Thứ sáu, 19-4-2024 - 13:18 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tổng hợp, phân tích hiệp định CPTPP trong tháng 3/2018 

 Thứ bảy, 31-3-2018

AsemconnectVietnam - Trong tháng 3/2018, tin tức phân tích hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) khá sôi động.

Thái Lan muốn trở thành thành viên CPTPP trong năm 2018 
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngày 29/3, Phó Thủ tướng Thái Lan phụ trách kinh tế, ông Somkid Jatusripitak thông báo nước này mong muốn trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong năm 2018.
Trước đó, Chính phủ Thái Lan đã yêu cầu Bộ Thương mại xem xét chi tiết về cách thức gia nhập hiệp định nói trên. Phát biểu với báo giới, ông Somkid nhấn mạnh: "Đây là một vấn đề quan trọng. Nếu không có vấn đề gì, chúng tôi sẽ gia nhập vào năm nay."
Ông Somkid cũng cho biết Thái Lan sẽ tìm kiếm sự ủng hộ từ Nhật Bản về vấn đề này, song không nói rõ chi tiết.
Tư cách thành viên CPTPP sẽ có lợi Thái Lan trong bối cảnh các ngành điện tử, hải sản và nông nghiệp trong nước đang phải đương đầu với nhiều đối thủ có thế mạnh về chế tạo và xuất khẩu như Malaysia và Việt Nam.
Hôm 22/3, ông Somkid Jatusripitak đã tuyên bố nước này cần phải gia nhập CPTPP cũng như Thỏa thuận Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để bảo vệ lợi ích thương mại.
Ông Somkid nhận định nếu không tham gia CPTPP, Thái Lan sẽ đánh mất các cơ hội thương mại và đầu tư.
Ông cho biết Bộ Thương mại Thái Lan đang nghiên cứu các mặt thuận lợi và khó khăn nếu tham gia thỏa thuận tự do thương mại này.
 
Vào CPTPP, ngành gỗ Việt gặp thách thức về thương hiệu, sở hữu trí tuệ  
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ngay khi CPTPP có hiệu lực, thuế quan sẽ lập tức xuống bằng 0, điều này mang lại lợi thế lớn cho Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo về bức tranh xuất nhập khẩu ngành gỗ, sáng nay (27/3) tại Hà Nội, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) nhận định, việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang đến nhiều cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam hơn là thách thức.
Bình quân mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang Mỹ đạt khoảng 3 tỷ USD. Các thành viên của hiệp định CPTPP như Nhật Bản cũng là một trong những nhà nhập khẩu lớn của gỗ Việt, ông Quyền cho hay.
Theo Phó Chủ tịch Vifores Nguyễn Tôn Quyền, tham gia vào CPTPP còn có một số quốc gia có ngành công nghiệp gỗ mạnh như Canada, với sản lượng một năm lên tới 600 triệu m3 gỗ. Vì vậy, cơ hội đối với ngành gỗ Việt Nam rất lớn.
Ngay khi CPTPP có hiệu lực, thuế quan sẽ lập tức xuống bằng 0, điều này mang lại lợi thế lớn cho Việt Nam. Đặc biệt, CPTPP sẽ giúp việc mua máy móc, thiết bị và công nghệ từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản ... được thuận lợi hơn, khi thuế hạ xuống.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Vifores cũng chỉ rõ, vấn đề lớn đặt ra đối với các doanh nghiệp Việt Nam là quyền sở hữu trí tuệ. Ông Quyền cho rằng, hiểu biết về sở hữu trí tuệ ngành gỗ của doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế.
Với 8 tỷ USD giá trị xuất khẩu, nhưng giá trị sản phẩm thiết kế tại Việt Nam chiếm tỷ lệ rất nhỏ. "Chúng ta đều sản xuất theo thiết kế đặt hàng của nước ngoài, vì vậy họ sẽ bảo vệ bản quyền đó. Muốn có thiết kế thì mình phải có thương hiệu, muốn có thương hiệu phải có sở hữu trí tuệ. Và muốn có sở hữu trí tuệ chúng ta phải có nhân lực, đào tạo. Đây là một vấn đề hết sức đau đầu", ông Quyền chia sẻ.
