Thứ sáu, 19-4-2024 - 4:29 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tổng hợp, phân tích hiệp định TPP trong tháng 6/2017 

 Thứ sáu, 30-6-2017

AsemconnectVietnam - Trong tháng 6/2017, tin tức phân tích hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khá sôi động.

Từ Washington sang Tokyo, TPP 2.0 không Mỹ và có Việt Nam ngày càng rõ nét
Sau 2 chuyến đi liên tiếp sang thăm Mỹ và Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thái độ của Việt Nam với TPP 2.0 (TPP gồm 11 nước và không còn Mỹ tham gia) đã rõ ràng hơn. TPP vẫn cần thiết với quốc gia hình chữ S cho dù có Mỹ hay không.
Cân nhắc thiệt hơn của TPP 2.0 với Việt Nam
TPP 2.0 hẳn nhiên không “hoành tráng” như TPP 1.0. Các nước TPP 12 chiếm khoảng 38% GDP thế giới và 26% hoạt động thương mại thế giới. Vắng Mỹ, những con số này chỉ còn lần lượt 13% và 15%.
Ngay từ đầu vai trò của Mỹ trong TPP đã ảnh hưởng quan trọng tới quyết định tham gia của Việt Nam. Với TPP 1.0 Việt Nam được cho là nước có lợi nhiều nhất nếu hiệp định này thành hiện thực. Còn TPP 2.0, động lực đầu tiên thúc đẩy Việt Nam tham gia đã không còn, Việt Nam lại ở thế là nước mất nhiều nhất khi Mỹ rút khỏi hiệp định này. Bởi cái lợi trước kia được xây trên nền tảng chúng ta mở được thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình hiện nay là Mỹ.
Mất nhiều nhưng không có nghĩa là TPP không còn có lợi, chỉ là cái lợi ấy kém đi. Đó cũng là nhận định mấu chốt của nhiều chuyên gia kinh tế.
Sơ bộ có thể tổng kết với TPP 2.0 Việt Nam vẫn sẽ có cơ hội để tiếp tục tiếp cận thị trường các nước TPP còn lại với các mặt hàng chủ lực như dệt may, giày dép, điện tử, thực phẩm… đặc biệt là vẫn góp phần thúc đẩy cải cách và tái cấu trúc kinh tế trong nước.
Tuy nhiên điểm bất lợi ngoài những phân tích về mất thị trường Mỹ ở trên thì Việt Nam hiện có nhiều hiệp định song phương đang đàm phán và đã thực hiện. Hiệp định đa phương nổi bật là RCEP (có tới 7 nước thành viên TPP cũng nằm trong RCEP). Điều này khiến cho TPP giảm tầm quan trọng đi đối với Việt Nam.
Từ Washington​ tới Tokyo vai trò Việt Nam có thay đổi?
Không phải ngẫu nhiên mà 2 chuyến thăm của thủ tướng tới 2 siêu cường được sắp xếp liên tiếp nhau như vậy. Hẳn nhiên người Nhật rất tò mò ông Trump đã nói gì với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về TPP. Liệu Việt Nam có thay đổi thái độ với hiệp định này?
Tờ Sankei tối 5/6 nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam do Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tổ chức, đề cập đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói rằng: “Cho dù Mỹ rút khỏi TPP, Việt Nam vẫn mong muốn hợp tác với Nhật Bản để đi đến đích”.
“Việc Mỹ rút khỏi TPP là điều mà Việt Nam không mong đợi, song cho dù không có Mỹ tham gia, Việt Nam vẫn muốn các cân nhắc việc xúc tiến thỏa thuận này”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời câu hỏi của Chủ tịch Tập đoàn Sumitomo Kuniharu Nakamura về quan điểm của Việt Nam đối với TPP.
Trong cuộc phỏng vấn với Nikkei, Thủ tướng cũng cho biết Việt Nam "tôn trọng quyết định của Mỹ" khi rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi tháng 1.
