Thứ năm, 25-4-2024 - 8:27 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Liệu Anh quốc sẽ thực sự gia nhập CPTPP? 

 Thứ ba, 9-1-2018

AsemconnectVietnam - Tổng thống Donald Trump từ bỏ việc tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay sau khi lên nắm quyền tại Nhà Trắng. Nhưng liệu Anh quốc có quan tâm tới hiệp định này?

Các nước còn lại đã đổi tên hiệp định mới thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP - Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership).
Anh quốc được cho là đang tìm hiểu khả năng gia nhập TPP nhằm nỗ lực mở rộng cánh cửa thương mại thời hậu Brexit.
Chính phủ Anh vẫn chưa xác nhận việc trên, nhưng nói "không loại trừ" việc các thảo luận về việc tham gia các khối kinh tế như vậy.
Ngay cả việc đề cập tới chuyện Anh bước vào các cuộc đàm phán cũng bị một số chuyên gia thương mại tỏ ý nghi ngờ. Những người này nói rằng Anh hầu như không thể đạt được thỏa thuận, và ngay cả khi có đạt được thì Anh cũng không tạo được mấy ảnh hưởng.
Tổng thống Trump đã giữ đúng cam kết mà ông đưa ra khi tranh cử và tuyên bố rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định này hồi năm ngoái.
Nhưng 11 thành viên còn lại, gồm Canada, Úc, Chile, New Zealand, Brunei, Singapore, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Peru và Việt Nam, đã tiếp tục thúc đẩy.
Hiệp định TPP nhằm thắt chặt các mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia thành viên qua việc cắt giảm thuế quan và tăng cường thương mại nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Thỏa thuận được xây dựng nhằm hướng tới tạo một thị trường chung mới, khá giống với mô hình thị trường chung của khối EU.
Anh quốc đạt được gì nếu tham gia CPTPP?
Nói một cách đơn giản là các cơ hội thương mại mới sau Brexit.
Với những người ủng hộ việc Anh rời khỏi khối EU thì cơ hội tham gia vào các thỏa thuận thương mại mới là một trong những điểm hấp dẫn nhất.
Các thành viên của CPTPP hiện đang là thị trường tiêu thụ khoảng 8% xuất khẩu của Anh. Thị trường đơn lẻ lớn nhất cho các sản phẩm và dịch vụ Anh trong khối này là Nhật Bản.
"Việc tiếp cận dễ dàng hơn đương nhiên sẽ rất tốt cho nhiều nhà xuất khẩu Anh quốc," phóng viên kinh tế BBC Andrew Walker nói.
Nhưng ngay cả việc Anh có thể đàm phán về khả năng tham gia cũng đã bị một số người chỉ trích.
Dân biểu Lao động Chuka Umunna nói các thỏa thuận thương mại mới "sẽ không thể bù đắp được cho những mất mát trong quan hệ thương mại với EU sau cú Brexit cứng."
Và nếu như tham gia thì Anh có nguy cơ "ở thế yếu" trong các cuộc đàm phán, theo Aaron Connelly, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc tế Lowy, nói.
Ông nói các nước nhiều khả năng sẽ không tái đàm phán đối với các vấn đề nhạy cảm nếu chỉ vì để tạo điều kiện cho Anh.
"Mất đến tám năm để đàm phán thỏa thuận gốc, và việc chốt lại nội dung hiện đang là điều Nhật Bản, Úc và các nước khác muốn làm gấp," ông nói.
Do tính cấp bách của việc cần sớm chốt lại thỏa thuận, ông Connelly cảnh báo rằng Anh sẽ trở thành bên "chấp nhận mức giá" theo các điều khoản của hiệp định, nhất là trong các lĩnh vực dược phẩm, doanh nghiệp nhà nước, lao động và môi trường.
"Nếu Brexit là nhằm lấy lại quyền kiểm soát trong những lĩnh vực này, thì việc gia nhập sẽ không mấy hữu ích trong việc thực hiện mục tiêu đó," ông nói thêm.

Nguồn: hoinhap.org.vn
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710857864