Thứ bảy, 20-4-2024 - 12:38 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tổng hợp tình hình Cộng đồng kinh tế ASEAN trong tháng 12/2019 

 Thứ ba, 31-12-2019

AsemconnectVietnam - Trong tháng 12/2019, tin tức về Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập cuối năm ngoái khá sôi động

Tổng hợp tình hình Cộng đồng kinh tế ASEAN trong tháng 12/2019
Trong tháng 12/2019, tin tức về Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập cuối năm ngoái khá sôi động
ASEAN và "bến đỗ" trong chiến lược thương mại châu Á 
Trong bối cảnh chế độ thương mại toàn cầu đang bị đe dọa trước nguy cơ phá vỡ các quy tắc giải quyết tranh chấp của WTO và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, ASEAN đứng trước những thách thức để củng cố và bảo vệ sự gắn kết nội khối, cũng như bảo đảm sự hợp tác giữa khối với các đối tác đối thoại.
Sáng kiến của Nhật Bản cùng với Australia và các nước khác nhằm tăng gấp đôi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hoặc TPP-11 - trước đó đã đưa ra tuyên bố giúp mở cửa thương mại khu vực. Nhưng các nhà lãnh đạo của những quốc gia như Nhật Bản và Australia đã gặp khó khăn trong việc bảo vệ chế độ thương mại đa phương khi đối phó với chủ nghĩa song phương của Mỹ dưới sự ràng buộc của việc bảo vệ các mối quan hệ liên minh nước này.
Vào tháng 11 vừa qua, bên lề các cuộc họp Hội nghị Cấp cao Đông Á tại Băng Cốc (Thái Lan), ASEAN và các đối tác của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), bao gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand (mà không có Ấn Độ) đã tuyên bố hoàn tất thỏa thuận toàn diện và dự định ký kết vào năm 2020. Đây là một thời điểm quyết định trong cả hai vấn đề kinh tế và chính trị khu vực và toàn cầu. Con đường mà ASEAN và các đối tác Đông Á đã chọn là một cú huých thay đổi luật chơi chống lại làn sóng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại và chủ nghĩa dân tộc, ủng hộ trật tự thương mại đa phương. Đó là lý do tại sao RCEP được chào đón nồng nhiệt bởi một thế giới mệt mỏi trong chiến tranh thương mại, chứ không chỉ đơn giản là một thỏa thuận thương mại khu vực. Một nhóm các quốc gia chiếm gần 1/3 thương mại và thu nhập toàn cầu đã có chỗ đứng.
RCEP được xem là một "chồi xanh" trong khu vực còn "vắng vẻ". Khi thế giới phân chia, châu Á đã quy tụ với nhau. RCEP không chỉ là một thỏa thuận thương mại, mà còn là một thỏa thuận hợp tác kinh tế. RCEP tập hợp một nhóm các quốc gia, trong đó một số quốc gia không có thỏa thuận thương mại tự do với nhau. Quan trọng hơn, RCEP cam kết những gì mà vẫn là khu vực thương mại sôi động nhất trên thế giới theo đuổi mục tiêu chung về lợi ích và mục tiêu toàn cầu. Thành quả của RCEP là do ASEAN nỗ lực thực hiện, không chỉ là ASEAN đóng góp cho nỗ lực xoay quanh làn sóng thương mại trong ngoại giao kinh tế quốc tế. Indonesia, tại Hội nghị Thượng đỉnh Osaka G20 hồi tháng 6, đã đưa ra đề xuất quan trọng để bảo vệ WTO và xác định một con đường tiến tới cải cách. Sáng kiến đó cung cấp cơ sở cho các hành động tập thể dựa trên cơ sở rộng rãi hơn bởi các cường quốc vừa và nhỏ để bảo vệ lợi ích của mình trong các quy tắc thương mại toàn cầu đã được thiết lập và cải thiện chức năng của hệ thống thương mại đa phương.
