Thứ tư, 24-4-2024 - 11:45 GMT+7  Việt Nam EngLish 

RCEP đem lại lợi ích cho ASEAN như thế nào? 

 Thứ ba, 5-9-2017

AsemconnectVietnam - Tại Hội nghị Bộ trưởng giữa kỳ lần thứ 3 của Hiệp định Đối tác kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) diễn ra ở Hà Nội vào tháng 5/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam - Trần Tuấn Anh đã phát biểu rằng “Khi hoàn tất đàm phán, RCEP sẽ có 16 quốc gia thành viên, chiếm hơn một nửa dân số thế giới, 30% GDP toàn cầu và 25% kim ngạch xuất khẩu của thế giới”.

Hiệp định RCEP, được dẫn dắt bởi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), là hiệp định thương mại khu vực tham vọng nhất từ trước đến nay, bao trùm 30% thương mại toàn cầu và 30% GDP toàn thế giới.
Hiệp định ra đời nhằm tăng cường hơn nữa kết nối kinh tế của 4 khu vực địa lý – Đông Bắc Á, châu Đại Dương, Nam Á và Đông Nam Á – tương đương 48% dân số toàn cầu. Tại RCEP, ASEAN không những muốn bảo vệ vị thế trung tâm của mình tại khu vực kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, mà ASEAN còn mong muốn đạt được nhiều lợi ích kinh tế và chính trị từ Hiệp định thương mại khổng lồ này.
ASEAN không còn lạ gì với các cuộc đàm phán thương mại. Từ năm 2002, ASEAN đã có được Hiệp định thương mại khu vực đầu tiên với Trung Quốc. ASEAN cũng đã ký các Hiệp định thương mại tự do “FTA+1” với Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand. Các FTA trên đã tạo ra hiệu ứng “tô mì Spaghetti”, làm cho các doanh nghiệp trong khối ASEAN khi giao thương với những nước đối tác trong Hiệp định đã phải vật lộn với nhiều loại thuế suất khác nhau và hàng loạt các điều khoản về quy tắc xuất xứ.
RCEP sẽ giúp giảm thiểu hóa những rào cản phức tạp này bằng việc hệ thống lại các quy định, thủ tục hải quan và cơ sở hạ tầng liên quan đến thương mại. Có thể hiểu nôm na là, doanh nghiệp ASEAN khi giao dịch với các nước trong khối RCEP sẽ chỉ cần tuân theo một thủ tục duy nhất thay vì phải lần mò trong 5 FTA riêng biệt như hiện nay. Điều này rõ ràng sẽ giúp thuận lợi hóa việc kinh doanh trong khu vực và sẽ giúp khối ASEAN trở thành một điểm đến hấp dẫn cho thương mại và đầu tư.
Cho dù ASEAN đã phấn đấu rất nhiều để đẩy mạnh giao dịch nội khối giữa các nước thành viên theo tầm nhìn đã được đề ra bởi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), thì cho đến hiện nay, tỷ trọng thương mại nội khối ASEAN vẫn chỉ mới đạt tỷ lệ 25%. Con số này là khá khiêm tốn so với tỷ lệ thương mại nội khối 70% của EU. Ngoài giao dịch nội khối, ASEAN giao dịch với chủ yếu với Trung Quốc (chiếm 15% tổng kim ngạch), Nhật Bản (10%) và các nước RCEP còn lại (11%).
Chỉ bằng việc hội nhập trong khối, các quốc gia ASEAN không đủ sức để duy trì khát vọng về một nền kinh tế tăng trưởng và thịnh vượng chung, lâu dài. Vì hiện nay, chuỗi giá trị sản xuất của khu vực đang liên kết với các quốc gia RCEP khác. Thế nên, RCEP không chỉ giúp cộng gộp các FTA song phương hiện có của ASEAN mà còn giúp xúc tiến và củng cố cho các quan hệ thương mại bên trong ASEAN và giữa ASEAN với những đối tác còn lại trong RCEP, mà đã chiếm đến 61% tổng khối lượng giao dịch của ASEAN (như đã đề cập ở đoạn trên).
Các nghiên cứu được thực hiện bởi Viện nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Nam Á (ERIA) đã chỉ ra rằng, lợi ích mà RCEP mang lại cho mỗi quốc gia thành viên ASEAN còn nhiều hơn lợi ích từ giao dịch nội khối ASEAN hay lợi ích của một trong những FTA song phương hiện nay. Điều này là do các FTA riêng lẻ đã tạo nên nhiều mức thuế ưu đãi và nhiều các lộ trình cắt giảm thuế quan cho cùng một hàng hóa. Quy định phức tạp đã dẫn đến hệ lụy không mong muốn là làm gia tăng chi phí giao dịch, làm cho các doanh nghiệp không mấy mặn mà với việc tận dụng các ưu đãi từ các FTA.
