuộc đụng độ tiếp tục giữa các quốc gia nổi lên từ những vấn đề này. Hai cường quốc cũng đang cạnh tranh trên nhiều mặt, bao gồm cả công nghệ. Hiệu ứng biến đổi mà 5G sẽ có đối với năng suất trong tương lai có nghĩa là sự cạnh tranh này có thể sẽ tồn tại lâu dài. Bất kể ai thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, Washington khó có thể lùi bước trong cuộc đua công nghệ 5G. Việc leo thang cạnh tranh công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ không mang lại kết quả tốt cho các quốc gia ASEAN, vì nó có thể kéo theo sự phân chia của các mạng 5G. Các quốc gia trong khu vực có thể bị buộc phải chọn hệ thống 5G.
Về phát triển bền vững, những thách thức đáng kể vẫn còn tồn tại. Sự lãnh đạo của ASEAN về phát triển bền vững sẽ xoay quanh hiệu quả của ACSDSD trong việc tạo điều kiện hợp tác giữa các thực thể ASEAN và ngoài ASEAN. Để đạt được điều này, ASEAN có thể học hỏi từ sự tham gia trước đây vào các ủy ban điều phối như Ủy ban điều phối ASEAN về kết nối và Trung tâm điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thiên tai. Sự phát triển bền vững là đa diện và đa ngành, đạt được sự lãnh đạo như vậy sẽ là một thách thức. Để đảm bảo các dự án không dẫn đến nợ không bền vững hoặc suy thoái môi trường, Trung tâm này phải làm việc với Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN + 3 (AMRO) và Nhóm công tác ASEAN về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Mặc dù vẫn chưa xác định được mức độ mà ACSDSD có thể tập hợp thành công các nguồn lực và tạo điều kiện hợp tác giữa các bên liên quan khác nhau. Nhưng thành công của ASEAN trong việc xử lý các cuộc đàm phán khó khăn như RCEP trong năm qua cho thấy những thành tựu lớn hơn nữa có thể và sẽ được theo đuổi.
Hội đồng Doanh nghiệp ASEAN-Mỹ hỗ trợ Campuchia phát triển du lịch 
Theo báo Rasmey Kampuchea số ra ngày 15/1, nhân dịp tham dự Diễn đàn Du lịch ASEAN tại Brunei, Bộ trưởng Bộ Du lịch Campuchia Thong Khon đã hội đàm với đoàn Hội đồng Doanh nghiệp ASEAN - Mỹ (US-ABC) do phó Chủ tịch Hội đồng Michael W. Michilak dẫn đầu.
Tại cuộc gặp, ông Michael thông báo cho phía Campuchia rằng để thúc đẩy triển khai tiêu chuẩn du lịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và tiêu chuẩn du lịch Campuchia trong khuôn khổ ASEAN và hợp tác đa phương, US-ABC sẽ hỗ trợ Campuchia quản lý ngành du lịch, đa dạng hóa và phát triển các sản phẩm du lịch thông qua các dự án đầu tư.
Ngoài ra, US-ABC có ý định hỗ trợ nâng cao năng lực chuyên môn và phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch Campuchia, qua đó giúp cải thiện đời sống của người dân địa phương và giảm đói nghèo thông qua các dự án phát triển du lịch cộng đồng và hợp tác công-tư.
Theo thống kê sơ bộ của Bộ Du lịch Campuchia, lượng khách du lịch quốc tế tới nước này năm 2019 ước đạt 6,6 triệu lượt so với 6,2 triệu lượt năm 2018.
Anh hy vọng tăng cường kết nối với ASEAN trong tương lai 
Trong chuyến thăm Indonesia, Phó Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh đặc trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương Heather Wheeler cho biết nước này muốn tiếp tục quan hệ hữu nghị với các nước ở Đông Nam Á và bày tỏ hy vọng sẽ tham dự các cuộc họp ASEAN trong tương lai khi nước này đang thúc đẩy tham vọng trở thành đối tác với ASEAN hậu Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu-EU). Anh đã là đối tác đối thoại thông qua EU trong hơn 40 năm.
Hiện sẽ mất một thời gian ngắn để hoàn thành công việc và xúc tiến đặt nền móng cho quan hệ đối thoại với ASEAN.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc nước Anh có muốn tham dự các cuộc họp ASEAN trong tương lai hay không, bao gồm các Hội nghị thượng đỉnh sắp tới tại Việt Nam vào tháng 11/2020, bà Wheeler khẳng định Chính phủ Anh hy vọng về điều đó.
Bà Wheeler cũng cho biết quan điểm của nước Anh về vấn đề Biển Đông, theo đó kêu gọi tất cả các bên nên tuân thủ luật biển và hy vọng các sử dụng tất cả các cơ chế pháp lý phù hợp để duy trì luật pháp quốc tế.
Hồi năm 2019, nước Anh đã giới thiệu chính sách "All of Asia" nhằm mở rộng sự hiện diện ở Đông Nam Á và đã chỉ định phái đoàn chuyên trách bên cạnh ASEAN.

Long Giang
Nguồn: VITIC/WTO/Bloomberg…
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710703471