Thứ sáu, 19-4-2024 - 23:39 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tổng hợp, phân tích hiệp định RCEP trong tháng 8/2017 

 Thứ năm, 31-8-2017

AsemconnectVietnam - Trong tháng 8/2017, tin tức phân tích hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) khá sôi động.

Xuất khẩu 2017: Cơ hội đến từ RCEP không nhiều
Những tác động tích cực của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tới xuất khẩu của Việt Nam không được kỳ vọng nhiều như đã từng có đối với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Mặc dù vậy, nếu khai thác tốt các hiệp định tự do thương mại đã ký kết với các đối tác như ASEAN, Hàn Quốc, EU... thì xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong năm 2017.
2016: xuất nhập khẩu đều tăng chậm
Nhìn chung, bức tranh xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2016 không có nhiều điểm sáng. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 176 tỉ đô la Mỹ, chỉ tăng 8,6% so với năm 2015. Sở dĩ tốc độ tăng trưởng thấp như trên là do giá hàng hóa xuất khẩu bình quân giảm (-1,8%), trong đó nhóm hàng nhiên liệu giảm tới 20,1%, nhóm hàng nông sản - thực phẩm giảm 3,8%.
Về cơ cấu, trong khi xuất khẩu một số mặt hàng gia công, lắp ráp (với tỷ trọng lớn thuộc về các doanh nghiệp FDI) vẫn tăng khá so với năm trước đó (điện thoại và linh kiện tăng 14,4%, dệt may tăng 3,3%, điện tử, máy tính và linh kiện tăng 18,4%...) thì xuất khẩu các mặt hàng nông sản và nguyên liệu thô lại có xu hướng giảm cả về giá và lượng. Cụ thể, dầu thô giá giảm 36,7% (lượng giảm 24,2%), gạo giảm 21,7% (lượng giảm 25,7%), sắn và sản phẩm từ sắn giảm 24,3% (lượng giảm 10,9%).
Nhìn chung, mặc dù có sự cải thiên nhẹ so với năm 2015, nhưng tốc độ tăng của xuất khẩu trong năm 2016 vẫn ở mức khá thấp trong vòng sáu năm qua, thể hiện sự khó khăn của kinh tế thế giới vẫn đang có những tác động tiêu cực nhất định tới xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt ở khía cạnh giá các mặt hàng nguyên liệu thô và nông sản.
Ngoài ra, một điểm đáng quan ngại là hoạt động xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế nói chung của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI (chiếm đến 70%). Điều này sẽ khiến cho Việt Nam luôn ở trạng thái bị động và dễ tổn thương khi các yếu tố ngoại quan thay đổi.
Điển hình, vụ sản phẩm Galaxy Note 7 của Samsung bị thu hồi và tạm ngừng sản xuất hồi đầu quí 4-2016 đã phần nào khiến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện trong năm 2016 thấp hơn hẳn năm 2015 (14,4% so với 30%), qua đó ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nói chung (dù mức độ không quá lớn).
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu năm 2016 ước đạt 173,3 tỉ đô la Mỹ, chỉ tăng 4,6% so với năm 2015 (thấp hơn nhiều mức tăng 12% trong năm 2015). Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2016 đạt 183 tỉ đô la Mỹ, tăng 10,5% so với năm 2015 (vẫn thấp hơn mức tăng 18,9% của năm 2015).
Sự sụt giảm trong tốc độ tăng trưởng nhập khẩu diễn ra ở cả nhóm hàng tư liệu sản xuất và tiêu dùng (năm 2016 chỉ lần lượt tăng 4,4% và 6,8% so với mức tăng 12,3% và 10,4% của năm 2015). Kim ngạch nhập khẩu tăng ít đi phần nào phản ánh nhu cầu sản xuất phục vụ cho xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước năm 2016 có xu hướng chậm lại so với năm 2015.
Với kim ngạch xuất nhập khẩu như trên, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt mức xuất siêu 2,68 tỉ đô la Mỹ trong năm vừa qua.
Tuy nhiên, điểm cần lưu ý là mức thặng dư thương mại có được này chủ yếu nhờ nhập khẩu tăng thấp chứ không phải do xuất khẩu khởi sắc. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập siêu lớn nhất của nước ta với 28 tỉ đô la Mỹ trong năm 2016 dù mức nhập siêu từ thị trường này đã giảm 15% so với năm 2015.
