Thứ sáu, 19-4-2024 - 21:37 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tổng hợp, phân tích hiệp định TPP trong tháng 3/2017 

 Thứ sáu, 31-3-2017

AsemconnectVietnam - Trong tháng 3/2017, tin tức phân tích hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khá sôi động.

Nhật Bản tiếp tục nỗ lực đàm phán Hiệp định TPP mà không có Mỹ
Kyodo đưa tin, ngày 1/3, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố, nước này vẫn tiếp tục thăm dò tính khả thi của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà không có sự góp mặt của Mỹ.
Phát biểu tại một phiên họp quốc hội trước thềm hội nghị bộ trưởng về sáng kiến trên ở Chile dự kiến vào ngày 15/3 tới, ông Abe nói: "Tôi sẽ thảo luận với các nước tham gia đàm phán TPP khác ngoài Mỹ về tính khả thi (của TPP) mà chúng tôi có thể thấy trong tương lai. Những quy định mới đã được nhất trí trong TPP sẽ là một mô hình cho các cuộc đàm phán về thương mại trong tương lai."
Nhật Bản đang cân nhắc cử Thứ trưởng Ngoại giao Kentaro Sonoura cùng các quan chức khác tới tham gia vòng đàm phán tại Chile.
Mỹ và Nhật Bản đã nhất trí thành lập khuôn khổ đối thoại cấp cao song phương về thương mại và các vấn đề kinh tế khác trong cuộc hội đàm mới đây giữa ông Abe và Tổng thống Donald Trump.
                           
Singapore xem xét thông qua TPP
Nếu có sự đồng thuận giữa 11 nước thành viên còn lại của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau sự ra đi của Mỹ, Singapore sẽ thông qua hiệp định.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin BBC, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết, nếu có sự đồng thuận giữa 11 nước thành viên còn lại của TPP, Singapore sẽ thông qua hiệp định, mặc dù điều này có thể không dễ dàng.
Nhận định về quyết định rút khỏi TPP của Mỹ, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, điều này gây ra sự thất vọng nhưng ông hy vọng rằng, Tổng thống Donald Trump và chính quyền Washington sẽ điều chỉnh quan điểm và sau một thời gian sẽ có đánh giá cân bằng hơn.
Thủ tướng Singapore lưu ý rằng, Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm của Mỹ là James Mattis và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đều là những người am hiểu về khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đặc biệt, ông Tillerson từng thăm Singapore khi còn là CEO tập đoàn dầu khí Exxon Mobil.
Thủ tướng Lý Hiển Long cũng nhấn mạnh, tất cả các nước trong khu vực đều cẩn trọng quan sát các chính sách của Washington.
“Họ là nhà đầu tư lớn nhất của chúng ta, là một trong những thị trường xuất khẩu chính”, ông Lý Hiển Long nói.
Đầu năm nay, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh quyết định rút Mỹ ra khỏi TPP - một trong những "di sản" của người tiền nhiệm Obama, nằm trong chính sách xoay trục sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
TPP – “bản lề trật” của trật tự thương mại mới?
Quyết định rút khỏi TPP thể hiện rõ quan điểm bảo hộ thương mại của tân Tổng thống Mỹ, đi ngược lại nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ của Washington trong việc giảm thiểu rào cản thuế quan và tăng cường kết nối với kinh tế toàn cầu.
Đây được xem như cú sốc lớn đối với các đồng minh và đối tác quan trọng của Mỹ tại khu vực, từng coi hiệp định này là “bản lề cho một trật tự thương mại mới”. Sự việc đã trôi qua được hơn 1 tháng, tuy nhiên vấn đề của TPP chưa bao giờ hết “nóng”, vẫn nhận được sự quan tâm đặt biệt của giới truyền thông.
Với Nhật Bản, TPP không chết
Bên lề Hội nghị các quan chức cấp cao APEC lần 1 (SOM 1) tại Nha Trang, trả lời câu hỏi của các phóng viên về tương lai Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), Phó cục trưởng Cục Các vấn đề Kinh tế thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Trưởng SOM Nhật Bản Tsutomu Koizumi đã trả lời chắc chắn rằng, dù Mỹ đã chính thức rút khỏi hiệp định này thì Hiệp định TPP mới chỉ tạm gấp lại, chứ không chết.
