Thứ tư, 17-4-2024 - 2:24 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tổng hợp, phân tích hiệp định TPP trong tháng 10/2017 

 Thứ ba, 31-10-2017

AsemconnectVietnam - Trong tháng 10/2017, tin tức phân tích hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khá sôi động.

Singapore hy vọng 11 nước còn lại trong TPP có thể đạt thỏa thuận mới 
Ngày 25/10, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết 11 thành viên còn lại tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hy vọng có thể đạt được "một điều gì đó" trước khi thỏa thuận này bị chấm dứt.
Thủ tướng Singapore đưa ra tuyên bố trên khi tham dự một cuộc thảo luận do Hội đồng Đối ngoại Mỹ tổ chức tại Washington trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ 6 ngày, bắt đầu từ ngày 21/10. Theo ông Lý Hiển Long, 11 thành viên còn lại tham gia đàm phán TPP đang thảo luận để có thể vạch ra một kế hoạch khi Mỹ rút khỏi văn kiện này. Ông Lý Hiển Long cho biết thêm các nước còn lại của TPP sẽ nỗ lực hết sức trong tình hình mới.
Trước đó, ngày 22/9, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Nhật Bản, ông Kazuyoshi Umemoto Umemoto thông báo các nước tham gia đàm phán TPP đã có tiến triển hướng tới một thỏa thuận thương mại tự do mới vào tháng 11 tới, sau khi Mỹ quyết định rút lui.
Phát biểu với báo giới sau khi kết thúc 2 ngày đàm phán tại Tokyo, ông Umemoto cho biết các nước đạt được bước tiến có ý nghĩa và đang hướng tới mục tiêu thực thi thỏa thuận vào thời điểm sớm nhất có thể. Tại vòng đàm phán lần này, các bên đặt mục tiêu ký kết một thỏa thuận thương mại mới tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) dự kiễn diễn ra tại Việt Nam vào tháng 11 tới.
Trong hai ngày đàm phán, 3 nhóm chuyên viên về luật pháp, sở hữu trí tuệ và các vấn đề khác đã thảo luận các yêu cầu do các nước thành viên đặt ra, theo đó muốn đóng băng một số phần của thỏa thuận ban đầu, nhất là các điều khoản do phía Mỹ đề xuất.
TPP được ký kết tháng 2/2016, với 12 nước tham gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam, chiếm khoảng 40% kinh tế toàn cầu. Ngay sau khi nhậm chức vào tháng 1/2017, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi TPP, cho rằng hiệp định đa phương này làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người Mỹ và nhấn mạnh Washington sẽ tiến hành đàm phán hiệp các định thương mại song phương.
 
Thông tin về TPP giữa 11 nền kinh tế lớn có thể được công bố vào tháng tới
Mười tháng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump từ bỏ thỏa thuận thương mại được coi là lớn nhất thế giới, những nước thành viên còn lại có thể tiến gần đến một thỏa thuận mới.
Thông tin chi tiết của một Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương mới có thể sẽ được đưa ra vào tháng tới tại cuộc họp Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương APEC - thời hạn đã được các thành viên còn lại của hiệp định thống nhất.
Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC Alan Bollard nói với hãng tin CNBC rằng đó là "cơ hội hợp lý" để các nhà lãnh đạo ký kết hiệp định vào tháng 11 hoặc tuyên bố sẽ ký hiệp định trong thời gian tới.
Trong nhiều tháng, 11 nước thành viên, được gọi là TPP-11, đã tổ chức các cuộc hội đàm về cách giữ tầm nhìn của họ về một khối thương mại tự do sống động mà không có Mỹ. Tuy nhiên, căng thẳng giữa các quốc gia đã làm chậm tiến độ - đặc biệt là Malaysia đã lên tiếng lo ngại khi hiện nay cơ hội mở rộng sang thị trường Mỹ không còn.
Nhật Bản gây sức ép
Được Nhật Bản thúc đẩy, các cuộc thảo luận cũng đang bàn về việc hiệp định sẽ được phê chuẩn như thế nào. Ở phiên bản ban đầu, bao gồm cả Mỹ, yêu cầu sự chấp thuận chính thức của 6 quốc gia chiếm 85 phần trăm tổng sản phẩm quốc nội kết hợp của tất cả các thành viên. Hiện nay Mỹ đã rút khỏi hiệp định nên quy định đó cần thay đổi.