Trong khi đó, nhập siêu từ Hàn Quốc tăng 8%, nhập siêu từ ASEAN tăng 12,5%. Hai thị trường vẫn giữ được mức xuất siêu lớn là Mỹ với 29,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 14,8% so với năm 2015; EU là 22,9 tỉ đô la Mỹ, tăng 12,3%.
2017: Cơ hội đến từ các hiệp định thương mại đã ký kết
Xuất khẩu năm 2017 được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng do thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta là Mỹ (chiếm khoảng 20%) dự kiến vẫn có mức tăng trưởng kinh tế tốt và là đầu tàu của kinh tế thế giới. Mặc dù vậy, sự đình trệ của Hiệp định TPP dưới thời Tổng thống Donald Trump đã ảnh hưởng không nhỏ tới triển vọng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ, đặc biệt đối với mặt hàng dệt may.
Hiện Việt Nam, với tư cách là một thành viên của ASEAN, cũng đang tham gia vào quá trình đàm phán Hiệp định RCEP. Tuy nhiên, cho dù có sớm hoàn tất quá trình đàm phán và ký kết ngay trong năm 2017 thì RCEP cũng khó có thể thay thế được TPP ở kỳ vọng thúc đẩy xuất khẩu cho Việt Nam do tình trạng trùng lặp về các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của các nước thành viên.
Về cơ bản, các thành viên tham gia hai hiệp định TPP và RCEP khá tương đồng nhau, chỉ khác ở chỗ ngoài ASEAN, Nhật Bản, Úc, New Zealand thì TPP bao gồm thêm Mỹ, Canada, Chile, Peru, Mexico; còn RCEP có thêm Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc.
TPP không được thực thi đồng nghĩa với việc Việt Nam mất đi cơ hội tiếp cận sâu hơn với các thị trường ở Bắc Mỹ, trong đó chủ yếu là Mỹ. Năm 2016, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 38,1 tỉ đô la Mỹ, chiếm tỷ trọng 21,6%.
Trong khi đó, RCEP mang đến cho Việt Nam thêm cơ hội tiếp cận các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc. Trong năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu sang ba thị trường này là 36 tỉ đô la Mỹ, tương đương tỷ trọng 20,4%.
Tuy nhiên, cần lưu ý RCEP là hiệp định thiên về đồng bộ và hài hòa hóa các FTA đã ký giữa ASEAN và các đối tác khác ngoài khối, do vậy ý nghĩa cắt giảm thuế quan trên thực tế đã được thực thi dựa trên các FTA đã có hiệu lực.
Riêng đối với Hàn Quốc thì Việt Nam cũng đã có một FTA song phương, trong đó nhiều dòng thuế đã được cắt giảm. Thêm vào đó, đối với các đối tác trong RCEP, Việt Nam phần nhiều ở vị thế nhập siêu, đặc biệt đối với Trung Quốc (khác với việc Việt Nam luôn có thặng dư với Mỹ trong TPP). Vì vậy, có nhiều nguy cơ Việt Nam sẽ gia tăng nhập siêu nếu RCEP được thực hiện.
Vì những lý do trên, những tác động tích cực của RCEP tới xuất khẩu của Việt Nam không được kỳ vọng nhiều như đã từng có đối với Hiệp định TPP. Mặc dù vậy, nếu khai thác tốt các hiệp định tự do thương mại đã ký kết với các đối tác như ASEAN, Hàn Quốc, EU... thì xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong giai đoạn tới.
 
Cuộc họp RCEP vào tháng 9 có khả năng thảo luận đề xuất của Ấn Độ về thỏa thuận dịch vụ
Dưới áp lực của các cuộc đàm phán thương mại về hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Ấn Độ đã đưa ra một đề xuất đưa thỏa thuận dịch vụ trong hiệp định thương mại tự do song phương Australia và New Zealand làm cơ sở cho thỏa thuận dịch vụ trong hiệp định RCEP. Theo một quan chức của Bộ Thương mại Ấn Độ, các đề xuất trong vòng đàm phán ở Hyderabad hồi tháng trước chắc chắn sẽ được đưa ra thảo luận trong tháng 9 tới tại cuộc họp Bộ trưởng RCEP ở Philippines.
