Thứ bảy, 20-4-2024 - 1:43 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tổng hợp, phân tích hiệp định RCEP trong tháng 5/2017 

 Thứ tư, 31-5-2017

AsemconnectVietnam - Trong tháng 5/2017, tin tức phân tích hiệp định đối tác kinh tế khu vực RCEP khá sôi động.

Philippines muốn đẩy nhanh đàm phán RCEP
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Philippines Ramon Lopez ngày 8/5 hối thúc các bên tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đẩy nhanh các cuộc thương lượng, đồng thời tái khẳng định sự cần thiết phải đạt được mục tiêu ký kết hiệp định thương mại tự do quan trọng này trong năm nay.
Phát biểu khai mạc vòng đàm phán RCEP lần thứ 18 tại thủ đô Manila, ông Lopez cho rằng cần duy trì động lực đàm phán, đồng thời khuyến khích các bên xúc tiến các cuộc thương lượng nhằm hướng tới ký kết thỏa thuận “tin cậy và chất lượng cao” này trong năm 2017. 
Ông Lopez cho biết kể từ khi được khởi động vào năm 2012, đến nay RCEP đã đi qua được 17 vòng đàm phán. Ông Lopez nói rằng các cuộc đàm phán RCEP vẫn đang tiến triển bất chấp gặp phải nhiều thách thức. 
Kết thúc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30 hồi tuần trước, các lãnh đạo ASEAN đã chỉ đạo các bộ trưởng cũng như các nhà đàm phán tăng cường nỗ lực đàm phán RCEP dựa trên những tiến triển đạt được, đồng thời tái khẳng định cam kết của các nước ASEAN cùng hợp tác theo các nguyên tắc chỉ đạo và mục tiêu đàm phán RCEP nhằm sớm thông qua thỏa thuận thương mại tự do này. 
RCEP là thỏa thuận thương mại quy mô lớn, được xây dựng nhằm mở rộng và tăng cường các cam kết giữa 10 quốc gia ASEAN và 6 đối tác đối thoại, trong đó có Trung Quốc. RCEP sẽ mở rộng thị trường ASEAN từ 600 triệu người lên 3,5 tỷ người vì sẽ bao gồm cả 6 đối tác đối thoại của ASEAN, chiếm gần 1/2 dân số thế giới, tạo ra nền tảng thị trường hội nhập lớn.
RCEP hướng tới việc tối ưu hóa các quy định về nguồn gốc bằng cách sử dụng một cách tiếp cận đơn giản hóa về định nghĩa nguồn gốc sản phẩm. RCEP tập trung dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan, tạo sự thông suốt và hài hòa của các quy định hải quan và làm cho các quy định này trở nên phù hợp hơn so với các thỏa thuận hiện nay. 
Quá trình đàm phán RCEP đã được khởi động từ tháng 11/2012 tại Phnom Penh (Campuchia) và đặt mục tiêu hoàn tất trước khi hết năm 2015. Tuy nhiên, hạn chót này đã bị bỏ lỡ và các cuộc đàm phán dự kiến sẽ được tăng cường trong năm 2017, hướng tới việc ký kết thỏa thuận trong năm nay.
 
RCEP khó kết thúc đàm phán vào cuối năm nay
Cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) diễn ra sau những cuộc thảo luận căng thẳng tại Hà Nội vào cuối tuần qua giữa các bộ trưởng phụ trách thương mại đến từ các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (RCEP).
Bất đồng giữa các nước châu Á xung quanh RCEP đã nổi lên trong cuộc đàm phán diễn ra ngày 22-5. Những bất đồng này đặt ra trở ngại cho mục tiêu hoàn tất đàm phán RCEP trong thời gian từ nay đến cuối năm.
Thỏa thuận RCEP sẽ tạo ra một khu vực mậu dịch tự do với hơn 3,5 tỉ dân, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và các nước Đông Nam Á.
Cuộc đàm phán RCEP bắt đầu từ năm 2012, nhưng chỉ có thêm động lực mới kể từ khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Mặc dù vậy, các quan chức tham gia vào cuộc đàm phán nói rằng mục tiêu hoàn tất giai đoạn đàm phán RCEP trong thời gian từ nay đến cuối năm sẽ khó đạt được, xét đến những bất đồng giữa các bên xung quanh nhiều vấn đề. Theo nguồn tin, Ấn Độ đặc biệt ngại cắt giảm hàng rào thuế quan, cũng chính là thách thức lớn nhất trong cuộc đàm phán.