“Tùy thuộc vào mức độ hiệp định ban đầu đã được thương lượng lại và liệu có cần điều khoản phê chuẩn mới hay không nhưng một thỏa thuận mới vẫn có thể là một bước lùi", Giám đốc Bollard cảnh báo.
Chủ tịch Bollard, đồng thời là cựu Thống đốc ngân hàng trung ương New Zealand, nói: "Nhật Bản đóng vai trò dẫn dắt rất lớn trong các cuộc đàm phán mới này nhưng chúng tôi vẫn chưa biết chắc chắn ai sẽ là lãnh đạo Chính phủ mới và quan điểm của họ sẽ như thế nào. Mọi điều không phải sẽ dễ dàng thay đổi nhưng sẽ có một vài thay đổi nhỏ ở phút cuối."
Tháng trước, hãng tin Reuters dẫn lời nhà đàm phán TPP của Nhật Bản, ông Kazuyoshi Umemoto, cho biết Nhật Bản vẫn đang hy vọng Tổng thống Trump cuối cùng sẽ thay đổi ý định của mình và tham gia lại vào hiệp định này.
Theo công ty quản lý rủi ro Eurasia Group, nếu TPP-11 có thể chính thức được thực thi, mong muốn của Nhật Bản có thể trở thành hiện thực. "Càng gần thời điểm Nhật Bản kết thúc đàm phán thỏa thuận TPP mà không có Hoa Kỳ thì càng có nhiều khả năng áp lực chính trị sẽ tăng lên thúc ép Tổng thống Trump quay trở lại TPP vì các lợi ích kinh doanh của Hoa Kỳ - ví dụ ngành nông nghiệp - việc rút khỏi TPP vô hình chung lại thúc đẩy nỗ lực vận động hành lang của họ".
TPP-11 dự kiến ​​sẽ tạo điều kiện cho các nước thành viên thâm nhập vào hầu hết các thị trường hàng hóa của nhau, đồng thời tạo ra các thị trường mới cho dịch vụ và đầu tư.
Các nước đàm phán hoàn tất TPP; NPPC cảnh báo về việc mất thị phần
Trong 3 ngày đàm phán giữa 11 quốc gia còn lại của hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương bắt đầu vào thứ hai ở Australia, Nhật Bản đã đề xuất tạm dừng những nhượng bộ với Mỹ của các quốc gia thành viên TPP khi Mỹ vẫn còn tham gia hiệp định này. Tổng thống Trump đã rút ra khỏi thỏa thuận thương mại TPP khi ông nhậm chức vào tháng 1 năm nay.
Các nước TPP còn lại đang tìm cách để thực hiện thỏa thuận này mà không có Mỹ. Hội đồng sản xuất thịt lợn quốc gia, là tổ chức ủng hộ mạnh mẽ TPP, đã cảnh báo rằng ngành công nghiệp thịt lợn của Mỹ sẽ mất thị phần ở khu vực châu Á Thái Bình Dương nếu Mỹ không ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương với các nước trong khu vực.
NPPC đang kêu gọi Chính quyền Trump bắt đầu đàm phán hiệp định thương mại song phương với Nhật Bản - thị trường xuất khẩu thịt lợn số 1 của Mỹ - và với các nước như Việt Nam và Philippines. Thịt lợn và các mặt hàng xuất khẩu khác từ Mỹ sẽ gặp bất lợi trong cạnh tranh khi Liên minh châu Âu và Nhật Bản thực hiện hiệp định thương mại song phương mới kết thúc đàm phán gần đây - có thể vào khoảng năm 2019.
Các nhà xuất khẩu Mỹ sẽ bị thiệt hại thêm khi các quốc gia TPP còn lại thực hiện một hiệp định thương mại. Ví dụ thịt heo từ các thành viên TPP như Canada và Mexico sẽ có lợi thế hơn so với thịt lợn xuất khẩu của Mỹ vào thị trường Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia và một số thị trường khác.
Nhà phê bình: Tân Chính phủ New Zeand nên tiếp cận thận trọng với TPP
Một nhà phê bình lâu năm New Zealand đối với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương đang kêu gọi Chính phủ mới áp dụng cách tiếp cận thận trọng đối với thỏa thuận này.
