Thứ bảy, 20-4-2024 - 12:28 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Khái quát chung về Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM) và sự tham gia của Việt Nam 

 Thứ ba, 27-1-2015

AsemconnectVietnam - I. Khái quát chung về Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM):

1. Thành lập: Tháng 3/1996, Tiến trình Hợp tác Á - Âu (Asia - Europe Meeting - gọi tắt là ASEM) được chính thức thành lập theo sáng kiến của Singapore, Pháp và sự ủng hộ tích cực của ASEAN. Đây là diễn đàn đối thoại không chính thức giữa các Nguyên thủ và Người đứng đầu Chính phủ của các nước thành viên ASEM, lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) và Ban Thư ký ASEAN.
2. Thành viên: Qua 4 đợt mở rộng, ASEM hiện có 51 thành viên (20 Á và 31 Âu): (i) HNCC ASEM 5, Hà Nội, 2004 (từ 26 thành viên lên 39); (ii) HNCC ASEM 7, Bắc Kinh, 2008 (45 thành viên); (iii) HNCC ASEM 8, Brussels, 2010 (48 thành viên) và (iv) HNCC ASEM 9, Vientiane, 2012 (51 thành viên).
Vị thế và tiềm năng của ASEM: Đại diện gần 68% dân số thế giới, đóng góp khoảng 55 % GDP và gần 60 % thương mại toàn cầu.
3. Mục tiêu của ASEM: Là tạo dựng "một mối quan hệ đối tác mới toàn diện giữa Á - Âu vì sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn" và “tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai châu lục và thiết lập đối thoại chặt chẽ giữa các đối tác bình đẳng”.
4. Nguyên tắc hoạt động: Theo "Khuôn khổ Hợp tác Á-Âu 2000" (AECF 2000), thông qua tại Cấp cao ASEM 2, tháng 4/1998 và Cấp cao ASEM 3, tháng 10/2000, ASEM hoạt động theo 6 nguyên tắc:
(i) Đối tác bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi: Việc duy trì nguyên tắc này đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ASEM do sự đa dạng về lịch sử và văn hóa, về chế độ chính trị-xã hội và chênh lệch về trình độ phát triển.
(ii) ASEM là một tiến trình mở và tiệm tiến, không chính thức nên không nhất thiết phải thể chế hóa. Các hoạt động thường không có chương trình nghị sự bắt buộc, mà đối thoại thoải mái, cởi mở trên cơ sở một số vấn đề chính và quan tâm của các thành viên. ASEM không có Ban Thư ký thường trực mà hoạt động được điều phối qua 4 điều phối viên.
(iii) Đồng thuận: Các quyết định của ASEM thường thông qua quá trình đạt đồng thuận, mà không ký kết hay bỏ phiếu.
(iv) Tăng cường nhận thức và hiểu biết lẫn nhau thông qua một tiến trình đối thoại và tiến tới hợp tác trong việc xác định các ưu tiên cho các hoạt động phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau.
(v) Triển khai cả 3 lĩnh vực hợp tác chủ yếu với sự thúc đẩy đồng đều - tăng cường đối thoại chính trị, thúc đẩy hợp tác kinh tế và đẩy tới hợp tác trong các lĩnh vực khác.
(vi) Việc mở rộng thành viên được thực hiện trên cơ sở nhất trí chung của các Vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ.
5. Cấp quyết định chính sách là Hội nghị Cấp cao, gồm các vị đứng đầu Nhà nước hoặc Chính phủ của thành viên ASEM, Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu và Tổng Thư ký ASEAN; họp hai năm một lần, luân phiên Á – Âu nhằm quyết định phương hướng hợp tác dài hạn, cũng như các lĩnh vực ưu tiên trong từng giai đoạn và kết nạp thành viên mới.
- Về cơ chế điều phối hoạt động:
(i) Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Quan chức cao cấp ngoại giao (SOM) là kênh điều phối chung toàn bộ các hoạt động. Bộ trưởng kinh tế, tài chính, văn hóa …và cấp thứ trưởng điều phối trong các lĩnh vực chuyên ngành và nhóm họp khi cần thiết.
