Thứ ba, 23-4-2024 - 18:50 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tổng hợp, phân tích hiệp định RCEP trong tháng 4/2017 

 Chủ nhật, 30-4-2017

AsemconnectVietnam - Trong tháng 4/2017, tin tức phân tích hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) khá sôi động.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực: Cơ hội lớn, thách thức nhiều
Hiện nay, Việt Nam đang tiến rất gần đến Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cùng với 9 nước ASEAN và 6 nước đối tác. Theo dự báo, RCEP sẽ đem đến nhiều cơ hội mới cho nền xuất khẩu cũng như doanh nghiệp (DN) Việt, tuy nhiên cũng có không ít thách thức, khó khăn.
Cơ hội mở rộng cho một số ngành mũi nhọn                           
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, cơ hội mà chúng ta có thể nhìn thấy rõ nhất tại RCEP đó chính là ngành chế biến và xuất khẩu gỗ. Hiện mỗi năm các DN nước ta phải chi tới gần 800 triệu USD để nhập khẩu gỗ từ các nước Asean, trong khi xuất khẩu sang thị trường này chỉ bằng một phần ba số đó.
Nhận định những cơ hội cho ngành gỗ, ông Nguyễn Tôn Quyền – Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, RCEP với 6 nước đối tác là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand – những thị trường rất lớn cho cả xuất và nhập khẩu gỗ.
Hiện nay, chúng ta nhập rất nhiều nguyên liệu đầu từ Australia và New Zealand. Đây cũng là thị trường nhập khẩu gỗ của Việt Nam với khối lượng lớn. Do đó, vào RCEP các doanh nghiệp không chỉ được mở rộng thị trường xuất khẩu nhờ các ưu đãi, xuất xứ nguồn gốc mà còn giảm thiểu nhiều rủi ro, tăng sức cạnh tranh...
Bên cạnh ngành gỗ, sản phẩm dệt may cũng được đánh giá là có nhiều cơ hội từ RCEP khi được mở rộng cửa để tiến vào một thị trường lớn bên ngoài Asean với hai lợi thế nổi bật là tiết kiệm chi phí vận chuyển và nguồn nguyên phụ liệu ổn định.
“Tính đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa có một hiệp định thương mại nào với Ấn Độ. Mặt khác, các sản phẩm ngành dệt may Việt rất chật vật tại thị trường này. Điển hình như vừa qua nước này đã áp thuế sản phẩm sợi của nước ta. Do đó, RCEP là con đường dẫn chúng ta ung dung tiến vào Ấn Độ một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn. Đối với thị trường xuất khẩu tiềm năng và khó tính như Úc, Hàn Quốc, Trung quốc cũng vậy...”- ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết.
Ngoài ra, các ngành chế biến nông sản, thủy sản cũng sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để xuất khẩu sang các nước thành viên RCEP nhờ có nhiều nội dung thỏa thuận, cắt giảm, xóa bỏ thuế quan. Mặt khác, RCEP cũng mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ từ các nước thành viên.
“Ngành công nghiệp ô tô sẽ được hưởng lợi không chỉ về công nghệ mà còn lợi thế ở chỗ chúng ta có thể lắp giáp tại Việt Nam dựa trên những linh phụ kiện nhập khẩu từ một số nước như Thái Lan, Indonesia... Hay đối với ngành điện tử, có thể lắp giáp hoàn chỉnh sản phẩm tại Việt Nam dựa trên “đầu vào” nhập từ Trung Quốc”- ông Nguyễn Anh Dương – Phó trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM) đánh giá.
Thách thức lớn về năng lực cạnh tranh của DN Việt
Theo các chuyên gia, RCEP mở ra cơ hội nhiều nhưng cũng không ít thách thức, khó khăn mà các DN sẽ phải đối mặt. “Hiện nay các DN dệt may đang gặp khó do giá nguyên phụ liệu đầu vào tăng mạnh đẩy chi phí sản xuất lên cao, giá sản phẩm cũng tăng cao hơn tới hơn 20% so với các đối thủ của Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia. Trong khi đó, một số thị trường truyền thống khác của Việt Nam đang thay đổi chính sách hỗ trợ về thuế...”- ông Thân Đức Việt, Phó tổng giám đốc Công ty may 10 cho biết.
