Thứ năm, 25-4-2024 - 6:19 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Đánh giá Cộng đồng Kinh tế ASEAN 

 Thứ ba, 25-4-2017

AsemconnectVietnam - Khu vực Đông Á vẫn tiếp tục duy trì mức độ hội nhập kinh tế cao. Tuy nhiên, một tỷ lệ đáng kể thương mại nội khu vực vẫn chưa được điều chỉnh bởi các hiệp định thương mại để chống lại chủ nghĩa bảo hộ hiện tại và có thể là trong tương lai.

Nếu không có sự thúc đẩy đa phương của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì việc hội nhập khu vực tiếp theo chỉ có thể tiến hành thông qua các hiệp định giúp giảm rào cản thương mại trong khu vực.
ASEAN dường như đang dẫn đầu khu vực châu Á Thái Bình Dương trong việc hình thành FTA. Khu vực mậu dịch tự do ASEAN được thực hiện vào năm 1993 và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được khai trương vào cuối năm 2015. AEC mong muốn vượt xa các hiệp định thương mại điển hình nhằm tạo ra một thị trường và căn cứ sản xuất duy nhất với sự phát triển đồng đều giữa 10 quốc gia thành viên.
ASEAN sẽ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập vào tháng 8/2017. Mặc dù ASEAN đã đạt được một số thành tựu chính trị quan trọng trong năm thập kỷ qua nhưng dự án hội nhập kinh tế của khối này này vẫn đang còn nhiều việc phải làm trong nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỉ tới.
Ban Thư ký ASEAN tuyên bố việc triển khai Kế hoạch AEC 2015 - chương trình nghị sự chính thức của cộng đồng - đã được thực hiện thành công ở nhiều lĩnh vực. Trong thực tế, các mức độ hội nhập giữa các ngành rất khác nhau. Thành công rõ ràng duy nhất mà ASEAN có thể khẳng định là giảm thuế quan giữa các nước thành viên. Kể từ khi thực hiện Hiệp định về ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung vào những năm 90, khoảng 99% các dòng thuế giữa các nước thành viên đã được giảm xuống còn 0%.
Tuy nhiên, dòng chảy tự do hàng hóa giữa các nước thành viên ASEAN vẫn bị cản trở do các nước sử dụng các biện pháp phi thuế quan (NTMs). Những điều này có thể có những hậu quả tiêu cực đối với các quyết định tìm nguồn cung ứng của các doanh nghiệp, cơ cấu thương mại và các ngành công nghiệp liên quan.
Một số quốc gia như Indonesia hay Malaysia có sử dụng 'chính sách công nghiệp’, chủ động áp dụng nhiều NTM hơn. Ví dụ, các nhà lắp ráp ô tô ở Thái Lan từ lâu đã phàn nàn về việc Malaysia hạn chế số lượng ô tô nhập khẩu vào Malaysia.
Trong khi giảm thiểu các rào cản phi thuế quan là một mục tiêu hành động trong Kế hoạch AEC, ASEAN lại dựa vào cách tiếp cận tự nguyện để giảm chúng nên thành công rất hạn chế. Theo cách tiếp cận tự nguyện, các nước thành viên có thể có một động cơ bất lợi để biện minh cho các các rào cản mà họ đang sử dụng. Hơn nữa, không có hệ thống giám sát hiệu quả để theo dõi những thay đổi của NTM giữa các nước thành viên.
ASEAN đã và đang đàm phán tự do hóa dịch vụ kể từ khi thông qua Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ vào năm 1996. Kế hoạch chi tiết AEC đã đưa ra các mục tiêu rõ ràng để xóa bỏ tất cả các hạn chế đối với thương mại dịch vụ vào năm 2015. Nhưng một số nước ASEAN như Thái Lan, Philippines và Indonesia không thể đạt được mục tiêu của họ vào thời hạn cuối cùng.
Về cơ bản, tự do hóa dịch vụ trong khuôn khổ ASEAN không có cam kết giải quyết các vấn đề đằng sau đường biên giới, chẳng hạn như kết nối dịch vụ viễn thông hoặc truy cập vào các máy ATM cho ngân hàng, điều rất quan trọng đối với việc tạo ra thị trường cạnh tranh. Sự khác biệt về luật pháp và các quy định giữa các nước thành viên cũng là vấn đề.
Tự do hoá dịch vụ trong khuôn khổ ASEAN dưới hình thức hiện tại sẽ không tạo ra một thị trường dịch vụ đơn lẻ. Thái Lan, Philippines và Indonesia vẫn chưa đạt được các mục tiêu đề ra vào thời điểm năm 2015. Các cam kết cụ thể của Indonesia và Thái Lan theo đề xuất mới nhất bao gồm nhiều dịch vụ không quan trọng hoặc thậm chí vô ích.
