Thứ sáu, 19-4-2024 - 20:37 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Công bố Năm chỉ số liên kết giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN 

 Thứ tư, 13-12-2017

AsemconnectVietnam - Diễn đàn Doanh nhân Trung Quốc-ASEAN, đã diễn ra trong hai ngày 8-9/12, tại thành phố Côn Minh, Vân Nam, miền Nam Trung Quốc với chủ đề "Thúc đẩy sáng tạo, cùng nhau đồng hành - nghênh đón kỷ nguyên kinh tế mới của châu Á."

Hàng nghìn doanh nhân đã cùng nhau thảo luận về xu hướng phát triển kinh tế thế giới, về Sáng kiến "Một vành đai, một con đường," cùng nhau hướng tới sự sáng tạo, phát triển bền vững, tìm kiếm sức mạnh mới để thúc đẩy các doanh nghiệp trong khu vực cùng trỗi dậy.

Trong thời gian diễn ra diễn đàn, Trung tâm hợp tác toàn cầu thuộc Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) đã công bố báo cáo về Năm chỉ số liên kết giữa Trung Quốc và ASEAN, bao gồm liên kết về chính sách, cơ sở hạ tầng, thương mại, đầu tư tài chính và nhân dân.

Các chuyên gia học giả tham dự diễn đàn đã cùng nhau thảo luận về 5 chỉ số này, đóng góp ủng hộ cho sự phát triển hợp tác trong tương lai giữa doanh nhân Trung Quốc và ASEAN.

Ý nghĩa của "Năm chỉ số liên kết"

Với những ưu thế về địa lý, các nước ASEAN đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chính sách "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc. Các quốc gia ASEAN cũng là hướng đi ưu tiên và đối tác tự nhiên trong việc xây dựng "Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21."

Số điểm trung bình của Năm chỉ số liên kết giữa Trung Quốc và 10 nước ASEAN cao hơn nhiều so với số điểm trung bình của các quốc gia dọc "Một vành đai, một con đường."

Năm chỉ số liên kết năm 2017 giữa Trung Quốc và ASEAN cho thấy sự liên kết về chính sách tương đối tốt, không gian liên kết về cơ sở hạ tầng rộng rãi, liên kết thương mại mạnh mẽ, liên kết thuận lợi của đầu tư tài chính và sự liên kết sâu rộng trong nhân dân.
Liên kết chính sách

Liên kết chính sách đề cập đến trao đổi kinh nghiệm trong việc quản lý nhà nước, đồng thời tiến hành đối thoại, thông tin và điều phối các chính sách ngoại giao, kinh tế và an ninh.

Theo tài liệu "Tầm nhìn và Hành động," tăng cường liên kết chính sách là sự đảm bảo quan trọng cho việc thiết lập "Một vành đai, một con đường."

Liên kết chính sách của 10 nước ASEAN đạt số điểm trung bình 12,58, cao hơn chỉ số của các quốc gia dọc "Một vành đai, một con đường" (10,97). Trong số đó, có 7 quốc gia cao hơn chỉ số trung bình và Việt Nam xếp ở vị trí 6 với 12,39 điểm.

Trung Quốc và các nước ASEAN duy trì mối quan hệ hữu nghị truyền thống với sự tin cậy lẫn nhau về chính trị. Ở cấp độ song phương, Trung Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước trong khu vực và thành lập các cơ quan ngoại giao, đặt đại sứ quán và lãnh sự quán.

Sự tin tưởng lẫn nhau về chiến lược và chính trị giữa Trung Quốc và các nước ASEAN còn được thể hiện qua việc tăng cường các chuyến thăm cấp cao.

Trung Quốc đã thiết lập Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan, thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Malaysia và Indonesia; và thiết lập Quan hệ đối tác toàn diện với Singapore.

Liên kết cơ sở hạ tầng

Liên kết cơ sở hạ tầng đề cập đến sự kết nối cơ sở hạ tầng giữa các quốc gia, khu vực khác nhau, là lĩnh vực ưu tiên trong việc xây dựng "Một vành đai, một con đường."

Số điểm trung bình về liên kết cơ sở hạ tầng của các quốc gia ASEAN đạt 11,16. Campuchia, Philippines và Lào là 3 quốc gia đạt điểm số thấp nhất, trong đó Việt Nam đứng thứ 3 danh sách với số điểm 13,53.

