Thứ sáu, 26-4-2024 - 0:15 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Không có Mỹ - TPP-11 vẫn có cơ hội đạt được thỏa thuận vào tháng 11 tới 

 Thứ năm, 7-9-2017

AsemconnectVietnam - Khi Mỹ rút khỏi vai trò lãnh đạo trong việc thành lập một khuôn khổ thương mại khu vực ở Châu Á Thái Bình Dương, Trung Quốc được kỳ vọng sẽ nắm lấy vai trò đó.

Tuy nhiên, hiện tại cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều không đưa ra được một định hướng phù hợp nào cho thỏa thuận thương mại của khu vực này nhằm giải quyết các vấn đề của thế kỷ 21 liên quan đến hàng hoá, dịch vụ và đầu tư, đồng thời bảo vệ người lao động và môi trường.
Nguyên tắc của Tổng thống Mỹ trong thực thi Chính sách Thương mại năm 2017 là "mở rộng thương mại một cách tự do và công bằng hơn cho tất cả người Mỹ" bằng cách tập trung vào các cuộc đàm phán song phương hơn là các cuộc đàm phán đa phương.
Cũng theo chính sách này, một trong những hành động đầu tiên của Tổng thống Donald Trump là rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là một thỏa thuận tập hợp 12 quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, chiếm 40% sản lượng kinh tế thế giới, trong đó tập trung tăng cường quan hệ kinh tế, cắt giảm thuế quan và thúc đẩy thương mại phát triển.
Phía bên kia bờ Thái Bình Dương, Trung Quốc với kế hoạch 10 năm "Made in China 2025", nhằm thúc đẩy sự đổi mới trong 10 lĩnh vực chiến lược, đã được Phòng thương mại Mỹ mô tả là "tham vọng toàn cầu nhưng lại bảo vệ quốc gia". Kế hoạch này tạo thuận lợi cho các công ty nội địa Trung Quốc so với các doanh nghiệp nước ngoài ở một số lĩnh vực mục tiêu.
Hai cường quốc kinh tế hàng đầu trên thế giới đang thực hiện các chương trình hành động đặt lợi ích kinh tế quốc gia lên trên hết, mà không quan tâm đến lợi ích của các đối tác thương mại của họ. Điều này báo hiệu cho một sự tách mình khỏi chủ nghĩa đa phương.
Vì vậy, nếu 11 bên còn lại trong TPP vẫn hy vọng đạt được một kết quả đầy tham vọng, các nước sẽ phải trông chờ vào những đối tác còn lại như Úc, Nhật, Singapore và Việt Nam.
Trong thời đại phát triển của chủ nghĩa dân tộc và dân túy như hiện nay, sẽ không dễ dàng để tiếp tục thúc đẩy thương mại lớn mạnh nhằm tạo ra một khuôn khổ phát triển bền vững. Một cơ hội mới sẽ được mở ra trong sự kiện các quan chức cao cấp từ 11 quốc gia còn lại của TPP gặp mặt tại Sydney để sẵn sàng đưa ra một thỏa thuận vào tháng 11 tới.
Bộ trưởng Thương mại Úc Steven Ciobo, người đã tham gia cuộc họp, cho biết ông rất kỳ vọng về một thỏa thuận sẽ được đưa ra tại cuộc họp Thượng đỉnh các nhà Lãnh đạo kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam vào tháng 11 năm nay.
Ngoài Úc, quốc gia đang tổ chức cuộc hội đàm, thì Việt Nam với tư cách là Chủ tịch của APEC năm 2017, cũng sẽ có cơ hội lãnh đạo, giúp hiệp định TPP hoàn tất trong năm nay.
Mục đích của TPP chính là cung cấp nền tảng nhằm thực hiện các tiêu chuẩn cao hơn, cần thiết cho tăng trưởng và phát triển kinh tế trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương đồng thời đại diện cho tương lai của một nền thương mại quốc tế bền vững.
Có thể thấy rằng, TPP sẽ góp phần đơn giản hóa thương mại, hỗ trợ đầu tư, tạo thuận lợi cho hoạt động quốc tế hóa các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như tạo niềm tin cho thị trường.