Các nền kinh tế ASEAN tiếp tục tăng trưởng với tốc độ vừa phải nhưng đều đặn. Vài năm trước, Ấn Độ được cho rằng, đã vượt qua Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới, nhưng kết quả cho thấy, ASEAN tăng trưởng nhanh hơn Ấn Độ vào năm 2019. ASEAN đã trở thành nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới với GDP đạt 3 nghìn tỷ USD. ASEAN trở nên đáng chú ý hơn với việc tuyên bố hoàn tất các cuộc đàm phán RCEP, khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. 15 quốc gia thành viên của RCEP chiếm 30% dân số thế giới và 29% GDP thế giới. RCEP không chỉ là một hiệp định kinh tế, mà đó là một tín hiệu chiến lược với phần còn lại của thế giới rằng, phần này của châu Á tiếp tục tin tưởng vào việc duy trì một trật tự thương mại đa phương toàn cầu. Đã có những lo ngại, việc Ấn Độ quyết định không tham gia vào phút cuối có thể làm đình trệ và phá vỡ quy trình RCEP, có thể gây mất tập trung như Brexit. Thay vào đó, công thức "ASEAN-X" đã phát huy hiệu quả, bởi ASEAN luôn tin rằng, nếu không phải tất cả các nước đều có thể tham gia, những nước còn lại sẽ tiến lên phía trước.
Các chính sách hướng đông của Ấn Độ sẽ hoàn toàn không có nghĩa gì nếu không tham gia RCEP, đó là cảnh báo của chuyên gia về ngoại giao kinh tế, nhưng đến phút cuối, Ấn Độ đã lựa chọn theo con đường bảo hộ mà lựa chọn đứng ngoài RCEP. Chi phí của việc này đối với Ấn Độ có thể rất lớn. Nền kinh tế đang suy yếu của nước này rất cần sự thúc đẩy mà các cải cách từ RCEP sẽ mang lại cho tăng trưởng dài hạn, việc làm cho một lực lượng lao động đang ngày càng tăng và xóa đói, giảm nghèo. Ấn Độ (Nam Á chiếm ưu thế) đối với các chỉ số phúc lợi kinh tế chỉ là một phần nhỏ của Đông Á - Nam Á, chỉ bằng 2,7% thương mại toàn cầu so với 30,1% của Đông Á; 2,2% đầu tư nước ngoài toàn cầu so với 48,1% của Đông Á và 4,0% GDP toàn cầu so với 30,2% của Đông Á, trong khi chiếm lần lượt 23,9% và 30,7% dân số toàn cầu. Việc hoàn thành RCEP đặc biệt quan trọng trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang và cuộc đối đầu địa chính trị lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc. ASEAN có thể đã bị tê liệt hoặc tan vỡ bởi sự cạnh tranh này do cuộc đấu tranh giữa các thành viên thân Trung Quốc hơn và các thành viên thân Mỹ hơn. Tuy nhiên, ASEAN đã giữ vững vị trí và vai trò. ASEAN đã đưa ra quan điểm ASEAN của riêng mình về Ấn Độ - Thái Bình Dương do lo ngại rằng, chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương Tự do và Mở của Mỹ có thể chia rẽ khu vực.
15 nhà lãnh đạo RCEP khác quyết tâm dồn mọi nỗ lực để đưa Ấn Độ vượt qua giới hạn vào năm 2020 nhưng không thể buộc Ấn Độ vào thỏa thuận này. Mong muốn giữ Ấn Độ trong RCEP cho giấc mơ Ấn Độ - Thái Bình Dương không thể được phép dẫn đến việc Ấn Độ nắm giữ thỏa thuận theo tiêu chuẩn thấp khi biết rằng việc ký kết một thỏa thuận tốt là bắt buộc về mặt chiến lược. ASEAN đang giữ vững và tìm cách cấu trúc để tiếp tục tham gia ngay cả khi Ấn Độ không thể tìm ra cách gia nhập RCEP ngay lập tức. Một đóng góp khác của ASEAN trong bối cảnh chiến lược là quản lý các mối quan hệ quyền lực lớn ngoài Đông Nam Á; đồng thời củng cố vai trò ASEAN như "bến đỗ" chiến lược khu vực.