Tại Washington cuối tháng 5 vừa qua, Việt Nam đã tiến được những bước quan trọng trong quan hệ song phương với Mỹ, đồng thời tạo điều kiện đễ sẵn sàng với một TPP mới dù có Mỹ hay không.
Những phát biểu của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tại Nhật Bản đã thể hiện rõ quan điểm ủng hộ có chừng mực với TPP mới, rõ nét hơn về cả thái độ và yêu cầu cho TPP 2.0.
Có nhiều quan điểm cho rằng việc mở lại bất cứ điều khoản nào của 1.500 trang hiệp định TPP cũng được coi là hết sức phức tạp. Bởi việc đàm phán bất cứ điều khoản nào cũng sẽ dẫn đến việc các nước đòi hỏi thay đổi các điều khoản khác để cân đối được/mất trong hiệp định. Tuy nhiêu nếu không mở lại đàm phán, để Việt Nam cũng như các nước khác có thêm các phương án để “cân nhắc xúc tiến” như phát biểu của Thủ tướng thì tương lai TPP 2.0 xem ra rất khó xác định.
                      
Nhật Bản hy vọng Mỹ sẽ tái tham gia TPP
Mỹ có tiềm năng to lớn trong việc xuất khẩu thịt lợn sang Nhật Bản nếu sự bảo hộ của Nhật Bản đối với mặt hàng thịt lợn bị loại bỏ thông qua một hiệp định thương mại tự do.
Phát biểu tại Washington, D.C. trong tuần này, một số nhà lập pháp Nhật Bản nói rằng họ hy vọng Mỹ sẽ tái tham gia vào hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, bao gồm 12 quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương vốn đã kết thúc vào tháng 10/2015.
Trong ngày làm việc đầu tiên trên cương vị Tổng thống của mình, Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh rút khỏi TPP. 11 nước còn lại của TPP đang tiến tới thực hiện thỏa thuận. Mặc dù Nhà Trắng nói rằng sẽ không đảo ngược được TPP nhưng cũng tỏ ý họ muốn đàm phán một hiệp định thương mại tự do song phương với Nhật Bản, một động thái được hỗ trợ mạnh mẽ bởi Hội đồng các nhà sản xuất thịt lợn quốc gia (NPCC).
Nhật Bản là thị trường xuất khẩu số 1 cho ngành công nghiệp thịt lợn của Mỹ. Năm ngoái, Mỹ xuất khẩu gần 1,6 tỷ đô la thịt lợn vào quốc gia châu Á này. Theo NPPC, Mỹ có tiềm năng to lớn trong việc tăng xuất khẩu thịt heo sang Nhật Bản nếu sự bảo hộ của quốc gia này bị loại bỏ thông qua một FTA. Tuy vậy, NPCC cảnh báo nếu Hoa Kỳ không đàm phán FTA song phương với Nhật Bản, xuất khẩu thịt heo từ Mỹ sẽ giảm khi Liên minh Châu Âu và các nước khác thực hiện các thoả thuận thương mại với Nhật Bản, tạo cho họ một lợi thế cạnh tranh.
Ngoài Nhật Bản, NPPC đang kêu gọi Chính phủ Mỹ đàm phán với các nước khác trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, bao gồm cả Việt Nam và Philippines.

Sự tái sinh của TPP
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump mới nhậm chức, một trong những hành động đầu tiên của ông với tư cách Tổng thống Mỹ là tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ không tham gia hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nữa và nhiều người cho rằng thỏa thuận thương mại tự do khu vực này đã sẽ chết yểu. Nhưng những giả định như vậy có thể đã quá sớm.
TPP ban đầu được kỳ vọng như là một khu vực kinh tế dựa trên luật lệ bao trùm Thái Bình Dương và bao gồm 12 nước thành viên - Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam - chiếm khoảng 40% nền kinh tế thế giới. Các cuộc đàm phán, kéo dài 5 năm, đã được thực hiện đầy sự cẩn thận và khá mất công. Ví dụ, trong trường hợp của Nhật Bản, các nhà thương thuyết, đứng đầu là ông Akira Amari, khi đó là Bộ trưởng Chính sách kinh tế và tài khóa, đã làm việc cả ngày và đêm để làm dịu sự phản đối của các thành phần trong nền kinh tế trong nước (như các nông dân) và đảm bảo kết quả đàm phán thuận lợi.
