Thứ sáu, 19-4-2024 - 2:32 GMT+7  Việt Nam EngLish 

EVFTA: Thúc đẩy cải cách thể chế của Việt Nam 

 Thứ sáu, 20-1-2017

AsemconnectVietnam - Sáng nay (20/1), tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức hội thảo với chủ đề Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA): Ngụ ý chính sách và đổi mới thể chế. Phát biểu tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế cho rằng, EVFTA là một hiệp định có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao; thực hiện EVFTA sẽ thúc đẩy cải cách thể chế của Việt Nam.

 
Mặc dù vậy, nếu so với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới, thì môi trường kinh doanh tại Việt Nam vẫn chưa được đánh giá cao. Ví dụ, chỉ số giao dịch qua biên giới vào năm 2016 đã giảm 1 bậc, từ 98/189 lên vị trí 99/189 quốc gia. Thủ tục hải quan tại Việt Nam vẫn chưa được cải thiện nhiều. Ngoài ra, chi phí giao dịch vẫn còn lớn, DN không chỉ phải trả chi phí chính thức mà phải trả thêm cả những chi phí không chính thức.
Ông Trần Toàn Thắng - Phó Trưởng ban, Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) cho rằng: EVFTA không có một chương riêng về vấn đề môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, mặc dù vậy, việc thực hiện các cam kết trong thúc đẩy thương mại, thủ tục hải quan, thủ tục phi thuế quan, lao động... có thể gián tiếp giúp Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh.
Bên cạnh đó, CIEM cũng cho rằng, trong EVFTA, cam kết về hải quan và tạo thuận lợi thương mại được thể hiện rất rõ trong Chương 5 và Chương 20 - Giao thức về hợp tác quản lý trong hải quan. Những chương trên thể hiện các cam kết về hải quan; tạo thuận lợi cho thương mại; hỗ trợ trong hải quan; hợp tác giữa hải quan của hai bên. Hầu hết các cam kết trên phải thực hiện ngay lập tức khi thỏa thuận có hiệu lực. Do đó, thực hiện EVFTA sẽ thúc đẩy Việt Nam hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến vấn đề hải quan.
Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM cũng cho rằng: EVFTA có thể giúp Việt Nam thúc đẩy cải cách trong môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN nói riêng và nền kinh tế nói chung thông qua những điều khoản quy định tại Hiệp định. Cụ thể như các điều khoản về thúc đẩy năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam bằng cách cung cấp nhiều cơ hội để mở rộng thị trường và có được hiệu quả quy mô; Hiệp định cũng giúp thúc đẩy các dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam - nguồn vốn FDI được tin tưởng là có chất lượng cao và sản xuất Việt Nam có thể thu được hiệu ứng lan tỏa; Hiệp định cũng buộc Việt Nam cải thiện các tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, tiếp cận với nguồn cung đầu vào giá thấp hơn từ EU, do đó chất lượng sản phẩm Việt Nam sẽ được cải thiện.
Đặc biệt, theo ông Cung, việc thực hiện EVFTA sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh hơn khi buộc các DN trong nước cải thiện khả năng cạnh tranh của mình. Đồng thời, giúp Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường, giúp DN Việt Nam tránh được các thủ tục/chi phí không cần thiết khi liên quan đến các trường hợp chống bán phá giá.

Nguồn: hoinhap.org.vn
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710703695