Phó Chủ tịch Vifores nhấn mạnh, trong thực thi hiệp định CPTPP sẽ liên quan tới rất nhiều đối tác không chỉ các doanh nghiệp gỗ, mà còn hộ gia đình trồng rừng, thương mại gỗ, vận tải gỗ, thương lái gỗ, chế biến gỗ … nhưng hiểu biết của họ về vấn đề này là rất hạn chế. Các doanh nghiệp cũng phải tự học hỏi, vươn lên; xây dựng nguồn cung gỗ.
Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 8 tỷ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 7,7 tỉ USD. Trong năm nay, ngành gỗ phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu chinh phục con số 9 tỷ USD.
 
Mỹ sẽ xem xét gia nhập Hiệp định CPTPP trong thời gian tới 
AP đưa tin, ngày 22/3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết Mỹ sẽ xem xét tham gia lại một thỏa thuận thương mại tự do của các nước thuộc Vành đai Thái Bình Dương sau khi Washington giải quyết vấn đề được ưu tiên khác.
Bộ trưởng Mnuchin nói rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện tập trung vào các cuộc đối thoại nhằm đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và sẽ là "hơi sớm" để đánh giá chi tiết về những vấn đề cần xử lý để Mỹ xem xét tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Phát biểu tại Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) kéo dài 2 ngày tại Argentina, ông Mnuchin nói: "Khi chúng tôi hoàn thành các mục tiêu trong các mối quan hệ thương mại khác, thỏa thuận này (CPTPP) nhất định là một điều mà chúng tôi sẽ xem xét, và Chile sẽ là một đối tác lớn của chúng tôi (tại CPTPP) vào thời điểm thích hợp."
Trong khi đó, về vấn đề Venezuela, ông Mnuchin nhấn mạnh: "Như chúng tôi đã nói, chiến lược của chúng tôi là áp các lệnh trừng phạt đối với những người đang trực tiếp lấy đi các nguồn tài nguyên của Venezuela và phá hoại nền dân chủ," và cho biết thêm rằng ông đã thảo luận về vấn đề này tại Hội nghị G20 với các quan chức đến từ Canada, Nhật Bản và một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Hôm 19/3, chính quyền Mỹ đã ra lệnh cấm người Mỹ giao dịch đồng tiền ảo "Petro" của Venezuela, đồng thời đe dọa áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn nhằm vào dầu khí nếu chính phủ Venezuela không trả tự do cho các tù nhân chính trị cũng như đảm bảo một cuộc bầu cử tổng thống tự do và công bằng.
                                                
Canada khẳng định Việt Nam là một phần quan trọng trong đàm phán CPTPP 
Việt Nam là một phần quan trọng trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Thương mại quốc tế Canada François-Philippe Champagne trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN có mặt tại Chile đưa tin về Lễ ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Theo Bộ trưởng François-Philippe Champagne, Việt Nam là một phần quan trọng trong quá trình đàm phán CPTPP.
Ông đánh giá cao sự lãnh đạo của Bộ trưởng và của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, khẳng định Việt Nam luôn bên cạnh Canada để đảm bảo rằng khi muốn hướng tới một hiệp định tham vọng mang lại lợi ích cho người dân cũng cần phải hiểu mỗi quốc gia có mức độ phát triển khác nhau.
Bộ trưởng Champagne nhấn mạnh Canada mong muốn củng cố mối quan hệ quan trọng với Việt Nam và theo Hiệp định CPTPP, hai nước có thể tăng cường thương mại trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ của hai nước có thể làm được nhiều hơn nữa.
Để thúc đẩy việc thực thi Hiệp định CPTPP, Bộ trưởng Canada cho rằng cả Canada và Việt Nam sẽ cùng phối hợp để đảm bảo hiệp định sẽ có hiệu lực, mang lại lợi ích cho người dân như đã cam kết.
Ông mong muốn hai nước sẽ bắt đầu với việc giảm thuế để bảo đảm thuận lợi cho giao thương và các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ hưởng lợi từ điều đó.
Ông cũng bày tỏ vui mừng khi Canada cùng Việt Nam và các nước khác sẽ thiết lập các quy tắc về thương mại ở châu Á-Thái Bình Dương một cách công bằng, tiến bộ và cởi mở. Qua đó, các bên đều được hưởng lợi, có thể giao thương một cách cởi mở, bình đẳng và cân bằng. 