Các nước ASEAN dẫn đầu làn sóng chuyển đổi kỹ thuật số như thế nào?
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là một trong những nền kinh tế mạnh nhất ở châu Á. Tổ chức liên chính phủ khu vực này có 10 quốc gia thành viên với tổng GDP lớn hơn 2.500 tỷ đô la Mỹ. Nền kinh tế khu vực hiện đang tăng trưởng với tốc độ ổn định 6% mỗi năm và sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng chủ yếu được thúc đẩy bởi sự phổ biến nhanh chóng của điện thoại thông minh và công nghệ thông minh trong khu vực. Xu hướng này được gọi là chuyển đổi kỹ thuật số ASEAN.
Sự chuyển đổi kỹ thuật số ASEAN dựa trên một cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông được phát triển và đổi mới. Tầng lớp trung lưu trong khu vực đang mở rộng hàng ngày, thương mại điện tử và phương tiện truyền thông xã hội đang trở nên phổ biến với tốc độ ổn định, các thiết bị công nghệ ngày càng có giá cả phải chăng. Ngoài ra, khu vực có số lượng dân số trẻ rất lớn và một lĩnh vực khởi nghiệp mạnh mẽ. Tất cả những yếu tố này kết hợp lại tạo ra một làn sóng kỹ thuật số hứa hẹn sẽ thay đổi Đông Nam Á.
Một nền kinh tế đang trên đường cất cánh
Nền kinh tế internet đang hình thành trong ASEAN. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực hiện có một nền tảng vững chắc từ đó họ có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các nền kinh tế đa dạng trong khu vực cũng đang trên con đường thống nhất và hình thành một khối kinh tế gắn kết. Khi điều này xảy ra, kinh tế khu vực sẽ đủ điều kiện chín muồi để cất cánh.
Các công ty đa quốc gia đã cố gắng thâm nhập thị trường ASEAN nhằm sẵn sàng cho việc cất cánh này. Chẳng hạn, các tổ môi giới lao động chuyên nghiệp ở Singapore đang đầu tư vào các công nghệ phù hợp sẽ giúp họ tìm và tuyển dụng nhân viên có năng lực cho thị trường việc làm đang mở rộng trong khu vực. Nếu các công ty có mong muốn mở rộng kinh doanh sang thị trường ASEAN, các công ty này sẽ cần các dịch vụ của một công ty dịch thuật để hiểu và tương tác hiệu quả với các khách hàng ASEAN.
Để hỗ trợ cho việc cất cánh này, các quốc gia thành viên ASEAN đang nỗ lực tạo ra một không gian thương mại điện tử liền mạch cho phép các thương nhân trong khu vực tiếp thị và bán sản phẩm của họ mà không có bất kỳ hạn chế thương mại quốc tế nào. Ngoài ra, Kế hoạch kinh tế ASEAN 2025 cũng tìm cách khai thác công nghệ và tận dụng sức mạnh trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia thành viên và các nền kinh tế hàng đầu như Trung Quốc, Mỹ và EU. Sự cất cánh kinh tế ASEAN cũng được thúc đẩy bởi Mạng lưới thành phố thông minh bao gồm 26 thành phố trong khu vực. Nếu những thành phố này trở thành thành phố thông minh vào năm 2025, khu vực này sẽ có điều kiện chín muồi để chuyển đổi công nghiệp.
Kế hoạch tổng thể về kết nối (MPAC) 2025 và công nghiệp 4.0
Mục tiêu chính của MPAC 2025 là thúc đẩy hội nhập kinh tế giữa các quốc gia thành viên như một cách tạo ra một khối thương mại toàn diện và cạnh tranh trước năm 2025. Mục tiêu này sẽ chỉ đạt được bằng cách cải thiện kết nối liên ngành giữa các khu vực. Kế hoạch đã đề ra khuôn khổ quản trị dữ liệu số ASEAN nhằm tìm cách thúc đẩy đổi mới kỹ thuật số và tạo ra một chương trình nghị sự kỹ thuật số mạnh mẽ hơn trong khu vực.