(ii) Cơ chế điều phối viên ASEM bảo đảm phối hợp các hoạt động thường xuyên vì ASEM chưa thể chế hoá nên chưa có Ban Thư ký thường trực. Hiện có bốn điều phối viên, phân bổ như sau: 02 Châu Á (01 đại diện Tiểu Nhóm ASEAN, 01 đại diện Tiểu Nhóm Đông Bắc Á-Nam Á-Nam Thái Bình Dương) và 02 châu Âu (EEAS là điều phối viên thường xuyên và nước Chủ tịch đương nhiệm của EU). Các điều phối viên thu thập và cung cấp thông tin cho các thành viên, thay mặt cho khu vực mình trao đổi với các khu vực khác về các vấn đề, sơ bộ lên kế hoạch hoạch hoạt động hàng năm.
(iii) "Nhóm hỗ trợ Chủ tịch Hội nghị ASEM" được thành lập tại  HNBT Ngoại giao ASEM lần thứ 10 (Hungary, 6/2011), nhằm hỗ trợ và tạo thuận lợi trong trao đổi và cập nhật thông tin, tăng cường quảng bá hình ảnh của ASEM.
(iv) "Các Nhóm hợp tác ASEM theo lĩnh vực" được thành lập tại HNBT Ngoại giao ASEM lần thứ 11 (Ấn Độ, 11/2013) nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của ASEM cũng như góp phần mở rộng nội hàm hợp tác và tăng tính thực chất của Diễn đàn. ASEM hiện có 12 Nhóm hợp tác trong các lĩnh vực quản lý thiên tai, quản lý nguồn nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lượng, công nghệ, giáo dục, đào tạo nghề, an ninh lương thực, phát triển nguồn nhân lực, quản lý chất thải, thúc đẩy thương mại và đầu tư, và giảm nghèo.
6. Các hoạt động đối thoại và hợp tác ASEM tiến hành đồng đều trên 3 trụ cột chính:
(i) Đối thoại chính trị:
Các thành viên ASEM đã tiến hành đối thoại chính trị ở Cấp cao, cấp Bộ trưởng Ngoại giao và cấp Đại diện Quan chức Cao cấp (SOM) nhằm tăng điểm đồng, tạo cơ sở cho việc xây dựng các mối quan hệ, hướng tới tiếng nói chung giữa các đối tác. Đối thoại chính trị tập trung vào 3 nhóm vấn đề: (i) các vấn đề khu vực, (ii) dân chủ nhân quyền, và (iii) đối thoại tín ngưỡng.
(ii) Hợp tác kinh tế - tài chính:
Tập trung vào hợp tác thương mại, đầu tư và tài chính và được đẩy mạnh nhất trong phối hợp chính sách tài chính và hài hòa hóa thủ tục hải quan.
 Hợp tác thương mại và đầu tư được thúc đẩy thông qua "Kế hoạch Hành động Thuận lợi hoá Thương mại" (TFAP), "Kế hoạch Hành động Xúc tiến Đầu tư" (IPAP). Diễn đàn doanh nghiệp (AEBF) trở thành một kênh quan trọng thúc đẩy trao đổi giữa các doanh nghiệp của hai châu lục. Kênh Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEM bị gián đoạn từ năm 2005.
 Hợp tác tài chính được tiến hành chủ yếu thông qua kênh hội nghị Bộ trưởng tài chính ASEM (tổ chức 2 năm/lần), trao đổi các vấn đề cùng quan tâm như: cấu trúc tài chính quốc tế, chống rửa tiền, triển khai hiệu quả các nguyên tắc giám sát và quy định về tài chính, tăng cường hợp tác hải quan... Quỹ Tín thác ASEM (đã chấm dứt hoạt động năm 2006) là sáng kiến đem lại nhiều kết quả thiết thực, được đánh giá có hiệu quả cao nhất, góp phần giúp các nước thành viên châu Á điều chỉnh hệ thống tài chính - ngân hàng, giảm thiểu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính - tiền tệ, đóng góp phát triển xã hội và xoá đói nghèo.
