Thứ bảy, 20-4-2024 - 18:21 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Giải “cơn khát” nhân lực trước thềm CPTPP 

 Thứ hai, 9-4-2018

AsemconnectVietnam - Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết mở ra cho Việt Nam cơ hội tiếp cận công nghệ sản xuất và quản lý tiên tiến từ nước ngoài. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức với phần lớn lực lượng lao động Việt Nam. Bởi lẽ, thực trạng nguồn nhân lực của chúng ta hiện nay vẫn còn khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực.

Đây là thực trạng được đưa ra tại Hội thảo “Giải pháp mới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước thềm CPTPP” do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với nhãn hiệu CLS - Cloud Learning System (thuộc Công ty TNHH Phát triển Hương Việt) tổ chức chiều ngày 5/4, tại Hà Nội.
Đối mặt nhiều thách thức
Hội thảo được tổ chức nhằm tháo gỡ khó khăn trong vấn đề nhân sự, tạo điều kiện để các doanh nghiệp (DN) có được đội ngũ nhân sự tốt để phát triển hoạt động kinh doanh của đơn vị mình, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh Hiệp định CPTTP đã được ký kết. Đồng thời, bàn luận giải pháp, giới thiệu các mô hình tiên tiến ứng dụng công nghệ thông tin vào trong hoạt động đào tạo nhân sự nội bộ của DN.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Việt Nam đã có mức tăng trưởng 6,81% trong năm qua. Thủ tướng đã tuyên bố mặc dù Quốc hội kỳ vọng năm 2018 con số tăng trưởng là từ 6,5-6,7% nhưng sẽ cố gắng đạt mức tăng trưởng tối thiểu 6,7%. Tôi tin rằng những cải cách thể chế mà đặc biệt là những cải cách hành chính như cắt giảm 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho DN chính là những động lực lớn nhất cho sự tăng trưởng.
Tuy nhiên, tăng trưởng không phải vấn đề quan trọng nhất mà chất lượng tăng trưởng mới là điều quan trọng. Những tiếng chuông cảnh báo chất lượng tăng trưởng luôn dồn dập tạo áp lực cho Việt Nam. Thứ nhất là năng suất lao động thấp- Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế có năng suất lao động thấp nhất khu vực. Thứ hai là trình độ quản trị DN Việt hiện nay theo báo cáo PCI của VCCI với sự tham gia của cơ quan phát triển Hoa Kỳ thì trình độ quản trị DN Việt thấp nhất khu vực Đông Nam Á.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Lê Kim Dung, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, với dân số ước tính khoảng 94 triệu người vào năm 2018; trong đó lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 54,61 triệu người (chiếm 59,5%), Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ dân số vàng với nguồn cung lao động dồi dào và ổn định. Song, chất lượng nguồn nhân lực lao động Việt Nam còn rất nhiều hạn chế, trong đó tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo còn thấp, thiếu hụt lao động có tay nghề cao vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập; khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn. Khi xem xét vấn đề thất nghiệp theo góc độ trình độ chuyên môn kỹ thuật thì tỷ lệ thất nghiệp đang có xu hướng gia tăng trong số lao động có trình độ cao.
Bà Nguyễn Thị Nhàn, Giám đốc Dự án CLS – Cloud Learning System, Công ty TNHH Phát triển Hương Việt chia sẻ, theo báo cáo, hằng năm tỉ lệ nghỉ việc trung bình tại các DN là 15,7%, tức là mỗi năm có một bộ phận không nhỏ người lao động luân chuyển công việc. Thực trạng này cho thấy các DN bị thất thoát một khoảng ngân sách đáng kể khi có nhân sự nghỉ việc. Đồng thời, DN đó cũng phải tốn một khoản kinh phí tương tự cho việc đào tạo nhân viên mới.
Hóa giải tình trạng thiếu nhân lực
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, cải cách hệ thống giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng lao động là yêu cầu quan trọng hiện nay. Trong việc cải cách đào tạo nguồn nhân lực thì vai trò DN rất quan trọng. DN trong bối cảnh hiện nay không phải chỉ là người đặt hàng, khách hàng của ngành giáo dục còn phải là chủ nhân, nhà đầu tư của hệ thống giáo dục.
“VCCI có kết nối cùng Bộ Giáo dục và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội kêu gọi các DN hợp tác với ngành giáo dục trong việc cải cách hệ thống giáo dục. Đặc biệt thay đổi tư duy và phương thức tổ chức giáo dục dạy nghề ở Việt Nam theo hướng đồng hành, hợp tác” – ông Vũ Tiến Lộc cho hay.
Trước vấn đề này, Tiến sĩ Lê Kim Dung đề xuất, cần tăng cường tham gia xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo và tổ chức giảng dạy, hướng dẫn thực tập và đánh giá kết quả học tập của người học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng như tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề và đào tạo lại nghề cho ngư­ời lao động của DN; cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động của DN theo ngành, nghề và nhu cầu tuyển dụng lao động hằng năm cho cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Nhàn - Giám đốc dự án CLS – Cloud Learning System cho rằng, trong bối cảnh hội nhập, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chìa khóa để tăng cường sức cạnh tranh. Để thực hiện sứ mệnh đó, việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động đào tạo nhân sự là điều rất cần thiết. Với nội hàm của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ điện toán đám mây vào trong hoạt động đào tạo trực tuyến (Elearning) được xem là một trong những giải pháp không chỉ có ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn giải quyết bài toán của các DN một cách hiệu quả...

Nguồn: Báo Công Thương

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710743737