Thứ sáu, 19-4-2024 - 22:6 GMT+7  Việt Nam EngLish 

RCEP bước vào thời khắc quan trọng 

 Thứ tư, 19-4-2017

AsemconnectVietnam - Nếu mọi nỗ lực đạt được trong năm nay, RCEP có thể là công cụ hiệu quả để cải thiện bức tranh kinh tế của châu Á.

Tiến sỹ Rebecca Fatima Sta Maria, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) nhận định như vậy trong một bài viết đăng tải trênStar Onlinevừa qua.
Mô hình hội nhập thế kỷ 21
Đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là một trong những bước đi quan trọng về hội nhập khu vực của ASEAN. RCEP sẽ bước vào vòng đàm phán thứ 18 vào tháng 5 tới.
Được khởi xướng vào tháng 11/2012, RCEP nhằm mục đích tăng cường hội nhập kinh tế giữa ASEAN và 6 nước đối thoại (Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và New Zealand). Đã bỏ lỡ qua hai thời hạn hoàn tất thỏa thuận, áp lực cho 16 nước này là phải kết thúc đàm phán trong năm nay. Tuy nhiên, có nhiều nguy cơ khiến RCEP khó đạt được mục tiêu này.
Trong RCEP, sự tham gia của ASEAN và các đối tác đối thoại mang tính sâu rộng hơn dựa trên sự cải thiện đáng kể các hiệp định thương mại tự do hiện có giữa các bên. RCEP cũng được kỳ vọng là một thỏa thuận sống động, cung cấp cơ sở để giải quyết các vấn đề thương mại có thể xuất hiện trong tương lai. Lý tưởng hơn, RCEP có thể là một mô hình thế kỷ 21 cho việc hội nhập giữa các quốc gia trên nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế, chính trị, sắc tộc và văn hoá.
Đặc biệt, với sự những bế tắc của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), RCEP do ASEAN làm trung tâm có thể là một hiệp định cần thiết nhằm chống lại chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng, cản trở quá trình hội nhập cũng như lợi ích của tự do đi lại, hàng hóa và dịch vụ.
Động lực cho sự thay đổi
Chắc chắn, các bên liên quan đều ý thức được lợi ích từ hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng và RCEP không đơn thuần là một FTA bao gồm các yếu tố truyền thống về tiếp cận thị trường đối với hàng hoá và dịch vụ, đầu tư.
Tại một hội nghị bàn tròn gần đây do Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) tổ chức, các nhà kinh tế khẳng định rằng RCEP là động lực cho sự thay đổi. Trong bối cảnh phát triển kinh tế toàn cầu và những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, một RCEP hướng tới tương lai cần phải nhận ra và tiếp cận các yếu tố thuận lợi hóa thương mại, quyền sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, công nghệ sản xuất mới, giải quyết những vấn đề phát triển khác. Nếu mọi nỗ lực đạt được, RCEP có thể là công cụ hiệu quả để cải thiện bức tranh kinh tế châu Á.
Để tránh đi phải “vết xe đổ” của TPP với những điều khoản mang tính tham vọng, RCEP cần phải hướng tới tăng trưởng cân bằng và bền vững. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) vào chuỗi giá trị toàn cầu; sử dụng hợp tác kinh tế và kỹ thuật để tiếp tục nâng cao năng lực của SMEs; tập trung tạo thuận lợi cho thương mại.
Trước mắt, các bên đàm phán cần hướng tới các quy tắc hỗ trợ cạnh tranh (trong các lĩnh vực mua sắm của chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước). Song song với các cuộc đàm phán, các bên, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển và kém phát triển, phải xem xét các chính sách điều chỉnh ở cấp quốc gia, bao gồm cơ sở hạ tầng, giáo dục và phát triển kỹ năng để chuẩn bị tận dụng những ưu tiên đang đàm phán. Các bên cũng cần nỗ lực liên tục về cải cách quy định và quản lý các biện pháp phi thuế quan.

Nguồn: hoinhap.org.vn

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710722880