Về khái niệm toàn diện và tiến bộ được Canada khởi xướng trong Hiệp định CPTPP, Bộ trưởng François-Philippe Champagne cho biết "toàn diện" ở đây là một thỏa thuận chất lượng tại cuộc gặp ở Vina Del Mar, Chile - cuộc gặp đầu tiên sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Các bên sau đó đã quyết định muốn có một thỏa thuận chất lượng và đó là điều mà người dân muốn.
Ông nói thêm, "toàn diện" có nghĩa để phản ánh tiêu chuẩn cao trong hiệp định, có thể là về lao động, môi trường, hoặc các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong khi "tiến bộ" bảo đảm thương mại là thực tế đối với mọi người dân, bảo đảm người dân ở khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ tiếp cận với thương mại, làm cho thương mại thực tế với người dân.
Ông nói: "Chúng tôi muốn phản ánh qua tên gọi của Hiệp định rằng Hiệp định này là dành cho tất cả mọi người, không phải chỉ có lợi cho các công ty lớn, và ai cũng có thể giao thương với các thị trường mới."
Theo Bộ trưởng Canada, Hiệp định này sẽ có ích đối với người dân Việt Nam và Canada, và thế giới sẽ coi đây là một hình mẫu cho thương mại tiến bộ và bao trùm.
Bộ trưởng François-Philippe Champagne cũng cho rằng Hiệp định CPTPP đã phản ánh tất cả các tham vọng.
Người dân muốn một thỏa thuận bao trùm các vấn đề về thương mại và dịch vụ, thương mại và hàng hóa và bảo đảm việc đạt được một sự thống nhất ở mức độ cao.
Bộ trưởng Canada nhấn mạnh cần bảo đảm rằng mọi thành phần xã hội sẽ được hưởng lợi từ thương mại và đây chính là điều đạt được với CPTPP.
 
Hiệp định thương mại CPTPP mới giống như TPP cũ
Hiệp định thương mại CPTPP mới mà 11 nước đã ký kết ngày 8/3 thay cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giống như “bình mới rượu cũ” - không có Mỹ nhưng vẫn giữ lại hầu hết các yếu tố gây tranh cãi của TPP.
TPP dường như đã bị khai tử khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp định này vào đầu năm ngoái.
Tuy vậy, 11 thành viên còn lại đã giải cứu TPP gần như nguyên vẹn và đưa ra một cái tên mới - Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Liệu CPTPP có thực sự đáng giá để các các nước thành viên đang phát triển mất rất nhiều không gian hoạch định chính sách (trong đó có quyền tự do của một nước xây dựng chính sách riêng của mình phù hợp với các ưu tiên và mục tiêu quốc gia) để có được các cơ hội xuất khẩu mới?
11 quốc gia thành viên TPP11 là Chile, Peru, Mexico, Canada, Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Singapore, Australia và New Zealand.
Trước khi Tổng thống Trump nhậm chức, bản gốc TPP đã được Mỹ thúc đẩy mạnh nhất, tiếp theo là Nhật Bản. Hai nước đã thành công trong việc đưa vào nội dung hiệp định những chương và quy định gây tranh cãi, bao gồm chính sách bảo vệ đầu tư, mua sắm Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước, sở hữu trí tuệ (IP) và thương mại điện tử.
Đối với một số nước đang phát triển trong TPP, đặc biệt là Việt Nam và Malaysia, không có hiệp định thương mại tự do song phương với Mỹ, lực hút của TPP chính là cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Mỹ - thị trường lớn nhất thế giới. Với việc Mỹ rút khỏi TPP như hiện nay, những lợi ích chính của họ trong CPTPP sẽ bị mất.
Các nước đang phát triển nói chung không thích nhiều chương của TPP, đặc biệt là mua sắm Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước và sở hữu trí tuệ. Những chương này xâm phạm vào nhiều lĩnh vực trong nước và hạn chế nghiêm ngặt những chính sách mà họ có thể giữ lại hoặc ban hành mới. Tuy vậy, các nước này sẵn lòng chấp nhận những chương trên, mặc dù miễn cưỡng, để đổi lấy cơ hội xuất khẩu nhiều hàng hóa hơn sang các quốc gia TPP khác.
Khi Mỹ rút ra khỏi TPP, sự cân bằng chi phí - lợi ích đã thay đổi. Lợi ích đã giảm đi trong khi chi phí vẫn còn nguyên khi các vấn đề gây tranh cãi bị giữ lại.