Ấn Độ cho rằng việc xóa bỏ thuế quan sẽ dẫn tới nguồn thu thuế và sức cạnh tranh của họ suy giảm, nhất là khả năng cạnh tranh với Trung Quốc.
Trọng tâm chính của RCEP là giảm thuế quan, dù không đến mức xóa bỏ hoàn toàn như TPP. Ngoài ra, mức độ bao phủ của thỏa thuận này đối với ngành dịch vụ và nền kinh tế số cũng khiêm tốn hơn so với TPP. Mặt khác, RCEP cũng không bảo vệ quyền của người lao động hay môi trường. Bên cạnh đó, dù có thể có các điều khoản về tăng cường quyền tự do cho di chuyển, đây cũng chính là một trong những điểm có thể gây vướng mắc nhiều nhất trong quá trình đàm phán RCEP.
Trong một diễn biến khác, bên lề hội nghị APEC, 11 thành viên còn lại trong TPP đã nhất trí theo đuổi thỏa thuận mà không có Mỹ. RCEP và TPP không loại trừ lẫn nhau và một số quốc gia có thể sẽ trở thành thành viên của cả hai thỏa thuận.
Sự rút lui của Mỹ đã đặt ra những hoài nghi về tương lai của TPP, trong khi đó RCEP nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc, nước đang có ảnh hưởng gia tăng trong khu vực một phần do sự thay đổi chính sách của Mỹ và Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược con đường tơ lụa mới nhằm mở rộng ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Thời gian qua, Trung Quốc luôn thể hiện là người đi đầu trong thúc đẩy tự do thương mại.
 
Bất đồng nảy sinh giữa các nước tham gia RCEP
Ấn Độ lo ngại rằng việc cắt giảm thuế sẽ cắt giảm nguồn thu ngân sách và ảnh hướng tới vị thế cạnh tranh, đặc biệt là với Trung Quốc.
Bất đồng đã xuất hiện trong các cuộc đàm phán vào hôm thứ Hai giữa các nước tham gia vào thỏa thuận thương mại tự do RCEP được Trung Quốc khởi xướng. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi cho mục tiêu kết thúc đàm phán vào cuối năm nay của khối này.
Theo dự kiến, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do với hơn 3,5 tỷ người, kết nối các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand cũng như các quốc gia Đông Nam Á.
Các cuộc đàm phán RCEP, vốn bắt đầu vào năm 2012, đã được đẩy mạnh bởi việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tuy nhiên, các quan chức tham gia đàm phán nói rằng mục tiêu hoàn thành giai đoạn đàm phán vào cuối năm nay là khó có thể đạt được, do những bất đồng về một loạt vấn đề, đặc biệt là việc Ấn Độ không muốn bãi bỏ thuế.
"Ấn Độ lo ngại rằng việc bãi bỏ hàng loạt loại thuế  sẽ cắt giảm nguồn thu ngân sách và làm ảnh hướng tới vị thế cạnh tranh của họ, đặc biệt là với Trung Quốc", một quan chức từ chối tiết lộ danh tính cho biết.
Một quan chức khác cũng cho biết quan điểm của Ấn Độ đang là thách thức lớn nhất cho cuộc đàm phán cấp Bộ trưởng hôm thứ Hai vừa qua.
Trọng tâm chính của RCEP là giảm thuế, mặc dù không nhiều đến mức bằng 0 như với TPP.
Những quy định dành cho ngành dịch vụ và nền kinh tế kỹ thuật số của RCEP là khiêm tốn hơn so với TPP, và nó không bao gồm quy định nào về bảo vệ quyền lợi người lao động hoặc môi trường. Hơn nữa, trong khi hiệp định này có thể mang lại quyền tự do lưu thông lớn hơn, đây cũng là một trong những vấn đề tiềm ẩn gây tranh cãi trong các cuộc thảo luận.
Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay nói với Reuters: "Chúng tôi đang đạt được một số bước tiến nhưng phía trước vẫn còn một chặng đường dài. Chúng tôi mong muốn tìm ra phương thức để đạt được một kết quả chất lượng cao, nhưng điều này đòi hòi rất nhiều nỗ lực nhằm hoàn thành mục tiêu vào cuối năm nay".