Còn đối với ngành gỗ, theo ông Quyền, trong nhóm RCEP, nhiều đối thủ như Singapore, Thái Lan, Malaisia có nguyên liệu đầu vào vừa tốt vừa rẻ hơn, sản phẩm chất lượng hơn, cạnh tranh hơn của Việt Nam. Đó là chưa kể đến thương mại và tiếp thị của họ tốt hơn.
“Hiện nay, các đổi thủ nêu trên đang lấn sân rất mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó, DN trong nước lâu nay lại bỏ ngỏ “sân nhà”. Đây cũng là khó khăn, thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt khi vào RCEP”- ông Quyền nhấn mạnh.
Đặc biệt, một vấn đề quan trọng mà các chuyên gia kinh tế lo lắng đó là sự dịch chuyển nguồn lao động diễn ra mạnh mẽ khi chúng ta tham gia hiệp định thương mại. “Sự dịch chuyển nguồn lao động có kỹ năng là điều tất yếu và nếu như DN Việt, nhất là DN nhỏ và vừa không đủ năng lực, không tạo động lực và cơ hội làm việc tốt cho người lao động thì sẽ khó có thể giữ chân lao động chất lượng. Khi ấy việc duy trì cán cân cạnh tranh so với các doanh nghiệp ngoại sẽ khó hơn rất nhiều hiện tại và khó để chen chân vào chuỗi giá trị khu vực cũng như toàn cầu”- ông Dương phân tích.
“Hiện nay, đa số các DN Việt còn khá mơ hồ và chưa có sự chuẩn bị để tham gia RCEP. Trong khi đó, các quốc gia thành viên đang tăng cường mạnh mẽ việc chuẩn bị để vào RCEP từ đổi mới phương thức kinh doanh đến nâng cao giá trị thương hiệu”- ông Lê Xuân Sang, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết thêm.
                                   
RCEP bước vào thời khắc quan trọng
Nếu mọi nỗ lực đạt được trong năm nay, RCEP có thể là công cụ hiệu quả để cải thiện bức tranh kinh tế của châu Á.
Tiến sỹ Rebecca Fatima Sta Maria, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) nhận định như vậy trong một bài viết đăng tải trênStar Onlinevừa qua.
Mô hình hội nhập thế kỷ 21
Đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là một trong những bước đi quan trọng về hội nhập khu vực của ASEAN. RCEP sẽ bước vào vòng đàm phán thứ 18 vào tháng 5 tới.
Được khởi xướng vào tháng 11/2012, RCEP nhằm mục đích tăng cường hội nhập kinh tế giữa ASEAN và 6 nước đối thoại (Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và New Zealand). Đã bỏ lỡ qua hai thời hạn hoàn tất thỏa thuận, áp lực cho 16 nước này là phải kết thúc đàm phán trong năm nay. Tuy nhiên, có nhiều nguy cơ khiến RCEP khó đạt được mục tiêu này.
Trong RCEP, sự tham gia của ASEAN và các đối tác đối thoại mang tính sâu rộng hơn dựa trên sự cải thiện đáng kể các hiệp định thương mại tự do hiện có giữa các bên. RCEP cũng được kỳ vọng là một thỏa thuận sống động, cung cấp cơ sở để giải quyết các vấn đề thương mại có thể xuất hiện trong tương lai. Lý tưởng hơn, RCEP có thể là một mô hình thế kỷ 21 cho việc hội nhập giữa các quốc gia trên nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế, chính trị, sắc tộc và văn hoá.
Đặc biệt, với sự những bế tắc của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), RCEP do ASEAN làm trung tâm có thể là một hiệp định cần thiết nhằm chống lại chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng, cản trở quá trình hội nhập cũng như lợi ích của tự do đi lại, hàng hóa và dịch vụ.
