Thứ ba, 16-4-2024 - 17:9 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Hội nghị ASEM 8: Tăng cường hiệu quả hợp tác xuyên Á - Âu 

 Thứ hai, 11-10-2010

AsemconnectVietnam - Trong hai ngày 4 và 5-10-2010, với chủ đề “Chất lượng cuộc sống vì hạnh phúc và phẩm giá của mọi người dân”, Hội nghị cấp cao Á-Âu lần thứ 8 (ASEM 8) được tổ chức tại Bruc-xen (Bỉ) để thảo luận 5 nội dung chính là: tăng cường hiệu quả quản trị kinh tế toàn cầu; phát triển bền vững; các vấn đề toàn cầu; các vấn đề khu vực; giao lưu nhân dân, tăng cường hình ảnh ASEM và tương lai ASEM.

ASEM là diễn đàn liên khu vực bao gồm Ủy ban châu Âu và 27 nước thành viên của Liên minh Châu Âu (EU), Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và một số nước khác như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Pa-ki-xtan và Mông Cổ. Với 3 thành viên mới của ASEM 8 là Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân và Nga, tổng số thành viên của ASEM hiện nay đã lên tới con số 48.

Hội nghị cấp cao ASEM 8 diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị và kinh tế-xã hội trên thế giới cũng như trên lục địa Á-Âu đang có những diễn biến phức tạp. Nền kinh tế các nước trên thế giới tuy đang phục hồi nhưng không đồng đều tại các nước và khu vực, vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức. Nền kinh tế toàn cầu vẫn đứng trước nguy cơ suy thoái kép, hệ thống tài chính thế giới vẫn chưa ổn định và đang trong quá trình cải tổ.

Các nước châu Á đang gia tăng liên kết kinh tế sâu rộng ở các cấp độ khác nhau. Các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á, trước hết là Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam phục hồi nhanh, mạnh và vẫn giữ được mức tăng trưởng cao hơn so với các nước khác trên thế giới và là các quốc gia dẫn đầu tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, nền kinh tế phát triển các nước châu Âu phục hồi chậm hơn và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về nợ công, thất nghiệp tỷ lệ cao và nguy cơ suy thoái kép. Liên minh châu Âu (EU) đang tiếp tục đẩy mạnh nhất thể hóa với việc phê chuẩn Hiệp ước Li-xbon (tháng 12-2009) trong điều kiện bị tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu.

Hội nghị ASEM 8 đã thông qua hai văn kiện quan trọng, đó là, “Tuyên bố Chủ tịch ASEM 8 về hạnh phúc và phẩm giá của mọi người dân” và “Tuyên bố Hội nghị ASEM 8 về tăng cường hiệu quả quản trị kinh tế toàn cầu”.

Hội nghị đã thông qua 16 sáng kiến mới về tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh lương thực, giao thông vận tải, giáo dục v.v. và thống nhất quan điểm sẽ tiếp tục cải tiến cách thức điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động của ASEM.

Bên lề Hội nghị còn diễn ra nhiều hoạt động khác như: Diễn đàn Doanh nghiệp Á-Âu lần thứ 12 trong 2 ngày 4 và 5-10-2010; Triển lãm văn hóa “2.500 năm giao lưu Á-Âu” từ ngày 25-9 đến ngày 10-10-2010; Diễn đàn Nghị viện Á-Âu lần thứ 6 từ ngày 26 đến 28-9-2010; Diễn đàn nhân dân Á - Âu lần thứ 8 từ ngày 02 đến ngày 05-10-2010; Hội thảo lần thứ 5 các nhà biên tập truyền thông Á-Âu trong 2 ngày 2 và 3-10-2010.

Cũng bên lề ASEM 8, Hàn Quốc và EU đã thoả thuận ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa hai bên. Đây là bước đột phá trong tiến trình hợp tác giữa EU với một nền kinh tế phát triển nhanh và rất thành công ở châu Á, đã từng được đánh giá là “con rồng kinh tế” ở khu vực này. Đồng thời, Ma-lai-xi-a và EU cũng tiến hành đàm phán về một hiệp định tự do thương mại giữa hai bên. Đó là những động thái đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ Á-Âu theo hướng xây dựng không gian kinh tế hợp tác bền vững và có hiệu quả trên hai lục địa có vị trị địa chính trị rất quan trọng trong tiến trình phát triển của thế giới.

Tiếng nói của các nước mới tham gia ASEM

Nhận xét về vai trò của Ôt-xtrây-li-a trong ASEM, ông Ong Keng Yong, Đại sứ lưu động của Xin-ga-po và là cựu Chủ tịch ASEAN nói, sự góp mặt của Ô-xtrây-li-a trong ASEM có ý nghĩa rất quan trọng bởi quốc gia này đã có quá trình hợp tác và quan hệ đối tác lâu dài với nhiều nước châu Á và châu Âu. Thông qua Diễn đàn ASEM, Ô-xtrây-li-a có thể góp phần thắt chặt và nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các nước ASEAN và các nước châu Âu. Với tư cách là thành viên mới tham gia ASEM 8, Thủ tướng Ô-xtrây-li-a Giu-li-a Gi-lat có những cuộc gặp mang tính đột phá để giải quyết những vấn đề của quốc gia, đồng thời đóng góp ý kiến về sự hợp tác giữa Ô-xtrây-li-a với các nước châu Á trong việc giải quyết nạn cướp biển, xây dựng nhà nước pháp quyền, tái cấu trúc khu vực - vấn đề đã từng được cựu Thủ tướng, nay là Ngoại trưởng Ô-xtrây-li-a Ke-vin Rut (Kevin Rudd) đề xuất.

