Thứ sáu, 19-4-2024 - 9:28 GMT+7  Việt Nam EngLish 

RCEP: Lập trường mới của Ấn Độ có thể đem lại lợi ích cho Trung Quốc  

 Thứ tư, 10-8-2016

AsemconnectVietnam - Ấn Độ có thể cắt giảm thuế dành cho nhiều loại hàng hóa Trung Quốc hơn, trong khi Ấn Độ đang có mức thâm hụt thương mại rất lớn - 52,7 tỷ USD, với Trung Quốc.

 
Ấn Độ đã đồng ý cắt giảm thuế quan như nhau cho tất cả các nước thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với độ lệch giới hạn. Sự thay đổi lớn trong lập trường của Ấn Độ có thể mang lại lợi ích cho Trung Quốc.
Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Nirmala Sitharaman đã thông báo lập trường mới của nước này tại Hội nghị bộ trường RCEP vừa kết thúc tại Lào vào ngày 05 tháng 08 năm 2016.
Trước đó, Ấn Độ đã đề xuất kế hoạch cắt giảm thuế quan theo 3 tầng (3 tier) dựa vào việc Ấn Độ có hiệp định thương mại tự do với nước thành viên RCEP đó hay không. Theo kế hoạch trên, Ấn Độ sẽ cắt giảm 80% thuế quan đối với 10 quốc gia ASEAN, 65% thuế quan đối với Hàn Quốc và Nhật Bản, và 42,5% thuế quan đối với Trung Quốc, Úc và New Zealand – 3 nước không có hiệp định thương mại tự do với Ấn Độ.
Nhật Bản đã đề xuất hệ thống thuế quan một lớp (single-tier system) và hiện đã được Ấn Độ đồng ý.
Hiện Ấn Độ dự kiến ​​sẽ cắt giảm thuế quan cho nhiều loại hàng hóa Trung Quốc hơn. Mức thâm hụt thương mại giữa Ấn Độ và Trung Quốc rất lớn - 52,7 tỷ USD, và giá trị xuất khẩu của Ấn Độ sang Trung Quốc chỉ đạt 9 tỷ USD trong năm 2015. Các ngành công nghiệp Ấn Độ, đặc biệt là ngành thép, lo ngại Trung Quốc sẽ sử dụng RCEP để tiếp cận thị trường Ấn Độ nhiều hơn, trong khi Trung Quốc lại không sẵn sàng nhập khẩu nhiều hàng hóa hơn từ Ấn Độ.
Ấn Độ đã chấp nhận bỏ kế hoạch cắt giảm thuế quan theo 3 lớp
Một quan chức thuộc Bộ Công ThươngẤn Độ cho biết Ấn Độ đã thể hiện sự linh hoạt trong đàm phán tại Hội nghị bộ trưởng RCEP tại Lào vừa qua. Ấn Độ đã chấp nhận bỏ kế hoạch cắt giảm thuế quan theo 3 lớp và thay bằng kế hoạch cắt giảm thuế bằng nhau cho các nước với một độ lệch giới hạn. Độ lệch này sẽ phụ thuộc vào các ưu đãi được đưa ra bởi các nước thành viên RCEP khác– việc này sẽ được thảo luận trong các vòng đàm phán RCEP tiếp theo.
Vòng đàm phán RCEP tiếp theo sẽ được tổ chức tại Phnom Penh (Campuchia), bắt đầu từ ngày 10 tháng 08 năm 2016.
Tuy nhiên, vị quan chức Ấn Độ trên cũng cho biết, hội nghị bộ trưởng tại Lào đã không đạt được nhiều tiến bộ về vấn đề dịch vụ - mối quan tâm chính của Ấn Độ trong đàm phán RCEP.
Ấn Độ không đạt được nhiều lợi ích từ việc tiếp cận thị trường hàng hóa các nước thành viên RCEP khác do cơ sở hạ tầng và cơ sở sản xuất của Ấn Độ khá yếu kém, do đóẤn Độ kiên quyết muốn có một chế độ thị thực dễ dàng hơn cho các lao động tay nghề cao trong đàm phán RCEP. Điều này sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn cho Ấn Độ, nhờ vào lực lượng lao động tay nghề cao ngày càng tăng của nước này.
