Thứ tư, 24-4-2024 - 22:17 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Việt Nam trong FTA Việt Nam - Liên minh Á - Âu  

 Thứ sáu, 20-5-2016

AsemconnectVietnam - Sau hai năm đàm phán, Việt Nam đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á-Âu. Trước cơ hội quay lại một thị trường đầy tiềm năng, Việt Nam đang có những lợi thế và thách thức nào để tận dụng tốt nhất cơ hội này.

 
Trải thảm đỏ cho xuất khẩu
Sau khi Việt Nam tham gia FTA với Liên minh Kinh tế Á-Âu, hơn 90% dòng thuế về 0%, lợi nhất cho ngành thủy sản, dệt may và da giày.
Khi tham gia hiệp định này, Việt Nam sẽ được ưu đãi xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh như nông sản, dệt may, thủy sản, da giày, đồ gỗ. Trong đó, thuế xuất khẩu thủy sản sẽ được giảm ngay về 0% từ mức 5,63% hiện nay ngay sau khi FTA với Liên minh Kinh tế Á-Âu có hiệu lực.
Đại diện Bộ Công thương Việt Nam cho biết, khi ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh Kinh tế Á-Âu, Việt Nam có nhiều thuận lợi vì các nước thuộc liên minh này đều đã có quan hệ thương mại với Việt Nam.
Theo đó, ngành có lợi thế nhất khi tham gia hiệp định này bao gồm thủy sản, dệt may và da giày. Thủy sản và chế biến giảm thuế 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Ngành da giày cũng hưởng thuế suất 0%. Dệt may có một số nhóm hàng cũng giảm thuế 0%, còn một số khác thì sẽ giảm theo lộ trình 3, 5, 10 năm. Ngoài các ngành trên, nông sản cũng có cơ hội lớn khi nhiều nông sản, nhất là nông sản nhiệt đới được thị trường này yêu thích và nhập khẩu với số lượng lớn, chủng loại đa dạng, phong phú. 
Về tổng thể, các bên tham gia hiệp định dự kiến sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm vào khoảng 90% số dòng thuế, tương đương vào khoảng trên 90% kim ngạch thương mại song phương.
Phía Liên minh Á-Âu cam kết áp dụng mức thuế suất 0% cho tất cả các mặt hàng thủy sản của Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực. Về phần mình, phía Việt Nam cũng đồng ý mở cửa thị trường có lộ trình cho Liên minh này đối với một số sản phẩm chăn nuôi, hàng công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải... Theo Vụ thị trường châu Âu, Bộ Công thương, các mặt hàng này nhìn chung đều không cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam, mà ngược lại còn góp phần làm đa dạng hóa thêm thị trường tiêu dùng trong nước.
Theo đánh giá, sau khi hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên sẽ đạt 10 - 12 tỷ USD vào năm 2020, gần gấp 3 lần so với năm 2014 (đạt khoảng 4 tỷ USD). Theo ước tính của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh này sẽ tăng khoảng 18 - 20% hàng năm.
Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), từ đầu năm 2015 đến nay, số lượng các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam vẫn đang gia tăng, nhằm đón đầu các Hiệp định Thương mại tự do như TPP, FTA Việt Nam - EU, FTA Việt Nam - Hàn Quốc… mà ngành dệt may Việt Nam được nhận định sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
Cùng với ngành dệt may, da giày là một trong những ngành được dự báo là đón nhận được nhiều lợi thế khi các FTA có hiệu lực. Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, có 55,7% doanh nghiệp ngành da giày có đơn hàng xuất khẩu tăng trong quý II năm 2015.
Chông gai phía trước               
Tuy nhiên, đại diện Bộ Công thương cũng bày tỏ lo ngại cho ngành thép Việt Nam sau khi tham gia FTA với các nước Liên minh Á-Âu. Ông cho rằng, ngành thép VN sẽ chịu thách thức lớn và có nguy cơ bị lép vế do phải cạnh tranh với các cường quốc thép lớn nhất nhì thế giới, điển hình là Nga.
Vì thế, Việt Nam chấp nhận mở cửa một phần. Trong quá trình đàm phán, Bộ Công thương đã cân nhắc lợi ích tối đa cho ngành thép trong nước và có những biện pháp bảo hộ về hàng rào thuế quan trong thời gian tới.
Tuy nhiên, về lâu dài, trong công cuộc hội nhập toàn cầu ngành thép buộc phải tự thân vận động. “Mặc dù có dư địa hỗ trợ ngành này trong giai đoạn đầu nhưng về lâu dài, tự bản thân doanh nghiệp thép phải nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Đã hội nhập thì chúng ta phải chơi theo luật quốc tế”, đại diện Bộ Công thương khẳng định.
Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu sang Nga và các nước lân cận với kim ngạch xuất khẩu nông sản 60-90 triệu USD/năm. Theo ông Sitnikov A.T, đại diện thương mại Nga tại Việt Nam, nhu cầu của Nga về hàng nông sản của Việt Nam là rất lớn, tuy nhiên, phía Việt Nam mới đáp ứng được rất ít mà lại thua kém các nước khác về chất lượng nên giá thường rẻ hơn. Ông Sitnikov còn chỉ hướng hợp tác cho các Doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam: “Cà phê VN xuất sang Nga chủ yếu là cà phê đen nên các công ty VN có thể chọn các hình thức hợp tác như thành lập nhà máy chế biến cà phê ở Nga, hoặc liên doanh với các nhà máy sản xuất cà phê hòa tan đang hoạt động tại Nga để tiêu thụ sản phẩm của mình”.
Liên minh Kinh tế Á-Âu (do Nga dẫn đầu) bao gồm Liên bang Nga, CH Belarus, CH Kazakhstan, CH Armenia và CH Kyrgyzstan, với dân số hơn 175 triệu người, tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) 2.500 tỷ USD. Liên minh này thành lập nhằm đa dạng hóa sản phẩm thế mạnh của mỗi nước. Với Việt Nam, mặt hàng chủ lực là nông-lâm-thủy sản, dệt may, da giày, trong khi đó Nga và Belarus mạnh về sản phẩm cơ khí chế tạo.

Nguồn: hoinhap.org.vn

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710843058