RCEP là một nhóm gồm 10 thành viên từ các nước ASEAN, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, bắt đầu đàm phán kể từ tháng 5 năm 2013. Asean là viết tắt của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. RCEP sẽ thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, hướng đến việc thành lập khối thương mại lớn nhất khu vực trên thế giới, chiếm gần 45% dân số thế giới với tổng sản phẩm quốc nội kết hợp là 21.300 tỷ USD. Hiệp định thương mại chặt chẽ hơn giữa Australia và New Zealand (CER) chỉ rõ việc tự do hóa các ngành dịch vụ theo bốn phương thức khác nhau. "Chúng tôi tin tưởng rằng nó có thể là một mẫu lý tưởng để đàm phán thỏa thuận dịch vụ trong RCEP", trích lời của cựu quan chức cho biết.
Trước đó, tại cuộc họp cấp Bộ trưởng RCEP lần thứ ba tại Hà Nội hồi tháng 5, Ấn Độ đã yêu cầu các nước thành viên RCEP ít nhất phải tuân thủ các cam kết đa phương của họ về dòng dịch chuyển các chuyên gia, nhằm nỗ lực bảo vệ chống lại chủ nghĩa bảo hộ ngày càng tăng ở các nước phát triển có thể làm tổn thương ngành công nghệ thông tin của Ấn Độ. Thay đổi vị thế của Ấn Độ từ vị trí trước đây trong việc tìm kiếm thị trường lớn hơn trong khuôn khổ đàm phán dịch vụ của RCEP đã được một số nhà quan sát đánh giá là khá nhanh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Nirmala Sitharaman đã chỉ ra rằng "một phương pháp tiếp cận có chọn lọc, gây tổn hại một số ngành dịch vụ sẽ không có lợi cho các cuộc đàm phán RCEP và các bên sẽ không nhận thức, thúc đẩy và bảo vệ mối quan hệ cùng có lợi hiện tại. Hiện nay, các công ty Ấn Độ hoạt động ở nước ngoài đã tạo ra hơn 100.000 việc làm tại các nước RCEP, tiết kiệm được chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh so với nhiều khu vực khác trên thế giới".
"Rất khó để có được dịch vụ nào riêng biệt trong hiệp định RCEP mà chỉ có thể là một nhóm đa dạng”, ông Rupa Chanda, giáo sư của Học viện Quản lý Ấn Độ-Bangalore, nói: "Với rất ít lợi thế về mặt hàng hóa, Ấn Độ sẽ phải thoát khỏi hiệp định thương mại này ngay trước khi chúng ta bị mất mặt”.
Mặc dù Ấn Độ đã đề xuất loại bỏ thuế quan đối với 80% hàng hóa thương mại nhưng vẫn đang tìm cách để linh hoạt tăng hoặc giảm tỉ lệ này 8 điểm phần trăm. Các nước khác đang tìm cách tăng mức cắt giảm lên 92% hàng hóa mà Ấn Độ cho là không khả thi khi Trung Quốc đang là một bên của các cuộc đàm phán mà Ấn Độ có thâm hụt thương mại trị giá 50 tỷ đô la. Ngành công nghiệp Ấn Độ lo ngại rằng một mức cắt giảm thuế quan cao hơn đối với Trung Quốc có thể dẫn đến việc Ấn Độ bị thua thiệt trong kinh doanh và mất khả năng cạnh tranh của mình. Ấn Độ hiện đang đề nghị mức cắt giảm thuế khoảng 72% cho hàng hóa Trung Quốc trong một khoảng thời gian 20 năm.
Ấn Độ, RCEP và Hiệp ước Internet của WIPO: Thời gian để suy nghĩ lại
Có nhiều lập luận cho rằng các điều ước không phù hợp với các nước đang phát triển không nhất thiết phải áp dụng cho Ấn Độ.
Kết quả các các cuộc đàm phán gần đây của hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) ở Hyderabad đã gây ra sự phản ứng đáng kể từ dư luận xã hội về tính chất không rõ ràng của các cuộc đàm phán cũng như các vấn đề cơ bản.
RCEP là một hiệp định thương mại tự do mậu dịch lớn giữa 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và sáu quốc gia khác có đã có các hiệp định thương mại tự do với ASEAN. Được coi là một thay thế khả thi đối với hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), RCEP cũng là một công cụ để Ấn Độ thực hiện chính sách Đông Nam Á, một sáng kiến ​​chiến lược nhằm tăng cường ảnh hưởng ở Đông Nam Á.