Nội dung CPTPP cho thấy 22 điều khoản (trong số hơn 1.000 điều khoản chung) của TPP đã bị "đình chỉ" chứ không phải là xóa với kỳ vọng Mỹ có thể quay trở lại. Khả năng đó rất có thể xảy ra khi Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ có thể xem xét lại quyết định rút lui nếu nước này đạt được một hiệp định tốt hơn.
Nếu Mỹ quay trở lại, có thể cả 11 nước sẽ khôi phục các điều khoản bị đình chỉ và CPTPP có thể trở lại thành TPP một lần nữa.
Các quy định bị đình chỉ chủ yếu là trong chương IP. Một số quy định khắt khe mà Mỹ nhấn mạnh (nhưng nhiều nước khác không hài lòng) sẽ không có hiệu lực trong CPTPP.
Một số quy định tác động tiêu cực đến lĩnh vực dược phẩm cũng bị tạm dừng như quy định bắt buộc các quốc gia TPP phải cấp phép cho các phương pháp sử dụng thuốc mới, gia hạn bằng độc quyền thêm 20 năm nếu một quốc gia chậm trễ cấp bằng sáng chế cho một phiên bản thuốc mới.
Tuy nhiên, một số quy định TPP khác về IP vẫn còn. Đặc biệt, các nước phải tham gia hiệp ước quốc tế UPOV91, theo đó, người nông dân sẽ không thể tích trữ và trao đổi hạt giống được các công ty lớn đăng ký bản quyền và phải mua những hạt giống đắt tiền để trồng cây mới. Hầu hết các điều khoản khác bị đình chỉ đều có tầm quan trọng không lớn nên phần lớn TPP ban đầu vẫn còn nguyên giá trị.
Những vấn đề nan giải nhất vẫn được giữ lại trong CPTPP bao gồm:
Tự do hóa đầu tư. Các quốc gia phải mở cửa cho các công ty và nhà đầu tư khác từ các nước thành viên CPTPP tham gia đầu tư vào lãnh thổ của mình. Một số nhà sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ trong nước có thể bị mất thị phần.
Bảo vệ nhà đầu tư. Các nhà đầu tư nước ngoài có thể kiện các Chính phủ chủ nhà ra một tòa án quốc tế nếu họ bị mất lợi nhuận hiện tại và tương lai hoặc giảm giá trị tài sản do Chính phủ nước sở tại ban hành các chính sách kinh tế, xã hội và môi trường mới có ảnh hưởng đến việc kinh doanh của họ hoặc thậm chí các kỳ vọng kinh doanh của họ.
Mua sắm của chính phủ. Hầu hết các chính phủ ở các nước đang phát triển đều ưu đãi cho các công ty trong nước khi cấp phép xây dựng và các dự án khác. Sự ưu tiên này cũng được tạo ra khi Chính phủ mua nguyên vật liệu và dịch vụ. Theo hiệp định mới, những ưu đãi này sẽ chấm dứt vì các công ty nước ngoài từ các quốc gia CPTPP sẽ phải được đối xử bình đẳng như các công ty trong nước khi giá trị mua sắm của Chính phủ ở mức cao nhất định. Mục đích là cho phép các công ty nước ngoài có được nhiều cơ hội kinh doanh và nhiều doanh thu. Điều bất lợi đối với nước chủ nhà là khả năng sản xuất của các doanh nghiệp địa phương và nền kinh tế trong nước sẽ bị giảm sút nghiêm trọng.
Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Ở nhiều quốc gia, các doanh nghiệp Nhà nước đóng vai trò quan trọng về kinh tế và xã hội. Theo CPTPP, những vai trò này sẽ bị hạn chế và giảm bớt theo các luật mới ngăn cấm hoặc gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhà nước trong việc nhận được sự tài trợ hoặc ưu đãi từ chính phủ. Các quy định cũng ngăn cản các doanh nghiệp Nhà nước dành ưu đãi (ví dụ trong việc mua sắm) cho các doanh nghiệp địa phương khác. Mục đích là nhằm cho phép các công ty nước ngoài cạnh tranh tốt hơn với các doanh nghiệp Nhà nước và giành được nhiều thị phần hơn.
Sở hữu trí tuệ: Mặc dù có một số điều khoản bị đình chỉ, CPTPP có các điều khoản còn lại có thể có những ảnh hưởng tiêu cực như chi phí thuốc, tài liệu giáo dục và vật tư nông nghiệp đầu vào cao hơn.