Thông báo rút khỏi TPP của Tổng thống Trump vào tháng 1 năm nay, khi thỏa thuận đang trong giai đoạn được đưa ra để phê chuẩn, chắc chắn đã phá hỏng nỗ lực của nhiều nước. Nhưng nhiều nước thành viên có liên quan, vốn cố gắng ngăn ngừa TPP sụp đổ, sớm bắt đầu thảo luận thúc đẩy TPP tiến lên mà không cần Hoa Kỳ.
Cho đến tháng 5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố rằng mặc dù ông vẫn hy vọng Hoa Kỳ trở lại TPP nhưng Nhật Bản sẵn sàng đi đầu trong việc đưa thỏa thuận này trở thành hiện thực. Ngay sau đó, Nhật Bản và New Zealand thông báo rằng họ sẽ tìm kiếm một thỏa thuận với các bên ký kết khác vào tháng 11 để thúc đẩy TPP tiến về phía trước. Nếu thành công, các bên ký kết TPP sẽ được hưởng lợi đáng kể và Mỹ có thể thấy rằng họ đã bỏ lỡ một cơ hội to lớn.
Nhìn chung, có hai cách tiếp cận riêng biệt để đạt được thương mại tự do hơn. Thứ nhất, có một mô hình toàn cầu được Tổ chức Thương mại Thế giới WTO thể hiện. Lợi thế chính của cách tiếp cận này là quy mô lớn: WTO đảm bảo rằng một phần lớn của nền kinh tế thế giới được kết nối với nhau khi hầu hết các nền kinh tế thiết lập và tuân thủ một bộ quy tắc chung và đệ trình một cơ chế giải quyết tranh chấp cho phép thực thi các quy tắc này.
Nhưng quy mô cũng có thể là điểm yếu chính của WTO vì những khó khăn gặp phải trong việc đưa nhiều nước đồng ý với một bộ quy tắc duy nhất. Thật vậy, quá trình đàm phán thường rất nhiều công sức và thời gian - thậm chí còn nhiều hơn quá trình đàm phán. Đó là một trong những lý do chính tại sao các cuộc đàm phán của WTO đã mất đà trong vòng đàm phán Doha về các vấn đề thương mại, bắt đầu vào năm 2001 và tan rã mà không thống nhất được vấn đề gì.
Cách tiếp cận thứ hai để đạt được tự do thương mại là các hiệp định song phương, đa phương, giảm thiểu thách thức về quy mô. Chỉ với hai (hoặc một vài) quốc gia tham gia, các cuộc đàm phán đơn giản hơn nhiều và thường mất ít thời gian hơn. Ví dụ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu đã tăng gấp đôi nỗ lực của họ, bắt đầu trong năm 2009, để đạt được thỏa thuận thương mại song phương và một kết thúc có thể được nhìn thấy mặc dù các bên vẫn không đồng ý về một số điểm nhỏ.
Nhưng cách tiếp cận này cũng có nhược điểm vì không chỉ tạo ra lợi ích cho chỉ một vài quốc gia; Một thỏa thuận thắng lợi cho các nước tham gia cũng có thể làm tổn thương các nước không tham gia. Trong trường hợp thỏa thuận Nhật - EU, một quốc gia như vậy có thể là Mỹ khi các công ty Mỹ cạnh tranh với Nhật Bản với các doanh nghiệp châu Âu trong nhiều lĩnh vực tương tự.
TPP, với 12 nước tham gia (nay là 11 nước), rơi vào một nơi nào đó giữa hai cách tiếp cận này - và nhằm đảm bảo tốt nhất cho tất cả các bên. Cách tiếp cận khu vực rộng lớn của TPP có thể đem lại nhiều lợi ích kinh tế hơn so với thỏa thuận song phương vì thúc đẩy các dòng thương mại và đầu tư, bao gồm việc hài hoà các quy định và tiêu chuẩn trên một phạm vi lớn hơn của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, không giống như WTO, TPP không phải là quá lớn và không bao gồm các bên đa dạng như vậy nên không quá khó để đạt được thoả thuận.