Khẳng định Mỹ là thành viên quan trọng của TPP - thỏa thuận thương mại tự do mà 12 nước thành viên đã tốn nhiều công sức để đi tới việc ký kết, ông Koizumi kêu gọi các thành viên còn lại của TPP không nên chỉ nhìn về một giải pháp duy nhất. "Chúng tôi phải tiếp tục những nỗ lực nhằm thuyết phục chính quyền Mỹ, tân Tổng thống Donald Trump, về sự cần thiết của việc duy trì TPP đối với toàn bộ khu vực. Đồng thời, chúng ta cần phải tiếp tục duy trì sự hợp tác giữa các thành viên còn lại, trong đó có Nhật Bản.", ông Koizumi nói.
Ông Tsutomu Koizumi cũng cho rằng, có rất nhiều giải pháp mà các thành viên có thể lựa chọn cho tương lai của TPP. Đối với Nhật Bản, điều quan trọng nhất là biến những tiêu chuẩn cao của hiệp định này trở thành hiện thực và được phản ánh trong thương mại, đầu tư tương lai.
Mỹ chưa có thêm thông điệp chính xác nào
Trong lúc các nền kinh tế APEC vẫn đang hào hứng bàn thảo về hợp tác và tăng cường thúc đẩy toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại, đầu tư, thì chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đang thúc đẩy các chính sách bảo hộ kinh tế. Tổng thống Trump từng tuyên bố sẽ đưa tất cả các công xưởng Mỹ trở về nhà. Đây là xu hướng phản toàn cầu hóa và thương mại tự do, đang có xu hướng ngày càng lan rộng trên thế giới, đe dọa đến sự phát triển của các hiệp định thương mại tự do truyền thống.
Bên lề SOM 1, cũng trả lời câu hỏi của báo giới về việc Mỹ - một trong những nền kinh tế lớn nhất APEC từ bỏ TPP, Giám đốc điều hành Ban thư ký APEC quốc tế Alan Bollard cho rằng, điều này nằm ngoài khuôn khổ của APEC dù khối vẫn luôn hy vọng các hiệp định thương mại tự do không đi lệch hướng.
Tuy vậy, theo ông Bollard, hiện nay vẫn chưa thể nói gì nhiều về TPP bởi các quốc gia liên quan, trong đó có Việt Nam, vẫn đang trong quá trình đi đến quyết định cuối cùng liệu có tiếp tục hay không và tiếp tục như thế nào. Vì thế, không thể đưa ra được kết luận gì về sự ảnh hưởng của TPP đối với APEC.
Nói về sự ảnh hưởng của chính quyền mới ở Mỹ hiện nay đối với APEC, ông Bollard cho biết, APEC rất quan tâm đến quan điểm của Mỹ. APEC đang chờ đợi nội các của tân Tổng thống Donald Trump hoàn thiện và đưa ra cụ thể các chính sách của họ. Hiện, nước Mỹ chưa có thông điệp chính xác nào về sự tham gia của họ trong các hiệp định thương mại tự do cũng như các diễn đàn kinh tế thế giới, trong đó có APEC.
 
Nga có thể hưởng lợi từ tình hình khó khăn của Hiệp định TPP
Một trong những quyết định đầu tiên của ông Donald Trump với tư cách Tổng thống Mỹ là rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều này cho phép Nga và Trung Quốc có cơ hội để khởi động các cuộc đàm phán thiết lập các khu vực mậu dịch tự do với các đối tác châu Á.
Vào ngày đầu tiên tại chức sau khi nhậm chức, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã thực hiện một trong những lời hứa tranh cử của mình bằng cách ký một sắc lệnh rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận TPP. Tổng thống Trump mô tả động thái này là một thắng lợi to lớn cho người lao động Mỹ.
Trước đó, Mỹ cho biết họ đã chuẩn bị các hành động chống lại các nước vi phạm các hiệp định thương mại và yêu cầu sửa đổi các điều khoản và quy định của Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa Mỹ, Canada và Mexico để làm cho hiệp định trở nên "công bằng hơn".
Chính quyền Tổng thống Trump khẳng định giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với các đối tác lớn nhất là nhiệm vụ chính trong chính sách thương mại mới của mình. Trong trường hợp của Trung Quốc, nước mà Tổng thống Trump tin rằng đã phá giá đồng nhân dân tệ để hỗ trợ xuất khẩu, mức thâm hụt đó vượt quá 290 tỷ đô la Mỹ trong 10 tháng đầu năm 2016.
