Thứ sáu, 19-4-2024 - 16:45 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Đàm phán RCEP: các ngành công nghiệp sẽ hưởng lợi?  

 Thứ ba, 24-10-2017

AsemconnectVietnam - Vòng 20 của tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác hợp tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - Thỏa thuận thương mại với sự tham gia của 16 quốc gia - đã bắt đầu tại Seoul, Hàn Quốc vào đầu tuần này. Mục tiêu của vòng thảo luận lần này nhằm tiến đến sự đồng thuận về nội dung của RCEP vào cuối năm nay, qua đó các bên tham gia có thể nhanh chóng hưởng được những lợi ích do Hiệp định mang lai. Tuy nhiên, sự bế tắc trong quá trình phê chuẩn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do sự rút lui của Hoa Kỳ vào đầu năm nay đã làm chậm lại quá trình đàm phán RCEP.

Việc kết thúc nhanh tiến trình thảo luận về RCEP không còn quá cấp thiết đối với các quốc gia tham gia đàm phán gồm 10 nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc, New Zealand và Ấn Độ. Câu hỏi là liệu chậm trễ trong việc tiến đến sự đồng thuận về nội dung của RCEP có mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp Ấn Độ hay không? Để trả lời câu hỏi vừa nêu cần đánh giá những lợi ích mà ngành công nghiệp Ấn Độ thu nhận được sau khi nước này ký kết và thực thi các Hiệp định thương mại tự do.
Các Hiệp định thương mại tự do và đối tác toàn diện kinh tế mà Ấn Độ đã ký kết bao gồm Hiệp định giữa nước này với ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, lần lượt vào các năm 2009, 2011. Các thỏa thuận vừa nêu, nằm trong chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ và hiện nay được đổi thành “Đông tiến”, đã không mang lại lợi ích rõ rệt cho ngành công nghiệp nước này trong vấn đề tiếp cận thị trường.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên. Tuy vậy nguyên nhân cụ thể gây cản trở cho các công ty Ấn Độ trong việc tiếp cận thị trường các quốc gia khác bao gồm, sự thiếu hiểu biết trong việc tận dụng các cơ hội do các FTA mang lại, áp dụng thuế nhập khẩu cao đối với nguyên liệu sản xuất thay vì hàng hóa thành phẩm khiến một số sản phẩm xuất khẩu của Ấn Độ mất đi sức cạnh tranh, quy định khắt khe về tiêu chuẩn và hàng rào pháp lý nội địa tại một số nước châu Á làm nản lòng các công ty đất nước Nam Á khi họ muốn chuyển hướng sang các thị trường mới tại phương Đông thay vì chỉ tập trung vào các thị trường truyền thống ở phương Tây. Bởi những lý do vừa chỉ ra, việc đàm phán RCEP cần được tiến hành thận trọng trong trường hợp Ấn Độ muốn thông qua Hiệp định này để tiếp cận thị trường của những nước thành viên. Nếu mục đích của quốc gia đông dân thứ hai thế giới liên quan đến Thỏa thuận này chỉ mang ý nghĩa địa-chính trị, thì sự quan tâm và mức độ tham gia của ngành công nghiệp nước này trong thời điểm hiện tại là quá đủ.
Nếu doanh nghiệp Ấn Độ đánh giá quá trình đàm phán RCEP đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo duy trì sức cạnh tranh của nước này tại khu vực châu Á, các doanh nghiệp cần thiết phải cung cấp các dữ liệu thông tin đầu vào mag tính chiến lược cho các quan chức tham gia đàm phán. Ba lĩnh vực chính mà ngành công nghiệp sản xuất của nước này cần phải cung cấp thông tin là mức thuế ưu đãi do các nước thành viên khác áp dụng, đáp ứng quy tắc xuất xứ nhằm đảm bảo hàng hóa Ấn Độ được hưởng ưu đãi thuế, và cuối cùng tăng cường tính minh bạch và hài hòa hóa tiêu chuẩn và quy chuẩn hàng hóa tại 16 quốc gia tham gia đàm phán.
Điều quan trọng nữa là cần có sự hiểu biết toàn diện hơn về quan điểm và cách thức đàm phán của 16 nước thành viên liên quan đến các vấn đề như chống bán phá giá và trợ cấp. Liên quan đến chủ đề thuế, ngành công nghiệp Ấn Độ cần tránh các mục tiêu hạn chế như ngăn cấm hàng nhập khẩu; thay vào đó Ấn Độ nên quan tâm đến biện pháp mở cửa có chiến lược nhằm xây dựng tính cạnh tranh cho quốc gia mình. Muốn vậy Ấn Độ phải xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhằm chấm dứt việc nhập khẩu hàng hóa giá rẻ với chất lượng thấp.
Việc ban hành hệ thống các tiêu chuẩn nghiêm ngặt là chưa đủ, cần thiết phải có một cơ chế đảm bảo thực thi hiệu quả những tiêu chuẩn này trong ngành công nghiệp nội địa của Ấn Độ. Về các vấn đề như quy tắc xuất xứ, doanh nghiệp Ấn Độ nên có đánh giá toàn bộ quy trình sản xuất nhằm đề xuất những nội dung thiết thực giúp các nhà đàm phán nước này hiểu rõ mong muốn của các doanh nghiệp nội địa qua đó cố gắng đạt được những quy định có lợi nhất về xuất xứ hàng hóa giúp mang lại lợi ích cho ngành hàng xuất khẩu của quốc gia Nam Á.
Đàm phán thương mại dịch vụ
Một lĩnh vực khác mà Ấn Độ cần chú ý trong thời điểm đàm phán RCEP hiện tại là đạt được sự đồng thuận với các thành viên khác liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ. Tuy vậy, thái độ thận trọng của 15 thành viên còn lại đối với vấn đề di chuyển lao động có trình độ giữa các nước tham gia Hiệp định theo như đề xuất của các nhà đàm phán Ấn Độ có thể biến chủ đề này thành trở thành một trong những trở ngại để các quốc gia có thể đạt được sự đồng thuận cuối cùng về nội dung Hiệp định.
New Delhi đang gửi thông điệp đến các nước tham gia đàm phán khác rằng việc thiếu tiến triển trong các thảo luận về lĩnh vực dịch vụ có thể kìm hãm những bước tiến trong việc đạt được đồng thuận về thương mại hàng hóa. Ấn Độ đang tìm kiếm cân bằng giữa sự được và mất khi đàm phán về thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ. Doanh nghiệp Ấn Độ có thể cung cấp các tư vấn cho chính phủ về những nội dung về thương mại dịch vụ cần đưa vào Hiệp định. Các công ty của Ấn nên hiểu rằng 50% hàng hóa thành phẩm đều đã bao hàm yếu tố dịch vụ đi kèm, do đó, những nhượng bộ từ các thành viên khác về mở cửa thị trường dịch vụ là rất quan trọng cho sự phát triển nền kinh tế của quốc gia hơn 1 tỷ dân.
Quá trình đàm phán đã có cân nhắc đến những chủ đề mà các doanh nghiệp Ấn Độ nhận thấy có thể mang lại lợi ích lớn cho mình. Dù vậy, vẫn rất cần cộng đồng doanh nghiệp nước này quan tâm góp ý và đề xuất những nội dung đàm phán có tính chất mở rộng hơn, không chỉ bó hẹp đến một số lĩnh vực mà họ đặt quan tâm lớn.

Nguồn: hoinhap.org.vn

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710717323