Thứ bảy, 20-4-2024 - 12:6 GMT+7  Việt Nam EngLish 

EU trao cho Việt Nam một TPP thay thế 

 Thứ ba, 28-2-2017

AsemconnectVietnam - Khi mà Việt Nam chuẩn bị chịu thiệt thòi từ cú sốc mang tên TPP, hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu sẽ giảm bớt phần nào những thiệt thòi ấy và giữ cho quá trình cải cách trong nước vẫn tiếp diễn.

 
Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng trước đã rút Mỹ khỏi TPP, một hiệp định thương mại đa phương hứa hẹn mở rộng nhiều thị trường mới cho Việt Nam, thiệt hại về thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế dành cho Hà Nội là không thể đong đếm.
Nhiều người nghi ngại rằng, sự rút lui khỏi TPP của Mỹ đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ cắt giảm các cam kết cải cách khác nhau, bao gồm bảo vệ môi trường, nâng cao tiêu chuẩn sức khỏe, và quyền lao động lớn hơn.
Với việc Mỹ rút lui khỏi TPP, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang trông đợi vào Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam – EU, dự kiến có hiệu lực vào năm 2018, nhằm mở rộng thị trường và gia tăng lợi nhuận. Các thỏa thuận, vốn mất hai năm rưỡi để đàm phán, được xem như là mô hình hợp tác kinh tế trong tương lai của Liên minh châu Âu với các nước thuộc ASEAN.
Đối với EU, hiệp định này nỗ lực thúc đẩy thương mại dựa trên trách nhiệm xã hội và các tiêu chuẩn sản xuất cao. Điều này ngày càng quan trọng trong thời đại mà nhập khẩu giá rẻ từ các nước đang phát triển có nguy cơ khuếch đại sự giận dữ chống toàn cầu hóa, thứ đang đe dọa lan rộng ở châu Âu từ sau cuộc bỏ phiếu Brexit của Vương quốc Anh và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy dành cho Donald Trump.
Đối với Việt Nam, sẽ rất hữu ích khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đất nước đang trong công cuộc cải cách đất nước. EVFTA đòi hỏi sự cạnh tranh công bằng giữa các bên, nghĩa là không có sự thiên vị giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp thuộc sở hữu khác.
Dự án Hỗ trợ Thương mại Đa biên (MUTRAP) ở Hà Nội ước tính, EVFTA sẽ gia tăng xuất khẩu của Việt Nam sang EU khoảng 50% vào năm 2020. MUTRAP cũng ước tính, tổng “phúc lợi xã hội” của Việt Nam sẽ tăng từ 2,2 tỉ USD vào năm 2020 lên 4,1 tỷ USD vào năm 2025. Nhập khẩu của EU vào Việt Nam dự kiến ​​sẽ tăng khoảng 43% vào năm 2020.
“Tất nhiên, các thỏa thuận song phương đi kèm một số vấn đề khó khăn dành cho Việt Nam”, ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao, cho biết. “Có thể vào 10 năm trước, Việt Nam còn e ngại về vấn đề mua sắm công. Nhưng tôi không thấy vấn đề đó nữa vào thời điểm hiện tại. Chúng tôi cam kết cho những cải cách mới”.
TPP và EVFTA: Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
Tổng thống Mỹ đã mãn nhiệm Barack Obama và những nguyên thủ hàng đầu ủng hộ TPP thường mô tả hiệp định thương mại giữa 12 quốc gia, dự kiến sẽ chiếm 40% GDP toàn cầu và khoảng 30% thương mại thế giới, là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới vì nó đã vượt ra ngoài phạm vi cắt giảm thuế quan. Những lời lẽ tương tự có thể được nghe thấy tại một hội nghị mang tên: “EVFTA: Cơ hội cho Việt Nam trong ASEAN” do Phòng Thương mại Châu Âu tổ chức gần đây.