Nếu MPAC 2025 được triển khai thành công, các công nghệ kỹ thuật số trong ASEAN sẽ tăng giá trị lên hơn 500 tỷ đô la vào năm 2025. Công nghệ sẽ được áp dụng trong khu vực ở quy mô lớn hơn, hiệu quả kinh doanh và quản trị sẽ cao hơn, các sản phẩm và dịch vụ được nâng cao giá trị. Từ đó, các sản phẩm và dịch vụ từ khu vực sẽ có cơ hội cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường toàn cầu.
Làn sóng chuyển đổi kỹ thuật số ASEAN cũng được hỗ trợ bởi Công nghiệp 4.0, giai đoạn số hóa đang thay đổi cách sống và làm việc của công dân ASEAN. Đây là xu hướng tăng cường áp dụng Internet vạn vật (IoT), thực tế ảo, in 3D, công nghệ blockchain và trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ mang tính cách mạng khác.
Việc áp dụng rộng rãi các công cụ công nghệ mới và tiên tiến này sẽ giúp khu vực vượt qua nhiều khối thương mại khu vực khác về tiêu chí sự hài lòng của khách hàng đối với hoạt động cung cấp dịch vụ. Các hệ thống giáo dục trong khu vực cũng có khả năng cải thiện chất lượng do kết hợp sử dụng công nghệ AI.
Có bất kỳ thách thức nào đối với việc chuyển đổi kỹ thuật số ở Đông Nam Á không?
Cuộc cách mạng kỹ thuật số ở Đông Nam Á phải rất lâu nữa mới hoàn thành do còn nhiều vấn đề mới nảy sinh. Vấn đề lớn nhất trong số đó là công nghệ kỹ thuật số ở một số quốc gia thành viên đang ở trong điều kiện tồi tệ trong khi các quốc gia khác gần như ngang bằng với các nền kinh tế phát triển thế giới. Ví dụ, Myanmar và Campuchia đã phát triển với tốc độ rất chậm so với các nước khác trong khu vực như Malaysia và Singapore. Sự tương phản rõ nét này có thể dễ dàng dẫn đến thất bại cuối cùng của cuộc cách mạng kỹ thuật số.
Kết luận
Nếu khu vực ASEAN tiếp tục trong quỹ đạo kỹ thuật số hiện tại, nhiều quốc gia thành viên sẽ trở thành các nền kinh tế lớn nhất toàn cầu vào năm 2030. Các quốc gia như Singapore sẽ tiến gần hơn tới trình độ các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc và thậm chí ngang hàng với một số đại gia kinh tế ở Liên minh châu Âu. Một điều tốt là khu vực này có một lực lượng lao động trẻ và có trình độ học vấn cao, được đào tạo để bắt kịp với các công nghệ mới. Chắc chắn, tiềm năng đầy đủ của chuyển đổi kỹ thuật số ASEAN sẽ được khai thác hết trong tương lai.
Phát triển tiềm năng kinh tế Asean
Năm nay, ASEAN kỷ niệm 52 năm ngày thành lập và đã có được danh tiếng nhất định trên các mặt trận an ninh và ngoại giao. Tuy vậy, khối có một tiềm năng kinh tế to lớn và phần lớn tiềm năng này chưa được khai thác, các nước thành viên nên tận dụng để trở thành một nhà sản xuất hàng hóa toàn cầu.
Các nghiên cứu được thực hiện bởi một số tổ chức nổi tiếng đã nhấn mạnh khả năng Asean trở thành một trong những thị trường lao động hàng đầu vào năm 2050 sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Một phần lớn lao động ở các quốc gia thành viên Asean hiện đang phục vụ trong các ngành sản xuất và nông nghiệp cấp thấp, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa khu vực và các nền kinh tế hùng mạnh khác là Mỹ, Liên minh Châu Âu và các quốc gia Viễn Đông.
