Thứ sáu, 19-4-2024 - 2:40 GMT+7  Việt Nam EngLish 

FTA là tín hiệu tốt thắt chặt quan hệ kinh tế Việt Nam - Liên minh Á Âu 

 Thứ hai, 16-5-2016

AsemconnectVietnam - Tháng 5/2015, Việt Nam đã trở thành quốc gia đầu tiên ký thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á-Âu do Nga dẫn đầu, gọi tắt là EAEU. Thỏa thuận thương mại này sẽ có hiệu lực trong năm nay. Hãng thông tấn RBTH đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia về triển vọng thương mại giữa Nga và Việt Nam trong thời gian tới.

 
Ngày 2/5/2016, Tổng thống Nga - Vladimir Putin đã ký đạo luật phê chuẩn thỏa thuận thương mại tự do giữa Liên minh Á-Âu Kinh tế và Việt Nam. Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với khu vực này sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi được tất cả các nước thông qua.
Vào tháng 4/2015, Thủ tướng Nga - Dmitry Medvedev và người đồng cấp Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết quan hệ thương mại Nga - Việt Nam có thể vượt muốc 7 tỷ USD trong năm 2015 và đạt trên 10 tỷ USD đến năm 2020. Các chuyên gia nhận định với Hãng thông tấn RBTH, FTA Việt Nam-EAEU sẽ có lợi cho ngành dệt may và thực phẩm Việt Nam đồng thời mang lại cơ hội cho các nhà sản xuất ô tô Nga.
Vladimir Kolotov - Giáo sư Đại học bang St. Petersburg cho biết Việt Nam đang chứng kiến ​​một sự tăng trưởng ấn tượng trong các ngành công nghiệp sản xuất thực phẩm, điện tử và du lịch. Tuy nhiên, sự hiện diện của Nga trong các lĩnh vực này là tương đối thấp, ông cho biết thêm.
“Chỉ có ba lĩnh vực mà Nga vẫn giữ được ảnh hưởng đáng kể kể từ thời Liên Xô là: công nghiệp dầu khí, phát điện và hợp tác kỹ thuật quân sự”, ông Kolotov nói, “tuy nhiên các lĩnh vực này hiện cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt”.
EAEU tạo cơ hội cho nhà sản xuất xe hơi của Nga
Các nhà sản xuất xe hơi của Nga như AvtoVAZ, KAMAZ, GAZ Sollers (công ty thuộc sở hữu của UAZ) đã bày tỏ sự quan tâm đến thị trường ô tô Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, chiếc xe hơi được sản xuất tại Nga được xuất khẩu sang thị trường Việt Nam là vào đầu tháng 2/2016.
“Trong vòng 10 năm tới, Liên minh kinh tế Âu Á có thể xuất khẩu ô tô và xe tải vào thị trường Việt Nam mà không phải chịu thuế nhập khẩu”, Anton Tsvetov - Giám đốc Truyền thông và Quan hệ Chính phủ thuộc Hội đồng Quan hệ quốc tế của Nga (RIAC) nói.
Ngày 25/2/2016 vừa qua Cục Chất lượng Nông Lâm Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã đưa Nga vào danh sách các nước được phép xuất khẩu thực vật vào Việt Nam. Đồng thời, Nga cũng được quyền xuất khẩu các sản phẩm ngũ cốc và hạt vào Việt Nam.
“Khi Hiệp định thương mại Việt Nam - EAEU có hiệu lực, một số loại phân bón và các sản phẩm nông nghiệp cũng sẽ được miễn thuế thâm nhập thị trường; xuất khẩu hàng may mặc và sản phẩm thực phẩm của Việt Nam vào thị trường EAEU có thể tăng đáng kể”, ông Tsvetov cho biết thêm.
“Nga cần thâm nhập thị trường Việt Nam với các sản phẩm cạnh tranh, tuy nhiên việc đồng rúp không ổn định và thiếu hụt nguồn cung tín dụng đang cản trở những nỗ lực của các công ty Nga”, ông Kolotov nói.
Năm 2015, trong chuyến thăm đến Nga, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết thương mại song phương với Nga sẽ tăng mạnh so với hiện nay sau khi hiệp định thương mại tự do giữa 2 bên được thực thi. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ được lợi từ thỏa thuận này khi thâm nhập được thị trường chung của EAEU với trên 200 triệu dân.
Liên minh kinh tế Á Âu - EAEU, được thành lập vào năm 2014, bao gồm các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ : Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Nga. Hiện tai, EAEU đã khởi các cuộc đàm phán thỏa thuận thương mại tự do với Ấn Độ, Iran, Thái Lan và một vài nước khác.

Nguồn: hoinhap.org.vn

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710703798