Cách tiếp cận khu vực rộng lớn có thể có thêm một lợi thế, có thể chia sẻ với WTO: sự tham gia của nhiều bên có thể làm suy yếu quyền lực của một quốc gia lớn và do đó hạn chế khả năng lấn lướt các đối tác đàm phán của mình thành một thỏa thuận không cân bằng. Thật vậy, đây chính là lý do tại sao Trump, với khuynh hướng "thương lượng" và lời hứa về một chính sách thương mại " nước Mỹ trên hết", đã bác bỏ TPP. Theo quan điểm của ông, các cuộc đàm phán song phương đã đặt Hoa Kỳ, như một nước hàng đầu về chính trị và kinh tế, ở một vị thế mặc cả mạnh mẽ hơn.
Điều mà Tổng thống Trump có thể chưa nhận ra là, khi một quốc gia nhỏ cảm thấy có thể bị Mỹ đe dọa ở bàn đàm phán, họ vẫn có thể đứng lên và bỏ đi. Quan trọng hơn, ngay cả khi Hoa Kỳ có thể sử dụng sức mạnh của mình để đảm bảo các điều khoản thuận lợi hơn trong bối cảnh đàm phán song phương, lợi ích không chắc chắn sẽ lớn hơn trong các thỏa thuận đa phương quy mô lớn hơn.
Đó chắc chắn là trường hợp của TPP, trong đó có một số điều khoản có lợi cho nền kinh tế Mỹ. Cụ thể, thỏa thuận sẽ cho phép các doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp cận các thị trường từ lâu đã bị đóng cửa. Các điều khoản về quyền sở hữu trí tuệ, kế toán và giải quyết xung đột rất thuận lợi cho phố Wall và các luật sư Mỹ bị chỉ trích vì không công bằng với các bên khác. Tuy nhiên, các nước đã đồng ý vì kỳ vọng Trung Quốc cuối cùng sẽ phải tuân thủ các tiêu chuẩn đó.
Theo nghĩa đó, Giáo sư Jagdish Bhagwati thuộc trường Đại học Columbia đã nói: "TPP giống như cho phép mọi người chơi golf trong một câu lạc bộ nhưng chỉ khi họ tham dự một nhà thờ đặc biệt vào cuối tuần". Golf - đó là, mở rộng dòng chảy thương mại và đầu tư nhưng họ không thể tránh được nghĩa vụ chấp nhận những điều luật có lợi cho Mỹ với hy vọng rằng các điều luật này sẽ có thể giúp hạn chế hành vi của Trung Quốc.
Mỹ là bên có lợi duy nhất trong kịch bản này bởi vì Mỹ có lợi ích quốc gia mạnh mẽ trong cả sân golf và nhà thờ. Bây giờ thì Mỹ sẽ không nhận được. Và khi TPP mới, ngoại trừ Mỹ, bắt đầu hồi sinh, các doanh nghiệp Mỹ sẽ rất mong muốn giá như Tổng thống Trump không rút khỏi hiệp định.
TPP: Đi tìm "thuyền trưởng"
Trong tuần qua, các nước thành viên khác của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngoài Mỹ đã liên tục xúc tiến nhiều nỗ lực để tìm ra đường đi mới cho thỏa thuận này, bất chấp việc có mặt nước Mỹ hay không.
Ngày 23-1-2017, một trong những quyết định đầu tiên của ông Trump sau khi nhậm chức là rút Mỹ khỏi TPP. Có vẻ như đó là hồi chuông báo tử cho hiệp định này, như Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng nhận định đầy bi quan “TPP không có Mỹ thì vô nghĩa” hồi tháng 11-2016.
“Thuyền trưởng” Nhật Bản?
Sau vài tháng im ắng, bỗng nhiên TPP (ban đầu gồm 12 nước) được hà hơi, các thành viên còn lại muốn hồi sinh hiệp định tưởng đã chết yểu này.