Tầm nhìn "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc và bản đồ quy hoạch tổng thể về khả năng tương tác ASEAN tiếp giáp nhau một cách hoàn hảo. Năm 2016, Trung Quốc đã đẩy nhanh việc xây dựng mạng lưới tương tác với các nước ASEAN, thể hiện trong 3 lĩnh vực​ là cơ sở hạ tầng giao thông, cơ cở hạ tầng viễn thông và cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực năng lượng.
Liên kết về thương mại

Liên kết thương mại là nội dung trọng tâm trong sáng kiến "Một vành đai, một con đường." Mục tiêu cơ bản của nó là thúc đẩy hợp tác kinh tế của các quốc gia dọc "Một vành đai, một con đường" trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế không ngừng đi vào chiều sâu.

Hiện tại, chỉ số liên kết thương mại của ASEAN cao hơn chỉ số này của các quốc gia dọc "Một vành đai, một con đường. Số điểm trung bình về liên kết thương mại của các nước ASEAN đạt 12,36, trong đó Việt Nam đạt được 10,88, xếp ở vị trí 7.

Tính đến thời điểm hiện tại, Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN là khu vực mậu dịch tự do có quy mô lớn nhất. Sau 25 năm phát triển, kim ngạch thương mại song thương từ 8 tỷ USD tăng lên 472,2 tỷ USD, tăng gần 60 lần.

Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong 7 năm liên tiếp và ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Trung Quốc trong 5 năm liên tiếp.

Điều đáng nói, thương mại song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam đã phát triển với tốc độ ổn định, đạt 98,68 tỷ USD vào năm 2016, và Việt Nam lần đầu tiên vượt qua Malaysia và trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong số các quốc gia dọc theo "Một vành đai, một con đường."

Đồng thời, Trung Quốc vẫn giữ vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong 13 năm liên tiếp.

Liên kết đầu tư tài chính

Sự liên kết đầu tư tài chính đề cập đến nhu cầu mở rộng phạm vi trao đổi tiền tệ, tăng cường hợp tác tài chính, thúc đẩy hệ thống ổn định tiền tệ, hệ thống đầu tư tài chính và hệ thống tín dụng của châu Á.

Liên kết về đầu tư tài chính là trụ cột quan trọng trong xây dựng "Một vành đai, một con đường.

Trong phương diện liên kết đầu tư tài chính, các quốc gia ASEAN đạt chỉ số trung bình 13,09, trong đó Việt Nam đạt 12,85, xếp ở vị trí thứ 7.

Những năm gần đây, Trung Quốc cùng Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Singapore đã ký kết hiệp định hoán đổi tiền tệ, nới rộng phạm vi và quy mô hoán đổi tiền tệ, mở rộng thí điểm thanh toán thương mại xuyên biên giới, giảm thiểu rủi ro về tỷ giá hối đoái.

Liên kết nhân dân

Liên kết nhân dân chỉ sự tăng cường giao lưu hữu nghị truyền thống và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân các nước. Liên kết nhân dân là nền tảng xã hội trong việc thiết lập "Một vành đai, một con đường."

Chỉ số liên kết nhân dân của ASEAN đạt điểm trung bình là 12,12, cao hơn điểm trung bình của các quốc gia dọc "Một vành đai, một con đường (10,76). Trong đó, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 8 với 11,92 điểm.

ASEAN là khu vực có số người Hoa đông nhất với hơn 40 triệu người. Các trường đại học, cao đẳng của Trung Quốc đã mở chuyên ngành tất cả các ngôn ngữ của các nước ASEAN.

Theo thống kê, năm 2016, số du học sinh trao đổi giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN đạt 190.000 người.

Tính đến nay, 30 Học viện Khổng tử đã được xây dựng tại 10 quốc gia ASEAN. Năm 2016, Trung Quốc còn xây dựng Trung tâm văn hóa Trung Quốc tại Singapore.

Năm 2016 cũng là năm giao lưu giáo dục Trung Quốc-ASEAN. Hai bên đã tổ chức Tuần lễ giao lưu giáo dục, ký kết hơn 800 hiệp định hợp tác khiến hợp tác giáo dục trở thành điểm sáng trong quan hệ Trung Quốc-ASEAN.
Du lịch cũng trở thành một kênh quan trọng trong liên kết nhân dân giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN. Năm 2016, Trung Quốc trở thành nguồn cung cấp du khách nhiều nhất của Thái Lan, Indonesia và Việt Nam, là nguồn du khách lớn thứ hai của Singapore, Campuchia và Myanmar.

Năm 2016, Thái Lan trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn nhất của du khách Trung Quốc với lượng du khách đạt 8,75 triệu người, chiếm 1/4 lượng du khách đến Thái Lan.

Cũng trong năm 2016, Việt Nam trở thành một trong những điểm du lịch được yêu thích nhất của du khách Trung Quốc có mức độ tăng trưởng cao nhất với mức tăng 55,19% so với năm 2015./.

Nguồn: vietnamplus.vn

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710721388