Thứ sáu, 26-4-2024 - 4:33 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Hiệp định thương mại CPTPP mới giống như TPP cũ 

 Thứ sáu, 16-3-2018

AsemconnectVietnam - Hiệp định thương mại CPTPP mới mà 11 nước đã ký kết ngày 8/3 thay cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giống như “bình mới rượu cũ” - không có Mỹ nhưng vẫn giữ lại hầu hết các yếu tố gây tranh cãi của TPP.

TPP dường như đã bị khai tử khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp định này vào đầu năm ngoái.
Tuy vậy, 11 thành viên còn lại đã giải cứu TPP gần như nguyên vẹn và đưa ra một cái tên mới - Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Liệu CPTPP có thực sự đáng giá để các các nước thành viên đang phát triển mất rất nhiều không gian hoạch định chính sách (trong đó có quyền tự do của một nước xây dựng chính sách riêng của mình phù hợp với các ưu tiên và mục tiêu quốc gia) để có được các cơ hội xuất khẩu mới?
11 quốc gia thành viên TPP11 là Chile, Peru, Mexico, Canada, Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Singapore, Australia và New Zealand.
Trước khi Tổng thống Trump nhậm chức, bản gốc TPP đã được Mỹ thúc đẩy mạnh nhất, tiếp theo là Nhật Bản. Hai nước đã thành công trong việc đưa vào nội dung hiệp định những chương và quy định gây tranh cãi, bao gồm chính sách bảo vệ đầu tư, mua sắm Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước, sở hữu trí tuệ (IP) và thương mại điện tử.
Đối với một số nước đang phát triển trong TPP, đặc biệt là Việt Nam và Malaysia, không có hiệp định thương mại tự do song phương với Mỹ, lực hút của TPP chính là cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Mỹ - thị trường lớn nhất thế giới. Với việc Mỹ rút khỏi TPP như hiện nay, những lợi ích chính của họ trong CPTPP sẽ bị mất.
Các nước đang phát triển nói chung không thích nhiều chương của TPP, đặc biệt là mua sắm Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước và sở hữu trí tuệ. Những chương này xâm phạm vào nhiều lĩnh vực trong nước và hạn chế nghiêm ngặt những chính sách mà họ có thể giữ lại hoặc ban hành mới. Tuy vậy, các nước này sẵn lòng chấp nhận những chương trên, mặc dù miễn cưỡng, để đổi lấy cơ hội xuất khẩu nhiều hàng hóa hơn sang các quốc gia TPP khác.
Khi Mỹ rút ra khỏi TPP, sự cân bằng chi phí - lợi ích đã thay đổi. Lợi ích đã giảm đi trong khi chi phí vẫn còn nguyên khi các vấn đề gây tranh cãi bị giữ lại.
Nội dung CPTPP cho thấy 22 điều khoản (trong số hơn 1.000 điều khoản chung) của TPP đã bị "đình chỉ" chứ không phải là xóa với kỳ vọng Mỹ có thể quay trở lại. Khả năng đó rất có thể xảy ra khi Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ có thể xem xét lại quyết định rút lui nếu nước này đạt được một hiệp định tốt hơn.
Nếu Mỹ quay trở lại, có thể cả 11 nước sẽ khôi phục các điều khoản bị đình chỉ và CPTPP có thể trở lại thành TPP một lần nữa.
Các quy định bị đình chỉ chủ yếu là trong chương IP. Một số quy định khắt khe mà Mỹ nhấn mạnh (nhưng nhiều nước khác không hài lòng) sẽ không có hiệu lực trong CPTPP.
Một số quy định tác động tiêu cực đến lĩnh vực dược phẩm cũng bị tạm dừng như quy định bắt buộc các quốc gia TPP phải cấp phép cho các phương pháp sử dụng thuốc mới, gia hạn bằng độc quyền thêm 20 năm nếu một quốc gia chậm trễ cấp bằng sáng chế cho một phiên bản thuốc mới.
Tuy nhiên, một số quy định TPP khác về IP vẫn còn. Đặc biệt, các nước phải tham gia hiệp ước quốc tế UPOV91, theo đó, người nông dân sẽ không thể tích trữ và trao đổi hạt giống được các công ty lớn đăng ký bản quyền và phải mua những hạt giống đắt tiền để trồng cây mới. Hầu hết các điều khoản khác bị đình chỉ đều có tầm quan trọng không lớn nên phần lớn TPP ban đầu vẫn còn nguyên giá trị.