Ba nước Úc, New Zealand và Nhật Bản dẫn đầu nỗ lực này với các cuộc gặp mặt liên tục tại Chile vào trung tuần tháng 3, Toronto đầu tháng 5, rồi Hà Nội mới tuần trước để bàn về tương lai TPP không có Mỹ, tức TPP - trừ - một, TPP 11, hoặc tên lạc quan hơn: TPP phiên bản 2.0.
Các bên đã đánh giá những phần nào của TPP 12 có thể được chuyển sang hoặc đàm phán lại. Tất nhiên, không khí bi quan không phải là không còn.
Một nhà ngoại giao Singapore cho rằng nỗ lực hồi sinh TPP sẽ chẳng đi tới đâu trừ phi Nhật Bản, nền kinh tế lớn nhất còn lại, lĩnh ấn tiên phong. Ngay cả một số chuyên gia và nghị sĩ Mỹ cũng ủng hộ Nhật Bản thay thế Mỹ thúc đẩy thương mại tự do ở châu Á. Họ lo ngại việc Mỹ rút khỏi TPP, một trọng tâm của chính sách đối ngoại chú trọng tới châu Á của chính quyền Obama, có thể khiến Trung Quốc kiểm soát khu vực này nhiều hơn.
Trong khi đó, thái độ của Nhật về TPP thiếu Mỹ dường như đã thay đổi từ vô vọng sang hồ hởi. CNBC, với bài viết “Thuyền trưởng Nhật Bản... giải cứu con tàu TPP” dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản Hiroshiege Seko nói “ngay cả với 11 nước, dòng chảy thương mại vẫn rất triển vọng”.
Tại một hội nghị ở Nhật hồi đầu tháng 4, ông Seko cũng đã đề xuất phương án thay thế với các đồng nhiệm ASEAN: khỏi cần Mỹ, chúng ta có thể có TPP 11.
Chính quyền Trump tỏ vẻ không phản đối TPP 11. Trong cuộc gặp hồi tháng 2, Thủ tướng Abe và Tổng thống Trump đã đồng ý tìm hiểu cách tốt nhất thúc đẩy thương mại và tăng trưởng kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương sau khi Mỹ rút khỏi TPP.
Theo một tuyên bố chung của hai bên sau cuộc họp đó, như vậy có nghĩa là Nhật Bản tiếp tục thúc đẩy tiến bộ trong khu vực dựa trên các sáng kiến hiện có. TPP 11 có thể đẩy Tokyo vào thế khó xử với Mỹ về sau khi những yêu cầu của Washington về mở cửa thị trường có thể đụng chạm với những cam kết của Nhật Bản với các nước TPP.
Nhưng Nhật Bản cũng không thể bỏ qua lợi ích của TPP 11. Theo giáo sư Kenichi Kawasaki thuộc Viện Cao học quốc gia về nghiên cứu chính sách, TPP 11 sẽ tăng GDP thực của Nhật 1,11%, thấp hơn một chút so với mức tăng 1,37% của TPP 12.
Tuy nhiên, do hiện mới có hai nước phê chuẩn TPP, và các nước khác đang ở những thời điểm khác nhau trong quá trình phê chuẩn, việc xúc tiến TPP 11, tức là có những thay đổi so với hiệp định ban đầu, có thể gặp nhiều cam go về mặt thủ tục hành chính.
Vắng mợ, chợ vẫn đông
Căn cứ theo văn bản hiệp định hiện nay, TPP trên lý thuyết đã chết. Theo quy định trong chương 30, điều 30.5, tiểu mục 2, TPP sẽ có hiệu lực nếu ít nhất 6 trong những nước ký kết ban đầu, mà tính chung chiếm ít nhất 85% tổng sản lượng nội địa (GDP) của các nước ký kết ban đầu vào năm 2013, phê chuẩn hiệp định.
Với công thức này, khi Mỹ rút lui, TPP theo văn bản đã ký kết không thể có hiệu lực vì Mỹ và Nhật chiếm phần lớn trong 85% GDP vào năm 2013, trong đó riêng Mỹ chiếm 60%.