Thủ tướng New Zealand sắp tới, bà Jacinda Ardern, cho biết bà ủng hộ hiệp định thương mại này và sẽ tham dự cuộc họp APEC tháng tới tại Việt Nam để thúc đẩy TPP.
Các đảng liên minh của đảng Lao động như đảng New Zealand trên hết và đảng Xanh đã phản đối hiệp định TPP trong quá khứ.
Giáo sư luật trường đại học Auckland, ông Jane Kelsey, cho biết Chính phủ không nên vội vã ký kết hiệp định TPP vốn đã bị hai đảng liên minh phản đối.
"Đó sẽ là một động thái rất tồi tệ khi Chính phủ mới sớm quay lưng lại với những mối quan ngại trước đây về thỏa thuận TPP và tiến tới ký kết. Trước đây, đảng Lao động đã kêu gọi các nhà kinh tế đưa ra một phân tích chi phí - lợi ích hợp lý về thỏa thuận TPP và điều đó vẫn nên được thực hiện”, Tiến sĩ Kelsey khẳng định.
Thủ tướng Lý Hiển Long: Chưa phải là thời điểm để đưa Mỹ trở lại TPP
Khi được hỏi liệu Singapore có thể thuyết phục Mỹ quay trở lại với hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương hay không, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khẳng định, thời điểm này chưa chín muồi để thực hiện các sáng kiến ​​thương mại đa phương mới với Mỹ.
Mỹ đã rút khỏi hiệp định TPP bao gồm 12 quốc gia vào tháng 1 năm nay ngay sau lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump, vốn đã hứa trong cuộc vận động tranh cử là kéo đất nước ông ra khỏi thỏa thuận thương mại tự do "không tốt" TPP.
"Tôi nghĩ Tổng thống Mỹ đã làm sáng tỏ quan điểm của mình, đưa ra quyết định chính thức và chúng tôi sẽ buộc phải chấp nhận điều đó. Tôi cho rằng chưa đến lúc bắt đầu các sáng kiến ​​đa phương mới với Mỹ. Một ngày nào đó thì điều này sẽ đến", ông Lý Hiển Long nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin CNBC trước chuyến công tác chính thức của ông tới Hoa Kỳ từ thứ bảy (21/10), nơi ông sẽ gặp Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, ông Lý Hiển Long nhấn mạnh rằng thương mại và đầu tư giữa Mỹ và châu Á tiếp tục tăng trưởng mặc dù Mỹ rút khỏi TPP. "Không có TPP nhưng kim ngạch thương mại vẫn tăng đáng kể và chúng tôi hy vọng kim ngạch sẽ vẫn tăng lên".
Khi phóng viên Christine Tan của hãng tin CNBC hỏi liệu rằng Mỹ có quan tâm đến vấn đề chính trị và chiến lược của châu Á khi rút khỏi TPP, ông Lý Hiển Long nhấn mạnh rằng cả hai bên đều có lợi ích đáng kể trong quan hệ đối tác song phương và điều này sẽ tiếp tục. "Mỹ rút khỏi TPP chỉ có nghĩa là chúng tôi đã không đi đến thực thi một thỏa thuận thương mại tự do. Điều đó không có nghĩa là hoạt động thương mại hiện tại dừng lại, không có nghĩa là dòng vốn đầu tư bị đình trệ. Điều này cũng không có nghĩa là người châu Á không đi đến Mỹ để làm việc, học tập, du lịch hay người Mỹ không đến khu vực này nữa. Đây là những lợi ích rất lớn mà chúng ta đang có và chúng ta sẽ tiếp tục. Chúng tôi đã hy vọng TPP có thể giúp các hoạt động trên tăng thêm. TPP không trở thành hiện thực nhưng chúng tôi sẽ cố gắng giữ những gì đang có và sẽ tìm cách khác để thúc đẩy quan hệ tiến lên phía trước".
TPP đã được ký kết vào tháng 2 năm ngoái bao gồm 12 quốc gia Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Mỹ - chiếm khoảng 40% nền kinh tế toàn cầu. Theo quy định của TPP, tối thiểu sáu quốc gia chiếm 85% GDP tổng hợp của 12 quốc gia thành viên phải phê chuẩn thì hiệp định này mới có thể có hiệu lực.
Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, các bên ký kết còn lại đã đồng ý theo đuổi thỏa thuận thương mại này mà không có Mỹ.