Động lực cho sự thay đổi
Chắc chắn, các bên liên quan đều ý thức được lợi ích từ hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng và RCEP không đơn thuần là một FTA bao gồm các yếu tố truyền thống về tiếp cận thị trường đối với hàng hoá và dịch vụ, đầu tư.
Tại một hội nghị bàn tròn gần đây do Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) tổ chức, các nhà kinh tế khẳng định rằng RCEP là động lực cho sự thay đổi. Trong bối cảnh phát triển kinh tế toàn cầu và những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, một RCEP hướng tới tương lai cần phải nhận ra và tiếp cận các yếu tố thuận lợi hóa thương mại, quyền sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, công nghệ sản xuất mới, giải quyết những vấn đề phát triển khác. Nếu mọi nỗ lực đạt được, RCEP có thể là công cụ hiệu quả để cải thiện bức tranh kinh tế châu Á.
Để tránh đi phải “vết xe đổ” của TPP với những điều khoản mang tính tham vọng, RCEP cần phải hướng tới tăng trưởng cân bằng và bền vững. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) vào chuỗi giá trị toàn cầu; sử dụng hợp tác kinh tế và kỹ thuật để tiếp tục nâng cao năng lực của SMEs; tập trung tạo thuận lợi cho thương mại.
Trước mắt, các bên đàm phán cần hướng tới các quy tắc hỗ trợ cạnh tranh (trong các lĩnh vực mua sắm của chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước). Song song với các cuộc đàm phán, các bên, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển và kém phát triển, phải xem xét các chính sách điều chỉnh ở cấp quốc gia, bao gồm cơ sở hạ tầng, giáo dục và phát triển kỹ năng để chuẩn bị tận dụng những ưu tiên đang đàm phán. Các bên cũng cần nỗ lực liên tục về cải cách quy định và quản lý các biện pháp phi thuế quan.
 
Diễn đàn CEO Ấn Độ - Malaysia: RCEP bao gồm cả thương mại và dịch vụ
Diễn đàn CEO Ấn Độ-Malaysia đã thảo luận hiệp định thương mại lớn, cân bằng về hàng hóa và dịch vụ - hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP giữa 16 quốc gia, bao gồm các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Australia và các nước thành viên ASEAN.
"Cả thương mại và đầu tư sẽ được hưởng lợi từ hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Vì vậy, Diễn đàn kêu gọi thiết lập một RCEP cân bằng sẽ giải quyết cả hai vấn đề thương mại và dịch vụ và sẽ sớm kết thúc đàm phán", Tuyên bố của Diễn đàn cho biết.
Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực là một thỏa thuận thương mại lớn đang được đàm phán giữa 16 quốc gia bao gồm ASEAN, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP hướng tới mục tiêu hội nhập sâu rộng trong các lĩnh vực thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, đầu tư, hợp tác về kinh tế và kỹ thuật, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, giải quyết tranh chấp và các vấn đề về pháp lý và thể chế.
Bản khuyến nghị của Diễn đàn CEO Ấn Độ - Malaysia đã được gửi đến Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Hội nghị lần này của Diễn đàn trùng khớp với chuyến thăm của Thủ tướng Malaysia Najib Raza đến Ấn Độ từ ngày 21-25/4/2017. Thủ tướng Narendra Modi và người đồng cấp Malaysia Najib Razad đã tổ chức các cuộc đàm phán rộng khắp về các cam kết văn hoá, kinh tế và chiến lược.
Diễn đàn CEO khẳng định cần có các khoản đầu tư mới của các công ty nhà nước và khu vực tư nhân từ cả hai phía và "cần có một số sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Invest India của Ấn Độ và MIDA của Malaysia". Hai bên cũng lưu ý rằng các công ty cũng có thể tìm kiếm khả năng liên doanh ở mỗi nước hoặc các nước thứ ba ,đặc biệt trong khu vực ASEAN. Diễn đàn này cũng đã xác định các lĩnh vực then chốt để hợp tác hơn nữa cũng như các bước cần thiết tiếp theo để tăng cường hợp tác kinh tế song phương.