Cuộc họp vào thứ Hai vừa qua tại Hà Nội đã diễn ra sau các cuộc thảo luận sôi nổi vào cuối tuần trước, tại cuộc họp đầu tiên của các bộ trưởng thương mại APEC kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức tại Mỹ.
Các quốc gia APEC đã thất bại trong việc đưa ra tuyên bố chung như các lần trước, sau khi Mỹ từ chối sử dụng thông điệp chống lại chủ nghĩa bảo hộ mà các nước châu Á muốn đưa vào
Các thành viên còn lại của TPP (không có Mỹ) đã đồng ý bên lề hội nghị để tiếp tục theo đuổi hiệp định này, mặc dù ông Trump đã quyết định từ bỏ TPP và muốn theo đuổi thoả thuận song phương với các nước châu Á.
Trong khi đó, RCEP lại nhận được sự hậu thuẫn đáng kể của Trung Quốc. Vai trò của nước này của khu vực đã ngày một tăng lên, với sự thay đổi chính sách ở Mỹ và chương trình "Một vành đai, Một con đường" nhằm mở rộng ảnh hưởng toàn cầu. Trung Quốc đang ngày càng tự định vị mình là một đầu tàu cho thương mại tự do toàn cầu.
"Chúng tôi đã đi đến thời điểm mà tất cả thành viên cần thể hiện sự sẵn sàng để thúc đẩy các cuộc thảo luận của RCEP, đặc biệt là trong bối cảnh xu hướng bảo hộ tăng lên tại một số nơi trên thế giới ", Bộ trưởng thương mại Philippines Ramon Lopez nói.
 
Ấn Độ thúc đẩy các cuộc đàm phán hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP
Ấn Độ cho rằng quá trình đàm phán về các dịch vụ trong hiệp định thương mại tự do đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP đã không đạt được tốc độ mong muốn và đề xuất tạo ra cơ chế cấp thẻ doanh nhân RCEP để bảo đảm các doanh nhân ở các nước thành viên được đi lại thuận lợi.
Công bố bên lề cuộc họp Bộ trưởng thương mại RCEP tổ chức tại Hà Nội từ ngày 21 - 22 tháng 5, Bộ Thương mại Ấn Độ cho biết "một số lĩnh vực vẫn phải đàm phán để đi tới kết thúc".
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Thương mại Nirmala Sitharaman kêu gọi các nước thành viên nỗ lực tự do hóa trên tất cả các lĩnh vực dịch vụ, bao gồm vận động của các chuyên gia theo phương thức 4, phù hợp với các nguyên tắc hướng dẫn của RCEP.
Nói chuyện với các phóng viên sau cuộc họp ở thủ đô của Việt Nam, Bộ trưởng Sitharaman nói với các phóng viên rằng các cuộc đàm phán về dịch vụ không theo kịp tiến độ đàm phán về hàng hoá.
Bà cũng chỉ ra rằng các cuộc đàm phán có thể sẽ không kết thúc trong năm nay và có thể phải chuyển sang nửa đầu năm 2018. Các nước thành viên đặt mục đích kết thúc các cuộc đàm phán, vốn bắt đầu từ năm 2012, vào cuối năm 2017.
Về vấn đề thị thực, Bộ trưởng Sitharaman cho biết: "Chúng tôi đã đưa ra đề xuất về thẻ doanh nhân của RCEP, vì vậy chúng tôi đề xuất rằng đối với các doanh nhân, như các nước thành viên APEC (Diễn đàn hợp tác châu Á-Thái Bình Dương) có danh thiếp của APEC, thì các nước thành viên RCEP cũng tương tự như vậy”.
Bà cho rằng cách tiếp cận có lựa chọn đối với sự hơn thiệt của các lĩnh vực dịch vụ sẽ không có lợi cho các cuộc đàm phán RCEP và sẽ thất bại trong việc nhận thức, thúc đẩy, bảo vệ thế mạnh và nguyên tắc cùng có lợi trong mối quan hệ hiện tại".
Ủy ban đàm phán RCEP cho biết vòng đàm phán thứ 19 sẽ được tổ chức tại Hyderabad, Ấn Độ vào tháng 7.