Các chuyên gia quốc tế đang cảnh báo rằng việc tăng thuế đơn phương có thể gây rắc rối cho Mỹ. Phát biểu tại Diễn đàn Davos, Tổng Giám đốc Tổ chức thương mại thế giới Roberto Azevedo đã cảnh báo khán giả về những nguy cơ của hiệu ứng domino khi tăng thuế đối ứng dẫn đến giảm mạnh kim ngạch cả nhập khẩu và xuất khẩu.
Điều mà Nga muốn đạt được
Ngân hàng Thế giới ước tính rằng Nga sẽ không có lợi ích kinh tế trực tiếp từ hiệp định TPP nếu TPP có hiệu lực trong khi Trung Quốc sẽ phải đối mặt với khả năng giảm kim ngạch xuất khẩu. Theo ông Evgeny Vinokurov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tích hợp tại Ngân hàng Phát triển Á-Âu, nếu TPP và hiệp định Đối tác xuyên Đại Tây Dương được thực hiện, Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU), bao gồm Nga, Belarus, Armenia, Kyrgyzstan và Kazakhstan, sẽ bị cô lập về mặt thương mại và đầu tư.
Giờ đây, Mỹ đã rút khỏi TPP. Điều này cho phép Nga và EAEU có cơ hội phát triển quan hệ thương mại và kinh tế với các quốc gia châu Á Thái Bình Dương.
Là thành viên của EAEU, Nga đã có một hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, một trong những nước đã ký kết TPP. Đặc biệt, các nhà sản xuất ô tô Nga Kamaz và AvtoVAZ đã đạt được thoả thuận về việc nội địa hoá sản xuất ô tô tại Việt Nam. KamAZ báo cáo rằng họ đã tăng gấp đôi quy mô xuất khẩu sang các nước ngoài Liên Xô cũ vào năm 2016, nhờ các chuyến hàng đến Việt Nam, thị trường lớn nhất của công ty sau CIS.
Nga đang đàm phán về việc đơn giản hoá thương mại với các nước châu Á khác. Ví dụ, một hiệp định về hợp tác kinh tế đang được chuẩn bị đàm phán với Trung Quốc. Mặc dù hiệp định này không quy định giảm thuế hải quan nhưng mong muốn đơn giản hóa luồng vận chuyển hàng hoá bằng cách dỡ bỏ các hạn chế phi thuế quan và đạt được các thỏa thuận về kiểm tra chất lượng lẫn nhau.
Moscow cũng đang xem xét khả năng thành lập các khu vực mậu dịch tự do với Singapore, Hàn Quốc và Ấn Độ. Bên cạnh đó, Nga là một bên tham gia Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), được coi là nền tảng cho các cuộc đàm phán khu vực mậu dịch tự do.
Theo Giáo sư Alexey Portanskiy tại Trường Kinh tế và là nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Kinh tế quốc tế châu Âu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, bây giờ Trung Quốc sẽ có nhiều không gian hơn trong việc thúc đẩy Hiệp định kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Tuy nhiên, ông Portanskiy cũng lưu ý rằng sự lựa chọn thay thế của Trung Quốc có thể không toàn diện hơn so với TPP bởi vì các bên tham gia đang tích cực bảo vệ thị trường của họ.
           
Bộ trưởng Mustapa: Sự quan tâm của Malaysia đối với TPP đã giảm sau khi Mỹ không tham gia
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Quốc tế Malaysia Datuk Seri Mustapa Mohamed cho biết hiện nay, Malaysia không còn quan tâm nhiều tới Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vì Mỹ đã không tham gia nữa.
Việc ngày 23/1/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo rút khỏi TPP buộc các quốc gia khác tham gia đàm phán phải xem lại quan điểm và hướng đi của họ.
Tuy nhiên, Mustapa cho biết vẫn còn một số ít các quốc gia như Nhật Bản và New Zealand vẫn đang tiếp tục thúc đẩy TPP. Mặc dù tiềm năng tiếp cận thị trường sẽ giảm nếu không có Mỹ trong TPP nhưng Malaysia sẽ vẫn tiếp tục sửa đổi bộ luật lao động.
Đối với Malaysia, với tư cách là một quốc gia thương mại thực hiện chính sách kinh tế mở, việc không thực hiện TPP là một cơ hội bị bỏ lỡ vì TPP giúp các công ty Malaysia cạnh tranh hiệu quả hơn, cụ thể là ở châu Á Thái Bình Dương.
