Thứ năm, 18-4-2024 - 18:51 GMT+7  Việt Nam EngLish 

RCEP: Khi thương mại đáp ứng đủ nhu cầu cấp bách của thế giới 

 Thứ hai, 8-5-2017

AsemconnectVietnam - Thương mại toàn cầu cần một vũ khí để chống đỡ sự nổi lên chủ nghĩa bảo hộ và phong trào chống toàn cầu hóa. Trong trường hợp này, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chính là lựa chọn tốt nhất.

Việc thúc đẩy nhanh hiệp định thương mại tự do mức độ khu vực nêu trên chứng tỏ Châu Á đang bộc lộ sự ủng hộ đối với tự do hóa thương mại vốn mang lại nhiều lợi ích cho cả vùng, đồng thời củng cố thêm niềm tin về  toàn cầu hóa.
Việc tổng thống Mỹ Trump quyết định rút khỏi Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ba ngày sau khi nhậm chức là một đòn giáng mạnh mẽ đối với 11 nước thành viên còn lại trong điều kiện các lãnh đạo của những nước này đã vận dụng đáng kể vốn chính trị của họ trong quá trình đàm phán. Tuy nhiên, kết quả trên vẫn không làm suy giảm mục tiêu tăng cường hội nhập kinh tế của Châu Á.
Tháng 03/2017, các quan chức cao cấp thuộc các nước ngoài khối TPP (Trung Quốc, Hàn Quốc và Colombia) đã tham gia cuộc họp về TPP tại Chile. Điều này cho phép các chuyên gia thương mại dự đoán về một thỏa thuận thậm chí còn rộng hơn TPP: đó là Khu vực Thương mại tự do Châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Tuy nhiên, tình hình biến động toàn cầu diễn biến phức tạp nên khả năng này cũng khố xảy ra. Thay vào đó, RCEP là ứng cử viên sáng giá nhất cho một siêu FTA đầy tham vọng.
Triển vọng của 11 quốc gia TPP còn lại
Ban đầu, hiệp định này được khởi xướng bởi bốn nền kinh tế nhỏ (Singapore, Brunei, Chilê và New Zealand) và ít gây chú ý. Khi Tổng thống Mỹ Bush quyết định tham gia vào TPP nhằm khôi phục thoả thuận này thì Mỹ cũng đồng thời thu hút thêm 7 nước khác (Úc, Peru, Việt Nam, Malaysia, Mexico, Canada và Nhật Bản) cùng tham gia.
Lý do mà các quốc gia nhận lời gia nhập TPP chính là lợi thế tiếp cận thị trường lớn nhất thế giới, ngoài ra Nhật Bản và Việt Nam cũng hy vọng hiệp định này có thể kiềm chế được Trung Quốc.
Tuy nhiên, nếu không còn Mỹ, TPP sẽ sụp đổ. Hiện tại, các thành viên TPP đang chia thành hai trường phái sau khi Mỹ rút lui: tiếp tục TPP không còn Mỹ hay hợp tác với Trung Quốc? Ban đầu, Nhật Bản - thị trường lớn nhất trong số các nền kinh tế còn lại - còn lưỡng lự trong việc duy trì “TPP 11”.
Mặc dù Tokyo đã thay đổi lập trường, nhưng khả năng đạt được đồng thuận chỉ vài tháng thời hạn thông qua  (02/2018) là khá thấp, đặc biệt đối với các nước như Việt Nam và Malaysia.
TPP không thể thiết lập một tiêu chuẩn mới trong thương mại và đầu tư nếu không có sự tham gia của hai nền kinh tế lớn nhất khu vực là Hoa Kỳ và Trung Quốc.
RCEP chính là giải pháp mà Châu Á đang cần
Tính mềm dẻo và sự ổn định của RCEP là những gì mà Châu Á đang cần. Đúng là TPP có tiêu chuẩn cao hơn, với tham vọng và độ bao phủ nhiều hơn so với RCEP, song các nhà lãnh đạo thế giới không còn đủ tin tưởng để đánh đổi cái giá quá đắt cho toàn cầu hóa như đã từng làm khi đàm phán TPP. Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu, Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ và chủ nghĩa dân túy mạnh mẽ của Marine Le Pen đã gióng những hồi chuông cảnh báo cho hiện tượng toàn cầu hóa.
Không như TPP, RCEP thừa nhận nhu cầu thực tế khác nhau giữa các thành viên và đưa ra một số quy định khác biệt cho phép 16 quốc gia thành viên của mình linh hoạt trong việc mở cửa nền kinh tế. Phương pháp tiếp cận mang tên 'cách thức ASEAN' trong RCEP đã chứng tỏ đây là cơ chế tạo nên sự đồng thuận tốt nhất trong bối cảnh của châu Á hiện nay. Ngay cả khi TPP thiết lập một tiêu chuẩn dài hạn có tầm nhìn xa trông rộng đi chăng nữa thì cũng không còn khả thi xét ở thời điểm hiện tại.
Cuối cùng, RCEP ít liên quan tới yếu tố chính trị hơn TPP và ASEAN được hoan nghênh tham gia hiệp định này. Trong khi TPP được ví như một đòn chiến lược của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc tại khu vực Châu Á, thì RCEP được coi là một mô hình FTA ASEAN + 1 mở rộng có tác dụng thúc đẩy thương mại và đầu tư trong khu vực. Tất cả các cường quốc trong khu vực - Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ - đều rất thoải mái với vai trò trung tâm của ASEAN, ít nhất là trong hội nhập kinh tế khu vực. Hơn nữa, ASEAN đã ký FTA với cả sáu quốc gia khác và kinh nghiệm của ASEAN trong các cuộc đàm phán thương mại cũng sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình ký kết RCEP.
Thời điểm ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập vào năm 2017, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thuộc các tập đoàn đa quốc gia đang chờ đợi một dấu hiệu rõ ràng để thúc đẩy những hoạt động kinh doanh của họ đồng thời nỗ lực mở rộng ra quy mô quốc tế. Có vẻ RCEP không dễ dự đoán khi hiệp định này đã hai lần bỏ lỡ cơ hội kết thúc đàm phán. Tuy nhiên, thế giới rất cần kết quả minh chứng cho quá trình toàn cầu hóa, và RCEP là lựa chọn tốt nhất.

Nguồn: hoinhap.org.vn

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710697104