Thứ năm, 18-4-2024 - 16:11 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Mỹ có thể rút khỏi TPP nhưng sẽ không từ bỏ châu Á  

 Thứ tư, 7-6-2017

AsemconnectVietnam - Khu vực Châu Á Thái Bình Dương đang tìm mọi cách để duy trì TPP, thậm chí mở rộng cánh cửa để chờ đợi Washington thay đổi quyết định.

Sau khi Tổng thống Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận thương mại này xem như bị khai tử. Tuy nhiên, các nước trong khu vực vẫn đang cố gắng duy trì hiệp định, thậm chí kêu gọi Washington quay lại và sẵn lòng thương lượng để thay đổi; trong khi đó, một hiệp định thay thế khác cũng đang được Trung Quốc tích cực thúc đẩy.
Ngày 23/01/2017, Trump đã ra quyết định rút lui khỏi TPP trong những ngày đầu tiếp quản Nhà Trắng, đúng theo những gì ông đã hứa trong chiến dịch tranh cử.
Trong một buổi lễ tại Phòng Bầu Dục với sự tham gia của các lãnh đạo đảng, Trump phat1 biểu: "Chính quyền của tôi sẽ ngăn chặn các giao dịch thương mại lố bịch khiến những người lao động và các công ty phải rời khỏi biên giới đất nước".
Hiệp định TPP nhằm tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, với dân số khoảng tám trăm triệu người, bao gồm các thị trường Úc, Brunei, Canada, Chilê, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam (trước đây tính cả Mỹ). Khu vực mậu dịch tự do này dự kiến sẽ chiếm 40% sản lượng kinh tế toàn cầu.
TPP được xem là một trong những nội dung quan trọng trong kế hoạch xoay trục châu Á của chính quyền Obama nhằm duy trì ảnh hưởng của Mỹ đối với khu vực này trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng nổi lên như một nền kinh tế lớn nhất châu Á. TPP cũng được đánh giá là đối lập với Hiệp định RCEP bao gồm 16 nước thành viên, tính cả Trung Quốc, nhưng không có mặt của Mỹ.
Tuy nhiên, đảng Dân chủ - kể cả cựu ứng viên tổng thống Hillary Clinton - cũng chống lại TPP. Việc Trump quyết định rút lui có thể chỉ là một quyết định hình thức vì kết quả cuối cùng nhiều khả năng là do Quốc hội vốn không đồng ý.
Phản ứng từ các quốc gia còn lại trong TPP không giống nhau. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thì cho rằng hiệp định sẽ trở nên "vô nghĩa" khi không có Mỹ. Tuy thế, Nhật Bản, Úc và New Zealand đang dần tiến tới việc xây dựng sự đồng thuận về vấn đề duy trì "TPP 11" mà không còn sự tham gia của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tiến về phía trước
Trong một cuộc họp bộ trưởng Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương tại Hà Nội, New Zealand đã tổ chức họp nhóm TPP 11 với cam kết thúc đẩy việc duy trì hiệp định. Trong số các quốc gia này, chỉ có Nhật Bản và New Zealand là đã phê chuẩn hiệp định sau năm năm đàm phán.
Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay cho biết, hiện các nước vẫn đang cân nhắc, còn các thành viên TPP 11 đang tích cực tìm kiếm giải pháp nhằm tiến tới sự đồng thuận chung của nhóm.
Bộ trưởng Bộ Chính sách kinh tế và tài chính Nhật Bản Nobuteru Ishihara nói với các phóng viên rằng "cam kết của 11 quốc gia đã được khẳng định rõ ràng. Tôi không mong đợi Mỹ sẽ tham gia lại một cách dễ dàng, nhưng Nhật Bản vẫn sẽ tiếp tục cố gắng".
Trong một tuyên bố, các bộ trưởng của TPP 11 đã mở cửa cho sự trở lại của Washington, đồng thời cam kết "khởi động một quá trình để đánh giá các lựa chọn nhằm đưa ra những thỏa thuận mang tính toàn diện, chất lượng cao, bao gồm cả vấn đề tạo thuận lợi cho việc các nước thành viên thông qua hiệp định".
TPP 11 cũng có khả năng sẽ đón thêm các thành viên mới, chẳng hạn như Trung Quốc. Về phía mình, Trung Quốc tuyên bố “sẽ mang những tiêu chuẩn của TPP làm định hướng trong tầm nhìn của mình để từ đó mở rộng hợp tác kinh tế với các nước khác cũng có khả năng chấp nhận các tiêu chuẩn cao của TPP”.
Các bộ trưởng cũng nêu rõ trong cuộc họp rằng: "Những nỗ lực này sẽ giúp giải quyết mối quan ngại của chúng ta về chủ nghĩa bảo hộ, góp phần duy trì thị trường mở, tăng cường hệ thống thương mại quốc tế dựa trên nền tảng pháp lý, phát triển thương mại thế giới và nâng cao mức sống."
Nhật Bản dự kiến tổ chức một cuộc họp giữa các nước TPP 11 vào tháng 7 tới, với một thoả thuận chung sẽ được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (dự định tổ chức ở Việt Nam vào tháng 11 năm nay). Các thành viên của RCEP cũng lên kế hoạch công bố một thoả thuận tại hội nghị tháng 11 nói trên.
Ưu điểm và hạn chế
Tuy nhiên, không phải tất cả các thành viên TPP đều tin tưởng việc hiệp định có thể duy trì nếu thiếu Mỹ. Trong khi Úc, Chilê, Nhật Bản, New Zealand và Peru được cho là sẽ gặt hái được nhiều lợi ích hơn khi hình thành một thỏa thuận mới, thì các nước như Malaysia, Singapore và Việt Nam lại bày tỏ sự nghi ngờ về giá trị của TPP khi thiếu đi nền kinh tế tiềm năng lớn nhất.
Bộ trưởng Thương mại Malaysia, ông Mustapa Mohamed, nói: "Chúng ta cần được bảo đảm rằng lợi ích của chúng ta vẫn được bảo vệ và dĩ nhiên những lợi ích này phải lớn hơn chi phí bỏ ra".
Mexico và Nhật Bản cũng đang phải chịu áp lực trong các hiệp định song phương với Mỹ theo mục tiêu thương mại "nước Mỹ đầu tiên" mà ông Trump tuyên bố.
Tuy nhiên, ngay cả khi không có Mỹ, TPP vẫn được đánh giá là mang lại những lợi ích đáng kể. Ví dụ, New Zealand dự kiến mức thuế hàng năm vẫn tiết kiệm được 220 triệu đô NZ (155 triệu USD), so với ước tính ban đầu là 270 triệu đô NZ.
Ông McClay nói: "Đây vẫn là khoản tiền tiết kiệm đáng kể cho chúng tôi - và đây là hiệp định thương mại tự do đầu tiên của chúng tôi với Nhật Bản, Mexico, Peru và Canada.”

Nguồn: hoinhap.org.vn

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710694227