Ông Dwight Hutchins, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Singapore, tuyên bố: "Singapore đóng vai trò là trụ sở kinh doanh của Mỹ tại Châu Á".
“Chúng tôi đại diện cho lợi ích kinh doanh của Mỹ tại Singapore. Chúng tôi đang trực tiếp xem xét tính cạnh tranh giữa các hiệp định thương mại trong khu vực, như Hiệp định Hợp tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) và các hiệp định khác liên quan đến ASEAN. Đó là một trong những lý do tại sao AmCham Singapore tiếp tục duy trì đội ngũ làm về TPP”.
TPP – Hiệp định tiêu chuẩn cao cần thiết cho thế kỷ 21
Từ góc nhìn doanh nghiệp, TPP được xem là một khung mẫu thương mại tốt nhất và mang tính chiến lược nhất - thậm chí khi không có sự tham gia của Mỹ - bởi các yếu tố tiêu chuẩn cao của TPP sẽ hỗ trợ cho tất cả các doanh nghiệp. Thỏa thuận này cũng cung cấp cơ hội tiếp cận thị trường các nước thành viên với những loại hàng hoá sản xuất, bên cạnh đó thỏa thuận còn mở ra cơ hội cho dòng chảy của các lĩnh vực dịch vụ và đầu tư.
Tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thúc đẩy luồng dữ liệu xuyên biên giới, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp nhà nước và tạo cơ hội bình đẳng trong nhiều hợp đồng mua sắm chính phủ. Không như bất kỳ hiệp định thương mại nào khác, TPP bao gồm cả những điều khoản chưa từng có trước đây về  bảo vệ môi trường và lao động.
Các hiệp định song phương là một phần quan trọng trong chính sách thương mại của bất kỳ quốc gia nào; và những thỏa thuận đa phương cũng tương tự như thế hoặc có thể còn quan trọng hơn. Một trong những rào cản lớn nhất của xuất khẩu, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ, chính là sự phức tạp của các quy tắc thương mại và những quy định khác nhau ở từng thị trường. Các thoả thuận thương mại song phương sẽ giúp mở cửa thị trường nhưng chỉ là một thị trường, trong khi thỏa thuận thương mại khu vực sẽ giúp mở cửa nhiều hơn một thị trường cho hàng xuất khẩu.
Quy tắc xuất xứ trong các thỏa thuận đa phương cũng hỗ trợ cho sự phát triển của các chuỗi giá trị toàn cầu dựa trên những lợi thế tốt nhất tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Việc đưa TPP đến đích được xem là một nhiệm vụ khó khăn - thậm chí sẽ còn mong manh hơn nữa nếu không có sự hiện diện của Mỹ. Có thể thấy, khi TPP đạt được thỏa thuận, chắc chắn sẽ có một số quốc gia sẽ phải đối mặt với những khó khăn, nhưng đây là bước đi cần thiết nhằm cải cách thị trường của quốc gia đó để có thể tiếp cận nhiều hơn vào thị trường của Mỹ.
Mặc dù TPP-11 sẽ không còn là một Hiệp định hoành tráng, quy mô cũng sẽ nhỏ hơn và các quốc gia trong đó sẽ không còn được hưởng quyền tiếp cận thị trường Mỹ nữa, nhưng đây vẫn sẽ là một thỏa thuận quan trọng vì nó góp phần duy trì các quy tắc thương mại cần thiết cho các doanh nghiệp trong thế kỷ 21, một hiệp định sở hữu những điều khoản có tiêu chuẩn cao hơn và đầy tham vọng hơn so với bất kỳ hiệp định thương mại khu vực nào khác.
Tương tự với các thỏa thuận khác, TPP cũng sẽ không hoàn hảo theo bất kỳ quan điểm cá nhân nào. Tuy nhiên, TPP - một hiệp định đa phương dựa trên các nguyên tắc tiêu chuẩn cao - chính là một thỏa thuận thương mại cần thiết trong thế kỷ 21. Do đó, dù được lãnh đạo bởi bất kỳ quốc gia nào, thì TPP vẫn cần phải có hiệu lực.
Nguồn: Straits Times

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710878126