Thứ sáu, 19-4-2024 - 5:38 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Giải pháp khả thi mới của TPP  

 Thứ ba, 26-9-2017

AsemconnectVietnam - Sau 2 ngày làm việc tại thủ đô Tokyo, các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã nhất trí gặp lại nhau tại Nhật Bản vào tháng 10-2017, nhằm đạt được mục tiêu đi đến ký kết một thỏa thuận thương mại mới bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Việt Nam vào tháng 11-2017. Đây được coi là bước tiến có ý nghĩa đối với 11 quốc gia còn lại của TPP, sau khoảng trống lớn mà Mỹ bỏ lại khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút nước này khỏi Hiệp định.

Tại vòng đàm phán ở Tokyo (Nhật Bản), 3 nhóm công tác về luật pháp, sở hữu trí tuệ và các vấn đề khác đã được thảo luận theo hơn 50 đề mục yêu cầu của các nước thành viên, về việc "đóng băng" một phần thỏa thuận ban đầu, trong đó gồm nhiều điều khoản do phía Mỹ đề xuất. Trang Nikkei dẫn một nguồn thạo tin cho biết, đàm phán về sở hữu trí tuệ và các vấn đề pháp lý đã gần đi tới hồi kết. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận về các lĩnh vực khác như điều chỉnh doanh nghiệp nhà nước, tự do hóa chi tiêu chính phủ trở nên phức tạp, phần vì đây là lần đầu tiên các vấn đề này được đưa ra thảo luận lại.
Ngoài ra, các nước tham gia đàm phán TPP cũng đang chia thành hai luồng ý kiến khác nhau. Một vài quốc gia mong muốn đàm phán lại nội dung thỏa thuận này với sự tham gia của 11 nước thay vì 12 nước như trước đây. Nội dung TPP ban đầu bao gồm nhiều điều khoản đạt được dưới sức ép của Mỹ, đặc biệt là các cam kết về thể chế và quy định liên quan tới đầu tư, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường. Vào thời điểm đó, nhiều nước chấp nhận đánh đổi nhằm nhận được lợi ích to lớn từ thị trường Mỹ. Nhưng khi xứ Cờ hoa thoái lui, việc tiếp tục duy trì các quy định trên không còn phù hợp với thực tế.
Trong khi đó, các quốc gia như Nhật Bản, Australia, New Zealand và Singapore lại có ý định "đóng băng" một số điều khoản với hy vọng Mỹ sẽ trở lại trong tương lai. Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống D.Trump có ý định xem xét lại chính sách thương mại “Nước Mỹ hàng đầu” đang thực hiện và đưa nước này trở lại thỏa thuận mà ông chủ Nhà Trắng từng gọi là “sự bất công đối với người Mỹ”. Tuy vậy, TPP không phải là một cam kết ngắn hạn. Thực tế cho thấy, 3 hiệp định thương mại gần đây nhất của Mỹ với Colombia, Panama và Hàn Quốc đã được phê chuẩn sau hơn 5 năm ký kết, dưới 2 đời Tổng thống Mỹ khác nhau. Do vậy, một hiệp định thương mại khổng lồ như TPP có thể cần nhiều thời gian hơn.
Các nhà đàm phán cũng cần xem xét việc làm thế nào để thỏa thuận mới này chính thức có hiệu lực. Điều khoản ban đầu của TPP yêu cầu cần ít nhất 6 quốc gia phê chuẩn để có hiệu lực, chiếm 85% GDP kết hợp của các bên tham gia. Điều kiện này khó lòng đạt được sau khi Mỹ - quốc gia chiếm hơn 60% tổng GDP của các thành viên ban đầu - rút khỏi Hiệp định. Tiến trình thảo luận cũng sẽ khó khăn hơn khi những vấn đề gai góc như thuế và hạn ngạch đối với hàng nông sản nhập khẩu được đưa lên bàn đàm phán. Ở thời điểm hiện tại, không dễ dàng chút nào với 11 nước thành viên còn lại của TPP trong việc nhất trí về những điều cần thực hiện ngay và những điều nên "bỏ ngỏ" để chờ động thái của Mỹ.
Tại Tokyo, đại diện của Canada, Nhật Bản và New Zealand khá lạc quan trước triển vọng của một thỏa thuận mới đạt được trong cuộc gặp sắp tới tại Việt Nam, sau đó sẽ được các nước thành viên phê chuẩn vào năm 2018. Các quốc gia đều hiểu rằng, việc duy trì TPP là cách tốt nhất để bảo vệ những lợi ích có được từ hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao này. Trong đó, duy trì thảo luận, đàm phán cũng là giải pháp khả thi nhất để lấp đầy khoảng trống lợi ích bị bỏ lại, tiến tới đạt được một thỏa thuận thương mại có thể chấp nhận được với tất cả các bên.

Nguồn: hoinhap.org.vn

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710706285