Thứ tư, 24-4-2024 - 9:39 GMT+7  Việt Nam EngLish 

TPP và RCEP - Tương lai phát triển kinh tế của châu Á 

 Thứ ba, 29-7-2014

AsemconnectVietnam - Các nhà đàm phán thương mại của 16 nước châu Á vừa gặp nhau tại Singapore để tiếp tục đàm phán hiệp định thương mại lớn nhất thế giới từ trước đến nay nhưng hiệp định họ đang đàm phán không phải là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

 
Đó là hiệp định ít nổi tiếng hơn, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Theo một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nhật Bản Masaki Yasushi, vòng đàm phán phán RCEP vừa qua đã đạt được tiến bộ lớn trong việc xác định các quy tắc chung về cắt giảm và loại bỏ thuế quan. Các nước tham gia đàm phán RCEP có kế hoạch tổ chức cuộc họp Bộ trưởng thương mại ở Miến Điện vào cuối tháng 8 và một cuộc họp Bộ trưởng nữa tại Ấn Độ vào tháng 12 năm nay.
RCEP là gì? Đó là một hiệp định thương mại toàn khu vực được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khởi xướng tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á năm 2012, phần lớn nhằm mục đích thay thế cho TPP. Nếu được thông qua, RCEP sẽ tích hợp toàn bộ khu vực châu Á thành một khối kinh tế lớn nhất thế giới.
ASEAN, một tổ chức gồm mười quốc gia đang phát triển nhỏ nằm cạnh Trung Quốc và các nền kinh tế tiên tiến hơn trong khu vực Đông Bắc Á, đã đạt được một tuyên bố đồng thuận trong năm 2007 về thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015.


Sự trỗi dậy của Trung Quốc, xoay trục của Mỹ và nguồn gốc của RCEP


Quá trình công nghiệp hóa
nhanh chóng của Trung Quốc trong ba thập kỷ qua đã làm thay đổi toàn bộ khu vực châu Á, biến nơi đây thành một công xưởng tổng hợp rất lớn với Trung Quốc là trung tâm và sản xuất cho toàn thế giới. Ví dụ, linh kiện điện tử, công nghệ thông tin và các thành phần khác được sản xuất tại Malaysia và Thái Lan, sau đó được vận chuyển đến Trung Quốc lắp ráp thành sản phẩm cuối cùng rồi từ đó xuất khẩu sang Mỹ và phần còn lại của thế giới. Một mặt, tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ khu vực, tăng cường hội nhập nhưng mặt khác cũng làm khu vực dễ bị tổn thương trước những rủi ro vì sự phụ thuộc vào nền kinh tế của Trung Quốc và trước những biến động của thị trường toàn cầu. Nói cách khác, sự suy giảm nhu cầu tiêu dùng ở Phương Tây có thể gây ra tình trạng trì trệ ở Trung Quốc, dẫn tới một cuộc suy thoái kinh tế toàn khu vực.
Lo ngại bị hòa tan vào nền kinh tế của Trung Quốc, nước đang phát triển nhỏ hơn ở Đông Nam Á đã liên kết với nhau với nhau để bảo vệ và thúc đẩy lợi ích kinh tế của mình. Như một khối kinh tế, ASEAN đàm phán song phương với Trung Quốc và các cường quốc kinh tế khác trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand và từng bước xây dựng một mạng lưới các hiệp định thương mại tự do với ASEAN ở vị trí trung tâm. Vào cuối những năm 2000, ASEAN đã bắt đầu định vị mình như một nhân tố quan trọng, thiết lập tiến độ và tầm nhìn cho hội nhập kinh tế trong khu vực.
Trong khi đó, Mỹ phải đối mặt với nhiều khó khăn của cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất kể từ cuộc Đại suy thoái. Trong nỗ lực hồi sinh nền kinh tế ốm yếu của mình, Mỹ quay sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn, giàu tài nguyên và nhiều cơ hội đầy hứa hẹn. Mỹ không chỉ tìm cách thâm nhập vào thị trường châu Á mà còn nhằm mục đích tập hợp toàn bộ khu vực trong một khuôn khổ kinh tế tân tự do phù hợp với lợi ích của công ty phương Tây. Mỹ cũng muốn đảm bảo vai trò lãnh đạo khối kinh tế này chứ không phải Trung Quốc. Phát biểu trước Quốc hội Úc vào tháng 11/2011, Tổng thống Obama tuyên bố: "Là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới và là ngôi nhà của hơn một nửa nền kinh tế toàn cầu - khu vực châu Á Thái Bình Dương rất quan trọng để đạt được ưu tiên cao nhất của tôi nhằm tạo thêm việc làm và cơ hội cho người dân Mỹ".
Điều này làm nhiều người liên tưởng đến học thuyết “trục châu Á” của Mỹ, sử dụng tất cả sức mạnh quân sự, ngoại giao và kinh tế để đảm bảo vai trò lãnh đạo trong khu vực.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - không chỉ là một sự sắp xếp kinh tế thúc đẩy lợi ích của các công ty và tạo việc làm cho người dân trên cả hai bờ Thái Bình Dương mà còn là một công cụ địa chính trị để làm suy giảm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực và cuối cùng buộc Trung Quốc phải đồng ý với các luật lệ kinh tế của Mỹ. Luật sư Jane Kelsey của New Zealand cho biết, đó là những điều cơ bản Tổng thống Obama đã nói trong cuộc tranh luận bầu cử tổng thống trước ứng cử viên đối thủ Romney trong năm 2012 - "Chúng tôi đang tổ chức các mối quan hệ thương mại với các nước khác ngoài Trung Quốc để Trung Quốc bắt đầu cảm thấy áp lực nhiều hơn về đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế cơ bản. Đó là khả năng lãnh đạo chúng tôi đã thể hiện trong khu vực và chúng tôi sẽ tiếp tục thể hiện. TPP có các quy tắc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nghiêm ngặt, chống lại cạnh tranh không công bằng…nhằm tạo ra một mô hình kinh tế chuẩn mực trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Nhưng ASEAN lo ngại rằng TPP sẽ gây chia rẽ khối và lợi ích của mình bị đặt sang bên lề nên đã đề xuất RCEP vào năm 2012. Trung Quốc cho rằng TPP có thể làm giảm ảnh hưởng của mình trong khu vực nên hoan nghênh đề xuất của ASEAN và tích cực hỗ trợ để tăng tốc độ quá trình đàm phán. Đây là lý do tại sao hiện nay chúng ta không chỉ có một mà hai hiệp định thương mại trong khu vực.

