Thứ năm, 25-4-2024 - 22:38 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Vấn đề sở hữu trí tuệ trong "TPP-11"  

 Thứ ba, 26-9-2017

AsemconnectVietnam - "TPP-11" là cách gọi Hiệp định Thương mại Tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi không có Hoa Kỳ. Bởi vì TPP còn chưa được phê duyệt thông qua trước khi Hoa Kỳ rời khỏi, một số nước gọi Hiệp định này là TPP “sống dở chết dở”.

Bất chấp sự vắng mặt của Hoa Kỳ, các bên còn lại trong TPP-11 vẫn quyết tâm mạnh mẽ nhằm hiện thực hóa những lợi ích kinh tế từ Hiệp định TPP mà phải mất hơn một thập kỷ để đàm phán. Không có gì ngạc nhiên khi sở hữu trí tuệ (IP) đã nổi lên như một vấn đề chủ chốt tiềm tàng trong bất kỳ một Hiệp định nào trong tương lai - và các bên ký kết hiện tại có ba lựa chọn: cuốn gói trở về nhà, bắt đầu đàm phán lại từ đầu, hoặc phê chuẩn thỏa thuận đã được thống nhất trước đó mà không có Hoa Kỳ. Cả ba lựa chọn đều có phần không hoàn hảo.
Tóm lược lịch sử của TPP
Sau hơn 25 vòng đàm phán kéo dài hơn một thập kỷ, văn kiện TPP cuối cùng đã được thống nhất vào ngày 5 tháng 10 năm 2015. Với sự tham gia 12 quốc gia và ảnh hưởng đến 40% dân số thế giới, TPP là hiệp định thương mại tự do lớn nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên, TPP vẫn chưa được phê chuẩn vì không đúng thời điểm. Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2016, ứng cử viên Đảng Cộng hòa ông Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi Mỹ khỏi TPP nếu ông được đắc cử; quan điểm của ông cho rằng thỏa thuận sẽ làm suy yếu nền kinh tế Mỹ và ảnh hưởng đến sự sự độc lập của Hoa Kỳ. Đúng như lời của mình, Tổng thống Trump chính thức rút khỏi Mỹ khỏi TPP vào ngày 23 tháng 1 năm 2017.
Sau khi Mỹ rút khỏi, Hiệp định TPP còn lại 11 nước thành viên: Úc, Brunei Darussalam, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. "TPP-11" về cơ bản bây giờ còn ba lựa chọn: nhổ bỏ tận gốc toàn bộ Hiệp định, bắt đầu lại từ đầu, hoặc phê chuẩn bản thỏa thuận trước đó và tiến hành mà không có Hoa Kỳ. Như chúng ta sẽ thấy trong bài báo này, cả ba lựa chọn đều có những hạn chế và không chắc chắn khi không có mặt Hoa Kỳ.
Lựa chọn 1: Cuốn gói trở về nhà
Theo lựa chọn này, TPP bị bãi bỏ và đi vào lịch sử. Hơn một thập kỷ đàm phán, nghĩa là hàng triệu giờ làm việc và hàng tỷ đô la đều bị bỏ phí. Những người ủng hộ lựa chọn này lưu ý rằng văn bản của TPP đã thống nhất với sự tham gia của Hoa Kỳ - và rằng vắng mặt Hoa Kỳ, văn bản thỏa thuận không còn ý nghĩa.
Ở chiều ngược lại, những người phản đối lựa chọn này cho rằng văn kiện TPP là sự thỏa hiệp đa phương tốt nhất có thể có giữa 12 nước tham gia ký kết ban đầu ở tại một thời điểm (dù cho khác nhau về địa lý, văn hoá, kinh tế xã hội). Nói cách khác thành tựu mà các bên đã bỏ quả nhiều công sức để thực hiện này, không thể nói bỏ là bỏ một cách đơn giản như vậy được.