(iii) Hợp tác khác:
Đây là mảng hợp tác có nhiều hoạt động, được triển khai thành công nhất, trải rộng trên nhiều lĩnh vực, trong đó chú trọng vào hợp tác xã hội, văn hóa và giáo dục, góp phần tăng cường hiểu biết giữa nhân dân Á - Âu.
 Hợp tác văn hóa, đặc biệt là Đối thoại văn hóa văn minh được coi là một trọng tâm hợp tác ASEM và được thảo luận tại hầu hết các HNCC ASEM. Tuyên bố ASEM về Đối thoại giữa các nền văn hóa – văn minh (thông qua tại ASEM 5) và Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa – Văn minh lần thứ nhất tại Bắc Kinh, 12/2003) và lần thứ hai tại Pari, 7/2005 vạch định hướng cho hợp tác trên lĩnh vực này.
 Hợp tác giáo dục được các thành viên quan tâm và đẩy mạnh, đặc biệt là các chương trình giao lưu và hợp tác đào tạo thanh niên và sinh viên hai châu lục.  (sáng kiến Trung tâm giáo dục ASEM và học bổng ASEM-DUO). Nhận thức được tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác đào tạo sau đại học và đào tạo nghề, các thành viên ASEM đã quyết định thành lập Ban Thư ký giáo dục ASEM do châu Á và châu Âu luân phiên đảm nhiệm (nay là Indonesia).
 Các hoạt động tăng cường hiểu biết và giao lưu giữa nhân dân hai châu lục phần lớn được thực hiện thông qua Quỹ Á – Âu (ASEF), có trụ sở tại Singapore với mục đích thúc đẩy giao lưu, hiểu biết giữa hai châu lục. Thành phần tham gia các hoạt động của ASEF gồm các học giả, các viện nghiên cứu, các cán bộ thuộc cơ quan chính phủ, các nhà hoạt động văn hóa, các tổ chức phi chính phủ, thanh niên, sinh viên và học sinh. Thông qua 4 kênh chính là giao lưu nhân dân, giao lưu trí thức, giao lưu văn hóa và quảng bá tuyên truyền, cho đến nay (từ 2/1997), Quỹ đã triển khai được hơn 600 dự án (Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học ASEM, mạng lưới các trường đại học Á-Âu, đối thoại thanh niên, đối thoại giữa các nhà lãnh đạo trẻ, Hội trại Âm nhạc…), thu hút hơn 17.000 công dân Á-Âu tham gia. Những hoạt động này thực sự đã thúc đẩy giao lưu, tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai châu lục.
II.  Tham gia của Việt Nam tại ASEM:
Là một trong 26 thành viên sáng lập ASEM (tháng 3/1996), Việt Nam luôn thể hiện vai trò thành viên tích cực, có nhiều đóng góp quan trọng, được các thành viên đánh giá cao. Việt Nam cũng là một trong những nước tiên phong đăng ký Nhóm đi đầu theo lĩnh vực (issue-based leadership) gồm biến đổi khí hậu, phát triển nguồn nhân lực/giáo dục, Phòng chống HIV/AIDS/ Kiểm soát dịch bệnh bùng phát, và Văn hoá/du lịch. Tại HNBT Ngoại giao ASEM lần thứ 11 (Ấn Độ, 11/2013), Việt Nam đăng ký tham gia 3 Nhóm hợp tác ASEM trong các lĩnh vực như quản lý thiên tai, quản lý nguồn nước và đào tạo nghề.