Các nhà hoạch định chính sách nên có những phân tích chi phí và lợi ích mới của CPTPP, đặc biệt là khi lợi ích chính của TPP đối với việc thâm nhập thị trường Mỹ đã mất đi trong hiệp định mới này. Rất ít quốc gia thực hiện các phân tích mới hoặc đã thực hiện nhưng không tiết lộ kết quả.
Vậy có thực sự đáng giá cho các nước đang phát triển trong CPTPP để mất rất nhiều không gian hoạch định chính sách (quyền tự do của một nước xây dựng chính sách riêng phù hợp với các ưu tiên và mục tiêu quốc gia) để có được cơ hội xuất khẩu mới?
Câu hỏi này tỏ ra hợp lý vì hai yếu tố. Một là, những cơ hội mới bị thu hẹp vì sự vắng mặt của thị trường lớn nhất, Mỹ. Hai là, giá trị xuất khẩu sẽ bị bù trừ bởi dòng nhập khẩu mới, do đó lợi ích thương mại có thể ít ỏi, hoặc thậm chí tiêu cực nếu nhập khẩu vượt quá lượng xuất khẩu tăng thêm.
Tuy vậy, các quyết định tham gia hiệp định thương mại đôi khi được thực hiện mà không nghiên cứu cẩn thận hoặc đôi khi, các quyết định này không chỉ dựa trên chi phí và lợi ích kinh tế mà còn về các yếu tố địa chính trị và một số yếu tố khác.
         
Tại sao Canada cần nhanh chóng thông qua FTA mới của châu Á
Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Canada François-Philippe Champagne vừa đặt bút ký đã ký kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cánh cửa khu vực thị trường châu Á Thái Bình Dương sắp sửa mở ra cho các doanh nghiệp Canada. Trước mắt, Chính phủ liên bang phải đạt được thỏa thuận phê chuẩn CPTPP với Quốc hội và, đối với doanh nghiệp Canada mong muốn tận dụng tối đa thỏa thuận, nhiều việc cần phải làm ngay.
CPTPP sẽ có hiệu lực khi được Quốc hội 6 nước trong tổng số 11 nước thành viên thông qua.
Một số nước thành viên đã chuẩn bị cho việc này từ trước khi hiệp định CPTPP được ký kết. Sự sốt sắng của các nước nào phần nào cho thấy các cơ hội từ hiệp định này quan trọng như thế nào.
Nhưng rõ ràng Canada không sốt sắng như vậy. Khi được phóng viên hỏi liệu Chính phủ có ngay lập tức chuyển hiệp định này lên Quốc hội để thông qua, Bộ trưởng Champagne cho rằng, có thể phải đợi đến mùa thu năm nay. Nếu đúng như vậy, việc phê chuẩn CPTPP tại Canada sẽ bị hoãn lại cho tới năm sau.
Nhanh chóng thông qua CPTPP mang lại lợi ích gì?
Thứ nhất, nếu Canada thông qua CPTPP nhanh chóng thì càng giành được nhiều lợi ích, đặc biệt là khi các quốc gia CPTPP khác đang gấp rút chuẩn bị điều kiện thâm nhập thị trường.
Tổ chức nghiên cứu kinh tế Tây Canada và Chính phủ liên bang luôn khẳng định CPTPP sẽ mang lại hàng trăm triệu đô la lợi nhuận trước mắt cho các nhà xuất khẩu Canada. Khi Mỹ là thành viên của hiệp định TPP ban đầu, Canada đã đạt được những điều khoản thâm nhập thị trường châu Á tốt hơn so với những gì nước này có thể thương lượng một mình. Giờ đây, khi Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận, Canada vẫn giữ nguyên được các điều khoản thuận lợi này, đặc biệt đối với một số ngành như ngư dân nuôi tôm hùm ở Đại Tây Dương, các ngân hàng ở Toronto, trang trại nuôi heo ở Quebec và hầu hết doanh nghiệp ở miền Tây Canada.
Về lâu dài, việc sớm thông qua hiệp định này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Canada có nhiều cơ hội để lựa chọn.
Thứ hai, nếu Canada là một trong những nước đầu tiên phê chuẩn CPTPP thì sẽ gửi một tín hiệu rất tốt về tầm quan trọng của quan hệ thương mại với châu Á.