Thương mại toàn cầu đang phải đối mặt với những cú sốc thị trường và các nền kinh tế có thể trải qua suy thoái trong những tháng tiếp theo. Với việc Trung Quốc thông báo ngừng nhập khẩu nông sản của Mỹ (do mức thuế 10% chính quyền Trump áp đặt đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc) và căng thẳng ngoại giao giữa Hàn Quốc và Nhật Bản leo thang thành một cuộc khủng hoảng toàn diện, các nước Asean sẽ phải thận trọng và thực hiện các chuẩn bị cần thiết trong trường hợp xảy ra sự cố thương mại nghiêm trọng.
Vấn đề giữa Đài Loan và Trung Quốc là một nguyên nhân khác gây lo ngại. Hiện tại, Malaysia và hầu hết các nước Asean là những nước hưởng lợi từ các khoản đầu tư của Trung Quốc và Đài Loan, vì khu vực này phụ thuộc nhiều vào đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo thêm việc làm và phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, những bất đồng liên tục giữa Đài Loan và Trung Quốc có thể dẫn đến kết quả tiêu cực.
Nhìn rộng hơn, Asean phải phát triển một mô hình hoạt động thích ứng với tình hình biến động trong khu vực và Đài Loan là một đối tác phù hợp.
Chính phủ Đài Loan đưa ra Chính sách hướng Nam mới năm 2016 trong đó coi Malaysia và Asean là đối tác hợp tác lớn với mục đích mở rộng đầu tư và nâng cao toàn diện các nỗ lực hợp tác giữa các nước trong các lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế, văn hóa, giáo dục, du lịch và thương mại.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, các công ty phân bón Đài Loan hợp tác với các nhà phân phối phân bón lớn ở Malaysia để tiến hành các thử nghiệm quy mô lớn và quảng bá sản phẩm.
Về lĩnh vực giáo dục, hệ thống giáo dục Đài Loan được coi là phù hợp với sinh viên Malaysia. Một nửa số sinh viên nước ngoài tại Đài Loan đến từ Malaysia và Malaysia trở thành nước có nhiều sinh viên nhất tại Đài Loan trong số các quốc gia Đông Nam Á.
Mặc dù có một số thất bại trong quá trình thực hiện Chính sách hướng Nam mới (về các vấn đề về việc làm, chứng nhận bằng cấp và khả năng tài trợ cho một số dự án nhất định) nhưng việc thực hiện Chính sách này vẫn được đánh giá cao.
Các nước ASEAN cần phải theo đuổi một chiến lược kinh tế khu vực lành mạnh tương tự để có thể bù đắp cho những biến động kinh tế toàn cầu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Asean trong dài hạn.
Các nhà hoạch định chính sách Asean phải đánh giá lại sự tiến bộ của mỗi quốc gia đối với Kế hoạch Cộng đồng Kinh tế Asean 2025 (AEC 2025) - một kế hoạch toàn diện nhằm nâng cao vị thế kinh tế của khu vực.
Các mục tiêu của Kế hoạch này là:
i. Tạo ra một nền kinh tế Asean hội nhập sâu rộng và gắn kết cao, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và có khả năng phục hồi cao, bền vững ngay cả khi đối mặt với những cú sốc và biến động kinh tế toàn cầu;
ii. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế công bằng và toàn diện hơn, thu hẹp khoảng cách phát triển;
iii. Thúc đẩy tăng trưởng năng suất mạnh mẽ thông qua đổi mới, phát triển công nghệ và nguồn nhân lực, tăng cường hoạt động nghiên cứu và phát triển;
iv. Thúc đẩy các nguyên tắc quản trị tốt, minh bạch;
v. Mở rộng giao lưu người dân, kết nối thể chế và cơ sở hạ tầng của Asean thông qua các dự án hợp tác Asean và tiểu vùng tạo điều kiện cho việc dịch chuyển vốn cũng như lao động lành nghề;
vi. Tạo ra một Asean năng động và kiên cường, có khả năng ứng phó và thích nghi với các thách thức mới nổi thông qua các cơ chế quốc gia và khu vực mạnh mẽ nhằm giải quyết các vấn đề an ninh năng lượng và lương thực, thiên tai, cú sốc kinh tế, các vấn đề mới nổi liên quan đến thương mại cũng như các xu hướng lớn trên toàn cầu;
vii. Kết hợp với chương trình nghị sự tăng trưởng bền vững dựa trên công nghệ xanh và năng lượng xanh;
viii. Thúc đẩy việc sử dụng Nghị định thư Asean về Cơ chế giải quyết tranh chấp nâng cao (EDSM);
ix Củng cố tính trung tâm của Asean trong kiến ​​trúc kinh tế khu vực mới nổi bằng cách duy trì vai trò là trung tâm thúc đẩy hội nhập kinh tế ở khu vực Đông Á;
x. Hướng tới một lập trường chung và nâng cao vai trò, tiếng nói của Asean trong các diễn đàn kinh tế toàn cầu.
