Thứ ba, 23-4-2024 - 19:42 GMT+7  Việt Nam EngLish 

EVFTA: Triển vọng cho dịch vụ viễn thông tại Việt Nam 

 Thứ năm, 7-9-2017

AsemconnectVietnam - Trong số những lĩnh vực mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đề cập tới, dịch vụ viễn thông là lĩnh vực quan trọng với nội hàm phong phú, thiết thực.

Phát triển thần tốc
Có thể nói, trong những thành tựu của công cuộc đổi mới tại Việt Nam, công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) là một trong những điểm nổi trội, mang lại nét tươi mới cho mọi mặt của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, sự phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội càng thúc đẩy lĩnh vực CNTT&TT thăng hoa. Tiêu biểu như ứng dụng công nghệ hiện đại để đáp ứng khả năng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ CNTT của từng người dân. Dịch vụ 3G đã bắt đầu triển khai thương mại từ cuối năm 2009 và chỉ trong 2 năm, số lượng thuê bao 3G đã tăng gấp đôi, từ tăng 87% lên 175% vào 2010.
Tính đến cuối 2015, Việt Nam xếp thứ 102/167 nền kinh tế về mức độ phát triển CNTT (với 4,28 điểm). Trước đó, chỉ số phát triển nói trên vào năm 2012 liên tiếp tăng 5 bậc, từ 86/152 lên 81/161, vươn lên xếp vị trí thứ 4 khu vực Đông Nam Á, và đứng 12/27 nước châu Á - Thái Bình Dương. Nếu tính 10 năm (2002-2012), Việt Nam đã bứt phá ngoạn mục từ vị trí 107 lên vị trí 81, tăng 26 bậc. Thứ hạng về chỉ số kết nối (NRI) của Việt Nam từ  năm 2001 đến 2011 tăng 19 bậc, từ 74 lên 55 toàn cầu. Thị trường viễn thông Việt Nam đã có mặt đông đủ các tên tuổi lớn trên thế giới, trong đó có các tên tuổi đến từ EU. Các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam cũng đi tiên phong trong tiến trình đầu tư ra nước ngoài.
Trên thị trường, các dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng ngày càng chiếm tỷ lệ áp đảo.Thị trường này có nhiều doanh nghiệp (DN) thuộc các thành phần kinh tế tham gia, trong đó có cả DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tên miền “.vn” nở rộ, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có số lượng tên miền quốc gia có đăng ký cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Lĩnh vực CNTT&TT luôn có tốc độ tăng hơn tốc độ tăng của GDP, đóng góp vào GDP ngày càng đáng kể. Tốc độ tăng GDP 5 năm 2011-2015 đạt 5,9%/ năm, cũng trong giai đoạn này tăng bình quân của thông tin và truyền thông (TT&TT) đạt 8,89%, năm cao nhất đạt 10,23%. Lao động trong lĩnh vực này không nhiều nhưng có chất lượng cao, đến cuối năm 2015 tỷ lệ được đào tạo tới 75,2%.
Với tiến bộ nhanh như vậy, nhiều phương tiện CNTT&TT tới những năm 80 của thế kỷ trước còn là niềm hãnh diện, nay sắp thành đồ cổ và hầu như chỉ còn “bầu bạn” với người lớn tuổi. Lớp trẻ hiện tại ít biết đến cái tem thư từng gắn kết nghĩa tình giữa người đi xa với người ở lại, nhưng họ lại sành điệu tiếp cận CNTT mới.
Môi trường pháp lý để phát triển dịch vụ TT&TT đã được thiết lập, đồng hành với mọi hoạt động của lĩnh vực này với việc sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Cơ hội do Hiệp định EVFTA mang lại
Theo những cam kết trong EVFTA, Hiệp định này mang lại cho lĩnh vực CNTT &TT của Việt Nam nhiều cơ hội.
Một là, thúc đẩy đổi mới, thu hút vốn nước ngoài, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng TT&TT để thúc đẩy nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, sức cạnh tranh quốc gia, thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển. Hai là, tạo thuận lợi để tiếp thu kinh nghiệm quản lý tiên tiến, chuyển giao công nghệ hiện đại, đáp ứng sự thay đổi rất nhanh của CNTT cũng như môi trường kinh doanh. Ba là, tạo động lực đổi mới tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, là cơ hội để các doanh nghiệp viễn thông và CNTT mở rộng hoạt động về mọi mặt. Bốn là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước để thích ứng kịp với sự thay đổi tiến bộ như vũ bão của cách mạng công nghiệp, bắt nhịp với tiến trình toàn cầu hóa. Năm là, tạo cơ hội tốt để gây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao theo chuẩn mực quốc tế cũng là điều kiện tiên quyết để hội nhập thành công. Sáu là, người tiêu dùng Việt Nam thêm cơ hội hưởng thụ các thành tựu phát triển công nghệ viễn thông và CNTT bằng những sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, chi phí hợp lý, thời gian tối thiểu.
Các thách thức
Thị trường CNTT và viễn thông chắc chắn sẽ bị chia sẻ đáng kể khi các tập đoàn lớn nước ngoài xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Nếu không đổi mới toàn diện sẽ dẫn đến tình trạng thị trường phát triển mất cân đối do các công ty nước ngoài sẽ chỉ tập trung đầu tư vào những lĩnh vực, các địa bàn tạo lợi nhuận cao, thu hồi vốn nhanh như vào thành thị, khu công nghiệp, khu vực trục đường giao thông, không mặn mà với nông thôn, miền núi, hải đảo…
Việc đào tạo, tuyển dụng, đãi ngộ hiện nay chưa khích lệ sự sáng tạo, khó giữ chân người lao động năng lực cao. Việc việc cân bằng ba lợi ích “Nhà nước - Doanh nghiệp - Người tiêu dùng” trong môi trường cạnh tranh, có sự tham gia của yếu tố nước ngoài là vấn đề còn rất mới và không ít khó khăn khi thực thi.
Việc điều chỉnh môi trường pháp lý vừa đảm bảo được các tiêu chí phát triển của đất nước, vừa phù hợp với chuẩn mực quốc tế, vừa cấp bách, vừa chiến lược, song do sự phức tạp nên không thể nóng vội, chủ quan, áp đặt. Vấn đề liên quan đến bảo mật và bảo vệ dữ liệu trong các quy định ban hành trong thời gian gần đây còn nhiều bất cập chưa thể hóa giải sớm.
Các thách thức là không nhỏ, nhưng không thể phủ nhận những lợi ích mà Hiệp định EVFTA mở ra cho sự phát triển của lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, giá trị lâu dài, xứng đáng để chúng ta nỗ lực khai thác, vươn tới. Quan trọng hơn, khi ngành viễn thông phát triển, chúng ta còn có cơ hội phát triển chính phủ điện tử, doanh nghiệp điện tử, giao dịch và thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và chất lượng cuộc sống người dân.
 
Nguồn: Báo Công Thương
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710808318