"Tôi mong đợi một cuộc thảo luận chi tiết hơn về TPP mà không có Mỹ sẽ diễn ra tại cuộc họp Bộ trưởng APEC tại Việt Nam vào tháng 5. Cuộc họp sẽ bao gồm trả lời câu hỏi liệu TPP có thể kết nạp các nền kinh tế APEC khác như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga hay không. Tại thời điểm này, vẫn còn quá sớm để có thể đưa ra câu trả lời dứt khoát”, Bộ trưởng Mustapa khẳng định.
Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) bao gồm 21 thành viên Australia, Brunei, Canada, Chile, Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Nga, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Hoa Kỳ và Việt Nam.
Bộ trưởng Mustapa cho biết Malaysia vẫn đang tích cực đàm phán các hiệp ước thương mại tự do khác với Liên minh châu Âu, Sri Lanka và Iran. Nước này đã chi ra khoảng 15 triệu RM cho các khoản chi phí phát sinh để tài trợ cho 15 bộ và cơ quan liên quan đến đàm phán TPP. Một phần lớn các khoản chi tiêu này bao gồm chi phí hậu cần như vé máy bay đến các điểm đường dài như Mỹ, Canada và Peru.
           
Bộ trưởng Thương mại New Zealand: "TPP vẫn còn nhiều sức sống"
Các Bộ trưởng và quan chức đại diện cho 12 quốc gia của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng với Trung Quốc và Hàn Quốc vừa bắt đầu nhóm họp tại Chile nhưng bất kỳ quyết định cụ thể nào về hiệp định thương mại này khó có thể đưa ra sớm.
Hiệp định TPP bao trùm một khu vực chiếm khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới, đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận hồi tháng 1 năm nay.
Chile, nước ủng hộ nhiệt tình thương mại tự do và là một trong những nước ký kết hiệp định ngay từ đầu đã mời đại diện các nước TPP đến thành phố ven biển Vina del Mar bên bờ Thái Bình Dương để vạch ra hướng đi mới cho TPP.
Quan chức các nước TPP cho biết cuộc gặp lần này chỉ là sự khởi đầu của chặng đường dài và không chắc chắn đối với TPP.
"Chúng tôi coi đây là cơ hội có một cuộc thảo luận thẳng thắn bàn tròn nhằm thu thập ý kiến đánh giá của từng quốc gia và sau đó sẽ tiếp tục làm việc với nhau để xem xét những bước đi tiếp theo" Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay nói với hãng tin Reuters trong cuộc phỏng vấn bên lề hội nghị.
"Tôi không mong đợi sẽ đưa ra được quyết định quan trong trong cuộc họp lần này"
Tuy nhiên, ông McClay tỏ ra lạc quan cho rằng "TPP vẫn còn nhiều sức sống" và hy vọng các nước ký kết sẽ làm rõ hơn tương lai của hiệp định này trong vài tháng tới.
Chile cho rằng hy vọng tốt nhất của Chile tại thời điểm các bên thống nhất tổ chức nhiều cuộc họp hơn nữa.
Bộ trưởng Ngoại giao Chile Heraldo Munoz nói với các phóng viên: "Cuộc họp lần này giúp chúng ta có thể hiểu rõ hơn về những gì đang diễn ra hiện tại”.
Mỹ sẽ cử đại diện là Đại sứ Mỹ tại Chile tham dự cuộc họp trong khi Trung Quốc, nước chỉ trích TPP và không phải là thành viên của TPP đã gửi Phái viên đặc biệt Yin Hengmin đến tham dự.
Cả Trung Quốc và Chilê đều nhấn mạnh rằng cuộc họp chính thức này là "Đối thoại Cấp cao về sáng kiến tích cực trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương" – chứ không chỉ về TPP.
Tuy nhiên, trong tương lai, hiệp định thương mại này có thể có dường như là chủ đề chi phối các cuộc thảo luận trong kỳ họp hai ngày này.
Các khả năng đặt ra bao gồm thiết kế lại TPP mà không cần Mỹ hoặc tiếp tục đẩy mạnh hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP mà các nước Đông Nam Á ủng hộ.
Bộ trưởng Ngoại giao Mexico Luis Videgaray nói rằng các nước ký kết cũng có thể sử dụng TPP làm nền tảng cho các hiệp định thương mại tự do song phương mới.