Nhiều người khác gợi ý rằng văn bản TPP có thể được sử dụng làm cơ sở cho các FTA đa phương, song phương, ba bên, hoặc nhỏ hơn giữa các quốc gia thành viên - và như vậy, lựa chọn này không nhất thiết là không có kết quả gì. Mặc dù vậy, cần số tiền rất lớn, thời gian, công sức và chi phí để có thể thực thi lựa chọn này.
Lựa chọn 2: Bắt đầu lại từ đầu
Có thể không ngạc nhiên, khi lựa chọn này không có quá nhiều người ủng hộ. Viễn cảnh lại tiếp tục mất thêm một chục năm nữa (hoặc thậm chí hơn) để tiếp tục đàm phán một FTA đa phương trong khi không biết có đạt được “trái ngọt” nào không, chắc chắn làm nhiều người ngán ngẩm dựa trên kinh nghiệm đàm phán trong mười năm vừa qua. Và nếu như, vì một lý do nào đó, Hoa Kỳ quyết định tham gia lại hiệp định này, 11 nước còn lại sẽ không bao giờ nói "không", mặc dù có thể sẽ phải quay trở lại thỏa thuận phiên bản gốc (hoặc gần phiên bản gốc) để chiều theo ý Hoa Kỳ - nền kinh tế lớn nhất và có sức ảnh hưởng nhất thế giới. Việc bắt đầu lại từ đầu có nguy cơ mất rất nhiều thời gian, lao động và tiền bạc mà không có kết quả cuối cùng nào được đảm bảo. Hơn nữa, có ít sự chỉ dẫn trong các bước đàm phán lại TPP bởi vì Hoa Kỳ, quốc gia đã từng tham gia tích cực và thực sự có ảnh hưởng lớn trong tất cả các giai đoạn của quá trình đàm phán, hiện nay không có mặt.
Lựa chọn 3: Tiến lên mà không có Hoa Kỳ
Tại thời điểm của bài báo này, lựa chọn này được đánh giá là khả thi. Thật vậy, Nhật Bản (trước đây đã cho rằng TPP vắng mặt Hoa Kỳ là "vô nghĩa") hiện đang dẫn dắt hiệp định, với sự hỗ trợ từ cả Úc và New Zealand.
Tuy nhiên, lựa chọn này sẽ dẫn đến một tình huống tiến thoái lưỡng nan. Một mặt, giữ nguyên bản thỏa thuận ban đầu sẽ tạo thuận lợi cho Hoa Kỳ quay lại hiệp định trong tương lai. Tất nhiên, điều này là vụ cá cược lớn của các nước TPP-11. Mặt khác, nếu giữ lại bản gốc thỏa thuận, đồng nghĩa với việc giữ lại cả các điều khoản mà trước đây được đưa vào Hiệp định là do phía Mỹ yêu cầu (ví dụ như vấn đề sở hữu trí tuệ, mà sẽ được nêu cụ thể ở phần tiếp theo). Điều đó chắc chắn sẽ kém lý tưởng trong bối cảnh Hiệp định chỉ còn lại 11 nước - tại sao phải tuân theo các yêu cầu của Hoa Kỳ trong khi Hoa Kỳ thậm chí không phải là thành viên của hiệp định?
Trong bối cảnh của bài báo này, chương Sở hữu trí tuệ đưa ra ví dụ về điều khoản bị ảnh hưởng bởi Hoa Kỳ, đó là điều khoản về độc quyền dữ liệu lâm sàng đối với các loại thuốc sinh học, mà các nước TPP-11 có thể loại bỏ điều khoản này khi không có Hoa Kỳ. Khi đăng ký sản phẩm để bán với các cơ quan quản lý tại mỗi quốc gia, các nhà sản xuất thuốc generic (thuốc theo công thức hóa học, không có tên thương mại) dựa vào các dữ liệu lâm sàng do các công ty sáng chế cung cấp cho nhà quản lý (thực tế đây là một phần của mô hình kinh doanh của các công ty sản xuất thuốc generic, nghĩa là họ không phải chịu chi phí thu thập dữ liệu, và