Chương sở hữu trí tuệ (IP) bị rò rỉ thông tin của RCEP cho thấy mối đe doạ hiện nay đối với các biện pháp bảo vệ sức khoẻ công cộng của Ấn Độ đã được ghi nhận trong luật bằng sáng chế. Như các nhà hoạt động chăm sóc sức khoẻ đã chỉ rõ, việc đưa các điều khoản này vào văn bản hiệp ước đã bị Ấn Độ gay gắt phản đối. Tuy nhiên, không phải mọi khía cạnh của chương IP rò rỉ đều không có lợi cho Ấn Độ.
Một điều đặc biệt là RCEP quy định các nước thành viên cần tham gia Hiệp định bản quyền WIPO và Hiệp định về biểu diễn và thu âm của WIPO (gọi chung là các điều ước Internet của WIPO) làm tiền đề cho việc ký kết RCEP. Các điều ước Internet của WIPO đưa ra một khuôn khổ quốc tế để ngăn ngừa việc truy cập và sử dụng trái phép các tác phẩm sáng tạo trên Internet và các mạng kỹ thuật số khác và đã được các quốc gia thành viên của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) thông qua vào năm 1996 để giải quyết những thách thức do tiến bộ trong công nghệ thông tin, đặc biệt là Internet.
Ấn Độ không phải là người ký kết các điều ước Internet của WIPO mặc dù nước này đã sửa đổi đáng kể luật bản quyền năm 2012 để tuân thủ các điều ước nhưng đến nay đã vẫn chưa phê chuẩn. Các tổ chức xã hội Ấn Độ thường xuyên phản đối các điều ước này với lý do rằng đó là TRIPS + (TRIPs – các vấn đề liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ là một hiệp định của WTO, mà Ấn Độ là một bên) và do đó không phù hợp với một nước đang phát triển như Ấn Độ.
Điều này bỏ qua thực tế là giá trị cốt lõi của TRIPS là một hiệp ước "tiêu chuẩn tối thiểu" và các nước không bao giờ có ý định cập nhật bất kỳ quy định sở hữu trí tuệ quốc tế hiện có. Trọng tâm chính của TRIPs là về thực thi quyền sở hữu trí tuệ (các vấn đề về thủ tục), chẳng hạn như vi phạm và bồi thường. Điều này chủ yếu là do các cuộc vận động tích cực của các hãng dược phẩm và các ngành dựa trên bản quyền sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ đã thành công trong việc đưa ra trường hợp sản phẩm của họ bị vi phạm bản quyền ở các nước đang phát triển và do đó họ cần các biện pháp pháp lý nhanh hơn trong các nước khác nhau để bảo vệ các sản phẩm. Vì lý do này, một số điều khoản liên quan đến bản quyền quan trọng đã bị bỏ quên trong TRIPS, vì mục tiêu chính là liệt kê các điều khoản cơ bản (như một phương tiện tập trung vào việc thực thi IP), các chi tiết còn lại đưa vào trong các công cụ pháp lý chuyên biệt dưới sự bảo trợ của WIPO.
Do đó, mặc dù Internet manh nha trong năm 1994 (năm TRIPS được thông qua), người ta nghĩ rằng tốt nhất nên để Internet bên ngoài thỏa thuận này. Điều này là do không thể mở lại các cuộc đàm phán TRIPS để giải quyết những sự phát triển này. Điều này cũng đúng với các quyền của các tổ chức phát sóng. Điều 14.3 của TRIPS chỉ bảo vệ truyền thanh truyền thống chống lại nạn cướp tín hiệu mặc dù cáp đã là một công nghệ phổ biến vào thời điểm đó. Để đối phó với những tiến bộ công nghệ này, các quốc gia thành viên của WIPO cũng đang làm việc song song với các cuộc đàm phán TRIPS để tạo ra một công cụ bản quyền quốc tế nhằm đối phó với những thách thức đặt ra từ Internet và công nghệ số. Tuy nhiên, tốc độ của nhiệm vụ này do WIPO thực hiện bị chậm vì các lý do không can thiệp vào đàm phán TRIPS. Tuy nhiên, một khi Hiệp định TRIPS đã được thông qua vào năm 1994, WIPO đã đẩy nhanh công việc của mình để giải quyết vấn đề chương bản quyền kỹ thuật số.