Tuy nhiên, câu chữ có thể sửa lại. Cách đơn giản nhất là sửa điều 30.5.2. Một cách khác là thỏa thuận riêng để tạm thời thực hiện các điều khoản TPP hiện có và tạm hoãn các điều khoản liên quan cụ thể tới Mỹ phòng khi Mỹ đổi ý.
Khả năng này không phải là hoàn toàn vô vọng. Ngày 21-5, BBC giật tít về những vòng đàm phán mới là “TPP tiếp tục mà không có Trump”, chứ không phải “không có nước Mỹ”, với những phân tích cho rằng giới ủng hộ hiệp định này trong nước Mỹ vẫn còn rất mạnh.
Và dù mong manh hơn, khả năng ông Trump thay đổi quan điểm cũng đáng được tính đến.
TPP thiếu Mỹ hẳn nhiên không “hoành tráng” như TPP 12. Các nước TPP 12 chiếm khoảng 38% GDP thế giới và 26% hoạt động thương mại thế giới. Vắng Mỹ, những con số này chỉ còn lần lượt 13% và 15%.
Nhiều nước ban đầu ký - bao gồm phần lớn các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam - là vì những lợi ích tiềm năng nhờ tiếp cận thị trường Mỹ khổng lồ và giàu có. Song, TPP vẫn còn ít nhiều sức hút với các thành viên còn lại.
(1) Trong bối cảnh vòng đàm phán Doha và các nỗ lực của WTO giậm chân tại chỗ, TPP khích lệ nhiều nước trên thế giới thấy rằng vẫn có thể thương lượng các hiệp định thương mại tự do quy mô lớn và nhiều tham vọng.
(2) Những nền kinh tế nhiều khác biệt như Nhật Bản và Việt Nam tìm được mục tiêu chung ở TPP là dùng các cam kết trong hiệp định này để thúc đẩy những cải cách quan trọng trong nước mà sẽ rất khó tiến hành nếu thiếu sức ép từ bên ngoài.
Ngoài ra, TPP còn có thể mang ý nghĩa địa chính trị, tạo ra một nền kinh tế chung đối trọng với sự vươn lên mạnh mẽ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc.
Với Nhật Bản, mục tiêu này thậm chí còn quan trọng hơn với Mỹ. Các phương án thay thế TPP hiện giờ - Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), hay Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) - đều có Trung Quốc đóng vai trò đầu tàu.
Quy mô của TPP 2.0 đúng là nhỏ hơn, 15% hoạt động thương mại toàn cầu so với 26% của TPP 12. Nhưng quy mô không phải là tất cả. Lúc khởi thủy, TPP chỉ có 4 nước (Singapore, New Zealand, Chile và Brunei) vào năm 2006, hầu như không có tác động toàn cầu gì, nhưng với từng thành viên đơn lẻ, lợi ích vẫn là rất thiết thực.
Canada chẳng hạn, sẽ có cơ hội bớt phụ thuộc vào Mỹ, đối tác thương mại lớn nhất của họ giữa lúc đang có nhiều tranh chấp leo thang với chính quyền Trump về Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), gỗ mềm và ngành bơ sữa.
New Zealand thì từ nhiều năm qua đã quyết tâm mở cửa thị trường. Họ là nước thứ hai sau Nhật Bản phê chuẩn TPP. New Zealand thiết tha với TPP vì thường là đối tác nhỏ hơn trong các thỏa thuận song phương, và ít có cơ hội ký hiệp định thương mại tự do với các nước như Nhật Bản hay Canada.
Đàm phán lại?
Mọi hiệp định thương mại là kết quả cân đong đo đếm các nhượng bộ giữa các thành viên. Phần lớn các điều khoản trong TPP hiện tại phản ánh những mặc cả sao cho thích ứng với yêu sách của Mỹ, ví dụ Canada chịu mở cửa ngành bơ sữa vốn hưởng nhiều hỗ trợ của chính phủ, hoặc Việt Nam ký văn bản riêng với Mỹ về những tiêu chuẩn lao động cao hơn, trong đó có cho phép công đoàn độc lập.