Khi được hỏi ai trong số 11 bên ký kết còn lại của TPP đang dẫn dắt hiệp định, Thủ tướng Lý Hiển Long nói: "Tôi nghĩ tất cả 11 nước đều làm như vậy. Nhiều nước trong số 11 nước này khá quan tâm".
Các Bộ trưởng thương mại của 11 quốc gia đã họp để thảo luận về hiệp định này và TPP có thể có những bước phát triển mới tại Cuộc họp Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương ở Việt Nam vào tháng tới. Tuy nhiên, Thủ tướng Lý Hiển Long cũng cảnh báo rằng vẫn còn quá sớm để đặt ra mốc thời gian TPP sẽ được hồi sinh.
"Có một cơn thủy triều trong những vấn đề này và nếu chúng tôi bỏ lỡ thủy triều, chúng tôi có thể đạt được những mục tiêu tương tự một ngày nào đó. Tuy vậy, sẽ phải ở dạng khác, theo một cách khác hoàn toàn", Thủ tướng Lý Hiển Long nói. "Phải mất vài năm trước khi nước Mỹ có thể quay trở lại và các nước phải có sự liên kết".
Khi được hỏi liệu Singapore và phần còn lại của Đông Nam Á có quan hệ nhiều hơn với Trung Quốc thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, ông Lý Hiển Long nói rằng khu vực này "đang chú ý nhiều đến Trung Quốc theo cách này hay cách khác. Họ là một nhân tố lớn trên thế giới, họ thành công, họ đang phát triển, họ muốn phát triển ảnh hưởng của mình. Tất cả các nước ở châu Á muốn trở thành bạn của họ và muốn hưởng lợi từ sự phát triển và thành công của Trung Quốc. Điều quan trọng là Mỹ phải quan tâm đến khu vực vì châu Á đã là nguồn sức mạnh và sự thịnh vượng của Mỹ. Mỹ có nhiều đối tác ở đây, có lượng thương mại khổng lồ ở đây, có các nguồn lực từ châu Á, đặc biệt là năng lượng. Đồng thời, Mỹ có mối quan tâm an ninh ở châu Á và thực tế là châu Á đang ổn định và thịnh vượng và không phải là một khu vực bất ổn của thế giới. Đó là một điều tuyệt vời đối với Mỹ".
Nhật Bản dự kiến tổ chức vòng đàm phán TPP cuối cùng 
Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ tổ chức vòng đàm phán tiếp theo cho 11 quốc gia còn lại của Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, sự thay đổi trong chính phủ của New Zealand đang đặt ra nghi vấn đối với thành công của thỏa thuận cuối cùng này.
Thủ tướng sắp tới của New Zealand - bà Jacinda Ardern nhấn mạnh rằng, bà sẽ thúc đẩy việc đàm phán lại để hiệp định này có thể bao gồm cả việc hạn chế đầu cơ bất động sản tại nước ngoài.
Trước đó, Mỹ từng là thành viên của TPP và cũng là quốc gia tích cực thúc đẩy đàm phán nhằm đạt được các thỏa thuận. Tuy nhiên, TPP cùng các cuộc đàm phán sau đó đã rơi vào tình trạng khủng hoảng từ tháng Giêng năm nay khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi TPP như là một cách bảo vệ công việc của người dân nước này.
Nhật Bản hy vọng rằng các thỏa thuận sẽ được hoàn thành vào tháng tới nhưng cũng có khả năng sẽ bị đình trệ nếu các nhà lãnh đạo mới của New Zealand không hài lòng với các điều khoản của Hiệp định.
11 quốc gia thành viên còn lại của TPP đã đặt mục tiêu sẽ đạt được thỏa thuận này tại một cuộc họp cấp cao của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 11 tới đây.
Các cuộc đàm phán của TPP nhằm mục tiêu cắt giảm các rào cản thương mại, tiến tới tự do hóa giữa các nước thành viên trong các vấn đề truyền thống như thuế quan, hạn ngạch và các vấn đề phi truyền thống như quyền lao động.
Dự kiến các cuộc đàm phán TPP sắp tới sẽ diễn ra từ ngày 30 tháng 10 đến ngày 1 tháng 11 tại quận Chiba, phía đông Tokyo.
 
TPP sống dậy từ tro tàn  
Những bước đi gần đây cho thấy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể hồi sinh. Tuy vậy câu hỏi quan trọng là, sau khi hồi phục, liệu Hiệp định TPP có thể tiếp tục phát triển mạnh mẽ được không?
