Thứ năm, 25-4-2024 - 19:30 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Phát triển tiềm năng kinh tế Asean 

 Thứ hai, 9-12-2019

AsemconnectVietnam - Năm nay, ASEAN kỷ niệm 52 năm ngày thành lập và đã có được danh tiếng nhất định trên các mặt trận an ninh và ngoại giao. Tuy vậy, khối có một tiềm năng kinh tế to lớn và phần lớn tiềm năng này chưa được khai thác, các nước thành viên nên tận dụng để trở thành một nhà sản xuất hàng hóa toàn cầu.

Các nghiên cứu được thực hiện bởi một số tổ chức nổi tiếng đã nhấn mạnh khả năng Asean trở thành một trong những thị trường lao động hàng đầu vào năm 2050 sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Một phần lớn lao động ở các quốc gia thành viên Asean hiện đang phục vụ trong các ngành sản xuất và nông nghiệp cấp thấp, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa khu vực và các nền kinh tế hùng mạnh khác là Mỹ, Liên minh Châu Âu và các quốc gia Viễn Đông.
Thương mại toàn cầu đang phải đối mặt với những cú sốc thị trường và các nền kinh tế có thể trải qua suy thoái trong những tháng tiếp theo. Với việc Trung Quốc thông báo ngừng nhập khẩu nông sản của Mỹ (do mức thuế 10% chính quyền Trump áp đặt đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc) và căng thẳng ngoại giao giữa Hàn Quốc và Nhật Bản leo thang thành một cuộc khủng hoảng toàn diện, các nước Asean sẽ phải thận trọng và thực hiện các chuẩn bị cần thiết trong trường hợp xảy ra sự cố thương mại nghiêm trọng.
Vấn đề giữa Đài Loan và Trung Quốc là một nguyên nhân khác gây lo ngại. Hiện tại, Malaysia và hầu hết các nước Asean là những nước hưởng lợi từ các khoản đầu tư của Trung Quốc và Đài Loan, vì khu vực này phụ thuộc nhiều vào đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo thêm việc làm và phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, những bất đồng liên tục giữa Đài Loan và Trung Quốc có thể dẫn đến kết quả tiêu cực.
Nhìn rộng hơn, Asean phải phát triển một mô hình hoạt động thích ứng với tình hình biến động trong khu vực và Đài Loan là một đối tác phù hợp.
Chính phủ Đài Loan đưa ra Chính sách hướng Nam mới năm 2016 trong đó coi Malaysia và Asean là đối tác hợp tác lớn với mục đích mở rộng đầu tư và nâng cao toàn diện các nỗ lực hợp tác giữa các nước trong các lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế, văn hóa, giáo dục, du lịch và thương mại.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, các công ty phân bón Đài Loan hợp tác với các nhà phân phối phân bón lớn ở Malaysia để tiến hành các thử nghiệm quy mô lớn và quảng bá sản phẩm.
Về lĩnh vực giáo dục, hệ thống giáo dục Đài Loan được coi là phù hợp với sinh viên Malaysia. Một nửa số sinh viên nước ngoài tại Đài Loan đến từ Malaysia và Malaysia trở thành nước có nhiều sinh viên nhất tại Đài Loan trong số các quốc gia Đông Nam Á.
Mặc dù có một số thất bại trong quá trình thực hiện Chính sách hướng Nam mới (về các vấn đề về việc làm, chứng nhận bằng cấp và khả năng tài trợ cho một số dự án nhất định) nhưng việc thực hiện Chính sách này vẫn được đánh giá cao.
Các nước ASEAN cần phải theo đuổi một chiến lược kinh tế khu vực lành mạnh tương tự để có thể bù đắp cho những biến động kinh tế toàn cầu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Asean trong dài hạn.
Các nhà hoạch định chính sách Asean phải đánh giá lại sự tiến bộ của mỗi quốc gia đối với Kế hoạch Cộng đồng Kinh tế Asean 2025 (AEC 2025) - một kế hoạch toàn diện nhằm nâng cao vị thế kinh tế của khu vực.
Các mục tiêu của Kế hoạch này là:
i. Tạo ra một nền kinh tế Asean hội nhập sâu rộng và gắn kết cao, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và có khả năng phục hồi cao, bền vững ngay cả khi đối mặt với những cú sốc và biến động kinh tế toàn cầu;
ii. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế công bằng và toàn diện hơn, thu hẹp khoảng cách phát triển;
iii. Thúc đẩy tăng trưởng năng suất mạnh mẽ thông qua đổi mới, phát triển công nghệ và nguồn nhân lực, tăng cường hoạt động nghiên cứu và phát triển;
iv. Thúc đẩy các nguyên tắc quản trị tốt, minh bạch;
v. Mở rộng giao lưu người dân, kết nối thể chế và cơ sở hạ tầng của Asean thông qua các dự án hợp tác Asean và tiểu vùng tạo điều kiện cho việc dịch chuyển vốn cũng như lao động lành nghề;
vi. Tạo ra một Asean năng động và kiên cường, có khả năng ứng phó và thích nghi với các thách thức mới nổi thông qua các cơ chế quốc gia và khu vực mạnh mẽ nhằm giải quyết các vấn đề an ninh năng lượng và lương thực, thiên tai, cú sốc kinh tế, các vấn đề mới nổi liên quan đến thương mại cũng như các xu hướng lớn trên toàn cầu;
vii. Kết hợp với chương trình nghị sự tăng trưởng bền vững dựa trên công nghệ xanh và năng lượng xanh;
viii. Thúc đẩy việc sử dụng Nghị định thư Asean về Cơ chế giải quyết tranh chấp nâng cao (EDSM);
ix Củng cố tính trung tâm của Asean trong kiến ​​trúc kinh tế khu vực mới nổi bằng cách duy trì vai trò là trung tâm thúc đẩy hội nhập kinh tế ở khu vực Đông Á;
x. Hướng tới một lập trường chung và nâng cao vai trò, tiếng nói của Asean trong các diễn đàn kinh tế toàn cầu.
Hướng tới các mục tiêu này một cách gắn kết thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước Asean chắc chắn sẽ giảm sự phụ thuộc vào các siêu cường toàn cầu trong dài hạn. Khi làm được như vậy, các nước Asean nên thể hiện mình là người chơi chính trong trật tự toàn cầu, từ đó nâng cao tầm quan trọng của toàn bộ khu vực.
Chẳng hạn, Asean có thể đóng vai trò trung gian giải quyết căng thẳng song phương giữa các quốc gia xung đột (Mỹ-Trung Quốc/ Nhật Bản-Hàn Quốc). Những hành động như vậy có thể diễn ra trong một giải pháp cùng thắng cho tất cả các bên liên quan, trong khi Asean và Malaysia có thể gặt hái những thành quả về tính bền vững kinh tế và sự hài hòa địa chính trị. Điều này sẽ đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và nguồn lực nhưng Asean phải kiên trì nếu muốn ngang hàng với các siêu cường toàn cầu trong những năm tới.

Long Giang
Nguồn: www.thestar.com.my
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710872459