Về thúc đẩy dịch chuyển lao động qua biên giới, ASEAN đã đạt được rất ít. Từ góc độ phát triển kinh tế, việc mở cửa thị trường lao động không có tay nghề thông qua các FTA sẽ là một lựa chọn chính sách hữu ích khi lực lượng lao động không có tay nghề tương đối đông ở nhiều nước ASEAN, nhưng Kế hoạch AEC lại cố gắng tạo điều kiện cho sự dịch chuyển cho các chuyên gia lành nghề trong phạm vi chỉ có tám nghề. Sự thu xếp để tạo điều kiện cho sự di chuyển của các chuyên gia này cũng là vấn đề. Ví dụ, trong trường hợp của Thái Lan, các yêu cầu đối với các chuyên gia ASEAN cũng giống như đối với các nước không phải là các nước ASEAN.
Theo quan điểm của các nhà quan sát ưa chỉ trích, hội nhập ASEAN cho đến nay đã mang lại rất ít kết quả hữu hình. Trung tâm thương mại châu Á Deborah Elms kết luận rằng "các quan chức của ASEAN đã thay đổi khẩu hiệu khi thời hạn để hoàn thành AEC không xác định và AEC nên được coi là quá trình chứ không phải là mục tiêu". Vào tháng 9/2016, The Economist đã viết một cách mỉa mai rằng "nâng cao hình thức, tạo ra các từ viết tắt nhằm tăng cường quan hệ không dựa trên thực chất, gây nhầm lẫn giữa các cuộc họp".
Thiếu động lực để tăng cường hội nhập khu vực trong ASEAN chủ yếu là hậu quả của hầu hết các quan điểm bảo hộ của các nước thành viên, có lẽ ngoại trừ Singapore. Nhiều nước ASEAN coi nhau như là đối thủ trong quá trình theo đuổi xuất khẩu sang thị trường toàn cầu hoặc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Các cuộc xung đột chính trị trong nước, cùng với sự thiếu vắng chính phủ ổn định và vững mạnh, đã làm các nhà lãnh đạo chính trị ở nhiều nước ASEAN tập trung vào đối nội và đánh mất sự ham muốn hội nhập khu vực. Nếu không chịu đối mặt giải quyết những vấn đề cốt lõi trong dự án hội nhập của mình một cách nhanh chóng và khẩn trương, ASEAN sẽ khó thực hiện được tầm nhìn Kế hoạch AEC về một thị trường duy nhất và căn cứ sản xuất thống nhất.
ASEAN tự hào là "trung tâm" của các FTA song phương ở Đông Á. Khái niệm 'trung tâm ASEAN' được thực hiện theo các sáng kiến ​​của nhóm nhấn mạnh đến vai trò của khối trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực. Tuy nhiên, hội nhập kinh tế giữa các nước ASEAN vẫn tập trung vào việc tạo ra một gói dịch vụ hấp dẫn hơn cho các công ty đa quốc gia muốn hoạt động trong khu vực hơn là tạo ra các mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các nền kinh tế thành viên.
Khi hội nhập kinh tế, ASEAN cần phải đạt được các mục tiêu quan trọng, đồng thời bỏ qua những vấn đề tầm thường. Nói cách khác, ASEAN cần tập trung nhiều hơn bây giờ. Chương trình nghị sự hiện tại của khối quá tham vọng khi so sánh với nguồn lực hạn chế của mình. Kế hoạch AEC đã thiết lập 17 yếu tố cốt lõi và thiết lập 176 hành động ưu tiên, bao gồm dòng chảy tự do hàng hoá, vốn, dịch chuyển lao động có tay nghề, phát triển công bằng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Nếu ASEAN đặt trọng tâm vào một số vấn đề cốt lõi sẽ giúp ASEAN đạt được các kết quả có ý nghĩa và hữu ích mà không bỏ lại một quốc gia thành viên nào, đặc biệt là các nước kém phát triển hơn do các nguồn lực còn hạn chế của họ. Điều này đòi hỏi ASEAN phải trở lại các nhiệm vụ chính của FTA: giảm các rào cản đối với thương mại và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới hàng hoá, dịch vụ, sự chuyển dịch lao động và đầu vào cho sản xuất.
Tuy nhiên thách thức thực sự đối với ASEAN không phải là kinh tế mà là chính trị. Khái niệm toàn vẹn chủ quyền quốc gia và hội nhập kinh tế không tương thích với nhau. Ví dụ, sự thành công của hội nhập kinh tế của Liên minh châu Âu dựa trên chủ quyền chung.
Ý tưởng về 'chủ quyền thống nhất' không phải là hoặc là tất cả hoặc không có gì. Khi bắt đầu, EU là một dự án tương đối khiêm tốn, có ít thành viên và chỉ có một khu vực chính sách để thống nhất chủ quyền: một thị trường chung cho than đá và thép. Sau đó, EU đã mở rộng thành viên và sứ mệnh của mình.
Trừ khi các nước ASEAN sẵn sàng ngày càng thống nhất về chủ quyền và đối mặt với những thách thức chính trị, Kế hoạch AEC sẽ còn gặp nhiều khó khăn và ASEAN sẽ chỉ là một nơi để các bên thảo luận.

Long Giang
Nguồn: eastasiaforum.org
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710854151