"Ấn Độ cung cấp cơ hội tốt cho quỹ lương hưu và quỹ dự phòng Malaysia đầu tư vào các tài sản cơ sở hạ tầng của Ấn Độ - đặc biệt là các tài sản thuộc sở hữu của các ngành khác nhau như đường bộ, hàng không, điện vốn tạo ra lợi nhuận ổn định lâu dài”, Tuyên bố của Diễn đàn CEO có đoạn viết.
Trước đây, trong những năm đầu khi các công ty Malaysia tham gia vào chương trình cơ sở hạ tầng của Ấn Độ đã gặp nhiều khó khăn, sau đó đã được Ấn Độ giải quyết. "Điều này đã tạo động lực mới cho các công ty Malaysia xem xét lại và quyết định đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ. Các công ty Ấn Độ cũng được xem xét đầu tư vào các dự án đường sắt, xử lý nước và một số dự án khác ở Malaysia", Tuyên bố khẳng định.
Malaysia là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Ấn Độ trong ASEAN. Thương mại song phương giữa Malaysia và Ấn Độ đứng ở mức 12,8 tỷ USD vào năm 2015-16, so với 16,9 tỷ USD trong năm 2014-15. Cán cân thương mại có lợi cho Malaysia (5,4 tỷ USD vào năm 2015-16).
Các thành viên của diễn đàn cũng nhất trí rằng các lĩnh vực cụ thể như sản xuất công nghiệp ở Ấn Độ và các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở cả hai bên cần được nuôi dưỡng và tập trung quan tâm chú ý, đặc biệt trong bối cảnh Ấn Độ triển khai Sáng kiến ​​Ấn Độ và Malaysia đặt trọng tâm vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa SMEs.
"Các thành viên diễn đàn đồng ý rằng các chính phủ nên đơn giản hóa việc thực thi các luật và các quy định để đảm bảo rằng các chuyên gia của cả hai nước có thể hành nghề ở nước kia mà không có những trở ngại", Tuyên bố kết luận.
           
Malaysia kêu gọi sớm ký hiệp định RCEP
Thủ tướng Malaysia Najib Tun Abdul Razak vừa đưa ra lời kêu gọi các bên sớm ký kết hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP để đẩy mạnh hoạt động thương mại và đầu tư giữa các quốc gia.
Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là một hiệp định thương mại lớn giữa 16 quốc gia, bao gồm các nước ASEAN, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Australia.
"Tôi nghĩ chúng ta nên đưa ra những định hướng mới cho các nhà thương thuyết để kết thúc hiệp định đối tác kinh tế toàn diện RCEP vào cuối năm hoặc sớm nhất vào đầu năm tới", Thủ tướng Najib nói trong bài phát biểu với các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp từ các Phòng Công nghiệp, bao gồm cả Ficci. "Tôi hy vọng thời gian biểu này có thể đạt được. Cộng đồng kinh doanh nên ủng hộ chương trình nghị sự này để kết thúc đàm phán hiệp định thành công. RCEP ngày càng trở nên phù hợp khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được đàm phán dưới thời chính quyền của Tổng thống Obama nhưng gần đây, Mỹ đã rút ra".
"Chúng ta cần hiệp định thương mại tự do RCEP cho khu vực này. Tôi là một tín đồ trung thành của thương mại tự do vì thương mại tự do sẽ tạo ra nhiều của cải và sự thịnh vượng hơn cho người dân", Thủ tướng Najib nói thêm.
Trong giai đoạn năm 2003 - 2015, thương mại song phương giữa Ấn Độ và Malaysia đã tăng hơn 4 lần nhưng trong vài năm qua, đã bị sụt giảm.
"Chúng ta cần phải đảo ngược xu hướng đó và hy vọng năm 2017 là năm chúng ta thấy sự đảo chiều của xu hướng giảm”, Thủ tướng Najib khẳng định.