Đóng góp nổi bật nhất của Việt Nam là tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEM 5 (2004) và các Hội nghị Bộ trưởng về Kinh tế (2001), Công nghệ thông tin (2006), Ngoại giao và Giáo dục (2009), Lao động và việc làm (2012). Việt Nam đã đăng cai tổ chức nhiều hoạt động lớn trong cả ba trụ cột hợp tác ASEM. Đến nay, Việt Nam đã đề xuất 18 sáng kiến và đồng tác giả 22 sáng kiến khác. Các sáng kiến của ta đều được đánh giá là thiết thực, góp phần thúc đẩy hợp tác ASEM theo hướng ưu tiên của châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
1. Về hợp tác trong lĩnh vực chính trị, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEM 5 (2004) và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 9 (2009). Ta đã thể hiện tốt vai trò tích cực của nước chủ nhà tìm giải pháp thúc đẩy Hội nghị đưa ra ra những quyết định quan trọng về mở rộng thành viên, đẩy mạnh hợp tác về kinh tế và văn hoá.
2. Về hợp tác kinh tế - tài chính, Ta đã tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế lần thứ 3 (Hà Nội, 2001), thúc đẩy Hội nghị Cấp cao ASEM 5 thông qua “Tuyên bố Hà Nội về tăng cường hợp tác kinh tế ASEM chặt chẽ hơn”, định hướng cho hợp tác kinh tế ASEM. Việc ta tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Á – Âu lần thứ 9 liền kề với ASEM 5 góp phần thúc đẩy kênh đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ và tạo khuôn mẫu cho tổ chức các Diễn đàn doanh nghiệp về sau. Đến năm 2006 (thời điểm kết thúc), Việt Nam đã tranh thủ Quỹ Tín thác ASEM (ATF) trợ giúp triển khai 21 dự án với giá trị gần 13,35 triệu đô la trên các lĩnh vực cải cách hệ thống tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp, xóa đói giảm nghèo và cải cách hệ thống an sinh xã hội, được đánh giá cao. Ngoài ra, ta đã tổ chức thành công "Tọa đàm doanh nghiệp Á – Âu" bên lề Hội nghị FMM 9 (Thành phố Hồ Chí Minh, 5/2009) và "Hội thảo ASEM về vượt qua khủng hoảng: định hình sự phát triển bền vững trong bối cảnh mới" (Nha Trang, 4/2010).
3. Về hợp tác trong các lĩnh vực khác, Ta cũng đóng góp tích cực và chủ động của Việt Nam với việc là nước đi đầu đưa ra sáng kiến về hợp tác văn hóa, y tế, giao thông vận tải, môi trường, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin và an ninh năng lượng, quản lý nước, thiên tai…
- Trong lĩnh văn hóa, với vai trò điều phối của Việt Nam, HNCC ASEM 5 đã thông qua Tuyên bố ASEM về “Đối thoại giữa các nền văn hóa - văn minh”, tạo khuôn khổ pháp lý đẩy mạnh hợp tác Á – Âu trong lĩnh vực văn hóa. Tháng 4/2010, ta tổ chức Hội thảo "Phối hợp các hoạt động văn hoá nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh ASEM".
- Trong lĩnh vực y tế, Việt Nam là nước đầu tiên đưa ra sáng kiến hợp tác y tế trong ASEM vào năm 1999 về "Kết hợp y dược học cổ truyền với y dược học hiện đại trong chăm sóc sức khoẻ cộng đồng", được các nước đánh giá cao. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách, tại HNCC ASEM 7, Việt Nam đã chủ động đề xuất sáng kiến và tổ chức thành công Hội thảo cấp Tổng Vụ trưởng về "Trao đổi kinh nghiệm về sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu và các bệnh mới nổi" (Hà Nội, 11/2009).
- Trong lĩnh vực giáo dục, Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEM lần thứ 2 (Hà Nội, tháng 5/2009) nhằm phát huy vai trò tích cực, chủ động tham gia vào hợp tác giáo dục ASEM, khai thác những nguồn lực và kinh nghiệm Á – Âu góp phần phát triển, đổi mới nền giáo dục nước nhà và nâng cao chất lượng phát triển nguồn nhân lực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, ta cũng tích cực tham gia chương trình học bổng ASEM DUO, tăng cường trao đổi sinh viên đại học giữa Việt Nam và một số đối tác châu Âu như Bỉ và Thụy Điển.