TPP vẫn trong trạng thái chờ đợi triển khai thực thi. Mặc dù Hoa Kỳ đã rút khỏi Hiệp định này từ đầu năm nay, 11 nước còn lại vẫn tiếp tục xúc tiến phê chuẩn TPP với lý do thỏa thuận vẫn mang lại những lợi ích thiết thực về kinh tế cho những quốc gia thành viên khác mặc dù thiếu vắng nền kinh tế lớn nhất thế giới. Quan trọng hơn, TPP giúp duy trì động lực của tự do hóa thương mại, đặt ra những tiêu chuẩn mới đối với những vấn đề đang nổi lên hiện nay như quyền sở hữu trí tuệ; đồng thời, thỏa thuận này có thể đóng vai trò là bước đệm hình thành một khu vực thương mại tự do rộng lớn hơn trong trường hợp TPP chào đón các quốc gia khác tham gia trong tương lai. Đối với khu vực có nền tảng căn bản là thương mại như châu Á Thái Bình Dương, TPP hứa hẹn mang lại nhiều hy vọng.
Tuy nhiên, những thách thức vẫn còn tồn tại. TPP bao gồm những nền kinh tế khác biệt nhau, từ các quốc gia xuất khẩu hàng hóa như Brunei, Peru, Canada, Chile, New Zealand, Úc, trung tâm dịch vụ của khu vực như Singapore đến những nước có nền kinh tế sản xuất như Mexico, Nhật Bản, Việt Nam và Malaysia. Sự phát triển của các nền kinh tế vừa nêu cũng rất khác biệt: bao gồm cả những nước có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất khu vực đến cao nhất khu vực. Tuy vậy, sự khác biệt chính là sức mạnh của TPP ngay cả khi không còn sự hiện diện của Mỹ. Sự bổ sung lẫn nhau về kinh tế có thể mang lại lợi ích cho tất cả thành viên, do đó không một quốc gia thành viên riêng lẻ nào có thể một mình tận dụng những lợi ích do Hiệp định mang lại.
Sau vài tháng lưỡng lự và chấp nhận sự thật về việc rút lui của Hoa Kỳ, 11 thành viên khác trong TPP đang quay trở lại bàn đàm phán. Tiến triển đạt được khá nhanh chóng, phần nào nhờ vào việc, phần khó nhất trong đàm phán đã được thống nhất từ những năm trước. Việc thay đổi nội dung của Hiệp định nhằm đáp ứng các yêu cầu của tình hình mới khi số lượng thành viên ít hơn lúc ban đầu diễn ra thuận lợi hơn dự kiến. Sự tham gia của Mỹ là quan trọng nhưng không có nghĩa là nếu nước này rút khỏi thỏa thuận, TPP sẽ trở nên vô nghĩa với các quốc gia còn lại. Bộ trưởng của các quốc gia tham gia TPP dự kiến sẽ gặp nhau bên lề Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương tại Việt Nam vào tháng 11 với hy vọng lớn rằng các bên có thể đạt được một thỏa thuận cuối cùng
Tuy nhiên, mọi việc không quá suôn sẻ. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang đề nghị tổ chức bầu cử quốc gia sớm, dự kiến vào ngày 22/10. Chính phủ Thủ tướng Abe thể hiện sự cam kết mạnh mẽ đối việc thực thi TPP, tuy vậy tỷ lệ ủng hộ Đảng của ông đang giảm có thể làm phức tạp quá trình phê chuẩn Thỏa thuận. Cùng thời điểm, kết quả bầu cử với chiến thắng sít sao dành cho đảng cầm quyền tại New Zealand cũng được coi là nguyên nhân làm suy yếu cam kết của nước này đối với TPP hoặc buộc chính phủ của quốc gia Châu Đại Dương đề nghị bổ sung những điều khoản gây tranh cãi vào Hiệp định như việc giới hạn việc người nước ngoài có thể mua tài sản tại nước này. Việt Nam cũng đã bày tỏ do dự về các quy định liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với dược phẩm - một trong những thành tố quan trọng của TPP gốc. Với những thông tin vừa nêu, việc thay đổi nội dung của TPP là điều cần thiết.