Trong một năm rưỡi, một thời gian kỷ lục, cộng đồng quốc tế đã thông qua Hiệp ước Internet WIPO năm 1996. Ấn Độ đã sửa đổi luật bản quyền để tuân thủ các điều ước này chỉ trong năm 2012. Lý do chính cho sự chậm trễ này có thể là do tỷ lệ truy cập internet thấp, chỉ khoảng 1,5% vào năm 1996, khi hiệp ước bắt đầu có hiệu lực. Tuy nhiên, tính đến năm 2016, 34,8% dân số Ấn Độ có quyền truy cập vào các mạng Internet. Do đó, sự lạc hậu về công nghệ là lý do không gia nhập các điều ước trở nên không còn là lý do chính đáng.
Bối cảnh lịch sử này rất quan trọng đối với Ấn Độ để đưa ra một quyết định có tham gia vào các điều ước hay không tiếp tục theo đuổi các cuộc đàm phán RCEP gần đây. Một nghiên cứu độc lập được tổ chức bởi WIPO về tình trạng của ngành công nghiệp nghe nhìn ở một số nước châu Phi, ví dụ như Kenya đã gia nhập các điều ước, có tiềm năng thúc đẩy ngành công nghiệp nghe nhìn trong nước. Điều này có thể bác bỏ những lời than phiền của xã hội về các điều ước không phù hợp với các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, vị thế của Ấn Độ trong cộng đồng bản quyền quốc tế rất khác với các nước đang phát triển khác, một thực tế mà ông Jagdish Sagar, nhà đàm phán chính của Ấn Độ về các điều khoản bản quyền của Hiệp định TRIPS đã chỉ ra. Trong một cuốn hồi ký hàng đầu của ông Sagar về lịch sử đàm phán của Hiệp định TRIPS, không có bất kỳ lời nói nào về vị thế không tương thích của Ấn Độ đối với các vấn đề bản quyền quốc tế. Ông Sagar đã nói rõ rằng "dù các mối quan hệ chính trị của chúng ta với các nước đang phát triển khác liên quan đến nhiều các vấn đề khác nhau thì ngay cả bây giờ, chúng ra vẫn có lợi ích chung với nhiều nước trong lĩnh vực bản quyền.
 
Đàm phán RCEP đứng trước nhiều thách thức  
Đứng về phương diện chính trị, RCEP dường như là nơi tụ hội tốt nhất cho tự do thương mại, nhưng trên thực tế điều này rất khó đạt được vì thành phần, mục đích tham gia của các nước quá khác nhau.
Quan chức thương mại của 16 nước, bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã kết thúc đàm phàn về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) ngày 28/7 tại Hyderabad, miền Nam Ấn Độ.
Về kết quả của hội nghị cũng như những thách thức mà các nhà đàm phán phải đối mặt, ông Sugawara Junichi - nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện nghiên cứu Mizuho, nhận định rằng các quan chức thương mại đã đạt được một số tiến triển vẫn chưa thể tiến tới một thỏa thuận.
Trong đó, trở ngại lớn nhất là vấn đề thuế quan. Trong số những nước tham gia đàm phán RCEP, các nước phát triển bao gồm Nhật Bản, Australia và New Zealand là thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Do vậy, những nước này hướng tới mức độ tự do hóa thị trường cao gần với mức mà TPP dự kiến đạt được.
Mặt khác, những nước mới nổi như Ấn Độ phải đối mặt với sự phản đối của các ngành công nghiệp trong nước. Do đó, lập trường của họ là việc hướng tới mức độ tự do hóa cao như TPP là không thực tế. Những nước tham gia đàm phán RCEP bất đồng về mức hạ thuế quan và thời gian thực hiện những cắt giảm thuế quan đã được nhất trí.
Mặc dù hầu như chưa có thông tin cụ thể, Nhật Bản đang thúc đẩy để đạt được tiến triển trong việc thiết lập luật lệ, nhưng các cuộc đàm phán về nội dung này có vẻ như không diễn ra suôn sẻ.
Lấy ví dụ như vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, TPP cho phép có 8 năm bảo hộ để phát triển dữ liệu dược phẩm. Nhật Bản đang yêu cầu có thời gian bảo hộ tương tự đối với những dữ liệu như vậy trong RCEP.
Nhưng đa số dược phẩm được bán ở các nước mới nổi, trong đó có Ấn Độ, là các loại thuốc gốc (là thuốc tương đương với biệt dược gốc, được sản xuất khi quyền sở hữu công nghiệp của biệt dược đã hết hạn, nhờ đó thường được bán với giá rẻ).
