Thứ bảy, 20-4-2024 - 5:41 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Cộng đồng kinh tế ASEAN: Nhìn lại để tiến lên phía trước 

 Thứ sáu, 14-9-2018

AsemconnectVietnam - Hợp tác kinh tế ASEAN đã đi một chặng đường dài từ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) của thập niên 1990 đến Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) 2025 gần đây, phát triển từ một sáng kiến tự do hoá thương mại trở thành một hình thức hợp tác toàn diện hơn.

Kế hoạch xây dựng AEC ra đời năm 2003 phù hợp với lợi ích quốc gia của 10 quốc gia Đông Nam Á nhằm duy trì tính cạnh tranh trong một thế giới ngày càng toàn cầu hoá.
Mục tiêu chính của AEC là mang lại sự gắn kết kinh tế trong các lĩnh vực quan tâm chung và thiết lập một thị trường thống nhất theo thời gian. Điều này sẽ tạo ra một khối kinh tế có quy mô lớn, thu hút được đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều hơn và hỗ trợ các hoạt động sản xuất với chi phí thấp hơn.
AEC cũng kết nối ASEAN với các thị trường lớn hơn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, việc Trung Quốc gia nhập WTO và sự nổi lên của Ấn Độ như một nền kinh tế chiếm ưu thế về dịch vụ đã thuyết phục các nước thành viên rằng tương lai kinh tế của khối nằm ngoài biên giới quốc gia hoặc khu vực của họ.
Hơn nữa, khi các chuỗi cung ứng sản xuất hoạt động trong khu vực châu Á rộng lớn hơn thì việc mở rộng AEC thành các FTA ASEAN + 1 là điều cần thiết.
Hiện nay, hợp tác kinh tế ASEAN đang phát triển tốt. AEC đã được thành lập vào cuối năm 2015. Một số cam kết đã được thực thi, nhiều cam kết khác đang trong tiến trình xây dựng. Kế hoạch chi tiết phát triển AEC tầm nhìn đến năm 2025 đã được xây dựng.
Một cơ sở hạ tầng kết nối tốt đã được xác định là yếu tố quyết định chính của quá trình hội nhập kinh tế, thu hút FDI và phân phối lợi ích đồng đều hơn giữa người dân và doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, có rất nhiều thách thức.
Thách thức
Hoạt động bảo hộ thương mại đang gia tăng kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008. Số lượng các biện pháp chống bán phá giá trong nền kinh tế G20 đã tăng lên 360 vào năm 2017, gấp đôi mức 2011.
Chính sách ‘nước Mỹ trên hết’ của Chính quyền Tổng thống Trump đã tạo ra sự mơ hồ trong các hoạt động kinh tế.
Những rủi ro do cuộc chiến thương mại đang nhen nhóm giữa Mỹ và một số nước - Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Mexico, Canada, Liên minh châu Âu ngày càng lớn dần. Những điều này sẽ có ý nghĩa lâu dài đối với việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng sản xuất và sự tin tưởng đối với khuôn khổ thương mại đa phương của WTO.
Đồng thời, nền kinh tế thế giới đang chứng kiến ​​quá trình Brexit, một kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh quyết định rời Liên minh châu Âu.
Các chính sách dân túy ngày càng gia tăng do sự bất mãn đối với quá trình toàn cầu hóa, đặc biệt là thương mại và nhập cư, bất bình đẳng thu nhập và mất an ninh kinh tế.
Các nước ASEAN không tách biệt với những diễn tiến bất lợi toàn cầu này. Hiện nay, nhiều chuyên gia lo ngại về cách thức AEC 2015 đã mang lại lợi ích cho các thành viên ASEAN, các doanh nghiệp và người dân.
Nhận thức thấp về AEC thường dẫn đến các cuộc tranh luận về lợi ích không đồng đều của hội nhập kinh tế và xung đột lợi ích giữa 'người chiến thắng' và 'kẻ thua cuộc'.
Điều này làm hạn chế khả năng các Chính phủ ban hành được các chính sách táo bạo và buộc họ phải thực hiện các chính sách dân túy để nâng cao triển vọng chính trị tương lai của mình.
Hệ quả là, tốc độ hội nhập kinh tế ASEAN có thể bị chậm lại. Việc thực hiện các chính sách dân túy có thể không đồng đều và giảm sự chú ý đến các biện pháp thương mại và đầu tư toàn diện và tập trung hơn.
Tuy nhiên, thương mại sẽ vẫn là hoạt động cốt lõi của AEC. Mặc dù thuế quan đã gần như bị xóa bỏ đối với dòng chảy hàng hóa trong khu vực nhưng các sáng kiến ​​tạo thuận lợi thương mại, chẳng hạn như Cơ chế một cửa ASEAN và Chương trình tự chứng nhận, cũng có tầm quan trọng đáng kể.
Thương mại kỹ thuật số
Việc sử dụng thương mại điện tử trong các hoạt động kinh doanh sẽ nổi lên như một chương trình hợp tác quan trọng. Việc soạn thảo văn bản khung về thương mại điện tử đã được tiến hành và có khả năng bao gồm các quy định về hải quan, hậu cần, bảo mật trực tuyến, luồng dữ liệu và các giải pháp thanh toán.
Hợp tác các ngành dịch vụ sẽ tiếp tục thu hút các nước. Trước đó vào năm 2018, các thành viên ASEAN đã thông qua một tuyên bố chung về Du lịch ASEAN để có người dân trong khối có thể du lịch tới 25.000 hòn đảo và nhiều điểm hấp dẫn trong khu vực.
Nâng cao hiệu quả của các dịch vụ logistics là điều rất quan trọng cho sự phát triển của ngành thương mại điện tử trong khu vực.
ASEAN hiện đang gắng xây dựng hiệp định thương mại dịch vụ ASEAN nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh tổng thể của ngành.
Cuối cùng, ASEAN sẽ tiếp tục thu hút các đối tác bên ngoài thông qua cơ chế FTA+. Khối này cũng sẽ cố gắng kết thúc đàm phán và đưa vào thực thi hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) nhằm giúp các doanh nghiệp hoạt động lâu dài trong khu vực và tạo niềm tin vào chủ nghĩa đa phương trong tương lai.
Điều đó cho thấy, khi các nước ASEAN tin vào hệ thống thương mại dựa trên quy tắc thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế của mình thì AEC sẽ tiếp tục có vai trò tăng cường kết nối khu vực.
AEC sẽ vẫn là phương tiện chính để củng cố chuỗi cung ứng khu vực và đảm bảo triển vọng tăng trưởng của các nước. Trong khi có thể có những giai đoạn rất bấp bênh trong nền kinh tế toàn cầu, ASEAN hội nhập hơn là không thể tránh khỏi để giải quyết các lỗ hổng đi vào tương lai.

Long Giang
Nguồn: Vitic/ Businesstimes.com.sg
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710730823