Hướng tới các mục tiêu này một cách gắn kết thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước Asean chắc chắn sẽ giảm sự phụ thuộc vào các siêu cường toàn cầu trong dài hạn. Khi làm được như vậy, các nước Asean nên thể hiện mình là người chơi chính trong trật tự toàn cầu, từ đó nâng cao tầm quan trọng của toàn bộ khu vực.
Chẳng hạn, Asean có thể đóng vai trò trung gian giải quyết căng thẳng song phương giữa các quốc gia xung đột (Mỹ-Trung Quốc/ Nhật Bản-Hàn Quốc). Những hành động như vậy có thể diễn ra trong một giải pháp cùng thắng cho tất cả các bên liên quan, trong khi Asean và Malaysia có thể gặt hái những thành quả về tính bền vững kinh tế và sự hài hòa địa chính trị. Điều này sẽ đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và nguồn lực nhưng Asean phải kiên trì nếu muốn ngang hàng với các siêu cường toàn cầu trong những năm tới.
''Việt Nam sẽ đánh dấu bước tiến về vai trò của mình vào 2020'' 
Việt Nam với vai trò ngày càng tích cực trong ASEAN sẽ phải giải quyết tất cả các vấn đề khu vực, và đây là sẽ là những thách thức lớn đối với Việt Nam khi quốc gia này chính thức tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2020, là nhận định của bài viết đăng tải trên trang mạng The Diplomat ngày 8/11.
Với tiêu đề ''Việt Nam sẽ làm Chủ tịch ASEAN năm 2020 như thế nào?,'' tác giả bài cho rằng với việc trở thành Chủ tịch ASEAN thay Thái Lan vào năm tới Việt Nam sẽ đánh dấu một bước tiến về vai trò của mình vào năm 2020.
Theo bài báo, kể từ khi gia nhập ASEAN vào năm 1995, Việt Nam đã tiến hành một loạt cải cách như chính sách đổi mới, hội nhập ngày càng rộng với thế giới và nhanh chóng nổi lên là một nền kinh tế phát triển nhanh nhất, một đối tác đáng tin cậy ở khu vực, cũng như trong khối ASEAN.
Việt Nam đã hai lần làm Chủ tịch ASEAN vào các năm 1998 và 2010, và trong hai lần này, Việt Nam đã thúc đẩy một số nội dung ưu tiên, như thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia Đông Nam Á, phát triển các tổ chức mới và thu hút sự quan tâm của các cường quốc trên thế giới.
Bài viết tin tưởng rằng Việt Nam, với cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, sẽ tiếp tục các nội dung này, đặc biệt năm 2020 đánh dấu 25 năm Việt Nam là thành viên ASEAN, cũng như đánh dấu nửa chặng đường của Tầm nhìn cộng đồng ASEAN đến năm 2025 - chủ trương đã được thông qua vào năm 2015.
Bối cảnh của năm 2020 khác với năm 2010. Môi trường của khu vực và quốc tế đang đối mặt với căng thẳng: diễn biến phức tạp trên Biển Đông, những thay đổi trong chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Tuy nhiên, Việt Nam của năm 2020 đã có những bước tiến đáng kể. Quốc gia Đông Nam Á này đã thiết lập các mối quan hệ sâu rộng với các nước như Mỹ, Nhật Bản, Australia và các nước Liên minh châu Âu (EU).