Không còn Mỹ, liệu Canada có còn chịu giữ các nhượng bộ trong TPP 12? Những nước như Việt Nam và Mexico từng miễn cưỡng chấp nhận các tiêu chuẩn mới về môi trường và lao động, nay không còn Mỹ, chưa chắc họ chịu giữ các nhượng bộ đó. Nếu quá nhiều điều khoản phải sửa, nhiều khả năng TPP 11 phải đàm phán lại từ đầu.
Trả lời phỏng vấn Bloomberg hồi đầu tháng 5, Bộ trưởng Thương mại Úc Steven Ciobo cho rằng khó có khả năng tái đàm phán TPP do cán cân hiện nay của những đánh đổi trong hiệp định này. Chưa ai rõ TPP 11 sẽ bắt đầu tái khởi động lúc nào, nhưng có vẻ như tháng 11 năm nay là một thời điểm thích hợp, lúc diễn ra hội nghị thường niên của lãnh đạo các nước APEC tại Đà Nẵng (vào ngày 10 và 11).
 
Rút khỏi TPP là sai lầm chiến lược của Hoa Kỳ
Thượng nghị sĩ John McCain cho rằng việc Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một “sai lầm chiến lược lớn” và kêu gọi Australia nỗ lực thúc đẩy nó.
Thượng nghị sĩ McCain đưa ra nhận xét trên vào đêm qua khi thuyết trình trước các cựu Thủ tướng Australia Bob Hawke, Jonh Howard và hơn 500 khách mời tại Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ, Đại học Sydney.
Thượng nghị sĩ McCain nói “Vâng, Hoa Kỳ có vấn đề - và tôi nhận ra có nhiều điều để bình phẩm”
Ông nói ông đã nhận ra một số vấn đề, ví dụ như làm thế nào để ngăn chặn việc Hoa Kỳ rút khỏi TPP.
Ông nói “Chắc chắn, cam kết kinh tế của Hoa Kỳ trong khu vực này luôn lớn hơn TPP, và điều này vẫn đúng cho đến ngày hôm nay”
“Nhưng chúng ta cần phải thẳng thắn với nhau, thực tế là cả hai ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ năm ngoái đều phản đối TPP và sự rút lui sau đó của Hoa Kỳ là một sai lầm chiến lược lớn”
“Tôi biết Australia hiện đang đàm phán với Nhật Bản và các nước khác về việc tiếp tục thúc đẩy Hiệp định TPP cho dù Hoa Kỳ đã rút lui”.
“Tôi sẽ ủng hộ mạnh mẽ việc này”
“Trong trường hợp tích cực, dựa trên luật lệ, cấu trúc kinh tế khu vực sẽ trở nên hấp dẫn như nó đã từng như thế.
“Vì vậy tôi mong muốn các bạn hãy theo đuổi nó và hy vọng một ngày nào đó trong tương lai, dưới những hoàn cảnh khác nhau, Hoa Kỳ sẽ quyết định tham gia trở lại.
Thượng nghị sĩ McCain cho biết ông nhận thấy một số tuyên bố và hành động của Tổng thống Donald Trump đã gây rắc rối không chỉ cho các đồng minh như Australia mà còn cho chính cả người dân Hoa Kỳ.
Ông nói rằng đã có một cuộc tranh luận thực sự đang diễn ra về vai trò của nước Mỹ trong thế giới hiện nay “và quả thực, tôi không biết các cuộc tranh luận này sẽ đi đến đâu”
Ông nói “Những gì tôi tin tưởng - và tôi không nghĩ rằng tôi phóng đại nó ở đây - là tương lai của thế giới sẽ thay đổi, về mức độ thì các cuộc tranh luận ở Hoa Kỳ đã đưa ra kết luận
“Đó là lý do tại sao tôi và nhiều người khác đang đấu tranh rất nhiều để đảm bảo rằng Hoa Kỳ sẽ đứng vững cùng các đồng minh và vẫn là một nhà lãnh đạo tích cực, có trách nhiệm trên thế giới và đương nhiên chúng tôi không thể làm điều đó một mình”
“Chúng tôi cần sự giúp đỡ của các bạn”
“Giờ đây, hơn bao giờ hết, người Mỹ đang trông chờ vào Australia và các đồng minh khác để gắn bó và khuyến khích chúng ta giữ đúng vị trí tốt nhất của mình và để nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta đang có bao nhiêu là đe dọa”
Các nhóm nông dân Hoa Kỳ ủng hộ TPP, nhưng rút khỏi TPP lại là hành động đầu tiên của Tổng thống Donald Trump sau khi ông nhậm chức vào đầu năm nay.