Có một điều chắc chắn là các quan chức không mong muốn TPP bị loại bỏ hoàn toàn.
"11 quốc gia này đang đã đàm phán với nhau trong 8 hoặc 9 năm vì vậy chúng tôi biết rất nhiều về nhau", ông McClay nói.
Tổng thống Chilê: Phương hướng mới cho hiệp định thương mại Thái Bình Dương mới, hậu TPP
Đại diện 12 nước sáng lập TPP cùng với Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ nhóm họp tại Chile vào tháng 3/2017 trong nỗ lực tìm kiếm Hiệp định thương mại châu Á-Thái Bình Dương thay thế TPP.
Các quốc gia ký kết hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ gặp nhau ở Chile vào tuần tới và tìm kiếm một giải pháp cho hiệp định khu vực trong tương lai, Vụ trưởng Vụ Kinh tế quốc tế Bộ Ngoại Giao Chile Paulina Nazal nói với hãng tin Reuters.
Đại diện 12 quốc gia sáng lập TPP cùng với Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ gặp nhau lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi TPP vào tháng 1 và đã làm hiệp định mất hiệu lực trong khuôn khổ hiện tại.
Cuộc họp của Chilê là dấu hiệu cho thấy các nước đang nỗ lực xây dựng hiệp định thương mại châu Á-Thái Bình Dương và Trung Quốc có thể dẫn dắt các cuộc đàm phán sau khi Mỹ bỏ cuộc.
Chilê đã hoàn thành mục tiêu đầu tiên của mình là thu hút tất cả các nước thành viên TPP ngồi với nhau và sẽ tìm kiếm những cam kết cho các cuộc họp tiếp theo để đánh giá các phương án khác, bà Paulina Nazal nói với hãng tin Reuters trong một cuộc phỏng vấn tại Santiago gần đây.
Bà nói: "Mục tiêu là xác nhận chiến lược tăng trưởng và sự mở cửa trong những năm gần đây là điều chúng tôi tin là đúng. Chúng ta có cần bao gồm các vấn đề khác không? Chúng ta có cần thực hiện các chính sách bổ sung cho việc mở cửa thương mại hay không? Vẫn còn quá sớm để nói lộ trình tương lai sẽ như thế nào. Những gì chúng ta đã thấy từ các phái đoàn khác nhau là sự cởi mở. Đây sẽ là cuộc họp đầu tiên về cách chúng ta thúc đẩy TPP tiến lên".
Các nước có thể các lựa chọn xây dựng dựa trên các hiệp định đã có từ trước - chẳng hạn như Liên minh Thái Bình Dương bao gồm bốn nước Mỹ Latinh hoặc hiêp định RCEP như đề xuất của Đông Nam Á.
Ông Nazal cho biết các nước như Australia, New Zealand và Canada có một "cách tiếp cận thương mại tương tự" với liên minh Thái Bình Dương và đã tỏ dấu hiệu cho thấy quan tâm tham gia hoặc đàm phán thành một khối.
"Những nước khác rõ ràng cảm thấy thoải mái hơn với mô hình RCEP và RCEP có thể luôn mở cửa cho các nước khác gia nhập".
Trung Quốc, một nước dẫn dắt các cuộc đàm phán RCEP, đã lập luận rằng TPP quá phức tạp và có màu sắc chính trị chứ không phải chỉ dựa vào thương mại thuần túy.
Các nhà phê bình của RCEP - bao gồm cả chính quyền cũ Obama - cảnh báo rằng RCEP sẽ không có sự bảo vệ mạnh mẽ cho người lao động, môi trường hoặc sở hữu trí tuệ.
Với sự thắng cử của Tổng Thống Trump và sự sụp đổ của TPP, các nước đều nhìn vào Trung Quốc như là nước đi đầu trong các cuộc đàm phán thương mại trong tương lai.
Ông Nazal nói: "Trung Quốc muốn trở thành những người lãnh đạo các tiêu chuẩn. Điều này không xảy ra như thế trước đây."
Ngành da giày sẽ tiếp tục tăng trưởng dù không có TPP
Đó là khẳng định của đại diện Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) tại Hội nghị Xúc tiến xuất khẩu ngành da giày Việt Nam 2017 tổ chức ngày 15/3 tại TP.HCM.