TPP
và RCEP – Hai mô hình khác nhau

Hai hiệp định giống nhau và khác nhau như thế nào? TPP có 12 quốc gia thành viên trên cả hai bên bờ Thái Bình Dương – bao gồm nhóm bốn nước ban đầu (Brunei, Singapore, New Zealand, Chile) cùng với Mỹ, Canada, Mexico, Peru, Australia, Nhật Bản, Malaysia và Việt Nam; Hàn Quốc và Đài Loan đã chính thức công bố mong muốn tham gia. RCEP tập hợp mười nước thành viên ASEAN, cộng với ba nước lớn ở Đông Bắc Á - Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc – bên cạnh Australia, New Zealand và cường quốc phía bên kia của khu vực Ấn Độ.
Cả hai hiệp định có quy mô gần tương đương. Các nước thành viên TPP chiếm 32% GDP của thế giới và 26% thương mại toàn cầu trong khi các nước RCEP chiếm 24% GDP thế giới và 28% thương mại toàn cầu. Mỹ là động lực chính của TPP, trong đó đáng chú ý là TPP không bao gồm Trung Quốc, trong khi RCEP do ASEAN lãnh đạo với sự hỗ trợ tích cực của Trung Quốc, không bao gồm Mỹ. Thời hạn ban đầu để hoàn tất TPP là cuối năm 2013 đã trôi qua và chính quyền Tổng thống Obama đã đưa ra một cam kết mới đạt được hiệp định này vào cuối năm nay. Thời hạn quy định kết thúc đàm phán RCEP là vào cuối năm 2015.
"Các đặc tính của hiệp định RCEP do Trung Quốc và ASEAN dẫn dắt về cơ bản là khác với hiệp định TPP do Mỹ dẫn đầu", luật sư Kelsey cho biết. TPP được mô tả như một hiệp định "cấp cao", có nghĩa là loại bỏ tất cả các loại thuế quan của các loại hàng hóa, không có ngoại lệ và một hiệp định "toàn diện", có nghĩa là bao phủ một phạm vi rộng lớn, nhiều lĩnh vực bao gồm đầu tư, cạnh tranh và sở hữu trí tuệ. RCEP có một cách tiếp cận dần dần với mục tiêu khiêm tốn và phạm vi hạn chế, chủ yếu tập trung vào việc cắt giảm thuế quan. Trong khi TPP không các quy định đặc biệt hoặc khác biệt cho các nước kém phát triển còn RCEP sẽ công nhận "các đặc điểm riêng và hiện trạng khác nhau của các nước tham gia" và có các quy định rất linh hoạt.

Theo Bộ Thương mại và Du lịch Peru, mục đích cuối cùng của TPP là "trở thành cơ sở và phương thức để thiết lập Khu vực thương mại tự do của khu vực Châu Á Thái Bình Dương (FTAAP)" - một khối thương mại khổng lồ sẽ phá bỏ tất cả các rào cản đối với dòng vốn tự do - giống như khu vực thương mại tự do châu Mỹ đã từng được đề xuất nhưng cuối cùng đã thất bại vì sự phản đối của đông đảo người dân tại Mỹ Latinh. Một số học giả cho rằng TPP và RCEP cuối cùng sẽ hội tụ về thành lập FTAAP. Nhưng điều này bỏ qua thực tế là lợi ích của các nước TPP tiên tiến và các nước đang phát triển trong khu vực về cơ bản là mâu thuẫn nhau. GDP bình quân đầu người của các nước TPP phát triển là hơn 30.000 USD. GDP bình quân đầu người của các nước RCEP thấp hơn, ở mức 5.800 USD. Ưu tiên của các nước đang phát triển trong khu vực là khuyến khích thương mại sản xuất, trong khi vẫn bảo vệ không gian chính sách riêng của mình còn mục đích của các nước TPP tiên tiến là mở rộng tiếp cận thị trường cho các lĩnh vực mà họ có lợi thế so sánh như dịch vụ và đầu tư.

L.Giang
Nguồn: bloomberg.com
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710825444