Vì lẽ đó, RCEP được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề cốt lõi này bằng việc hợp nhất các FTA song phương lại thành một “siêu kiến trúc” kinh tế, giúp thực thi quy tắc chung cho cả 16 quốc gia thành viên.
Doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều sẽ có động lực để tận dụng ưu đãi thương mại để hạ thấp chi phí giao dịch quốc tế với các quốc gia trong khu vực. Khi đó, sẽ ngày càng nhiều các công ty đa quốc gia học tập theo mẫu hình của Toyota Motor, chia nhỏ các công đoạn sản xuất khắp châu Á và Đông Nam Á để tiết kiệm chi phí sản xuất. Hứa hẹn của RCEP về việc đơn giản hóa và sắp xếp lại các trở ngại giữa 2 quốc gia chắc chắn sẽ thu hút thêm nhiều các công ty đang muốn thâm nhập vào ASEAN và RCEP đã mở đường cho họ biến ASEAN thành mắt xích trung tâm trong chuỗi cung ứng ở khu vực Đông Á.
Thách thức cho RCEP
Có vẻ còn quá sớm để kết luận liệu RCEP sẽ giúp thay đổi mô hình giao dịch quốc tế của ASEAN hay không. Hiện RCEP vẫn đang được tiếp tục đàm phán và cũng phải đối mặt với nhiều thử thách. Các chương chính về Thương mại hàng hóa và Dịch vụ cũng như chương Đầu tư vẫn chưa đạt được thỏa thuận. Ngoài ra, các nước cũng chưa thống nhất được về vấn đề Quyền sở hữu trí tuệ và Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và chính phủ nước nhận đầu tư.
Đàm phán về ngành logistics và thương mại điện tử đã có bước tiến triển, tuy nhiên, đối với các phần còn lại của chương Dịch vụ đều đang vấp phải vấn đề chính trị và luật lệ quốc gia của từng nước thành viên, vì RCEP đòi hỏi mức độ tự do hóa rất cao ở khu vực Dịch vụ. Một vài nước đang giữ thế bảo thủ, thận trọng trong việc mở cửa thị trường cho gã khổng lồ kinh tế là Trung Quốc. Một số nước khác lại đang tìm kiếm lợi ích từ đàm phán trong lĩnh vực dịch vụ, thay vì trong thương mại hàng hóa.
16 nước thành viên sẽ họp bàn tại vòng đàm phán thứ 20 sẽ diễn ra tại Incheon, Hàn Quốc vào tháng 10/2017. Mọi sự chú ý đổ dồn vào vòng đàm phán này, bởi vì nó có thể sẽ quyết định liệu RCEP có thể được thông qua vào cuối năm nay hay không. Mặc dù tình cảnh không thuận lợi, nhưng 16 quốc gia thành viên vẫn hi vọng có thể đạt được thỏa thuận ở các phần trọng yếu trong Hiệp định thương mại khổng lồ này.
Có thể nói rằng, RCEP là lời đáp trả của ASEAN về một khối kinh kế không ngừng tiến bộ trong khu vực. Bằng việc kêu gọi cả Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản tham gia đàm phán, RCEP sẽ giúp ASEAN không bị chia rẽ đa cực bởi hàng loạt các xu hướng riêng rẽ hiện nay: lấy Trung Quốc hoặc Ấn Độ hoặc Nhật Bản làm trung tâm.
RCEP là bằng chứng cho thấy rằng, tương lai của ASEAN không chỉ dựa vào việc tăng cường kết nối giữa các nước trong khối và những nước láng giềng giàu mạnh, mà tương lai của ASEAN còn dựa vào việc duy trì tầm ảnh hưởng trung tâm về mặt địa lý lẫn kinh tế. Chỉ có thời gian mới có thể trả lời được khi nào và bằng cách nào để kết thúc đàm phán RCEP. Mặc dù các nước vẫn đang cân nhắc về tầm quan trọng lâu dài của RCEP đối với nền kinh tế của các nước họ để thỏa hiệp tại đàm phán, tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, bằng chứng về lợi ích mà RCEP mang lại khi được đưa vào thực thi vẫn rất vững vàng và chắc chắn.

Nguồn: hoinhap.org.vn

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710828341