Bài báo nhận định Việt Nam không nghi ngờ gì về bối cảnh đầy thách thức này, cùng với thực tế là quốc gia này cũng có các ưu tiên trong chính sách đối nội và đối ngoại khi đồng thời là Uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Giống như Thái Lan với cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2019, giới quan sát có thể hy vọng chương trình nghị sự khi Việt Nam làm Chủ tịch sẽ vừa được kế thừa, song cũng vừa có sự thay đổi vào năm 2020, đó là tiếp tục công việc của Chủ tịch ASEAN trước đó với các mốc thời gian và nội dung khác nhau về sự phát triển của ASEAN, đồng thời thúc đẩy những ưu tiên chính mà Việt Nam đang hướng tới.
'Việt Nam cần tập trung ưu tiên RCEP trong năm Chủ tịch ASEAN' 
Theo một chuyên gia Indonesia, sẽ là một thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc cố gắng thuyết phục Ấn Độ và Nhật Bản gắn bó với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Học giả Indonesia cho rằng thúc đẩy Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là vấn đề đầu tiên mà Việt Nam cần tập trung ưu tiên trong Năm Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2020.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Jakarta, ông Ahmad Ibrahim Almutaqqi - Giám đốc Chương trình nghiên cứu ASEAN thuộc Trung tâm Habibie của Indonesia - cho rằng vẫn còn một số hy vọng về việc Ấn Độ tham gia RCEP vào năm 2020 nếu các bên đàm phán có thể nhất trí về những vấn đề nổi bật mà New Delhi đã nêu.
Theo nhà nghiên cứu này, Nhật Bản mới đây tuyên bố sẽ không tham gia RCEP nếu thiếu Ấn Độ. Vì vậy, sẽ là một thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc cố gắng thuyết phục Ấn Độ và Nhật Bản gắn bó với hiệp định này.
Ông Ahmad Ibrahim Almutaqqi bày tỏ tin tưởng vào khả năng, sự khéo léo và linh hoạt của Việt Nam trong lĩnh vực ngoại giao kinh tế.
Chuyên gia này đặc biệt đề cao năng lực Việt Nam trong đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) và là một trong những nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ông Almutaqqi đánh giá với tốc độ tăng trưởng rất cao trong vài năm qua, Việt Nam đã cho thấy thành quả có thể đạt được nếu mở cửa kinh tế và tham gia tiến trình toàn cầu hóa.
Trong khi đó, ông cũng cho rằng Ấn Độ cần tham gia toàn cầu hóa nhiều hơn, mở cửa hơn nữa lĩnh vực thương mại và kinh doanh.
Theo ông Almutaqqi, bên cạnh RCEP, Việt Nam cũng cần ưu tiên thúc đẩy Cộng đồng ASEAN, do năm 2020 là thời điểm đánh dấu 5 năm thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Bày tỏ hy vọng được chứng kiến những “thành tựu phát triển lớn” trong Năm Chủ tịch của Việt Nam, ông Almutaqqi cho biết có rất nhiều hy vọng đặt vào Việt Nam bởi đây là một trong những nước có tiếng nói ở Đông Nam Á với một nền kinh tế phát triển nhanh.
Theo chuyên gia này, việc Việt Nam và Indonesia cùng đảm nhận cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021 sẽ là “cơ hội chiến lược” để hai nước hợp tác thúc đẩy chương trình nghị sự của ASEAN.
Về các thách thức của ASEAN, ông Almutaqqi cũng cho rằng tổ chức này đang phải đối mặt với một tình hình nhiều biến động cũng như bất ổn định do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung; căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và đặc biệt là tình hình Biển Đông - vốn đang là “mối quan tâm lớn” của cả khu vực.

Long Giang
Nguồn: VITIC/WTO/Bloomberg…
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710737572