RCEP bao gồm 10 thành viên ASEAN (Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Singapore, Thái Lan, Philippines, Lào và Việt Nam) và sáu bên đối tác hiệp định thương mại tự do của ASEAN là Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Các Bộ trưởng châu Á thúc đẩy Hiệp định thương mại tự do RCEP
Ngày 22/5, các Bộ trưởng thương mại châu Á đã gặp nhau để bàn bạc một số điều khoản trong hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực do Trung Quốc dẫn dắt trong bối cảnh Mỹ rút khỏi các hiệp định thương mại tự do khu vực để theo đuổi các hiệp định thương mại tự do song phương.
Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP bao gồm 16 quốc gia khi có hiệu lực sẽ trở thành thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới, chiếm khoảng một nửa dân số.
Hiệp định RCEP không bao gồm Hoa Kỳ, nước đã rút ra khỏi một hiệp định thương mại tự do khu vực khác - hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đột ngột từ bỏ TPP vào tháng 1 năm nay sau khi gọi đó là "kẻ cướp việc làm".
Tại một cuộc họp ở Hà Nội hôm thứ hai, các nhà đàm phán hiệp định RCEP đã tiến hành vòng đàm phán lần thứ 19 và đưa ra lời kêu gọi ủng hộ tự do thương mại đã trái ngược với những bài diễn văn theo khẩu hiệu "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Trump.
"Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên ở một số nền kinh tế lớn trên thế giới, chúng tôi tin rằng việc kết thúc đàm phán hiệp định RCEP sẽ chuyển tải một thông điệp rõ ràng và nhất quán về chính sách mở cửa và tăng cường hội nhập kinh tế của các quốc gia trong khu vực", Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh, người chủ trì cuộc họp, nói.
Ngoài Trung Quốc, hiệp định RCEP theo kế hoạch còn bao gồm nhóm 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cùng với Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Hiệp định này đã thu hút sự chú ý kể từ khi Mỹ rút ra khỏi TPP, vốn được coi là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới khi TPP được ký kết vào tháng 2 năm 2016 sau nhiều năm đàm phán.
Dưới thời Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, TPP được đàm phán với những nước đối tác và các đồng minh Mỹ và được coi như là một cơ hội duy nhất để đề ra các sáng kiến ​​thương mại trên toàn thế giới và đảm bảo Trung Quốc không viết ra được các quy định thương mại toàn cầu.
Vào ngày chủ nhật vừa qua tại Hà Nội, 11 nước còn lại của TPP đã tuyên bố sẽ hồi sinh thỏa thuận này mà không có Hoa Kỳ. Các nước này đang háo hức tham gia vào việc tự do hóa thương mại trong tương lai và tăng cường các quyền về lao động và môi trường mặc dù nền kinh tế số một thế giới đã rút ra khỏi TPP.
Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đang quan tâm đến việc Mỹ từ chối TPP và thể hiện sự nhiệt tình cho thỏa thuận riêng của mình và tăng cường ảnh hưởng trong khu vực.
RCEP là một hiệp định khiêm tốn hơn, quy định các tiêu chuẩn quy định thấp hơn và hạn chế hơn.
Trung Quốc cũng đang thúc đẩy một dự án cơ sở hạ tầng và đầu tư lớn trên toàn cầu được gọi là Sáng kiến ​​một vành đai, một con đường nhằm khôi phục các tuyến đường hàng hải và đường bộ.
Tổ chức tư vấn: Trung Quốc có thể không cần Ấn Độ tham gia hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP
Tổ chức tư vấn Abound đánh giá hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP có tầm quan trọng chiến lược toàn cầu hơn sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
RCEP là một hiệp định thương mại tự do bao gồm 16 quốc gia là mười nước thành viên hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng với Trung Quốc, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.
“Một sự lựa chọn tối ưu cho Trung Quốc là đạt được hiệp định trong đó có Ấn Độ vì sẽ cho phép các sản phẩm của  Trung Quốc xâm nhập vào thị trường Ấn Độ với các nhượng bộ thuế quan sau khi RCEP bắt đầu có hiệu lực“, báo cáo của tổ chức tư vấn cho biết.
