Thứ tư, 24-4-2024 - 17:17 GMT+7  Việt Nam EngLish 

CPTPP sẽ tạo ra sức hút đầu tư mới cho lĩnh vực nuôi biển Việt Nam  

 Thứ năm, 5-4-2018

AsemconnectVietnam - Ngày 8/3, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giữa 11 nước thành viên đã chính thức được ký kết tại Chile. Đây là một trong những Hiệp định thương mại quan trọng bậc nhất nhằm gỡ bỏ các rào cản thương mại giữa 11 nền kinh tế tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Với Việt Nam, hiệp định CPTPP hứa hẹn về một triển vọng tích cực cho các ngành xuất khẩu mà nước ta có thế mạnh, trong đó có ngành nuôi biển.

Liên quan đến hiệp định này, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) đã trao đổi với phóng viên nhằm đánh giá cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nuôi biển Việt Nam.

- Xin ông cho biết, tác động của hiệp định CPTPP đối với các doanh nghiệp trong ngành nuôi biển sẽ như thế nào?

Ông Nguyễn Hữu Dũng: Tính về xuất khẩu chắc chắn khi giảm hết các mức thuế về 0% hoặc ở mức thấp sẽ có nhiều tác động đối với doanh nghiệp. Đơn cử lĩnh vực chế biến thủy sản, thế mạnh của Việt Nam nằm ở khâu chế biến, do vậy khi chiều xuất khẩu thuận lợi thì doanh nghiệp sẽ tận dụng được thế mạnh đó.

Phải nhấn mạnh, đối với Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, đây là một hiệp hội mới nên rất mong muốn thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài, do vậy khi có hiệp định CPTPP, về mức độ hợp tác lại sâu hơn các hiệp định cũ, nên tôi nghĩ CPTPP sẽ kêu gọi được đầu tư vào lĩnh vực nuôi biển hoặc làm công nghệ phục vụ nuôi biển, chắc chắn việc này thuận lợi hơn nhiều và những nước trong hiệp định đều là những nước có thế mạnh mà Việt Nam có thể hợp tác.

- Khi tham gia CPTPP nhiều chuyên gia cho rằng có thể tận dụng được nguồn đầu tư chất lượng cao từ các quốc gia trong khối này, vậy với Hiệp hội có kiến nghị gì?

Ông Nguyễn Hữu Dũng: Cơ hội đồng thời cũng là thách thức, bởi điều kiện của chúng ta là có nhưng để thu hút được đầu tư chất lượng hay không còn tùy thuộc vào năng lực của các doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực nuôi biển, hàm lượng công nghệ lớn nên rất có điều kiện để thu hút đầu tư. Thực tế, ngư dân trong lĩnh vực này có kinh nghiệm rất khá nhưng kỹ thuật và các thiết bị công nghệ còn yếu nên với cơ hội mới về đầu tư thông qua CPTPP tôi hy vọng sẽ thu hút được các nhà đầu tư.
- Vai trò của các hiệp hội rất quan trọng, ở phía góc độ Hiệp hội sẽ phải xem xét trách nhiệm như thế nào?

Ông Nguyễn Hữu Dũng: Lĩnh vực này có đặc thù, tức là doanh nghiệp mà đầu tư nuôi biển trực tiếp hiện còn rất ít. Nuôi biển thủ công do ngư dân làm chủ yếu và rất ít doanh nghiệp đầu tư kiểu công nghiệp, chính vì vậy khả năng các nhà đầu tư nước ngoài khi chọn doanh nghiệp Việt Nam làm đối tác sẽ còn rất lớn.

Đơn cử một doanh nghiệp nuôi cá tra khi chuyển sang nuôi biển thì họ sẽ làm kiểu công nghiệp, không nhất thiết là nhà đầu tư nước ngoài phải chọn các doanh nghiệp đang nuôi biển mà có thể chọn các doanh nghiệp ở ngành khác để tham gia lĩnh vực này.

Một góc độ nữa, theo tôi cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thiết lập quan hệ trực tiếp với các đối tác, tìm hiểu họ. Hiệp hội đã tổ chức một số chuyến công tác bằng tiền cá nhân để tìm hiểu kỹ những đối tác ngay tại những nơi họ đang hoạt động, và các hội thảo, hội chợ để mở những cơ hội cho doanh nghiệp.

- Còn với vấn đề chống bán phá giá được đánh giá là ảnh hưởng rất lớn đối với doanh nghiệp trong nước thời gian qua, vậy từ góc độ Hiệp hội nuôi biển đã có sự chuẩn bị như thế nào cho các thành viên?

Ông Nguyễn Hữu Dũng: Trong lĩnh vực nuôi biển những vấn đề này vẫn chưa xảy ra do trình độ phát triển của chúng ta còn thấp và thế công nghệ chênh lệch khá nhiều nên phần tiếp thu công nghệ chắc chắn là phần ưu tiên cao hơn các khả năng tranh chấp khác.

Nhưng việc gì cũng phải có phương án từ sớm, Hiệp hội đã phổ biến tới các thành viên để ngay từ đầu họ đã có ý thức tham gia vào việc này.

Có thể thấy, từ kinh nghiệm của cá tra, cá basa, tôm.. cho thấy điều rất rõ là nếu anh không phá giá thì người ta cũng có thể đưa doanh nghiệp vào chuyện liên đới trong vụ việc chống bán phá giá và cần phải lường trước. Do vậy, việc cá biển chúng ta nuôi được nhiều và khi xuất đi thì cũng cần lưu tâm đến việc chống bán phá giá.

- Xin cảm ơn ông./.

Nguồn: vietnamplus.vn

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710836309