do đó có thể cung cấp thuốc với mức giá thấp hơn đáng kể so với công ty sáng chế ra thuốc này. Trước TPP, cả Úc và New Zealand đều chiếm khoảng thời gian 5 năm độc quyền dữ liệu cho tất cả dược phẩm, trong đó các nhà sản xuất thuốc generic không thể sản xuất dựa vào dữ liệu lâm sàng của nhà sáng chế. Trong các cuộc đàm phán, Hoa Kỳ đã yêu cầu khoảng thời gian độc quyền trong 12 năm đối với các sản phẩm sinh học theo TPP (ban đầu, "Big Pharma" của Hoa Kỳ đã yêu cầu độc quyền đến 14 năm). Cuối cùng, một khoảng thời gian 8 năm (bao gồm thời gian "giám sát an toàn” 3 năm) đã được thống nhất chung. Theo đó, nếu TPP-11 được phê duyệt theo bản hiện tại, các bên ký kết sẽ có khoảng thời gian 8 năm độc quyền dữ liệu nếu mỗi quốc gia (ngoại trừ Hoa Kỳ, không phải là một phần của thỏa thuận) đồng ý với điều khoản đó.
Sự cân bằng bất tiện
Là một Hiệp định bao gồm nhiều nước khác biệt lớn về chính trị, kinh tế xã hội và văn hóa, các vòng đàm phán của TPP luôn ẩn chứa nhiều rủi ro chính trị. Tất cả mười hai quốc gia ký kết ban đầu đều có nền chính trị riêng, hệ thống pháp luật riêng và các nhóm vận động hành lang đầy quyền lực. Vì vậy, đạt được một thỏa thuận đa phương với phạm vi rộng như TPP sẽ không đơn giản chút nào.
Một câu hỏi chính đáng được đặt ra là liệu việc tiếp tục tiến hành TPP theo văn bản gốc ban đầu trong khi Hiệp định không còn Hoa Kỳ, là nhắm mục đích chừa đường cho Mỹ quay trở lại, hay là vì ngại đàm phán lại từ đầu. Câu trả lời có lẽ là mỗi lý do một chút.
TPP vẫn chưa chết
Có vẻ như tin đồn về cái kết của TPP đã được phóng đại rất nhiều. Khi Mỹ rút lui 8 tháng trước, nhiều người cảm thấy rằng điều này nghe có vẻ như là cái kết của một hiệp định. Thay vào đó, những gì hiện tại chúng ta có là một TPP “sống dở chết dở”, không sinh không diệt.
Bằng sáng chế - Việc thông qua TPP có ý nghĩa gì đối với Úc và New Zealand?
Nếu TPP được thông qua, thương mại có thể sẽ gia tăng, dẫn đến khuyến khích các nước khác nộp đơn xin cấp bằng sáng chế tại các thị trường đích đến như Úc và New Zealand. Nghĩa là, nếu thương mại không tăng, động cơ để nộp hồ sơ cũng không tăng theo. Về vấn đề bằng sáng chế, việc không phê chuẩn TPP-11 có thể dẫn đến " mất đi cơ hội" cho khu vực Úc và New Zealand.
Kết luận         
Nếu xem xét tổng thể và chỉ liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ, Hiệp định TPP được cho là có lợi cho Australia và New Zealand. Bất cứ điều gì khuyến khích người nước ngoài nộp hồ sơ đăng ký bằng sáng chế trong khu vực đều phải được coi là tích cực (miễn là không cần phải nhượng bộ quá nhiều lĩnh vực). Mặt khác, nếu TPP (cho dù là bản sửa đổi hay không sửa đổi) cuối cùng không được phê chuẩn, thì Úc và New Zealand cũng không mất gì - đơn giản là 2 nước sẽ vẫn duy trì như tình trạng hiện nay.

Nguồn: hoinhap.org.vn

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710876079