Thứ năm, 25-4-2024 - 22:40 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Lợi ích từ CPTTP: Không chỉ có giảm thuế 

 Thứ hai, 28-5-2018

AsemconnectVietnam - Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết vào tháng 3 vừa qua và nhiều khả năng sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2019. Đây được đánh giá là hiệp định mang lại những lợi ích tương đối toàn diện, từ cắt giảm thuế quan đến cải cách thể chế.

Tác động toàn diện
Tại Hội thảo "CPTPP - Các cam kết cơ bản – Những lưu ý cho doanh nghiệp" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh một lần nữa làm rõ về những vấn đề còn gây băn khoăn xung quanh hiệp định này. 
Cụ thể, trước ý kiến cho rằng CPTPP có mức độ tham vọng, tiêu chuẩn thấp hơn rất nhiều so với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đây vì các nước thành viên thống nhất với nhau tạm hoãn thực thi một số nghĩa vụ quan trọng, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, toàn bộ các cam kết về mở cửa thị trường của TPP cũng như tuyệt đại đa số các nội dung quan trọng khác bao gồm các lĩnh vực truyền thống, phi truyền thống vẫn được giữ nguyên trong CPTPP. CPTPP vẫn là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có tiêu chuẩn cao, tạo ra một nền tảng quan trọng cho hoạt động giao thương và đầu tư trong khu vực, đồng thời là một sự khích lệ rất lớn đối với tiến trình tự do hóa thương mại. 
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI - thừa nhận CPTPP là đỉnh cao nhất của các thỏa thuận về đầu tư, thương mại với nước ngoài, trong đó cam kết mở cửa thị trường là lớn nhất. Những chuẩn mực cao của CPTPP là động lực quan trọng, sức ép thúc đẩy cải cách thể chế trong nước. Việc mở cửa thị trường, thúc đẩy cải cách mạnh mẽ thể chế trong nước sẽ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng.
Về cơ hội gia tăng xuất khẩu (XK), việc thiếu Hoa Kỳ sẽ khiến cơ hội gia tăng XK các mặt hàng như dệt may, giày dép, nông sản sang Hoa Kỳ - một trong những thị trường lớn nhất nước ta giảm đi. Tuy nhiên, CPTPP lại mang đến cơ hội XK sang nhiều thị trường khác không ít tiềm năng như Canada, Australia… cho những mặt hàng tiềm năng khác như thực phẩm, đồ uống, thuốc lá…
Đặc biệt, CPTPP không chỉ là cơ hội tăng trưởng XK nhờ cam kết thuế quan giảm mạnh mà còn là cơ hội để nhập khẩu nguồn nguyên liệu, máy móc, thiết bị với giá hợp lý, giúp nâng cao cạnh tranh trên thị trường, giảm nhập siêu từ một số thị trường nhất định. Đây cũng là cơ hội để hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường mua sắm công của 10 nước CPTPP, cung cấp sản phẩm cho khu vực khách hàng lớn nhất ở nhiều nền kinh tế.
Hóa giải thách thức
Lợi ích đã rõ, nhưng CPTPP dự kiến cũng mang đến không ít thách thức cho Việt Nam trong quá trình hội nhập. Thực tế, đó cũng chính là những thách thức mà nước ta đang phải đối mặt khi tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan trung bình từ các hiệp định FTA hiện chỉ xấp xỉ 30% - 40%. 
Thời gian tới, TS. Vũ Tiến Lộc cho biết, DN cần chủ động tiếp cận các thông tin về hội nhập, chủ động sát cánh cùng Chính phủ để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo những yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do. Chủ động thay đổi mô hình kinh doanh, xây dựng chiến lược, chương trình hành động phù hợp với yêu cầu, bối cảnh của hội nhập.
TS. Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế - cho rằng, các DN cần có cái nhìn rộng hơn, CPTPP không chỉ liên quan đến giá trị xuất nhập khẩu, mà mở ra nhiều sân chơi mới. Để cạnh tranh và giữ vững được thị trường, nhà nước phải tiếp tục giảm các chi phí chính thức và không chính thức cho DN, cải cách thể chế mạnh mẽ hơn để nâng cao năng lực kinh doanh. Về phía DN, phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm giá thành. "Khi buộc phải hội nhập cạnh tranh thì áp lực sáng tạo sẽ tốt hơn" - TS. Võ Trí Thành bày tỏ. 

Nguồn: Báo Công Thương

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710876131