Liên minh Nông dân Quốc gia của Australia đã mô tả TPP như là một thỏa thuận thương mại tự do tiềm năng có thể thay đổi nền nông nghiệp Australia, thậm chí ngay cả khi không có Hoa Kỳ.
Các nông dân Australia cũng hoan nghênh những động thái gần đây của Bộ trưởng Thương mại Australia Steve Ciobo về việc thúc đẩy 10 quốc gia khác để tiến hành một thỏa thuận mới được sửa đổi, mặc dù không có Hoa Kỳ.
 
Mỹ nói đang đàm phán với các nước châu Á tìm phương án thay thế TPP
Mỹ đã khởi động các cuộc đàm phán thương mại với nhiều quốc gia châu Á để tìm một phương án thay thế cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận thương mại này, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết.
 “Chúng tôi đã bày tỏ thiện chí về phía Mỹ nhằm khởi động đàm phán song phương với Nhật Bản” về một thỏa thuận thương mại, Bộ trưởng Wilbur Ross nói với báo giới tại hội nghị đầu tư thường niên SelectUSA 2017 tại thủ đô Washington ngày 19/6 do Bộ Thương mại Mỹ tổ chức,Thời báo Hoa nam Buổi sángđưa tin.
“Chúng tôi cũng có một số cuộc đàm phán ở phạm vi sơ bộ với một số quốc gia riêng lẻ khác”, ông Ross cho hay.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ từ chối tiết lộ những quốc gia nào mà Mỹ khởi động đàm phán, nhưng nói thêm: “Chúng tôi muốn thông báo các vấn đề khi có đồng thuận với các nước khác. Nhật Bản đã chấp nhận đề nghị đàm phán của chúng tôi, nhưng cho tới nay các quốc gia khác thì chưa”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP ngay ngày đầu nhậm chức, sau một cam kết trong chiến dịch tranh cử mà ông nói có thể giúp ngăn chặn tình trạng nước Mỹ bị mất việc làm. Scott Pattison, giám đốc điều hành Hiệp hội quốc gia của các thống đốc, cho rằng động thái này đi ngược với mong muốn của hầu hết các thống đốc Mỹ.
“Hầu hết các thống đốc rất ủng hộ TPP, cả Dân chủ lẫn Cộng hòa”, ông Pattison nói. “Họ không tham gia trực tiếp vào các cuộc đàm phán vì họ biết vai trò của họ và điều đó là không thích hợp. Nhưng mặt khác, họ muốn thúc đẩy TPP vì họ muốn đảm bảo có nhiều nhất có thể các hoạt động thương mại và đầu tư giữa các bang và các quốc gia khác”.
Sau khi Mỹ rút, 11 quốc gia thành viên còn lại của TPP, không bao gồm Trung Quốc, đã nhất trí tiếp tục các cuộc đàm phán nhằm duy trì TPP.
Tuy nhiên, việc Mỹ rút khỏi TPP đã giảm đáng kể sự ảnh hưởng của khối. Nếu bao gồm Mỹ, 12 quốc gia thành viên TPP chiếm 38% GDP toàn cầu và 26% thương mại toàn cầu, theo David Dodwell, giám đốc điều hành Nhóm chính sách thương mại Hong Kong-Apec. Không có Mỹ, TPP chiếm 13% GDP và 15% thương mại toàn cầu.
 
Nguồn: Asem/WTO/Bloomberg…
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710705308