Ấn Độ vẫn lo ngại rằng hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP sẽ ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu của nước này.
Về đầu tư, Malaysia là nhà đầu tư lớn thứ 21 ở Ấn Độ trên toàn cầu và lớn thứ hai ở Asean. Đối với Ấn Độ, Malaysia tạo ra môi trường kinh doanh dễ dàng và cạnh tranh cho các nhà đầu tư. Ngành công nghiệp đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư đang kinh doanh tại Malaysia.
"Chúng tôi tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho một môi trường kinh doanh thành công. Tôi mời tất cả các bạn đến Malaysia," ông Najib nói thêm: "Tôi rất khuyến khích các bạn nhìn nhận Malaysia như là một sự lựa chọn ưa thích cho các khoản đầu tư lớn hơn và có nhiều các cơ hội để xây dựng quan hệ đối tác mới".
Các công ty Malaysia đã tham gia vào nhiều dự án lớn ở Ấn Độ bao gồm xây dựng trung tâm MCD ở thủ đô nước này. "Còn rất nhiều điều nữa. Tôi được biết vào lúc này, có bốn dự án đang được đàm phán", ông nói.
Các dự án bao gồm tuyến đường cao tốc ven biển Mumbai; dự án phát triển ven biển Mumbai, nhà ga kho nổi tại cảng Andhra Pradesh và dự án thành phố thông minh. " Và chưa bao gồm các dự án đường cao tốc 4 + 2 mà chính quyền bang Rajasthan đang xem xét”, Thủ tướng Najib nói thêm. Các công ty Ấn Độ đang có mặt tại Malaysia bao gồm Reliance, Biocon, ICICI Bank, Tech Mahindra, Ranbaxy, Wipro và TCS.
Thủ tướng Najib cũng cho biết Malaysia là nơi có dân số Ấn Độ lớn nhất bên ngoài Ấn Độ. "Hơn 7 phần trăm dân số Malaysia có gốc Ấn Độ. Người Malaysia gốc Ấn Độ đóng một vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng Malaysia".
Kim ngạch thương mại song phương đạt 12.8 tỷ USD trong năm 2015-16 so với mức 17 tỷ USD trong năm tài chính trước. Các cuộc đàm phán hiệp định RCEP bắt đầu tại Phnom Penh vào tháng 11/2012. 16 quốc gia thành viên hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP chiếm hơn ¼ nền kinh tế thế giới, ước tính hơn 75.000 tỷ USD, bao gồm 10 thành viên của ASEAN (Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Singapore, Thái Lan, Philippines, Lào và Việt Nam) và sáu đối tác FTA của họ - Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Phát biểu tại một sự kiện gần đây, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Nirmala Sitharaman thừa nhận cam kết của Ấn Độ với Malaysia trong các cuộc đàm phán RCEP. Các thỏa thuận đa phương đã trở thành hiện thực tại thời điểm TPP sụp đổ.
"Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP là cách để các nền kinh tế mới nổi và các nước Đông Nam Á có thể gặt hái được rất nhiều lợi ích", bà nói.
Bà Sitharaman cũng bày tỏ hy vọng có được sự hiểu biết rộng rãi hơn với Malaysia về đề xuất dự thảo. "Tôi luôn muốn hiểu đường hướng của Malaysia trong RCEP và chúng tôi muốn thấy sự tiến bộ trong đàm phán RCEP. Tôi hy vọng rằng RCEP sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thế giới".
Ấn Độ cũng đang tìm kiếm hợp tác nhiều hơn trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng. Chính phủ Ấn Độ đã gần như cam kết gần 1.000 tỷ đô la Mỹ đối với việc thúc đẩy cơ sở hạ tầng và Malaysia có cơ sở hạ tầng tốt đã được chứng minh.
“Trong lĩnh vực này, có rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia sâu rộng”, Bộ trưởng Sitharaman khẳng định.
