Thứ sáu, 26-4-2024 - 5:29 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực: Cơ hội lớn, thách thức nhiều  

 Thứ sáu, 14-4-2017

AsemconnectVietnam - Hiện nay, Việt Nam đang tiến rất gần đến Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cùng với 9 nước ASEAN và 6 nước đối tác. Theo dự báo, RCEP sẽ đem đến nhiều cơ hội mới cho nền xuất khẩu cũng như doanh nghiệp (DN) Việt, tuy nhiên cũng có không ít thách thức, khó khăn.

Cơ hội mở rộng cho một số ngành mũi nhọn
                                  
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, cơ hội mà chúng ta có thể nhìn thấy rõ nhất tại RCEP đó chính là ngành chế biến và xuất khẩu gỗ. Hiện mỗi năm các DN nước ta phải chi tới gần 800 triệu USD để nhập khẩu gỗ từ các nước Asean, trong khi xuất khẩu sang thị trường này chỉ bằng một phần ba số đó.
Nhận định những cơ hội cho ngành gỗ, ông Nguyễn Tôn Quyền – Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, RCEP với 6 nước đối tác là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand – những thị trường rất lớn cho cả xuất và nhập khẩu gỗ.
Hiện nay, chúng ta nhập rất nhiều nguyên liệu đầu từ Australia và New Zealand. Đây cũng là thị trường nhập khẩu gỗ của Việt Nam với khối lượng lớn. Do đó, vào RCEP các doanh nghiệp không chỉ được mở rộng thị trường xuất khẩu nhờ các ưu đãi, xuất xứ nguồn gốc mà còn giảm thiểu nhiều rủi ro, tăng sức cạnh tranh...
Bên cạnh ngành gỗ, sản phẩm dệt may cũng được đánh giá là có nhiều cơ hội từ RCEP khi được mở rộng cửa để tiến vào một thị trường lớn bên ngoài Asean với hai lợi thế nổi bật là tiết kiệm chi phí vận chuyển và nguồn nguyên phụ liệu ổn định.
“Tính đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa có một hiệp định thương mại nào với Ấn Độ. Mặt khác, các sản phẩm ngành dệt may Việt rất chật vật tại thị trường này. Điển hình như vừa qua nước này đã áp thuế sản phẩm sợi của nước ta. Do đó, RCEP là con đường dẫn chúng ta ung dung tiến vào Ấn Độ một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn. Đối với thị trường xuất khẩu tiềm năng và khó tính như Úc, Hàn Quốc, Trung quốc cũng vậy...”- ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết.
Ngoài ra, các ngành chế biến nông sản, thủy sản cũng sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để xuất khẩu sang các nước thành viên RCEP nhờ có nhiều nội dung thỏa thuận, cắt giảm, xóa bỏ thuế quan. Mặt khác, RCEP cũng mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ từ các nước thành viên.
“Ngành công nghiệp ô tô sẽ được hưởng lợi không chỉ về công nghệ mà còn lợi thế ở chỗ chúng ta có thể lắp giáp tại Việt Nam dựa trên những linh phụ kiện nhập khẩu từ một số nước như Thái Lan, Indonesia... Hay đối với ngành điện tử, có thể lắp giáp hoàn chỉnh sản phẩm tại Việt Nam dựa trên “đầu vào” nhập từ Trung Quốc”- ông Nguyễn Anh Dương – Phó trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM) đánh giá.
Thách thức lớn về năng lực cạnh tranh của DN Việt
Theo các chuyên gia, RCEP mở ra cơ hội nhiều nhưng cũng không ít thách thức, khó khăn mà các DN sẽ phải đối mặt. “Hiện nay các DN dệt may đang gặp khó do giá nguyên phụ liệu đầu vào tăng mạnh đẩy chi phí sản xuất lên cao, giá sản phẩm cũng tăng cao hơn tới hơn 20% so với các đối thủ của Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia. Trong khi đó, một số thị trường truyền thống khác của Việt Nam đang thay đổi chính sách hỗ trợ về thuế...”- ông Thân Đức Việt, Phó tổng giám đốc Công ty may 10 cho biết.
Còn đối với ngành gỗ, theo ông Quyền, trong nhóm RCEP, nhiều đối thủ như Singapore, Thái Lan, Malaisia có nguyên liệu đầu vào vừa tốt vừa rẻ hơn, sản phẩm chất lượng hơn, cạnh tranh hơn của Việt Nam. Đó là chưa kể đến thương mại và tiếp thị của họ tốt hơn.
“Hiện nay, các đổi thủ nêu trên đang lấn sân rất mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó, DN trong nước lâu nay lại bỏ ngỏ “sân nhà”. Đây cũng là khó khăn, thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt khi vào RCEP”- ông Quyền nhấn mạnh.
Đặc biệt, một vấn đề quan trọng mà các chuyên gia kinh tế lo lắng đó là sự dịch chuyển nguồn lao động diễn ra mạnh mẽ khi chúng ta tham gia hiệp định thương mại. “Sự dịch chuyển nguồn lao động có kỹ năng là điều tất yếu và nếu như DN Việt, nhất là DN nhỏ và vừa không đủ năng lực, không tạo động lực và cơ hội làm việc tốt cho người lao động thì sẽ khó có thể giữ chân lao động chất lượng. Khi ấy việc duy trì cán cân cạnh tranh so với các doanh nghiệp ngoại sẽ khó hơn rất nhiều hiện tại và khó để chen chân vào chuỗi giá trị khu vực cũng như toàn cầu”- ông Dương phân tích.
“Hiện nay, đa số các DN Việt còn khá mơ hồ và chưa có sự chuẩn bị để tham gia RCEP. Trong khi đó, các quốc gia thành viên đang tăng cường mạnh mẽ việc chuẩn bị để vào RCEP từ đổi mới phương thức kinh doanh đến nâng cao giá trị thương hiệu”- ông Lê Xuân Sang, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết thêm.

Nguồn: hoinhap.org.vn
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710885941