Thứ sáu, 19-4-2024 - 23:14 GMT+7  Việt Nam EngLish 

TPP hồi sinh chứng minh đa phương luôn tốt hơn song phương  

 Thứ tư, 22-11-2017

AsemconnectVietnam - Các đồng minh của Mỹ tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương đã từ chối chính sách thương mại của Donald Trump và tiếp tục tiến lên theo cách của riêng họ. Tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng, Trump đã nhấn mạnh thông điệp “Nước Mỹ trên hết” và mỗi quốc gia cũng nên “vì lợi ích của chính mình”. Tiếp sau đó, ông ám chỉ rằng, các đối tác thương mại quan trọng sẽ phải đàm phán với Mỹ một thỏa thuận thương mại song phương – với những điều khoản do Washington đặt ra – hoặc là không có thỏa thuận nào cả.

Như một lời phản đối đanh thép dành cho yêu cầu tối hậu thư của Trump, 11 quốc gia còn lại trong Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương  (TPP) đã đồng ý đi tiếp – mà không có Mỹ - cùng với sự ra đời của một hiệp định thương mại có thể xem là tiến bộ nhất từ trước đến nay.
Hiệp ước thương mại ban đầu đã được đổi tên thành “Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương” (“CPTPP”). Tuy nhiên, thỏa thuận TPP ban đầu về cơ bản vẫn không bị ảnh hưởng. Nói cách khác, các đối tác quan trọng của Mỹ, bao gồm Canada, Nhật Bản, Úc, Singapore và Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục tuân thủ những cam kết của họ trong các thỏa thuận thương mại đa phương và khuôn khổ các quy tắc thương mại.
Đây là năm lý do khiến các thỏa thuận thương mại đa phương vượt trội hơn so với các thỏa thuận song phương – với dẫn chứng tiêu biểu là thỏa thuận CPTPP vừa được hồi sinh.
1) Chủ nghĩa đa phương và Ngọn tháp Babel
Các doanh nghiệp ngày nay đều cảm thấy những quy tắc trong các hiệp định thương mại thường khó hiểu và quá phức tạp. Trong bối cảnh các công ty muốn mở rộng chuỗi giá trị sang những thị trường mới, nhu cầu hài hòa các quy định và tiêu chuẩn cũng ngày càng tăng lên.
Một thỏa thuận thương mại đa phương giúp tạo ra sự rõ ràng trong các quy tắc, thông qua việc thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu và thông lệ chung giữa các thị trường thành viên, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong một thế giới nơi mà các thỏa thuận thương mại song phương từng chiếm ưu thế, các doanh nghiệp buộc phải mò mẫm trong một mạng lưới những quy định đan xen, chồng chéo riêng cho từng quốc gia. Hiện tượng này, được gọi là “ngọn tháp Babel”, dựng lên các rào cản cho nhiều doanh nghiệp nhỏ, ngăn cản họ khai thác một cách hiệu quả các FTAs, do chi phí vận hành cao.
2) Kinh tế kỹ thuật số và thương mại điện tử
Hoạt động thương mại hàng hóa và dịch vụ trên toàn cầu đang ngày càng phụ thuộc vào các nền tảng kỹ số của hệ thống mạng Internet. Nền kinh tế kỹ thuật số đã dễ dàng vượt qua khỏi biên giới của một quốc gia, cho phép doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô cung cấp dịch vụ và sản phẩm đến mọi nơi trên thế giới.
Một hiệp định thương mại đa phương như CPTPP sẽ giúp tạo ra một khuôn khổ tiến bộ cho việc thiết lập các tiêu chuẩn linh động xung quanh vấn đề bảo mật thông tin và quyền riêng tư, tài sản trí tuệ, thương mại điện tử và các dịch vụ liên quan. Khuôn khổ này sẽ tác động đến lĩnh vực thương mại trên diện rộng và làm giảm các rào cản tiếp cận cho tất cả các doanh nghiệp kỹ thuật số. Khi mà các khu vực thương mại tự do được mở rộng, lợi ích thu được cũng càng nhiều. Các thỏa thuận đa phương là giải pháp tốt nhất để mở rộng các tiêu chuẩn và thông lệ chung, từ đó, làm tăng tính toàn diện và chặc chẽ cho các quy tắc thương mại.
3) Sự cân bằng địa chính trị cũng có liên hệ với hoạt động thương mại