Điều này rất quan trọng vì Canada đã gây ra nhiều khó khăn cho các quốc gia CPTPP khác ở thời điểm cuối tháng 11 năm ngoái trong chuyến đi của Thủ tướng Justin Trudeau đến Việt Nam. Việc phê chuẩn nhanh chóng có thể giúp hàn gắn các ấn tượng không tốt ở thời điểm đó. Việc trì hoãn phê chuẩn sẽ chỉ làm sâu sắc thêm những ấn tượng không tốt này mà chính Canada đã gây nên, làm khu vực châu Á trở nên nghi ngờ và cảnh giác với Canada.
Mặt khác, sự chậm trễ không mang lại bất kỳ lợi ích nào.
Canada chắc chắn không cần tham vấn nhiều hơn vì đã dành 8 năm để tranh luận về hiệp định TPP cũ. Phần sửa đổi của CPTPP chỉ dài 9 trang, một phần lớn trong đó là danh sách những gì đã thay đổi từ bản gốc của TPP, bao gồm một vài quy định mà Canada không muốn trong TPP ban đầu. Hiệp định TPP cũ gần như được chuyển nguyên vẹn vào CPTPP mới. Nói cách khác, Canada thực sự đã đồng ý.
Kể từ khi Canada tham gia các cuộc đàm phán TPP từ năm 2012, Chính phủ của Thủ tướng Harper và Trudeau đã có hơn 60 cuộc điều trần ở cấp Ủy ban với khoảng 450 chuyên gia và các bên liên quan, nhận được gần 200 bản tóm tắt và tổ chức các cuộc tham vấn ở mọi miền của đất nước với hàng trăm các bên liên quan khác. Mỗi Chính phủ Canada ở các giai đoạn khác nhau đều tiến hành đánh giá tác động kinh tế của hiệp định.
Không có gì ngạc nhiên khi không phải mọi người Canada đều hài lòng với mọi quy định trong hợp đồng. Việc trì hoãn sẽ không làm thay đổi điều đó và không làm thay đổi những gì đã được thương lượng. Điều quan trọng là dựa vào nhu cầu của người Canada, chính phủ đã đàm phán chỉnh sửa hiệp định CPTPP, bảo vệ lợi ích của chúng ta trong các cuộc đàm phán lại hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ NAFTA và bây giờ Đảng Tự do cầm quyền và Đảng Bảo thủ đều chính thức tham gia.
Đơn giản là không có lý do chính đáng để không thông qua hiệp định CPTPP ngay lập tức.
Chính phủ có thể bắt đầu bằng hành động bỏ thủ tục rườm ra như đã làm với hiệp định thương mại tự do Canada – Hàn Quốc dưới thời Chính phủ Thủ tướng Harper FTA Canada - EU dưới thời Chính phủ Thủ tướng Trudeau.
 
Hiệp định CPTPP chính thức được 11 nước ký kết tại Chile  
Phóng viên TTXVN từ Chile đưa tin rạng sáng 9/3 (theo giờ Việt Nam), lễ ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã diễn ra tại thủ đô Santiago de Chile dưới sự chủ trì của Tổng thống nước chủ nhà Michelle Bachelet.
Tham gia lễ ký có đại diện 11 quốc gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã tham gia lễ ký.
Thỏa thuận tự do thương mại đầy tham vọng CPTPP được khởi động cách đây một năm sau khi Mỹ rút lui khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Về cơ bản, CPTPP vẫn giữ nguyên nội dung so với phiên bản gốc với 8.000 trang và chỉ tạm hoãn thực thi 22 điều khoản chủ yếu liên quan tới sở hữu trí tuệ nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa 11 nước thành viên.
Việc CPTPP chính thức được ký kết sẽ tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên.
CPTPP, với cam kết mở cửa thị trường, là thông điệp mạnh mẽ chống lại xu hướng bảo hộ hiện nay trên thế giới cũng như hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho 11 quốc gia. Hiệp định này sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào khoảng 10.100 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới.
Trong quá trình đàm phán CPTPP, Việt Nam đã có những đóng góp vô cùng quan trọng, đặc biệt là tại Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017 được tổ chức ở Đà Nẵng hồi tháng 11 vừa qua, cũng như tại các cuộc họp để đi tới hoàn tất việc ký kết.
Những nỗ lực và đóng góp này chứng tỏ vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy thương mại tự do và hội nhập kinh tế, thương mại ở cả châu Á, châu Mỹ và châu Đại Dương.
 
Nguồn: Asem/WTO/Bloomberg…
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710713774