Nhận định về sự phát triển của ngành da giày Việt Nam, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Lefaso cho biết, ngành da giày vẫn tiếp tục phát triển và có vị thế tốt với tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) năm 2016 đạt trên 13 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2015. Trong hai tháng đầu năm 2017, kim ngạch XK của ngành da giày cũng tăng gần 11% với 2,1 tỷ USD.
Theo ông Diệp Thành Kiệt, xét về dài hạn từ nay đến năm 2030, thậm chí đến năm 2035, so với Trung Quốc, ngành da giày Việt Nam vẫn còn cạnh tranh cả về chi phí lao động, GDP trên đầu người, chính sách kinh tế và thị trường xuất khẩu.  
Cụ thể từ sau năm 2014 đến nay, GDP bình quân của Trung Quốc đã lên đến 8.000 USD/người/năm với mức lương bình quân của người lao động trên 400 USD/tháng. Điều này đã khiến cho sản xuất giày dép từ Trung Quốc giảm xuống, kéo theo xuất khẩu giảm.
Trong khi đó giai đoạn từ 2010 - 2016, GDP bình quân của Việt Nam mới chỉ đạt 2.200 USD/người/năm, trong khi GDP bình quân của Trung Quốc là 8.200 USD/người/năm. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, dự kiến tăng trưởng GDP duy trì ở mức 6,2% và lương thực tế của người lao động sẽ tăng trung bình khoảng 4%/năm thì đến năm 2030 GDP bình quân của Việt Nam cũng chỉ đạt hơn 5.000 USD/người/năm. Qua đây có thể thấy từ nay đến 2030 Việt Nam vẫn đủ điều kiện để phát triển do tiếp tục cạnh tranh về GDP theo đầu người và lương cho người lao động.
Xét về thị trường xuất khẩu, hiện Việt Nam vẫn đứng thứ 2 về sản lượng xuất khẩu giày dép vào thị trường Mỹ với mức tăng trưởng kim ngạch XK 14,2% trong năm 2016 trong khi kim ngạch sang thị trường Trung Quốc giảm.
Từ các yếu tố trên, theo ông Diệp Thành Kiệt, dù không có TPP, ngành da giày Việt Nam cũng sẽ tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng ổn định, tuy nhiên sẽ không có được sự tăng trưởng đột biến. Với TPP, ngành da giày Việt Nam sẽ có cơ hội tốt hơn để tiếp cận thị trường Mỹ với sản lượng XK da giày vào thị trường này có thể chiếm đến 50% tổng sản lượng XK của ngành.
“Nhưng nếu không có TPP, ngành da giày với các lợi thế cạnh tranh của mình vẫn duy trì vị trí thứ 2 về XK giày trên thế giới và Mỹ vẫn chiếm trên 30% tổng sản lượng XK của ngành”, ông Kiệt nhấn mạnh.
Nhận định về tiềm năng tăng trưởng của ngành da giày Việt Nam, đại diện một hãng tàu nước ngoài cho biết, dù không có TPP thì các khách hàng nước ngoài vẫn tin tưởng vào Việt Nam và coi Việt Nam là điểm đến đáng tin cậy. Theo đại diện hãng tàu này, nhu cầu mua hàng từ Việt Nam, trong đó có sản phẩm giày dép đang tăng khá cao cho thấy niềm tin vào ngành rất tốt. Trong năm 2017, Việt Nam sẽ là lựa chọn thứ 2 và thay thế cho Trung Quốc.
Cùng quan điểm như trên, ông Matt Priest, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà phân phối và bán lẻ giày dép Hoa Kỳ cho biết, mặc dù có sự sụt giảm nhẹ nhưng năm 2016, các nhà nhập khẩu của Mỹ vẫn mua 1,2 tỷ USD giày dép từ Việt Nam, điều này cho thấy tăng trưởng XK của ngành da giày vào thị trường Mỹ vẫn mạnh và chắc chắn. Cùng với những cải cách về kinh tế, dự báo ngành da giày sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
 
"TPP không làm thay đổi xu thế và định hướng hội nhập của Việt Nam"
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã từng là một tia hy vọng trong bối cảnh hoạt động thương mại thế giới ảm đạm và tăng trưởng toàn cầu yếu.
Song, ngay sau khi nhậm chức, chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sớm phát đi thông cáo cho biết nước Mỹ sẽ rút khỏi TPP.