Tuy nhiên, việc tự do hóa thương mại dịch vụ vẫn là một vấn đề gây tranh cãi đối với các nước thành viên RCEP khác. Hầu hết các nước này đều rất miễn cưỡng trước việc mở cửa thị trường lao động.
Ông Kavaljit Singh, giám đốc viện nghiên cứu chính sách Madhyamở Delhi (Ấn Độ), cho biết việc Ấn Độ thay đổi lập trường là rất “sốc” vì chính Ấn Độ đã đề xuất hệ thống thuế quan 3 tầng.
Theo ông Singh, điều này sẽ dẫn đến sự phản ứng dữ dội từ các ngành công nghiệp trong nước Ấn Độ, vì họ không thể biết được các nước thành viên RCEP khác sẽ đưa ra những ưu đãi tương ứng nào cho Ấn Độ.
Ông Singh nhận định việc thay đổi lập trường của Ấn Độ cũng sẽ làm suy yếu chương trình “Làm tại Ấn Độ” (‘Make In India’ programme) của quốc gia này. Ông Singh cho biết Ấn Độ có thể yêu cầu thời gian xóa bỏ thuế quan lâu hơn đối với Trung Quốc, khoảng 30 năm.
Vào ngày 8/8/2016, bà Sitharaman cũng đã thông báo vào Nghị viện Ấn Độ rằng các quy định liên quan đến việc làm mới bằng sáng chế (evergreening of patents) trong RCEP đã được giảm bớt sau khi vấp phải sự phản đối gay gắt từ Ấn Độ.
Theo bà Sitharaman, Ấn Độ đang đàm phán chương IPR (quyền sở hữu trí tuệ) dựa trên lợi ích cũng như pháp luật quốc gia của Ấn Độ, cùng các hiệp định đa phương về sở hữu trí tuệ mà Ấn Độ đang tham gia.
Giáo sư Ram Upendra Das thuộc Hệ thống nghiên cứu và thông tin cho các nước đang phát triển (Research and Information System for Developing Countries), hy vọng các nước thành viên RCEP khác sẽ thỏa mãn yêu cầu của Ấn Độ về vấn đề dịch vụ.
Theo ông Das, việc tiếp tục tham gia RCEP là rất quan trọng đối với Ấn Độ vì nước này không phải là thành viên của 2 hiệp định thương mại khu vực lớn khác là hiệp định TPP và hiệp định TTIP. Lập trường của Ấn Độ về vấn đề làm mới bằng sáng chế đã nhận được sự đồng thuận từ các nước thành viên khác và Ấn Độ sẽ bảo vệ được lợi ích quốc gia trong dịch vụ và đầu tư.
RCEP được bắt đầu đàm phán từ tháng 5 năm 2013, gồm 10 nền kinh tế ASEAN (Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) và 6 đối tác thương mại tự do của ASEAN (Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc).
Dự kiến RCEP sẽ giúp ​​hội nhập kinh tế khu vực thêm sâu rộng, và tạo ra một khối thương mại khu vực lớn nhất thế giới, chiếm gần 45% dân số thế giới với tổng GDP đạt 21,3 nghìn tỷ USD.
RCEP bao gồm các lĩnh vực hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, hợp tác kinh tế và kỹ thuật, cạnh tranh và sở hữu trí tuệ. Lợi ích của Ấn Độ nằm chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ, loại bỏ các rào cản kỹ thuật đối với thương mại (chẳng hạn như các biện pháp SPS), và thương mại các sản phẩm như dược phẩm và hàng dệt may.

Nguồn: hoinhap.org.vn

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710709807