Tuy nhiên, với lịch sử thương mại tự do của Ấn Độ và các mối quan ngại về các lợi ích quốc gia của mình, chỉ có một khả năng rất nhỏ Ấn Độ sẽ đồng ý với thỏa thuận trong khuôn khổ và cơ chế hiện có. Do đó, Trung Quốc nên đặt mục tiêu tối ưu là một hiệp định đối tác kinh tế toàn diện RCEP mà không có Ấn Độ.
"Mặc dù điều này sẽ làm giảm giá trị của hiệp định, Trung Quốc nên tiếp tục đẩy mạnh các cuộc đàm phán RCEP, bởi vì tăng cường hợp tác với ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia có tầm quan trọng chiến lược đối với Trung Quốc", báo cáo của dẫn lời báo Global Times.
Viện chiến lược cho biết Ấn Độ đã miễn cưỡng quảng bá RCEP vì lo lắng về hàng Trung Quốc rẻ tiền ảnh hưởng đến các ngành sản xuất trong nước. "Thứ nhất, Ấn Độ lo lắng rằng sau khi ký hiệp định, nước này sẽ không thể ngăn các hàng hóa Trung Quốc rẻ tiền chảy vào nước mình và điều này sẽ gây nguy hiểm cho các ngành sản xuất trong nước".
Bên cạnh đó, thâm hụt thương mại của Ấn Độ với các thành viên khác của RCEP cũng là một lý do quan trọng khác. Ấn Độ lo ngại rằng các công ty trong nước sẽ trở nên kém cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp nước ngoài sau khi mở cửa thị trường, đặc biệt là trong các lĩnh vực dược phẩm và dệt may. Ngoài ra, Ấn Độ cũng lo ngại rằng các điều khoản RCEP về sở hữu trí tuệ và các dịch vụ sẽ không có lợi cho Ấn Độ, báo cáo của tổ chức tư vấn cho biết. "Ấn Độ đã đơn phương cản trở quá trình đàm phán gia nhập WTO nhiều lần do nước này vẫn lo lắng về sự thiếu khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, RCEP có ý nghĩa rất quan trọng đối với Trung Quốc bởi vì nước này không là thành viên TPP. Trung Quốc cần thúc đẩy việc kết thúc các cuộc đàm phán RCEP và chuẩn bị cho việc Ấn Độ rút khỏi hiệp định này".
RCEP: Khi thương mại đáp ứng đủ nhu cầu cấp bách của thế giới
Thương mại toàn cầu cần một vũ khí để chống đỡ sự nổi lên chủ nghĩa bảo hộ và phong trào chống toàn cầu hóa. Trong trường hợp này, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chính là lựa chọn tốt nhất.
Việc thúc đẩy nhanh hiệp định thương mại tự do mức độ khu vực nêu trên chứng tỏ Châu Á đang bộc lộ sự ủng hộ đối với tự do hóa thương mại vốn mang lại nhiều lợi ích cho cả vùng, đồng thời củng cố thêm niềm tin về  toàn cầu hóa.
Việc tổng thống Mỹ Trump quyết định rút khỏi Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ba ngày sau khi nhậm chức là một đòn giáng mạnh mẽ đối với 11 nước thành viên còn lại trong điều kiện các lãnh đạo của những nước này đã vận dụng đáng kể vốn chính trị của họ trong quá trình đàm phán. Tuy nhiên, kết quả trên vẫn không làm suy giảm mục tiêu tăng cường hội nhập kinh tế của Châu Á.
Tháng 03/2017, các quan chức cao cấp thuộc các nước ngoài khối TPP (Trung Quốc, Hàn Quốc và Colombia) đã tham gia cuộc họp về TPP tại Chile. Điều này cho phép các chuyên gia thương mại dự đoán về một thỏa thuận thậm chí còn rộng hơn TPP: đó là Khu vực Thương mại tự do Châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Tuy nhiên, tình hình biến động toàn cầu diễn biến phức tạp nên khả năng này cũng khố xảy ra. Thay vào đó, RCEP là ứng cử viên sáng giá nhất cho một siêu FTA đầy tham vọng.