Những nước mới nổi lo ngại rằng thời gian bảo hộ dược phẩm lâu như vậy có thể khiến việc phát triển thuốc gốc chậm trễ, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Đã 4 năm trôi qua để từ khi bắt đầu đàm phán RCEP. Cho đến nay các nhà đàm phán đã có 19 cuộc thảo luận.
Mục tiêu của họ là đạt được thỏa thuận tổng quát trước cuối năm nay, nhưng trên thực tế, điều đó phụ thuộc vào việc các nước tham gia đàm phán có thể đạt được đột phá như thế nào trong cuộc họp cấp bộ trưởng dự kiến diễn ra vào tháng 9/2017.
Theo ông Junichi, Nhật Bản hy vọng đạt được một thỏa thuận gần nhất có thể với TPP để đem lại lợi ích cho các công ty Nhật Bản, nhưng nếu Nhật Bản cứ cứng nhắc theo đuổi yêu cầu của mình, các nước mới nổi có thể sẽ không còn hăng hái. Và điều đó sẽ khiến việc ký kết thỏa thuận này thậm chí còn khó khăn hơn.
Ông Junichi cho rằng Tokyo nên tìm cách thỏa hiệp với các nước mới nổi, trong bối cảnh chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump đang nghiêng về phía chủ nghĩa bảo hộ. Để thúc đẩy thay đổi chính sách đó, Nhật Bản được trông đợi đóng vai trò dẫn đầu để sớm ký kết RCEP.
RCEP là hiệp định thương mại tự do với hơn 3,5 tỷ dân, hướng tới mục tiêu hình thành quan hệ đối tác toàn diện giữa ASEAN và 6 nước đối tác đã có FTA với ASEAN bao gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand.
Các nước thành viên của RCEP chiếm tới 24% GDP toàn thế giới và 28% thương mại toàn cầu. Vì vậy, hiệp định này hứa hẹn mang lại những cơ hội lớn cho các quốc gia thành viên, nhất là các quốc gia có mức độ phát triển thấp.
Trong khi đó, giới quan sát cho rằng đang tồn tại cuộc ganh đua nhằm tạo dựng khuôn khổ của RCEP, khi Trung Quốc và Nhật Bản có cách nhìn khác nhau về thỏa thuận thương mại này. Theo tờ Financial Times, Bắc Kinh muốn đẩy nhanh đàm phán RCEP, còn các quan chức Nhật Bản và ASEAN lại cho rằng RCEP không nên để cho Trung Quốc dẫn dắt.
Có ý kiến đánh giá rằng RCEP là một thỏa thuận thương mại “chất lượng thấp", do các điều khoản chỉ tập trung vào việc giảm thuế giữa các nước trong ASEAN và các nước láng giềng của khối. Nhật Bản và Australia muốn có một thỏa thuận thương mại "chất lượng cao" bao gồm cả các lĩnh vực như dịch vụ - đầu tư.
Những quan điểm trái ngược trên đã dẫn tới một cuộc ganh đua giữa một bên là Nhật Bản, Australia và bên kia là Trung Quốc trong việc tạo ra một thỏa thuận có khả năng kiến tạo khuôn mẫu thương mại toàn cầu, hội nhập kinh tế tại khu vực đông dân nhất thế giới và khiến các chuỗi cung ứng của khu vực này trở nên cạnh tranh hơn.
Xét trên khía cạnh khác, sự tham gia của Ấn Độ vào RCEP cũng là một câu hỏi lớn, do New Delhi có những mối quan tâm khác nhau đối với các nước tham gia RCEP. Chẳng hạn như Ấn Độ có thể miễn cưỡng để cho các nhà sản xuất Trung Quốc có được những điều khoản nhập khẩu giống như các nước ASEAN áp dụng cho Trung Quốc, để nhắm tới những cơ hội tăng cường thương mại dịch vụ tại các nước ASEAN.
Bên cạnh đó, nếu như thỏa thuận RCEP đạt được, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể có những lợi thế hơn để tiến vào thị trường ô tô của Việt Nam, và đó cũng là điều mà Mỹ từng nhắm tới khi tham gia TPP. Trong kịch bản này, Nhật Bản và Australia hy vọng các công ty của Mỹ có thể tăng sức ép lên chính quyền của Tổng thống Donald Trump để Mỹ cân nhắc và quay trở lại với TPP.