Những vấn đề nan giải nhất vẫn được giữ lại trong CPTPP bao gồm:
Tự do hóa đầu tư. Các quốc gia phải mở cửa cho các công ty và nhà đầu tư khác từ các nước thành viên CPTPP tham gia đầu tư vào lãnh thổ của mình. Một số nhà sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ trong nước có thể bị mất thị phần.
Bảo vệ nhà đầu tư. Các nhà đầu tư nước ngoài có thể kiện các Chính phủ chủ nhà ra một tòa án quốc tế nếu họ bị mất lợi nhuận hiện tại và tương lai hoặc giảm giá trị tài sản do Chính phủ nước sở tại ban hành các chính sách kinh tế, xã hội và môi trường mới có ảnh hưởng đến việc kinh doanh của họ hoặc thậm chí các kỳ vọng kinh doanh của họ.
Mua sắm của chính phủ. Hầu hết các chính phủ ở các nước đang phát triển đều ưu đãi cho các công ty trong nước khi cấp phép xây dựng và các dự án khác. Sự ưu tiên này cũng được tạo ra khi Chính phủ mua nguyên vật liệu và dịch vụ. Theo hiệp định mới, những ưu đãi này sẽ chấm dứt vì các công ty nước ngoài từ các quốc gia CPTPP sẽ phải được đối xử bình đẳng như các công ty trong nước khi giá trị mua sắm của Chính phủ ở mức cao nhất định. Mục đích là cho phép các công ty nước ngoài có được nhiều cơ hội kinh doanh và nhiều doanh thu. Điều bất lợi đối với nước chủ nhà là khả năng sản xuất của các doanh nghiệp địa phương và nền kinh tế trong nước sẽ bị giảm sút nghiêm trọng.
Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Ở nhiều quốc gia, các doanh nghiệp Nhà nước đóng vai trò quan trọng về kinh tế và xã hội. Theo CPTPP, những vai trò này sẽ bị hạn chế và giảm bớt theo các luật mới ngăn cấm hoặc gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhà nước trong việc nhận được sự tài trợ hoặc ưu đãi từ chính phủ. Các quy định cũng ngăn cản các doanh nghiệp Nhà nước dành ưu đãi (ví dụ trong việc mua sắm) cho các doanh nghiệp địa phương khác. Mục đích là nhằm cho phép các công ty nước ngoài cạnh tranh tốt hơn với các doanh nghiệp Nhà nước và giành được nhiều thị phần hơn.
Sở hữu trí tuệ: Mặc dù có một số điều khoản bị đình chỉ, CPTPP có các điều khoản còn lại có thể có những ảnh hưởng tiêu cực như chi phí thuốc, tài liệu giáo dục và vật tư nông nghiệp đầu vào cao hơn.
Các nhà hoạch định chính sách nên có những phân tích chi phí và lợi ích mới của CPTPP, đặc biệt là khi lợi ích chính của TPP đối với việc thâm nhập thị trường Mỹ đã mất đi trong hiệp định mới này. Rất ít quốc gia thực hiện các phân tích mới hoặc đã thực hiện nhưng không tiết lộ kết quả.
Vậy có thực sự đáng giá cho các nước đang phát triển trong CPTPP để mất rất nhiều không gian hoạch định chính sách (quyền tự do của một nước xây dựng chính sách riêng phù hợp với các ưu tiên và mục tiêu quốc gia) để có được cơ hội xuất khẩu mới?
Câu hỏi này tỏ ra hợp lý vì hai yếu tố. Một là, những cơ hội mới bị thu hẹp vì sự vắng mặt của thị trường lớn nhất, Mỹ. Hai là, giá trị xuất khẩu sẽ bị bù trừ bởi dòng nhập khẩu mới, do đó lợi ích thương mại có thể ít ỏi, hoặc thậm chí tiêu cực nếu nhập khẩu vượt quá lượng xuất khẩu tăng thêm.
Tuy vậy, các quyết định tham gia hiệp định thương mại đôi khi được thực hiện mà không nghiên cứu cẩn thận hoặc đôi khi, các quyết định này không chỉ dựa trên chi phí và lợi ích kinh tế mà còn về các yếu tố địa chính trị và một số yếu tố khác.

Long Giang
Nguồn: www.ipsnews.net
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710884582