Với câu hỏi "Mỹ rút khỏi TPP sẽ ảnh hưởng gì tới Việt Nam và những vấn đề đặt ra cho tiến trình hội nhập của Việt Nam trong thời gian tới," những chia sẻ dưới đây của Thứ trưởng Bộ Công Thương kiêm Tổng Thư ký Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế Đỗ Thắng Hải với phóng viên TTXVN sẽ làm rõ hơn về vấn đề này.

- Ngay sau khi nhậm chức, tân Tổng thống Mỹ thông báo rút khỏi TPP. Xin Thứ trưởng cho biết điều này ảnh hưởng thế nào đến quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Việt Nam đã và đang thực hiện chủ trương tích cực chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Chúng ta đã nỗ lực đàm phán để kết thúc TPP với một số mục tiêu chính bao gồm cải cách thể chế kinh tế; tiếp cận các nguồn lực bên ngoài cần thiết cho chủ trương tái cơ cấu và tăng trưởng bền vững; mở rộng thị trường xuất khẩu nhờ giảm thuế và tiếp cận cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng…
TPP chưa có hiệu lực chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến những mục tiêu này. Tuy nhiên, mặc dù rất quan trọng nhưng TPP chỉ là một khuôn khổ hợp tác nhiều bên mà chúng ta mong muốn tham gia trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Tôi cho rằng, việc có TPP hay không sẽ không làm thay đổi xu thế và định hướng hội nhập của Việt Nam. Điều này có thể có tác động nhất định đến các kế hoạch ngắn hạn, nhưng không làm thay đổi các mục đích dài hạn trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Đổi mới và cải cách thể chế kinh tế là nhu cầu tất yếu và là chủ trương của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng gần đây hay Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ đều coi cải cách thể chế kinh tế là một trong ba đột phá chiến lược.
Do đó, không phải vì tham gia TPP mà chúng ta bị ép phải cải cách bởi TPP chỉ là một xúc tác giúp rút ngắn khoảng thời gian cải cách. TPP không còn thì chúng ta vẫn tiếp tục chủ động xây dựng hoàn thiện hệ thống thể chế.
TPP vốn được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho việc tiếp cận các nguồn lực và thị trường bên ngoài, đặc biệt là từ Mỹ, cần thiết cho phát triển và tăng trưởng bền vững của Việt Nam. Với việc không có TPP, việc thực hiện mục tiêu đó rõ ràng sẽ khó khăn hơn.
Mặc dù hiệp định chưa được thực thi nhưng xét về tiềm năng lâu dài thì xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài của ta sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng tôi tin, chúng ta sẽ có kế hoạch điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh mới, cả ở cấp vĩ mô, cả ở từng doanh nghiệp hay mỗi thành phần khác nhau của nền kinh tế.
Hơn nữa, nhu cầu tăng cường khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn nội lực trong nước và các nguồn lực khác càng trở thành một yêu cầu bắt buộc khi hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Xét cả về cấp độ phạm vi và quy mô hội nhập, TPP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng nhưng không phải là duy nhất. Ngoài TPP, Việt Nam còn có 10 FTA khác đã ký và đã có hiệu lực, 4 FTA đang đàm phán và 1 FTA đã kết thúc đàm phán nhưng chưa ký kết.
Các FTA này bao gồm hầu như tất cả các đối tác thương mại chính của Việt Nam (như ASEAN, EU, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia…).
Đối với Mỹ, quan hệ thương mại và đầu tư song phương lâu nay vẫn được điều chỉnh bởi Hiệp định thương mại song phương Việt Nam-Mỹ (BTA), Hiệp định khung Thương mại và Đầu tư (TIFA) và các cam kết WTO.

- Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế về cơ bản đã đạt được những kết quả tích cực và dài hạn. Cùng với đó, tiến trình hội nhập cũng đối diện với nhiều thay đổi. Vậy theo Thứ trưởng những vấn đề đặt ra cho tiến trình hội nhập trong thời gian tới là gì trong bối cảnh không có TPP?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Chủ động, tích cực tham gia vào nền kinh tế toàn cầu đã giúp Việt Nam thúc đẩy cải cách kinh tế và thể chế trong nước; tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu; cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhiều sản phẩm của Việt Nam đã xác lập được chỗ đứng và có khả năng cạnh tranh quốc tế như hàng dệt may, điện tử, một số sản phẩm nông sản (gạo, càphê, hạt tiêu...)