Phát biểu tại ASEM 8, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Xec-gây La-vrôp, kêu gọi các nước từ bỏ tiêu chuẩn nước đôi trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố, chống buôn lậu ma tuý và tội phạm xuyên quốc gia. Việc phối hợp nỗ lực giữa các nước trong chống khủng bố, chống buôn lậu ma tuý và tội phạm xuyên quốc gia sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế. Trong tình hình hiện nay, cần nỗ lực xây dựng không gian thống nhất trong cuộc đấu tranh chống khủng bố và chống buôn lậu ma tuý. Để thực hiện Nghị quyết của Hội đồng baoran Liên hợp quốc trên cơ sở sáng kiến của Nga, cần giải quyết vấn đề dẫn độ các tội phạm quốc tế liên quan tới cuộc đấu tranh ngăn ngừa các nguy cơ an ninh có tính xuyên quốc gia như cướp biển.

Tại ASEM 8, Nga đề xuất sáng kiến xây dựng khung pháp lý mới cho sự hợp tác năng lượng và xây dựng Quỹ bảo hiểm trước các nguy cơ sinh thái. Do đó, ASEM có thể là nơi sẽ gắn kết các chiến lược năng lượng và thúc đẩy thực hiện các đề án đầu tư lớn nhất trên lục địa Á-Âu; phối hợp hoạt động của các trung tâm quản lý và thông tin của các nước Á-Âu thành mạng lưới đối tác nhằm cảnh báo và khắc phục hậu quả thảm hoạ thiên nhiên và môi trường kỹ thuật.

Là quốc gia châu Á-Thái Bình Dương có cơ sở kinh tế nông-công nghiệp phát triển, hiện nay, Niu Di-lân buôn bán với hầu hết các nước trên thế giới, trong đó các bạn hàng lớn nhất là Ô-xtrây-lia, EU, Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc. Niu Di-lân coi trọng quan hệ với ASEAN và đã từng tích cực hoạt động trong các diễn đàn khu vực như APEC và ARF. Tham gia diễn đàn ASEM, Niu Di-lân sẽ góp phần đáng kể trong việc phát triển và tăng cường cơ hội cũng như khả năng hợp tác giữa ASEM với các nước châu Âu và các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.

Việt Nam phát huy vai trò tại ASEM 8

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu Việt Nam tham dự ASEM 8 trong bối cảnh đất nước đã đạt được những thành công trong việc duy trì và khôi phục đà tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là việc đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2010 đã góp phần quan trọng nâng cao vị thế của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, trong đó có ASEM.

Đoàn Việt Nam tham dự ASEM 8 nhằm tiếp tục phát huy vai trò của Việt Nam trong ASEM, đặc biệt là vai trò Chủ tịch ASEAN 2010; tích cực đóng góp vào những nội dung quan trọng của Hội nghị, đặc biệt là về phát triển bền vững, tăng cường hiệu quả cơ chế quản trị kinh tế-tài chính toàn cầu và nâng cao vị thế của ASEM; góp phần tăng cường hợp tác thiết thực của ASEM 8. Đây cũng là dịp để Việt Nam tăng cường tiếp xúc với các nước thành viên ASEM, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương; giới thiệu cho bạn bè quốc tế về chủ trương, đường lối, chính sách và tình hình phát triển kinh tế, chính trị, xã hội ở Việt Nam.

Tại các phiên họp của ASEM 8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các bài phát biểu quan trọng, đóng góp nhiều ý kiến và đưa ra các đề xuất thiết thực về những vấn đề lớn của hội nghị. Được mời phát biểu về chủ đề phát triển bền vững, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề xuất nhiều nội dung nhằm đưa ASEM trở thành động lực thúc đẩy phát triển bền vững, trong đó có hai sáng kiến mới là tổ chức “Diễn đàn ASEM về tăng trưởng xanh” và “Diễn đàn ASEM về lưới an toàn xã hội”. Cả hai đề xuất này của Việt Nam được nhiều thành viên tham dự ASEAM đánh giá cao.

Với vai trò là Chủ tịch ASEAN trong năm 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh vị trí địa-chiến lược quan trọng của ASEAN trong ở khu vực và đã trở thành một trong những đối tác quan trọng của các nước lớn và các trung tâm lớn trên thế giới, trong đó có các thành viên ASEM. Bên lề ASEM 8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Thủ tướng E-xtô-ni-a An-đru An-síp (Andrus Anship), Thủ tướng Ốt-xtrây-li-a Giu-li-a Gi-lat (Julia Gillard), Thủ tướng Phần Lan Ma-ri Ki-vi-ne-mi (Mari Kiviniemi), Thủ tướng Xlô-ve-ni-a Bô-rut Pa-hô (Borut Pahor), Thủ tướng Áo Uây-nơ Phây-man (Werner Faymann) và Phó Thủ tướng Anh Nic Clec (Nick Clegg).

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Á-Âu lần thứ 12, nhằm cải tổ hệ thống quản trị tài chính toàn cầu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các doanh nghiệp tham gia tích cực vào các nỗ lực của chính phủ trong việc giám sát hệ thống tài chính-ngân hàng, tăng cường quan hệ đối tác công-tư trong hỗ trợ tài chính và đề xuất các sáng kiến và hoạt động tài chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ./.

Nguồn: 
http://www.tapchicongsan.org.vn/


  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710649499