 
Ngành dệt may Việt Nam có thêm nhiều cơ hội từ RCEP
Theo ông Vũ Đức Giang thuộc Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), hiện Việt Nam đang tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), dự kiến sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ngành dệt may của nước ta xét về mặt chi phí, quy mô thị trường và nguồn cung cấp nguyên liệu.
Nếu RCEP có hiệu lực sẽ tạo ra động lực lớn cho ngành dệt may Việt Nam bởi lẽ nhiều rào cản thương mại sẽ được cắt giảm - Báo Công Thương trích dẫn lời ông Giang viết.
RCEP gồm 16 thành viên tham gia, trong đó có 10 thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và các đối tác thương mại của khu vực bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và Ấn Độ.
Khi tham gia vào RCEP, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ thị trường chiến lược châu Á với ba lợi ích chính.
Thứ nhất là chi phí vận chuyển sẽ thấp hơn do khoảng cách địa lý rút ngắn. Thứ hai, thị trường RCEP sẽ cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp Việt Nam. Thứ ba, sự giống nhau về văn hoá giữa các nước châu Á sẽ giúp tiến trình đàm phán và ký kết RCEP diễn ra nhanh hơn.
Theo Chủ tịch của VITAS cho biết, đến nay, các công ty Việt Nam đã có đơn đặt hàng đến cuối tháng 8/2017.
Ông Giang dự đoán, xuất khẩu hàng dệt may sẽ tăng 13-14% trong năm 2017 so với mức 9,2% vào năm 2016. Tuy nhiên, hội nhập càng sâu thì sự cạnh tranh sẽ càng trở nên gay gắt –ông Giang nói –do đó, các công ty trong nước cần tăng cường quản lý để đảm bảo sản phẩm đầu ra có mức giá cạnh tranh hơn, chất lượng cao hơn, và thời gian giao hàng ngắn hơn.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý 1 năm 2017, Việt Nam đã thu được 5,6 tỷ đô la Mỹ từ xuất khẩu hàng dệt may, tăng 10,2% so với năm ngoái, trong khi chi tiêu cho nhập khẩu vải là 2,3 tỷ đô la Mỹ, tăng 5,5%.
 
Nhật Bản, ASEAN đẩy mạnh các cuộc đàm phán RCEP
Nhật Bản và các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hôm thứ 7 đã thống nhất hợp tác để sớm thiết lập một khuôn khổ hợp tác kinh tế khu vực cho khu vực châu Á rộng lớn hơn.
Trong một đề xuất trình lên các bộ trưởng kinh tế ASEAN tại một cuộc họp ở Osaka, Nhật Bản đã đề nghị cung cấp đào tạo kỹ năng và chuyển giao công nghệ cho ASEAN nhằm cải thiện hệ thống thương mại ở từng quốc gia. Mục tiêu là để làm cho khuôn khổ, được gọi là là Hợp tác kinh tế toàn diện khu vực, trở nên hoàn chỉnh và tinh vi hơn.
Nhật Bản hy vọng sẽ nuôi dưỡng được một môi trường thương mại tự do trong bối cảnh nổi lên một thế giới ngày càng bảo hộ bằng cách nhanh chóng đạt được thỏa thuận.
Tại cuộc họp báo sau cuộc họp, Hiroshige Seko, Bộ trưởng kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản, cho biết: "RCEP là chìa khóa để ngăn chặn làn sóng chủ nghĩa bảo hộ. Chúng tôi đã đạt được thống nhất sẽ tìm kiếm một thỏa thuận chất lượng [để thiết lập RCEP.] Đây là một bước quan trọng.”
Theo Ramon Lopez, Bộ trưởng thương mại và công nghiệp Philippines, hiện đang nắm giữ vị trí chủ tịch luân phiên của ASEAN, ASEAN dự định sẽ đồng ý về thỏa thuận hợp tác vào cuối năm nay. Nhưng tuyên bố chung sau cuộc họp không cho biết một ngày cụ thể.
 
Nguồn: Asem/WTO/Bloomberg…
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710807007