TPP được kỳ vọng là một nhân tố mới cho phát triển kinh tế của Việt Nam. Không có TPP (hoặc trì hoãn thời điểm có hiệu lực) có thể làm giảm động lực cho tăng trưởng. Nhưng điều đó không có nghĩa là nền kinh tế và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế không còn chỗ đi tiếp.
Ngay từ khi quá trình đàm phán đang tiến hành, TPP đã tạo ra một "mômen" theo hướng cải cách và hoàn thiện thể chế, thu hút vốn đầu tư, tác động tích cực đến thị trường lao động, đến các yếu tố sản xuất và khu vực kinh tế Nhà nước, nâng cao năng lực cạnh tranh. Quá trình này vẫn tiếp tục diễn ra dù không có TPP.
Hơn nữa, lợi thế tương đối về chi phí sản xuất, ưu thế vị trí địa lý, bối cảnh địa chính trị, những hiệp định thương mại khác với các nền kinh tế lớn (như Liên minh kinh tế Á-Âu, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…) mà Việt Nam ký kết hoặc đã hoàn tất đàm phán vẫn tiếp tục là những động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài.
Trong hội nhập kinh tế quốc tế, FTA là một trong các phương thức và cấp độ hội nhập kinh tế quốc tế giúp gắn kết các nền kinh tế. Cơ hội cho Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới khác và xem xét các FTA song phương với từng thành viên TPP vẫn còn nguyên.
Tuy ký kết các hiệp định song phương chỉ là một phương án dự bị song trên tinh thần linh hoạt theo tình hình mới thì đó cũng là một khả năng được xem xét.

- Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam vẫn còn những khó khăn. vậy phía Bộ Công Thương có đề xuất, kiến nghị gì để thúc đẩy tiến trình hội nhập trong giai đoạn tới?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Ngày 5/11/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết, Bộ Công Thương đã đề xuất 6 nhóm giải pháp nhằm phát huy hiệu quả của các FTA.
Các giải pháp nhằm tăng cường công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức cộng đồng về hội nhập kinh tế quốc tế và việc tham gia các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới. Nâng cao hiểu biết và sự đồng thuận của cả xã hội, đặc biệt là của doanh nghiệp, doanh nhân đối với các thoả thuận quốc tế, đặc biệt là cơ hội, thách thức và những yêu cầu phải đáp ứng khi tham gia và thực hiện các FTA thế hệ mới bằng các hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp và hiệu quả cho từng ngành hàng, hiệp hội, doanh nghiệp và cộng đồng.
Tiếp theo là hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao năng lực thực thi pháp luật nhằm phát huy hiệu quả thực thi các cam kết FTA thế hệ mới.
Nâng cao nhận thức và năng lực pháp lý, đặc biệt là luật pháp quốc tế, thương mại quốc tế, trước hết là của cán bộ chủ chốt các ngành và chính quyền các cấp, doanh nghiệp, cán bộ làm công tác tố tụng, đội ngũ luật sư và những người trực tiếp làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế và các ban chỉ đạo liên ngành, đặc biệt là Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Cùng với đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng ngành hàng, từng địa phương và mỗi doanh nghiệp.
Tập trung ưu tiên đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; chú trọng phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước.
Nâng cao và phát huy hiệu quả uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển. Đẩy mạnh và chủ động làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác có tầm quan trọng chiến lược đối với sự phát triển và an ninh của đất nước.
Bên cạnh đó, giải quyết tốt các vấn đề xã hội do tham gia các FTA thế hệ mới. Hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội, đặc biệt về quan hệ lao động và những vấn đề mới phát sinh từ quá trình thực thi các FTA thế hệ mới.
Chủ động xây dựng và thực hiện chính sách bảo đảm trợ giúp xã hội cho các nhóm đối tượng yếu thế hoặc dễ bị tổn thương của quá trình triển khai các FTA thế hệ mới.
Cuối cùng là giải quyết tốt các vấn đề môi trường khi thực thi các cam kết FTA và xem xét tiếp nhận các dự án đầu tư nước ngoài.
Xây dựng, hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng và đối với môi trường. Tăng cường quản lý, giám sát, sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên và gắn với bảo vệ môi trường.

- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./.
 
Nguồn: Asem/WTO/Bloomberg…
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710722411