Thứ bảy, 20-4-2024 - 18:40 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Hội nhập kinh tế phong cách ASEAN 

 Thứ sáu, 15-12-2017

AsemconnectVietnam - Hội nhập khu vực sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của Singapore khi nước này là Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2018.

Thuật ngữ "hội nhập" thường được nêu ra nhiều trong các cuộc họp của ASEAN nói chung và cuộc họp Thượng đỉnh ASEAN nói riêng. Tuy nhiên, khái niệm "hội nhập" này thường được coi là để thể hiện khát vọng lớn gắn kết khu vực chứ không dễ dàng đạt được.
Kể từ khi ASEAN được thành lập 50 năm về trước, Hiệp hội đã phát triển vượt bậc và giờ đây đã sẵn sàng để đạt được mục tiêu hội nhập toàn diện mà bước đầu tiên là hội nhập kinh tế.
Ý tưởng hội nhập các nền kinh tế các nước thành viên ASEAN dựa trên nền tảng kinh tế hoàn hảo. Tổng sản phẩm quốc nội kết hợp (GDP) của khối đạt 2.530 tỷ USD, tổng kim ngạch thương mại là 2.820 tỷ USD với dân số 631 triệu người.
Đây là nền kinh tế có quy mô lớn thứ ba ở châu Á, thứ sáu trên thế giới và dự kiến ​​sẽ vươn lên hàng thứ tư vào năm 2040. Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Hiệp hội là trên 5,3% trong 8 năm qua - vượt xa tốc độ tăng trưởng trung bình toàn cầu. Đây là một khu vực có diện tích không lớn trên thế giới nhưng đã trở thành một Cộng đồng Kinh tế năng động và trung tâm thương mại hàng đầu toàn cầu. Có thể thấy tiềm năng phát triển của khu vực khá rõ ràng. ASEAN đã đạt được những thành quả đáng kể khi thực hiện Kế hoạch chi tiết Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) 2015. Mặc dù tự do hoá thương mại quốc tế đã mở ra nhiều cơ hội cho các nước thành viên ASEAN nhưng có một số nước vẫn tỏ ra thận trọng về việc xóa bỏ hoàn toàn các rào cản thương mại.
Phát biểu tại một hội nghị về AEC ở Singapore vào tháng trước, Cựu Tổng thư ký ASEAN Ong Keng Yong cho biết AEC có tầm quan trọng hàng đầu đối với khu vực vì việc đạt được môi trường tự do hóa thương mại chắc chắn sẽ gặp nhiều thách thức lớn.
Đây là lý do tại sao việc hoàn thành các hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực là bước đi đúng hướng, gần đây nhất là hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hồng Kông. Bên cạnh đó, hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vẫn đang được đàm phán nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại giữa ASEAN với các đối tác FTA khác.
Tuy nhiên, ông Ong cảnh báo rằng RCEP sẽ chỉ thành công nếu ASEAN là một nền kinh tế tập thể vững mạnh, các quốc gia thành viên cam kết hướng tới các mục tiêu của AEC. Nếu không có AEC làm cốt lõi thì RCEP có thể sẽ trở nên vô nghĩa. Mục tiêu chủ đạo của AEC là tạo ra một thị trường ASEAN thống nhất. Sự dịch chuyển tự do hàng hoá và dịch vụ là bước đi đầu tiên. Kế hoạch AEC 2025 được xây dựng dựa trên Kế hoạch AEC 2015 trước đây thể hiện mong muốn của các thành viên ASEAN trong việc thực hiện tầm nhìn đó.
Tuy nhiên, ASEAN nên lưu tâm đến việc thực hiện chương trình nghị sự của mình. Theo ông Pascal Lamy, Nguyên Tổng giám đốc của Tổ chức Thương mại Thế giới, Khung theo dõi và đánh giá AEC 2025 (M & E) là rất quan trọng để đảm bảo đánh giá đúng tiến độ của Kế hoạch AEC 2025.
"Việc đánh giá có thể được coi là một quá trình dựa trên cơ chế phổ biến thông tin có hệ thống và có mục tiêu nhằm thu thập và phản hồi ý kiến của các bên liên quan. Việc theo dõi và đánh giá có hiệu quả cũng có thể kích hoạt và thúc đẩy tiến trình đổi mới chính sách dựa vào các tiêu chí của ASEAN, phù hợp với sự thay đổi năng động của khu vực và trên toàn cầu và quan trọng hơn là nhu cầu thay đổi của người dân", ông Ong viết trong Bản tóm tắt hội nhập của AEC do Ban Thư ký ASEAN công bố.
Với vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm tới, Singapore với trọng tâm là nền kinh tế kỹ thuật số và thương mại điện tử, có thể giúp đẩy mạnh viễn cảnh hội nhập kinh tế hơn nữa. Ví dụ, việc thông qua Chương trình hành động ASEAN về tương mại điên tử giai đoạn 2017-2025 có thể thúc đẩy chính sách kỹ thuật số hiện nay của Singapore, được đánh giá là tốt nhất trong khu vực. Bằng cách thúc đẩy AEC đạt được những mục tiêu kỹ thuật số, các khả năng của ASEAN từ nay trở đi là có thể không còn là hữu hạn.

Long Giang
Nguồn: theaseanpost.com
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710743992