- Trong lĩnh vực môi trường, khoa học công nghệ, bao gồm nhiều vấn đề đang có nhu cầu tranh thủ hợp tác quốc tế nhằm triển khai chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững. Đây cũng là những lĩnh vực đang được nhiều thành viên ASEM quan tâm, từ đó góp phần thúc đẩy quan hệ song phương với các đối tác ASEM, đặc biệt là phía châu Âu. Về lĩnh vực này, ta đã triển khai thành công nhiều hoạt động quan trọng và được các thành viên đánh giá cao, có thể kể đến HNBT về Công nghệ thông tin đầu tiên (Hà Nội, 12/2006), Hội thảo ASEM về Công nghệ sạch (Hà Nội, 9/2004), Diễn đàn ASEM về Tăng trưởng xanh (Hà Nội, 10/2011)…
Đáng chú ý, tại HNCC ASEM 9 (Lào, 11/2012), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra 2 sáng kiến trong lĩnh vực quản lý nước và ứng phó với thiên tai, được nhiều thành viên ASEM quan tâm và đánh giá cao. Để triển khai 2 sáng kiến trên, ta đã tổ chức thành công Hội thảo ASEM về quản lý nước và lưu vực sông – Cách tiếp cận tăng trưởng xanh (Cần Thơ, 3/2013) và Hội nghị Cao cấp ASEM về phòng chống và cứu trợ thiên tai nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu (Hà Nội, 11/2013). Thông qua việc lần đầu tiên đăng cai Hội thảo mang tầm liên khu vực về tài nguyên nước, ta đã thể hiện được vai trò của Việt Nam trong việc hình thành cơ chế mới của ASEM về “Đối thoại ASEM về phát triển bền vững” lập tại HNCC ASEM 9, góp phần thúc đẩy hợp tác Mê Công – Đa-nuýp.
- Trong lĩnh vực giao thông vận tải, sáng kiến “Hội thảo ASEM về tuyến đường sắt tơ lụa Á – Âu” (thông qua tại Hội nghị FMM 6, Ai-len, 4/2004), do ta đồng tác giả với Hàn Quốc, góp phần mở ra triển vọng nối mạng đường sắt Á – Âu. Việt Nam tiếp tục phối hợp đồng sáng kiến với Lít-va và Trung Quốc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Giao thông Vận tải lần 1 (Lít-va, 10/2009) và lần 2 (Trung Quốc, 10/2011).
- Trong lĩnh vực lao động và việc làm, đây là lĩnh vực hợp tác tiềm năng, thúc đẩy đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý... Việt Nam đã đăng cai tổ chức Diễn đàn lưới an toàn xã hội (Hà Nội, tháng 4/2011), Cuộc họp SOM và Diễn đàn Cao cấp ASEM về Lao động và việc làm (Hà Nội, tháng 11/2012) và đặc biệt là Hội nghị Bộ trưởng ASEM về Lao động và việc làm lần thứ 4 (Hà Nội, tháng 10/2012) nhằm đóng góp vào những nỗ lực của hai châu lục tăng cường an sinh xã hội trong giai đoạn hậu khủng hoảng.
- Việt Nam cũng tích cực tham gia các hoạt động của Quỹ Á – Âu (ASEF).Ta cử đại diện tham gia Hội đồng Thống đốc của Quỹ, đại diện ta được chọn vào vị trí Phó Giám đốc Điều hành Quỹ giai đoạn 2008 – 2012. Ta đã đóng góp cho Quỹ khoảng 400.000 USD giai đoạn 1997 – 2014, tổ chức thành công Cuộc họp Hội đồng thống đốc Quỹ lần thứ 16 (Hà Nội, 11/2004), và chủ trì nhiều dự án quan trọng của ASEF.
Nguồn: http://www.mofahcm.gov.vn/
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710737373