Các hiệp định thương mại đa phương giúp củng cố sức mạnh cho các liên minh địa chính trị. Một chính sách đối ngoại nhất quán đòi hỏi sự cân bằng giữa các vấn đề an ninh, khuôn khổ chính trị và quan hệ thương mại chặt chẽ.
TPP ban đầu được tạo ra như một thỏa thuận thương mại do Mỹ dẫn dắt, một biện pháp nhằm kiềm chế tầm ảnh hướng ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc ở châu Á. Với việc Trump rút nước Mỹ ra khỏi TPP, các đồng minh của Mỹ có thể cảm nhận rõ hơn quyền lực địa chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc. Vì thế, Nhật Bản, Singapore, Úc và các nước khác vẫn sẽ tiếp tục mời gọi Mỹ quay trở lại với thỏa thuận thương mại.
Mối liên kết giữa hệ thống địa chính trị và hoạt động thương mại được bộc lộ rõ trong trường hợp của bán đảo Triều Tiên. Chính quyền Trump đang vận động hành lang để Việt Nam và Malaysia chấm dứt quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng. Nếu như Mỹ chịu ở lại trong TPP, họ đã có thể tận dụng hiệu quả lợi thế này để gây ảnh hưởng lên những thỏa thuận giữa các đối tác thương mại với chính quyền Kim Jong-Un. Thay vào đó, tại hội nghị thượng đỉnh APEC, Trump đã chỉ trích các đối tác thương mại của Mỹ có hành vi gian lận và trục lợi, nhưng sau đó lại tìm kiếm sự hỗ trợ của họ trong việc kiềm chế Bắc Triều Tiên.
4) Bao hàm cả doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa
Theo báo cáo mới đây của Nhóm công tác APEC, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) chiếm đến 97% tổng số doanh nghiệp trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Trong số đó, có nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ đã bắt đầu khai thác các công nghệ kỹ thuật số để thực hiện kinh doanh xuyên biên giới, tiếp cận khách hàng toàn cầu và tham gia vào các chuỗi giá trị quốc tế.
Những doanh nghiệp vừa và nhỏ này ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các thể thức hội nhập đa phương sâu rộng của CPTPP, vì CPTPP sẽ giúp hoạt động thương mại kỹ thuật số gần như trở thành một trải nghiệm không biên giới, vượt ra khỏi những vành đai địa lý rộng lớn. Tuy còn rất nhiều vấn đề cần được giải quyết, nhất là xung quanh việc dỡ bỏ các rào cản phi thuế quan, nhưng một khuôn khổ đa phương vẫn mang đến nhiều lợi ích hơn cho hoạt động thương mại tổng thể, so với một tập hợp gồm nhiều thỏa thuận song phương.
5) Các thỏa thuận đa phương sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các bên
Trong khi các thỏa thuận song phương sẽ tạo ra một “cuộc chạy đua đến đáy” –  do các quốc gia chỉ tập trung vào việc hạ thấp các tiêu chuẩn để tăng lợi thế cạnh trạnh trong hoạt động thương mại và đầu tư – thì thỏa thuận đa phương lại nâng cao tiêu chuẩn chung cho tất cả các nước tham gia. Nội dung của TPP là một bằng chứng rõ nét cho ưu điểm này. Bởi vì khuôn khổ hiệp định mang rất nhiều giá trị đàm phán cốt lỗi của người Mỹ.
Ngay cả sau khi Mỹ rút khỏi TPP thì các nội dung thỏa thuận ban đầu hầu như không hề thay đổi. Các tiêu chuẩn của Hiệp định vẫn rất cao – mặc dù sự vắng mặt của Mỹ đã tạo ra một khoảng trống lớn - do Canada vẫn quyết tâm giữ lại các tiêu chuẩn thương mại tiến bộ, bao gồm các tiêu chuẩn môi trường bền vững, các tiêu chuẩn về lao động và bình đẳng giới.
CPTPP giúp cung cấp các khuôn khổ và thể chế đa phương cho phép đảm bảo các tiêu chuẩn thương mại luôn ở mức cao – mặc dù chắc chắn sẽ có những thách thức. Trong tương lai, người dân của thế kỷ 21 và của thời đại kỹ thuật số sẽ đòi hỏi nhiều hơn những khuôn khổ đa phương, hướng đến xóa bỏ các rào cản về biên giới và tạo ra một hệ thống thương mại công bằng và bền vững.

Nguồn: hoinhap.org.vn

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710723990