Malaysia dường như cũng đang dao động, khi từ lâu, quốc gia Đông Nam Á này vẫn giữ thái độ không hài lòng đối với các quy định về mua sắm công, doanh nghiệp nhà nước; bên cạnh đó, cuộc bầu cử sắp tới diễn ra tại nước này cũng có thể làm quá trình đàm phán thêm phức tạp. Bên kia bờ Thái Bình Dương, mọi việc cũng không diễn ra suôn sẻ, Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ NAFTA đang trong quá trình đàm phán lại, tạo ra không ít thách thức cho Canada và Mexico, hai quốc gia thành viên của cả NAFTA và TPP.
Thời hạn kết thúc đàm phán đầy tham vọng
Mục tiêu kết thúc đàm phán vào tháng 11 dường như là một thách thức nếu không muốn nói là bất khả thi. Chủ nghĩa bảo hộ đang trở thành một nguy cơ hiện hữu trên khắp thế giới, dù vậy, các thành viên còn lại của TPP vẫn thể hiện quyết tâm duy trì tự do thương mại. Nhật Bản với tư cách là nền kinh tế lớn nhất trong số các nước tham gia Hiệp định đang dẫn đầu xu hướng này. Tất cả thỏa thuận thương mại đều cần một nền kinh tế đầu đàn sẵn lòng thực hiện những nhượng bộ về lợi ích nhằm lôi kéo các nền kinh tế khác tham gia. Mọi sự chú ý đang đổ đồn về cuộc bầu cử tại Nhật Bản và cam kết của chính phủ đất nước mặt trời mọc về việc đảm bảo tiếp tục theo đuổi các cuộc đàm phán về TPP.
Thật là sai lầm nếu cho rằng lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do mang lại chỉ bó hẹp trong phạm vi các nước thành viên. Đầu tiên, TPP là một hình mẫu tuyệt vời đối với một thỏa thuận thương mại hiện đại,tiêu chuẩn cao. Vượt ra khỏi khuôn khổ của các thỏa thuận thương mại truyền thống, Hiệp định TPP bao gồm các vấn đề khác như thương mại dịch vụ, mua sắm công, vai trò của doanh nghiệp nhà nước, sở hữu trí tuệ, môi trường và quyền lợi của người lao động.
Nếu TPP thất bại, điều này sẽ tác động xấu đến tự do thương mại trên khắp thế giới. Ngược lại, nếu thành công, TPP sẽ làm dịu lại làn sóng phản đối tự do thương mại đang nổi lên trong kỷ nguyên bùng nổ của toàn cầu hóa. Tất cả những điều vừa nêu không có nghĩa là TPP là một Hiệp định hoàn hảo. TPPcũng không thể giải quyết các vấn đề và thách thức mà tự do hóa thương mại tạo ra. Dù vậy, TPP là một bước đi quan trọng, hướng đến một khuôn khổ vững chắc hơn, ngày càng mở rộng theo thời gian, giúp giải quyết những hạn chế do tự do hóa thương mại đem lại.
TPP không phải là một câu lạc bộ đóng kín, mà luôn rộng mở với tất cả quốc gia, gồm cả Hoa Kỳ trong trường hợp nước này quyết định tham gia trở lại Hiệp định mà trong quá khứ họ đã vất vả để tạo lập. Tại châu Á, số lượng thành viên tham gia TPP có thể sẽ tăng lên, bao gồm nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc, nước có hoạt động thương mại lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang dẫn đầu những nỗ lực để thiết lập một khu vực tự do thương mại khác ở châu Á thông qua Thỏa thuận Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Một số nước tham gia RCEP cũng đồng thời là thành viên của TPP, do vậy, việc hai khu vực tự do thương mại có thể hòa chung làm một là điều có thể xảy ra trong tương lai. Nếu điều vừa nêu xảy, đây sẽ là một thành quả to lớn, nhưng kết quả này chỉ đạt được một khi TPP chứng tỏ được vai trò của mình như một mẫu hình hiệu quả.
Để giúp tự do hóa thương mại phát triển, TPP sẽ đóng vai trò là một xúc tác quan trọng. Hãy hy vọng rằng TPP sẽ tiếp tục được thực hiện thay vì phải dừng lại như một vài dự đoán vài tháng trước rằng Hiệp định này sẽ không khác gì một tập hợp các sáng kiến ngoại giao thất bại; TPP hiện nay đã thực sự tìm được hướng đi mới.
 
Nguồn: Asem/WTO/Bloomberg…
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710662258