Rajiv Biswas, nhà kinh tế tthuộc IHS Global Insight tại Singapore, cho rằng mặc dù đứng về phương diện chính trị thì RCEP dường như là nơi tụ hội tốt nhất cho tự do thương mại, nhưng trên thực tế điều này rất khó đạt được vì thành phần, mục đích tham gia của các nước quá khác nhau.
 
Thúc đẩy sớm hoàn tất Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực  
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Quyền Thủ tướng Australia Banarby Joyce cùng các Bộ trưởng nhất trí tăng cường hợp tác với các nước nhằm tìm hướng đi phù hợp cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thúc đẩy sớm hoàn tất Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Từ ngày 19 - 28/7/2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (BCĐLNKT) đã có chuyến công tác tại Indonesia, Australia và New Zealand.
Chuyến thăm đầu tiên của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trên cương vị Trưởng Ban BCĐLNKT đã thành công tốt đẹp, góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế và thắt chặt quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnhh vực giữa Việt Nam và các nước trong thời gian tới.
Trong chuyến công tác của Phó Thủ tướng tại Australia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã hội đàm với Quyền Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Australia Barnaby Joyce; làm việc với các Bộ trưởng: Thương  mại, Ngoại giao, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề nội các, môi trường và di sản bang New South Wales, phát biểu tại Diễn đàn Đối thoại Doanh nghiệp Việt Nam - Australia.
Quyền Thủ tướng Australia, ông Barnaby Joyce, đánh giá cao Việt Nam với tư cách là một quốc gia đang phát triển năng động và có vai trò tích cực ở khu vực Đông Nam Á, khẳng định dành ưu tiên cao cho quan hệ với Việt Nam và mong muốn thúc đẩy quan hệ hai nước lên tầm cao mới.
Hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước tăng trung bình 4,7%/năm giai đoạn 2010-2016. Trong các năm qua, Australia liên tục là thị trường xuất siêu của Việt Nam, giá trị xuất siêu năm 2016 đạt 473 triệu USD, đưa Australia lên vị trí thứ 7 trong các đối tác thương mại chủ chốt của Việt Nam.
Các mặt hàng có nhiều triển vọng để tăng cường xuất khẩu vào Australia gồm, thủy sản (tôm tươi nguyên con), dệt may, giày dép, nông sản (hạt điều, hạt tiêu, cà phê, trái cây tươi), sản phẩm điện tử, sản phẩm gia dụng (sản phẩm điện gia dụng, đồ nội thất, đồ nhà bếp, trang trí nội thất...), vật liệu xây dựng, sản phẩm sắt thép, đồ chơi, dụng cụ thể thao.
Tại các cuộc hội đàm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Quyền Thủ tướng Australia Banarby Joyce cùng các Bộ trưởng khẳng định quyết tâm thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư sâu rộng hơn nữa, nâng cao kim ngạch thương mại hai chiều, tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực hai bên có lợi thế bổ sung cho nhau như nông nghiệp, giáo dục, hạ tầng cơ sở, công nghệ sáng tạo...; nhất trí giao các bộ, ngành liên quan của hai nước xây dựng các nội dung cụ thể để thiết lập cơ chế đối thoại ở cấp Bộ trưởng trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, hướng tới việc hình thành quan hệ Đối tác Kinh tế trong thời gian tới.
Quyền Thủ tướng Banarby Joyce và Bộ trưởng Thương mại Steven Ciobo khẳng định, Australia sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác Việt Nam để hỗ trợ các mặt hàng trái cây nhiệt đới, tôm nguyên liệu không qua chế biến đáp ứng điều kiện nhập khẩu vào Australia. Đặc biệt, Quyền Thủ tướng Banarby Joyce đã ủng hộ đề xuất tạo thuận lợi cho Việt Nam sớm xuất khẩu tôm tươi nguyên con và trái thanh long vào thị trường này.
Liên quan đến hợp tác kinh tế đa phương, hai bên đều nhấn mạnh sự cần thiết của việc thúc đẩy các mối liên kết kinh tế, thương mại ở khu vực thông qua các Hiệp định thương mại tự do; nhất trí tăng cường hợp tác với các nước nhằm tìm hướng đi phù hợp cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thúc đẩy sớm hoàn tất Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
 
Nguồn: Asem/WTO/Bloomberg…
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710724470