Triển vọng của 11 quốc gia TPP còn lại
Ban đầu, hiệp định này được khởi xướng bởi bốn nền kinh tế nhỏ (Singapore, Brunei, Chilê và New Zealand) và ít gây chú ý. Khi Tổng thống Mỹ Bush quyết định tham gia vào TPP nhằm khôi phục thoả thuận này thì Mỹ cũng đồng thời thu hút thêm 7 nước khác (Úc, Peru, Việt Nam, Malaysia, Mexico, Canada và Nhật Bản) cùng tham gia.
Lý do mà các quốc gia nhận lời gia nhập TPP chính là lợi thế tiếp cận thị trường lớn nhất thế giới, ngoài ra Nhật Bản và Việt Nam cũng hy vọng hiệp định này có thể kiềm chế được Trung Quốc.
Tuy nhiên, nếu không còn Mỹ, TPP sẽ sụp đổ. Hiện tại, các thành viên TPP đang chia thành hai trường phái sau khi Mỹ rút lui: tiếp tục TPP không còn Mỹ hay hợp tác với Trung Quốc? Ban đầu, Nhật Bản - thị trường lớn nhất trong số các nền kinh tế còn lại - còn lưỡng lự trong việc duy trì “TPP 11”.
Mặc dù Tokyo đã thay đổi lập trường, nhưng khả năng đạt được đồng thuận chỉ vài tháng thời hạn thông qua  (02/2018) là khá thấp, đặc biệt đối với các nước như Việt Nam và Malaysia.
TPP không thể thiết lập một tiêu chuẩn mới trong thương mại và đầu tư nếu không có sự tham gia của hai nền kinh tế lớn nhất khu vực là Hoa Kỳ và Trung Quốc.
RCEP chính là giải pháp mà Châu Á đang cần
Tính mềm dẻo và sự ổn định của RCEP là những gì mà Châu Á đang cần. Đúng là TPP có tiêu chuẩn cao hơn, với tham vọng và độ bao phủ nhiều hơn so với RCEP, song các nhà lãnh đạo thế giới không còn đủ tin tưởng để đánh đổi cái giá quá đắt cho toàn cầu hóa như đã từng làm khi đàm phán TPP. Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu, Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ và chủ nghĩa dân túy mạnh mẽ của Marine Le Pen đã gióng những hồi chuông cảnh báo cho hiện tượng toàn cầu hóa.
Không như TPP, RCEP thừa nhận nhu cầu thực tế khác nhau giữa các thành viên và đưa ra một số quy định khác biệt cho phép 16 quốc gia thành viên của mình linh hoạt trong việc mở cửa nền kinh tế. Phương pháp tiếp cận mang tên 'cách thức ASEAN' trong RCEP đã chứng tỏ đây là cơ chế tạo nên sự đồng thuận tốt nhất trong bối cảnh của châu Á hiện nay. Ngay cả khi TPP thiết lập một tiêu chuẩn dài hạn có tầm nhìn xa trông rộng đi chăng nữa thì cũng không còn khả thi xét ở thời điểm hiện tại.
Cuối cùng, RCEP ít liên quan tới yếu tố chính trị hơn TPP và ASEAN được hoan nghênh tham gia hiệp định này. Trong khi TPP được ví như một đòn chiến lược của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc tại khu vực Châu Á, thì RCEP được coi là một mô hình FTA ASEAN + 1 mở rộng có tác dụng thúc đẩy thương mại và đầu tư trong khu vực. Tất cả các cường quốc trong khu vực - Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ - đều rất thoải mái với vai trò trung tâm của ASEAN, ít nhất là trong hội nhập kinh tế khu vực. Hơn nữa, ASEAN đã ký FTA với cả sáu quốc gia khác và kinh nghiệm của ASEAN trong các cuộc đàm phán thương mại cũng sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình ký kết RCEP.
Thời điểm ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập vào năm 2017, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thuộc các tập đoàn đa quốc gia đang chờ đợi một dấu hiệu rõ ràng để thúc đẩy những hoạt động kinh doanh của họ đồng thời nỗ lực mở rộng ra quy mô quốc tế. Có vẻ RCEP không dễ dự đoán khi hiệp định này đã hai lần bỏ lỡ cơ hội kết thúc đàm phán. Tuy nhiên, thế giới rất cần kết quả minh chứng cho quá trình toàn cầu hóa, và RCEP là lựa chọn tốt nhất.
 
Nguồn: Asem/WTO/Bloomberg…
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710726595