Những người ủng hộ EVFTA hi vọng rằng, các quy định nghiêm ngặt về môi trường và xã hội trong EVFTA vượt qua mọi chỉ trích như đã dành cho Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ  (NAFTA). Mục tiêu phát triển bền vững của EVFTA, trong đó có công nhận quyền tự do lập hội, có thể mở đường cho sự hình thành của các công đoàn lao động độc lập với Công Đoàn Việt Nam.
Trước đó, khi sự lạc quan về TPP vẫn còn cao, các quan chức Việt Nam đã chuẩn bị cho hiệp định EVFTA tiếp sau đó. Thật vậy, Việt Nam đã tiến hành rà soát mức độ tương thích của cả hai hiệp định so với pháp luật hiện hành, liên quan đến sở hữu trí tuệ, tranh chấp giữa các công ty và quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu. Việt Nam được dự đoán là nước hưởng lợi nhiều nhất từ TPP, với GDP và thương mại dự kiến sẽ tăng 11% và 28% trong mười năm đầu tiên của hiệp định.
Một số người ở Việt Nam cho rằng TPP vẫn có thể sống sót. Chile, một trong những nước ký kết TPP, sẽ tổ chức một cuộc thảo luận TPP vào tháng ba với 11 quốc gia còn lại, một dấu hiệu cho thấy TPP vẫn có thể tiến về phía trước mà không có Mỹ. Việt Nam cho biết sẽ không tham gia, nhưng những nước khác như Singapore hay Canada đã xác nhận tham dự. Các nước không phải là thành viên của hiệp định TPP như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Columbia cũng được mời tham dự cuộc thảo luận (Trung Quốc không có trong TPP khi Mỹ dẫn dắt hiệp định này).
Tham gia EVFTA, Việt Nam sẽ nhắm đến mục tiêu tăng cường xuất khẩu các mặt hàng như thực phẩm, quần áo và giày dép, trong khi các nước EU mong đợi thâm nhập vào thị trường Việt Nam các loại xe, dược phẩm và máy móc. Cả hai bên đều nhìn nhận thỏa thuận này là một phương thức tăng trưởng thương mại bao trùm. Về phía chỉ trích, những người lên án toàn cầu hóa và chủ nghĩa tư bản xuyên quốc gia, họ cho rằng điều này chỉ nhằm tối đa hóa lợi nhuận cho các tập đoàn và không phải là phương thức để nâng cao đời sống và giải quyết đói nghèo.
Trong tuần này, các cuộc biểu tình đường phố đã diễn ra nhằm phản đối sự phê chuẩn của Nghị viện châu Âu dành cho hiệp định thương mại với Canada. Trong khu vực Đông Nam Á, ngoại trừ Singapore, chưa có một quốc gia nào đã đi đến ký kết một thỏa thuận thương mại tự do với châu Âu, mặc dù châu Âu cho đến nay vẫn là nhà đầu tư lớn nhất trong khu vực. EU hiện là thị trường thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 19% tổng xuất khẩu của Việt Nam vào năm 2015, chỉ sau Hoa Kỳ ở mức 21%.
Giám đốc điều hành Hội đồng thương mại EU-ASEAN Chris Humphrey đang thúc đẩy Việt Nam thúc giục các nước láng giềng ASEAN đàm phán các hiệp ước thương mại song phương mở rộng tương tự như với EU. EU đã từ bỏ việc theo đuổi một thỏa thuận khu vực đa phương vào năm 2009 do quá trình đàm phán gặp nhiều bế tắc, thay vào đó EU theo đuổi các thỏa thuận song phương với các quốc gia ASEAN.
Ông Thắng mong muốn Việt Nam trở thàn một quốc gia dẫn dắt thương mại tự do trong khu vực, mặc dù gia tăng bảo hộ trong khu vực cho đến nay đã cản trở cam kết tự do lao động và dòng chảy hàng hóa của Cộng đồng Kinh tế ASEAN. “(EVFTA) là một trong những cách mà Việt Nam đóng góp đáng kể vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN”, ông Thắng nói. “Chắc chắn nó sẽ là một yếu tố thúc đẩy các quốc gia ASEAN khác làm theo”.
Nguồn: Asia Times – HT

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710736893