Thứ tư, 17-4-2024 - 4:38 GMT+7  Việt Nam EngLish 

RCEP: lựa chọn thay thế nếu TPP không được Mỹ thông qua  

 Thứ hai, 5-9-2016

AsemconnectVietnam - Theo Bộ trưởng Bộ thương mại, du lịch và đầu tư Úc Steven Ciobo, TPP – hiệp định thương mại tự do gồm 12 quốc gia thành viên và đã được ký kết vào tháng 2 năm 2016, vẫn có thể sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua bất chấp sự phản đối của ông Donald Trump và bà Hillary Clinton - các ứng cử viên tổng thống Mỹ.

 
Hiệp định TPPđang phải đối mặt với rất nhiều sự phản đối từ các cử tri và các nhà lập pháp Úc. Vì vậy,ông Ciobo hiện bắt đầu tập trung vào các hiệp định thương mại khác, chẳng hạn như hiệp định thương mại tự do khu vực với Trung Quốc, Ấn Độ, và nhiều nước châu Á khác, nhưng lại không có sự tham gia của Mỹ.
Ông Ciobo cũng thúc đẩy hiệp định song phương với Indonesia, và ông hy vọng hiệp định thương mại giữa Úc và EU sẽ sớm bắt đầu đàm phán. Ông Ciobo cũng đã thảo luận với Bộ trưởng Bộ thương mại quốc tế Anh Liam Fox về một hiệp định hậu Brexit giữa Úc và Anh.
Tổng thống Obama hiện đang nỗ lực thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua hiệp định TPP trong phiên họp quốc hội đặc biệt diễn ra trong khoảng thời gian chuyển tiếp khi các thành viên cũ của quốc hội vẫn còn đang tại vị và các thành viên mới vẫn chưa nhận nhiệm sở, dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 10 năm 2016. Tuy nhiên, các nước thành viên TPP khác vẫn đang xem xét đến các kế hoạch khác phòng trường hợp hiệp định TPP không được quốc hội Mỹ thông qua. Hiệp định TPP thành công hay thất bại phụ thuộc rất nhiều vào việc quốc hội Mỹ có thông qua hiệp định hay không, vì sự tham gia của Mỹ trong hiệp định TPP là hết sức quan trọng và cần thiết. Theo ông Ciobo, nếu quốc hội Mỹ không thông qua TPP, thì khả năng hiệp định thất bại là khá lớn.
Theo bà Deborah Elms, giám đốc Trung tâm thương mại châu Á, việc tái đàm phán TPP nhằm mục đích giúp các nhà phê bình Mỹ bớt chỉ trích hiệp định sẽ khó có thể xảy ra, vì nếu Mỹ sửa đổi hiệp định TPP, thì 11 nước thành viên khác cũng sẽ muốn làm điều tương tự.
Vào giữa tháng 8 năm 2016, đại diện của các nước ASEAN, Úc và New Zealand đã gặp mặt tại Việt Nam để tiến hành vòng đàm phán tiếp theo của RCEP. Đây là một hiệp định thương mại lớn với sự tham gia của Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia khác không phải là thành viên của hiệp định TPP.
RCEP có thể là hiệp định có khả năng thành công nhất
Theo bà Kaewkamol Pitakdumrongkit, giáo sư dự khuyết thuộc trường Kỹ thuật Nanyang tại Singapore, RCEP là một lựa chọn tốt thay thế TPP. Mặc dù các nhà đàm phán RCEP đã không thể kết thúc hiệp định này trong năm 2016, nhưng bà Pitakdumrongkit nhận định RCEP có động lực để tiến tới thành công.
Ngoài Mỹ, sự phản đối đối với hiệp định TPP cũng đang gia tăng ở một số quốc gia khác. Nông dân Nhật Bản không hài lòng với quy định giảm thuế các sản phẩm nông nghiệp. Tại Úc, hiệp định TPP cũng khó có khả năng được thông qua nhanh chóng sau khi liên minh phái bảo thủ của Thủ tướng Malcolm Turnbull đã thất bại trong cuộc bầu cử tháng 7 năm 2016.
Theo bà Patricia Ranald thuộc Mạng lưới Thương mại và Đầu tư Úc, hiệp định TPP không mang lại lợi ích cho nước Úc. Bà Ranald cho rằng chính phủ Úc sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục các nhà lập pháp ủng hộ hiệp định này. Theo bà Ranald, thậm chí Úc còn không rõ Mỹ có thể thông qua hiệp định TPP hay không, do đó Úc không nên vội vàng thông qua hiệp định trong thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, ở một số quốc gia khác, việc thông qua hiệp định TPP là khá chắc chắn. Trong số các thành viên đã ký kết hiệp định, Malaysia là thành viên có nhiều tiến bộ nhất liên quan đến việc thông qua TPP, với việc Hạ viện Malaysia chính thức bỏ phiếu thông qua hiệp định vào tháng 1 năm 2016. Việc thông qua hiệp định TPP cũng gần như chắc chắn tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc thông qua hiệp định TPP cũng khá chắc chắn tại Singapore, do Đảng Hành Động Nhân Dân của Thủ tướng Lý Hiển Long – Đảng chiếm phần lớn số ghế trong Nghị viện Singapore, ủng hộ hiệp định này. Theo ông Lý Hiển Long, nếu hiệp định TPP thất bại thì sẽ gây ra nhiều thiệt hại lớn trong một khoảng thời gian dài sắp tới.
Nếu Quốc hội Mỹ từ chối thông qua hiệp định TPP, thì điều này sẽ trở thành động lực cho RCEP – hiệp định mà các quốc gia thúc đẩy TPP cho rằng không phù hợp với nhu cầu của thương mại thế kỷ 21. Theo bà Sanchita Basu Das, một nhà nghiên cứu thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak tại Singapre, hiệp định TPP giúp các nhà đầu tư có thể tham gia đấu thầu các chương trình mua sắm công của các chính phủ nước ngoài, đồng thời gia tăng bảo vệ đối với quyền sở hữu trí tuệ, lao động và môi trường. Hơn nữa, hiệp định TPP dự định cắt giảm thuế quan đối với ít nhất 90% dòng sản phẩm, trong khi đó RCEP chỉ đặt mục tiêu cắt giảm thuế quan đối với 70% đến 80% dòng sản phẩm.
Nếu hiệp định TPP thất bại, thì một số quốc gia thành viên TPP sẽ chuyển sang thúc đẩy RCEP. Theo bà Elms, các quốc gia này sẽ tăng gấp đôi nỗ lực trong việc xây dựng nội dung RCEP và thúc đẩy hiệp định hoàn tất. Viễn cảnh TPP thất bại có thể thực sự thay đổi động lực thúc đẩy thương mại tại châu Á.

Nguồn: hoinhap.org.vn

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710664587