Thứ năm, 25-4-2024 - 19:32 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Nga có thể hưởng lợi từ tình hình khó khăn của Hiệp định TPP 

 Thứ năm, 16-3-2017

AsemconnectVietnam - Một trong những quyết định đầu tiên của ông Donald Trump với tư cách Tổng thống Mỹ là rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều này cho phép Nga và Trung Quốc có cơ hội để khởi động các cuộc đàm phán thiết lập các khu vực mậu dịch tự do với các đối tác châu Á.

 
Vào ngày đầu tiên tại chức sau khi nhậm chức, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã thực hiện một trong những lời hứa tranh cử của mình bằng cách ký một sắc lệnh rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận TPP. Tổng thống Trump mô tả động thái này là một thắng lợi to lớn cho người lao động Mỹ.
Trước đó, Mỹ cho biết họ đã chuẩn bị các hành động chống lại các nước vi phạm các hiệp định thương mại và yêu cầu sửa đổi các điều khoản và quy định của Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa Mỹ, Canada và Mexico để làm cho hiệp định trở nên "công bằng hơn".
Chính quyền Tổng thống Trump khẳng định giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với các đối tác lớn nhất là nhiệm vụ chính trong chính sách thương mại mới của mình. Trong trường hợp của Trung Quốc, nước mà Tổng thống Trump tin rằng đã phá giá đồng nhân dân tệ để hỗ trợ xuất khẩu, mức thâm hụt đó vượt quá 290 tỷ đô la Mỹ trong 10 tháng đầu năm 2016.
Các chuyên gia quốc tế đang cảnh báo rằng việc tăng thuế đơn phương có thể gây rắc rối cho Mỹ. Phát biểu tại Diễn đàn Davos, Tổng Giám đốc Tổ chức thương mại thế giới Roberto Azevedo đã cảnh báo khán giả về những nguy cơ của hiệu ứng domino khi tăng thuế đối ứng dẫn đến giảm mạnh kim ngạch cả nhập khẩu và xuất khẩu.
Điều mà Nga muốn đạt được
Ngân hàng Thế giới ước tính rằng Nga sẽ không có lợi ích kinh tế trực tiếp từ hiệp định TPP nếu TPP có hiệu lực trong khi Trung Quốc sẽ phải đối mặt với khả năng giảm kim ngạch xuất khẩu. Theo ông Evgeny Vinokurov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tích hợp tại Ngân hàng Phát triển Á-Âu, nếu TPP và hiệp định Đối tác xuyên Đại Tây Dương được thực hiện, Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU), bao gồm Nga, Belarus, Armenia, Kyrgyzstan và Kazakhstan, sẽ bị cô lập về mặt thương mại và đầu tư.
Giờ đây, Mỹ đã rút khỏi TPP. Điều này cho phép Nga và EAEU có cơ hội phát triển quan hệ thương mại và kinh tế với các quốc gia châu Á Thái Bình Dương.
Là thành viên của EAEU, Nga đã có một hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, một trong những nước đã ký kết TPP. Đặc biệt, các nhà sản xuất ô tô Nga Kamaz và AvtoVAZ đã đạt được thoả thuận về việc nội địa hoá sản xuất ô tô tại Việt Nam. KamAZ báo cáo rằng họ đã tăng gấp đôi quy mô xuất khẩu sang các nước ngoài Liên Xô cũ vào năm 2016, nhờ các chuyến hàng đến Việt Nam, thị trường lớn nhất của công ty sau CIS.
Nga đang đàm phán về việc đơn giản hoá thương mại với các nước châu Á khác. Ví dụ, một hiệp định về hợp tác kinh tế đang được chuẩn bị đàm phán với Trung Quốc. Mặc dù hiệp định này không quy định giảm thuế hải quan nhưng mong muốn đơn giản hóa luồng vận chuyển hàng hoá bằng cách dỡ bỏ các hạn chế phi thuế quan và đạt được các thỏa thuận về kiểm tra chất lượng lẫn nhau.
Moscow cũng đang xem xét khả năng thành lập các khu vực mậu dịch tự do với Singapore, Hàn Quốc và Ấn Độ. Bên cạnh đó, Nga là một bên tham gia Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), được coi là nền tảng cho các cuộc đàm phán khu vực mậu dịch tự do.
Theo Giáo sư Alexey Portanskiy tại Trường Kinh tế và là nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Kinh tế quốc tế châu Âu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, bây giờ Trung Quốc sẽ có nhiều không gian hơn trong việc thúc đẩy Hiệp định kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Tuy nhiên, ông Portanskiy cũng lưu ý rằng sự lựa chọn thay thế của Trung Quốc có thể không toàn diện hơn so với TPP bởi vì các bên tham gia đang tích cực bảo vệ thị trường của họ.

Long Giang
Nguồn: rbth.com
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710872503